Halloween dù đã qua, nhưng vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng hát liêu trai của Roy Orbison trong một đêm nhạc hết sức độc đáo. Mấy khi được xem người chết hát nhạc sống…

Ðêm hôm đó trời mưa tầm tã. Ðường đến Verizon Theater ở Grand Prairie lênh láng nước, lái xe khá nguy hiểm. Vào đến rạp hơi bị trễ, nhưng may sao có một nam ca sĩ trẻ với cây đàn thùng đang hát một mình trên sân khấu, dạo đầu cho màn chính. Khán phòng lưa thưa, đầy chưa một nửa. Toàn ông già bà già. Mỹ trắng không. Fan của “Pretty Woman” có khác! Nhưng nếu không bị mưa lớn có lẽ sẽ đông hơn; thời tiết xấu như vầy, trẻ (như mình) còn ngại đi nghe nhạc huống chi các cụ. Phần nữa có lẽ vì đây không phải là một live show theo nghĩa thông thường.

Roy Orbison mất cách đây đúng 30 năm. Song nhờ kỹ thuật hologram tân kỳ ông ta đã được “vực dậy” để trình diễn với một dàn nhạc sống. Nhưng nhạc sống đây không phải là vài cây đàn guitar điện với bộ trống đơn sơ như thời 1950-60 của ông nữa, mà là cả một dàn đàn dây hơn bốn chục mạng, cộng với trống, bộ gõ, piano, guitar các thứ, thêm hai nữ ca sĩ hát bè cho đủ bộ. Phải công nhận, chỉ nhìn thấy dàn nhạc khi màn vừa kéo lên là đã “hết hồn”. Thầm nghĩ trong bụng, họ mướn bao nhiêu đây người trong khi khán giả quá ít ỏi, kiểu này đêm nay lỗ chắc.

Nhưng thây kệ. Nắng mưa là chuyện của trời, lỗ lời là chuyện của người kinh doanh! Miễn sao ta có nhạc nghe đã lỗ nhĩ là đặng. Và quả thật đêm đó ban nhạc hùng hậu ấy đã không làm cho khán giả thất vọng. Những bản nhạc mà thời thanh niên họ đã nghe không biết bao nhiêu lần từ chiếc radio AM nhỏ xíu, lúc nước Mỹ mới có TV trắng đen, giờ được phục dựng lại bằng âm thanh tuyệt hảo của một dàn orchestra chuyên nghiệp. Hay không ngờ! Thế còn Roy Orbison thì sao? Xin thưa, giọng hát ông ta vẫn ngọt ngào và tuyệt vời như nửa thế kỷ trước!

Chương trình mở đầu bằng một đoạn video, với những hình ảnh của Roy Orbison từ khi còn là chàng trai trẻ nhà quê ở Wink, Texas tới thời làm siêu sao tại Nashville, Tennessee, trong lúc ban nhạc dạo một liên khúc các bản nhạc top hit một thời của ông để hâm nóng bầu không khí và … đợi mấy người đến trễ vào chỗ ngồi! Phần mở màn vừa dứt, Roy Orbison bỗng từ từ chui từ sàn sân khấu lên, trong tiếng ồ ngạc nhiên thích thú lẫn tiếng vỗ tay đồng loạt của khán giả. Ông ta vừa đàn vừa hát bản “Only the Lonely”, bài top hit đầu tiên của mình.

Từ xa, ta có thể thấy hình dạng của Roy Orbison khá rõ ràng, nhưng vì nó chỉ là sự phối hợp của những tia sáng laser nên trông nó mảnh mai và hai chiều, có thể nhìn xuyên qua được nếu sau lưng có ánh sáng. Vì vậy cho nên nhà thiết kế sân khấu đã đặt hologram của Roy Orbison ngay giữa sân khấu với tấm phông đen làm nền. Còn dàn nhạc thì được chia ra làm hai và đặt nằm hai bên. Như vậy người xem khi chú mục vào ca sĩ sẽ khó nhận ra nó chỉ là ảo ảnh.

