Menu Close

Cục diện sau bầu cử

Cho dù bất kỳ cuộc chơi nào có náo nhiệt đến đâu thì cũng đến hồi phải kết thúc. Cuộc bầu cử giữa kỳ của năm 2018 đi qua với kết quả như đã được dự đoán từ trước: đảng Dân chủ chiếm lại việc kiểm soát Hạ viện nhờ chiến thắng ở những khu vực ngoại ô, trong khi đảng Cộng hoà lấy thêm ít nhất hai ghế Thượng viện nhờ đánh bại được đảng Dân chủ ở những tiểu bang nông thôn mà Tổng thống Donald Trump đã thắng hai năm trước.

cuc-dien-sau-bau-cu2
Bầu cử giữa kỳ – nguồn The Root

Có thể nói cuộc bầu cử năm nay đã gây được sự chú ý và theo dõi nhiều nhất trong vòng nhiều thập niên qua. Số cử tri đi bầu lần này là một con số khổng lồ với hơn 47 phần trăm cử tri hội đủ điều kiện đã bỏ phiếu cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay. Gần một nửa cử tri thật sự đi bỏ phiếu có thể không gây được bao nhiêu ấn tượng cho người nghe, nhưng đối với một cuộc bầu cử giữa kỳ thì đây là một con số rất lớn nếu đem so sánh với năm 2014 thì chỉ được 36.7 phần trăm, và năm 2010 là 41 phần trăm.

Con số cử tri đi bầu cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay tính ra là cao nhất kể từ 1966, là năm đạt được 49 phần trăm tổng số cử tri đã đến các phòng phiếu.

Tính chung lại, đã có hơn 110 triệu người dân Mỹ đã đi bỏ phiếu để chọn người đại diện quốc hội cho khu vực của họ.

Theo sự tính toán của nhật báo New York Times, và như đã được dự đoán trước đó, số cử tri thuộc đảng Dân chủ đi bầu đông hơn cử tri Cộng hoà. Nhưng nói chung, số cử tri của cả hai đảng đi bầu lần này đều tăng cao hơn so với năm 2014.

Trong mấy tuần lễ trước ngày bầu cử chính thức đã có nhiều dấu hiệu cho thấy số cử tri đi bầu trong năm nay sẽ cao hơn bình thường. Ở một số địa phương, số người đi bầu sớm tăng cao kỷ lục. Và riêng tiểu bang Texas, chỉ riêng số cử tri đi bầu sớm năm nay thôi cũng đã vượt quá tổng số cử tri đi bầu trong năm 2014.

cuc-dien-sau-bau-cu1
Phụ nữ tham gia tranh cử – nguồn Rising Up with Sonali

Tổng số tiền chi ra cho cuộc bầu cử lần này cũng đạt con số kỷ lục, với tổng cộng $4.7 tỷ là con số cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ. Chỉ riêng các ứng cử viên đảng Dân chủ đã chi ra hơn $1 tỷ từ những quỹ tranh cử cá nhân của họ. Ðó là chưa kể những nhóm ngoại vi (super PAC) của cả hai đảng đã gây quỹ được những số tiền rất lớn và đã chi hơn $1 tỷ qua một loạt những quảng cáo tấn công mang tính tiêu cực trong kỳ bầu cử vừa qua.

Ðiểm đặc biệt nhất của cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay là con số phụ nữ ra tranh cử và đắc cử đạt mức kỷ lục ở đủ mọi vị trí: từ quốc hội, thống đốc tiểu bang cho đến hội đồng thành phố.

Bắt đầu bằng những quảng cáo vận động tranh cử, và cho đến khi vòng sơ bộ bước vào giai đoạn cao điểm, người ta nhận thấy các nữ ứng cử viên ra tranh cử lần này thuộc đủ mọi thành phần: các bà nội trợ cũng có, những người làm công việc chuyên môn và phải tự lái xe đi làm mỗi ngày cũng có, và những cựu chiến binh từng tham chiến ở ngoại quốc trước đây cũng có.

Và khi kết quả tại những phòng phiếu được báo cáo về, một điều rõ ràng cho thấy là tiếng nói của phụ nữ không chỉ gây được sự chú ý tại những cuộc vận động tranh cử mà đã gặt hái được nhiều thành công tại ngay phòng phiếu. Cử tri Mỹ năm nay đã bầu cho ít nhất 100 phụ nữ vào quốc hội – phá kỷ lục lần trước là 85 phụ nữ đắc cử trong năm 2016 – và 9 nữ thống đốc trên toàn quốc, ngang bằng kỷ lục trong năm 2004. Mặc dù vậy, tỷ lệ phụ nữ tại Hạ viện cho đến nay cũng chỉ tăng lên thành 23 phần trăm trên tổng số 435 ghế. Nhưng đây vẫn là con số rất đáng khích lệ cho khoá quốc hội thứ 116 được bắt đầu vào đầu năm tới.

Kết quả cuộc bầu cử năm nay cũng đưa tới nhiều cái đầu tiên: phụ nữ da đen đầu tiên đại diện một khu vực của tiểu bang Massachusetts là Ayana Pressley; hai phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào quốc hội là Rashida Tlaib của Michigan và Ilhan Omar của Minnesota; hai phụ nữ gốc châu Mỹ Latinh đầu tiên đại diện cho Texas ở quốc hội là Veronic Escobar và Sylvia Garcia.

