Chăm sóc sức khỏe là một đề tài phức tạp và đã gây tốn kém khá nhiều bút mực bàn luận. Tại các quốc gia tân tiến, khá giả, việc chăm sóc sức khỏe là một trong những yếu tố được chính phủ quan tâm và ban hành luật pháp, đặt tiêu chuẩn y tế để bảo vệ quyền lợi dân chúng. Chăm sóc sức khỏe được các quốc gia này đặt lên hàng quốc sách, tương đương với giáo dục.
Tại Hoa Kỳ, sau gần hai thập niên sửa soạn, điều chỉnh, chính sách y tế được nội các Obama phê chuẩn và ban hành qua đạo luật “Affordable Care Act” (gọi tắt là ACA); chính sách này còn trong trứng nước, lưu hành chưa được bao lâu thì chính phủ mới do ông Donald Trump lãnh đạo đã muốn xóa sổ đạo luật ấy.
Những điều hay / dở của ACA đã được phân tích và trình bày rộng rãi, xin tóm tắt vài điểm chính như sau:
1) Bắt buộc mọi cư dân phải mua bảo hiểm;
2) Cho con em dưới 26 tuổi được mua bảo hiểm theo cha mẹ;
3) Hãng bảo hiểm không được lựa chọn khách hàng, phải bán bảo hiểm cho mọi người muốn mua.
Nhìn chung, trên phương diện tài chánh, ACA có lợi cho dân nghèo (được mua bảo hiểm qua sự trợ giúp của chính phủ), không có lợi cho dân trung lưu (phải mua bảo hiểm và mua với giá cao) nhưng không ảnh hưởng chi đến giới nhà giàu.
Gần đây, khi ACA được đưa ra lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ để biểu quyết, Hạ Viện đã bỏ phiếu xóa sổ đạo luật ấy. Dù chịu áp lực nặng nề của nội các chính phủ và chính Tổng Thống Trump, Thượng Viện vẫn bỏ phiếu chống; nghĩa là ACA vẫn còn hiệu lực, và vẫn còn là chính sách y tế chính thức của đất nước này cho đến khi có đạo luật y tế khác thay thế.
ACA không phải là một chính sách y tế mới mẻ, Thụy Sĩ đã có một chính sách y tế tương tự từ năm 1996 và chính sách ấy vẫn đang sống hùng sống mạnh. Câu hỏi là tại sao một chính sách y tế bảo vệ sức khỏe mọi cư dân tương đối tốt đẹp (được con dân Thụy Sĩ nhất nhất ủng hộ) lại chịu phản ứng bất lợi như thế tại Hoa Kỳ?
Một chút về chính sách y tế của Thụy Sĩ: Ðây là một trong những chính sách mệnh danh là “universal healthcare”, một tiêu chuẩn chung về y tế được áp dụng “cho mọi cư dân” trên lãnh thổ ấy. Chính sách này bao gồm các lợi ích về y tế cho mọi cư dân, giúp họ tránh những rủi ro khi đau ốm (ít tốn kém tiền bạc), dễ dàng sử dụng các dịch vụ y tế phòng bệnh cũng như chữa bệnh. Dễ sử dụng dịch vụ, ít tốn kém nên người tiêu thụ không ngần ngại và kết quả là cư dân khỏe mạnh hơn. Tất nhiên, chính sách y tế “cho mọi người” này không cung cấp mọi dịch vụ cho mọi cư dân, nghĩa là không phù hợp với tất cả mọi người nhưng ít ra mọi cư dân đều được chăm sóc theo một tiêu chuẩn đồng nhất, bất kể tầng lớp xã hội.