Marty Tudor, Tổng giám đốc công ty BASE Hologram tại Houston đồng thời là nhà sản xuất của “In Dreams: Roy Orbison Hologram Tour”, cho biết ông và đồng nghiệp Brian Becker chỉ mới khởi nghiệp hồi năm 2017 sau khi được xem vài cuộc trình diễn hologram nho nhỏ trước đây. Lần đầu là tại Coachella 2012 hologram của rapper Tupac Shakur. Lúc đầu BASE phải thử nghiệm với đủ loại projector và laser khác nhau, cũng như phải chế ra cách sắp xếp những tấm gương trên sân khấu như thế nào để có thể tạo nên ảo ảnh “y như thật”. Không những vậy, họ còn phải nghĩ ra cách dàn dựng và tháo dỡ dàn ánh sáng nhanh chóng (không phải mất hai ngày như kỹ thuật đương thời) thì mới có thể mang đi tour được. Marty Tudor cho biết loại laser họ đang dùng và cách họ dùng đều là bí mật thương trường, không thể tiết lộ.

Nghệ sĩ đầu tiên BASE thử nghiệm kỹ thuật hologram mới này là nữ ca sĩ opera Maria Callas (1923-1977). Ngay sau khi họ làm show Callas thành công, BASE được nhóm “Roy’s Boys” (Con trai của Roy) mời làm một chương trình nhạc sống cho cha mình mà mấy anh em họ đã ấp ủ từ lâu. Tudor liền chụp lấy cơ hội. Ðể tạo dựng một Roy Orbison giống người thật, BASE đã mướn một diễn viên có thể bắt chước tất cả những động tác của Orbison trên sân khấu để thâu vào trong computer. Họ phải xem hàng ngàn thước phim về Roy Orbison, tra cứu vô số hình ảnh của chàng ca sĩ từ mọi góc cạnh trước khi bắt tay vào việc viết thảo trình cho computer. Công việc này vô cùng chi li, tỉ mỉ, gần chín tháng trời mới hoàn tất. Alex Orbison, con trai út của Roy, nói lần đầu được xem show này, nhìn thấy hình ảnh cha mình như sống lại trên sân khấu anh ta đã bật khóc.

Còn về phần nhạc thì người nhạc trưởng là nhân vật quan trọng nhất trong một chương trình như thế này. Bởi lẽ tất cả nhạc sĩ trên sân khấu phải chơi thật ăn khớp với giọng hát đã được thu sẵn. Nếu như nhịp của một bài hát có lỡ nhanh chậm không đều (vẫn thường xảy ra với những dĩa nhạc thâu thời xưa) thì người nhạc trưởng có bổn phận điều khiển ban nhạc nhanh hay chậm sao cho đúng nhịp với tiếng hát. Ngoài ra ông ta còn phải điều chỉnh cường độ luôn luôn để ban nhạc không át tiếng hát Roy Orbison những khi ông hạ giọng, như trong bài “Crying”, hay rống hết cỡ như cuối bài “It’s Over”.
Mặc dù chương trình dài chưa đầy 90 phút, tương đối ngắn so với một live show bình thường trên hai tiếng, nhưng nhờ những bản nhạc đều được chọn lọc kỹ lưỡng và phần hoà âm vô cùng phong phú, cho nên người xem ai cũng cảm thấy đáng đồng tiền. Ngoài những bài top hit quen thuộc như “Blue Bayou”, “Ooby Dooby”, “In Dreams”, “You Got It”… còn có những bài hiếm khi được nghe như “Working for the Man”, “Pretty Paper”, “A Beautiful Love” (bản này nghe nổi da gà).

Vận dụng kỹ thuật tân tiến để đưa âm nhạc đến công chúng là điều không gì xa lạ với Roy Orbison; ông là một trong những người đầu tiên làm show nhạc trên TV, vào cái thời TV còn rất mới mẻ. Có người cho rằng hologram show không làm sao bằng được nghe ca sĩ hát nhạc sống, điều này không sai. Nhưng nếu được làm một cách chu đáo và nghiêm túc, hologram show có thể cho phép các thế hệ trẻ tiếp cận những nghệ sĩ của thế hệ xưa, với âm thanh ánh sáng hay hơn gấp nhiều lần. Và dù người viết bài này đã nghe bản “Pretty Woman” không biết bao nhiêu lần trong đời, phải công nhận chưa bao giờ nghe được một phiên bản hay như lần này. Ðược đệm bởi nguyên một dàn orchestra cùng kèn trống đủ loại, tiếng hát của một Roy Orbison thời còn trẻ như được nâng lên một tầng cao mới mà chưa chắc ông có thể hát hay như thế được nếu vẫn còn sống tới bây giờ.
Tưởng tượng một ngày không xa ta có thể coi The Beatles hay Elvis trình diễn thì hay biết mấy. Nghe nói ban nhạc ABBA đang có ý định làm một hologram tour, người Việt có lẽ sẽ thích show đó.
-Ianbui