Tại New York, Alexandria Ocasio-Cortez, 29 tuổi, trở thành phụ nữ trẻ nhất từ trước tới nay được bầu vào quốc hội. Tại khu vực 3 của Kansas, Sharice Davids trở thành dân biểu đồng tính công khai đầu tiên của tiểu bang và là một trong hai phụ nữ gốc da đỏ đầu tiên tham gia vào quốc hội; người kia là Deb Haaland thuộc tiểu bang New Mexico.

Tất cả những phụ nữ trên là thuộc đảng Dân chủ. Tuy vậy, phụ nữ thuộc đảng Cộng hoà cũng đã ghi được những cái đầu tiên của riêng họ: Marsha Blackburn là phụ nữ đầu tiên đại diện Tennessee ở Thượng viện; Kristi Noem là nữ thống đốc đầu tiên của tiểu bang South Dakota; và Young Kim, thắng khít khao khu vực 39 của tiểu bang California, là nữ dân biểu gốc Ðại Hàn đầu tiên của nước Mỹ.

cuc-dien-sau-bau-cu
Hình ảnh cử tri Mỹ đi bầu – nguồn Patch

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vào hôm Thứ Ba vừa qua đã mang trở lại Washington một chính phủ phân đôi – một điều kiện mà cử tri Mỹ thường hay chọn như trong hầu hết các kỳ bầu cử trước đây, và nó một lần nữa nhắc nhở chúng ta một trong những mục đích quan trọng được ghi trong bản hiến pháp Hoa Kỳ là để các đảng chính trị kiểm soát và cân bằng quyền lực lẫn nhau, tránh đi tình trạng lạm dụng quyền lực trong một đảng nào đó dễ đưa đến độc tài. Người dân bày tỏ chính kiến qua việc sử dụng lá phiếu của họ và tất cả mọi ứng cử viên tuân thủ theo luật chơi của một hệ thống dân chủ. Nếu biết mình thua thì dõng dạc tuyên bố chịu thua cuộc và về nhà xắn tay áo lên hoạch định kế hoạch cho lần bầu cử tới nếu vẫn còn nuôi tham vọng chính trị.

Cuộc bỏ phiếu của cử tri Mỹ tuần qua cũng đã củng cố thêm một lần nữa về hiện trạng một nước Mỹ phân cực, làm cho rõ hơn nữa làn ranh cách biệt chính kiến mà nhiều người đã chứng kiến trong cuộc bầu cử năm 2016. Nói chung, những tiểu bang mà ông Trump thắng một cách dễ dàng hai năm trước thì lần này cũng lại gửi người của đảng Cộng hoà lên Thượng viện, trong khi phụ nữ ở những vùng ngoại ô đã từng bầu cho Hillary Clinton thì lần này cũng đã trao quyền kiểm soát Hạ viện cho người của đảng Dân chủ.

Một chính phủ bị phân chia quyền lực như thế có thể dẫn đến bế tắc chính trị, nhưng đồng thời nó cũng có thể mở ra cánh cửa cho sự hợp tác lưỡng đảng, là vì nếu cả hai đảng muốn hoàn thành được những công việc mà người dân giao phó thì họ hiểu một điều là bắt buộc phải làm việc với nhau. Trong những vấn đề nghị sự trong hai năm tới đây, từ việc tái xây dựng lại hạ tầng cơ sở cho đến chi phí tiền thuốc men của bệnh nhân, mà cả hai đảng đều nói rằng có một số điểm chung họ thấy có thể làm việc với nhau được.

Mặc dù trong thời gian tranh cử cả hai bên đã chỉ trích nhau thậm tệ, có lúc gần như sỉ vả lẫn nhau, nhưng trong những cuộc họp báo sau bầu cử, cả Tổng thống Donald Trump lẫn các lãnh đạo của đảng Dân chủ đều bắn tiếng cho biết họ sẵn sàng cho một sự hợp tác lưỡng đảng.

Hai năm tới cũng là cơ hội để Tổng thống Trump chứng tỏ với cử tri điều mà ông vẫn thường hay khoe rằng chính ông là một người rất giỏi đàm phán, và lần này là một đảng đối lập trong đó nhiều người vẫn còn đang hậm hực kể từ sau khi ông Trump bất ngờ đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử hai năm trước.

Sự cách biệt về số ghế ở Hạ viện giữa hai đảng cũng có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác. Cho đến cuối hôm Thứ Sáu tuần qua, đảng Dân chủ chiếm 226 ghế và Cộng hoà là 198 ghế, còn lại 11 ghế chưa có kết quả. Theo nhận định của một số phân tích gia, nếu sự khác biệt càng gần thì càng có nhiều thành viên ở Hạ viện chỉ lo bảo vệ vị thế của đảng cho cuộc bầu cử 2020 và sẽ không dễ dàng hợp tác. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử thì thấy rằng có nhiều tiềm năng cho sự hợp tác lưỡng đảng ấy.

VH