Mỗi quốc gia theo chính sách y tế “cho mọi người” có một tiêu chuẩn riêng dự trên ba (3) yếu tố chính: cư dân nào được quyền sử dụng; tiêu chuẩn y tế nào được áp dụng; và phí tổn định sẵn là bao nhiêu (trên mức định sẵn này, bệnh nhân sẽ phải trả tiền). Ðiển hình là Canada, theo chính sách y tế “cho mọi người”; các dịch vụ y tế nằm trong chính sách này được chính phủ “bao thầu” (từ tiền thuế dân đóng góp), cư dân không phải trả tiền khi sử dụng. Thụy Sĩ cũng theo chính sách y tế “cho mọi người” nhưng việc mua bảo hiểm y tế bao gồm các dịch vụ “tối thiểu” là điều bắt buộc cho mọi người, công dân cũng như những người trú ngụ (ngay cả người tạm cư từ ba tháng trở lên). Khi chi phí bảo hiểm cao hơn 8% lương bổng thì cư dân sẽ được chính phủ trợ giúp để mua bảo hiểm. Chương trình bảo hiểm y tế “căn bản” (các dịch vụ tối thiểu) được bán tự do trên thị trường với giá định sẵn do chính phủ kiểm soát. Nghĩa là các công ty bảo hiểm không được phép ‘kiếm bạc’ trên các dịch vụ y tế căn bản, thiết yếu nhưng với những dịch vụ y tế “thêm thắt” khác (như bệnh viện tư, phòng bệnh riêng…), các công ty này được tha hồ buôn bán. Tại tỉnh (canton) nào trên lãnh thổ Thụy Sĩ, cư dân cũng có thể mua bảo hiểm y tế với giá tương tự.

Một yếu tố quan trọng khác khiến dịch vụ y tế tại Thụy Sĩ tương đối “đồng nhất” là giá cả; chẳng hạn như giá cả của dịch vụ giải phẫu, bệnh viện nào cũng tính giá như nhau, không chênh lệch nhiều. So với Hoa Kỳ, dịch vụ giải phẫu có giá cả khác nhau khá xa tùy theo địa phương. Thí dụ, theo Healthcare Bluebook, cuộc giải phẫu ghép mạch máu tim CABG tại Hoa Kỳ có chi phí trung bình là 51,271 Mỹ kim, bảng giá này chênh lệch từ 44,824 đến 448,038 Mỹ kim tùy theo địa chỉ! Tạm hiểu là chính phủ Huê Kỳ không kiểm soát giá cả của kỹ nghệ bán dịch vụ chăm sóc sức khỏe, “thả lỏng” cách làm ăn buôn bán của bệnh viện và những dịch vụ y tế.
Theo thống kê năm 2014, giá cả bảo hiểm y tế căn bản mà mọi cư dân Thụy Sĩ đều phải mua là 243 Mỹ kim/ tháng cho người lớn (26 tuổi trở lên); 223 Mỹ kim/tháng cho người “trẻ” (tuổi từ 19-25); và 56.14 Mỹ kim/tháng cho trẻ em (tuổi 0–18). (Dịch vụ y tế “căn bản” tại Thụy Sĩ tương đương với dịch vụ y tế mức “bạc” hay “silver” tại Hoa Kỳ).
Với chi phí bảo hiểm kể trên cư dân Thụy Sĩ không phải trả thêm tiền thăm bệnh khi đau ốm, tai nạn và thai sản. Tuy nhiên khi vào bệnh viện thì bệnh nhân phải trả một số tiền từ 148 – 1,534 Mỹ kim/năm tùy theo thời gian chữa trị.
Công ty bảo hiểm y tế buôn bán tại Thụy Sĩ không được “kỳ thị” hay chọn lựa người mua dựa trên tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe (mang bệnh kinh niên, bị ung thư, hút thuốc lá…) khi bán bảo hiểm y tế căn bản nhưng được phép “lựa chọn” thân chủ cho những món bảo hiểm phụ trợ thêm thắt.
Tất nhiên những người rủng rỉnh tiền bạc tại Thụy Sĩ có thể mua những dịch vụ bảo hiểm “không thiết yếu”, các dịch vụ y tế bên ngoài danh mục “căn bản”, loại bảo hiểm phụ trợ với giá cao hơn như được ở phòng riêng khi vào bệnh viện, mài thẹo cho đẹp da…
Hệ thống y tế của Thụy Sĩ có mục đích chính là chăm sóc sức khỏe cư dân, nâng cao phẩm chất đời sống [khi mạnh khỏe thì cư dân sung sướng hạnh phúc, hài lòng hơn] trong khi vẫn cho phép kỹ nghệ y tế làm ăn buôn bán trong giới hạn định sẵn và nhất là vẫn đòi hỏi trách nhiệm từ mỗi cư dân. Nói giản dị là cư dân, chính phủ và thương gia/kỹ nghệ mỗi thành phần xã hội đều phải chung lưng đóng góp một phần trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe.
Năm 2015, chương trình y tế của Thụy Sĩ chiếm 11.7% Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) (trong khi phí tổn y tế của Hoa Kỳ chiếm 17.6% GDP). Kỹ nghệ chăm sóc sức khỏe của quốc gia ấy bao gồm 17 chuyên viên điều dưỡng và 4 bác sĩ / 1,000 cư dân; một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia giàu có khác. Chính sách y tế của Thụy Sĩ được xem là tốt đẹp nhất nhì thế giới theo sự thẩm định của Liên Âu.
Tốn kém nhiều hơn nhưng y tế vẫn là đề tài nhức đầu của chính phủ và cư dân Huê Kỳ. Những yếu tố nào khiến Huê Kỳ giàu có không hoan hỷ với một chính sách y tế tương tự như chính sách y tế của Thụy Sĩ?
Yếu tố giản dị nhất: Cư dân Huê Kỳ thích tự do, không chịu ép buộc? Người Huê Kỳ thiên về cá nhân hơn là cộng đồng?
Như mọi loại bảo hiểm, sự rủi ro được mọi người [mua] chung lưng chống đỡ, người bình an vô sự trả chi phí cho người kém may mắn khi cần sử dụng dịch vụ. Qua bảo hiểm sức khỏe, người bệnh cần những người [mua bảo hiểm] khỏe mạnh giúp tay trang trải chi phí. Nhưng những người khỏe mạnh tại Huê Kỳ lại không muốn chung lưng đóng góp. Họ lý luận rằng thà đóng tiền phạt mỗi năm, rẻ hơn là tiền mua bảo hiểm y tế và phó mặc rủi ro trong trường hợp gặp tai nạn. Tuy nhiên khi những người không có bảo hiểm sức khỏe bị tai nạn, họ sẽ trở thành gánh nặng tài chánh cho thân nhân hoặc xã hội.
Một yếu tố khác khiến việc bắt buộc mua bảo hiểm khó thi hành vì chỉ những người đi làm và khai thuế chịu … bắt buộc và nộp phạt trong khi điều luật này không thể áp dụng với các cư dân không đi làm hoặc làm chui, không khai thuế hoặc những người trú ngụ bất hợp pháp. Khi đau ốm hoặc gặp tai nạn, họ vẫn sử dụng các dịch vụ y tế mà không hề đóng góp. Hẳn sự kiện xem ra “không công bằng” này khiến cư dân Huê Kỳ bất bình nên bỏ phiếu chống ACA? Ðể giải quyết sự “bất công” này, có thể nào Hoa Kỳ áp dụng chính sách di dân tương tự như Thụy Sĩ qua việc kiểm soát người nhập cảnh? Hoặc giả khách đến thăm Hoa Kỳ đều phải mua bảo hiểm y tế (trả trước qua cách tăng giá vé máy bay)?
Chi phí bảo hiểm: Nếu chi phí bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ cũng “phải chăng” như Thụy Sĩ thì cư dân có thể sẽ rộng rãi hơn? Hiện nay, chi phí bảo hiểm tại Hoa Kỳ gia tăng theo tuổi tác, người trẻ tốn ít tiền so với người già khi mua cùng chương trình bảo hiểm. Nếu mọi người lớn cùng chịu một chi phí như nhau (như Thụy Sĩ) thì sẽ có những hiệu ứng nào?
Có thể nào chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát chi phí y tế qua các chương trình “khảo sát” (review) giá biểu của bệnh viện thay vì để mặc thị trường tự điều chỉnh giá cả như hiện nay?
Theo ý riêng, chăm sóc sức khỏe cư dân là một sự thiết yếu, điều hành các dịch vụ y tế quan trọng không kém gì giáo dục hay các chương trình xã hội khác. Ðây là một nhược điểm khá lớn của nền y tế Hoa Kỳ, một quốc gia giàu có, tiêu xài khá nhiều tiền bạc mà cư dân vẫn khốn đốn vì các dịch vụ y tế. Hoặc không mua nổi bảo hiểm hoặc không cáng đáng nổi chi phí bệnh viện đều khiến cư dân vật vã với các món tiền khổng lồ khi đau ốm hoặc bị tai nạn. Dù không hoàn hảo nhưng ACA là một trong những đạo luật đầu tiên dẫn đến chính sách “universal healthcare”. Chính phủ cần giữ vai trò quan trọng trong việc điều hành mua / bán các dịch vụ y tế để duy trì giá cả các dịch vụ y tế ở mức “phải chăng”. Khi gặp rủi ro, đau ốm, với các dịch vụ y tế tương đối rẻ hơn, cư dân Hoa Kỳ sẽ hài lòng hơn?
TLL
Orlando, FL