Không khó khăn gì để tìm một ca sĩ hay nhạc công Philippines đang kiếm sống tại các quán bar ở Sài Gòn hoặc trong các chương trình khách mời âm nhạc. Và không chỉ ở Việt Nam, nghệ sĩ Philippines có mặt tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới – từ Riyadh, Thượng Hải, Tokyo cho đến Los Angeles.

Có thể nói Philippines là nguồn xuất cảng nhạc công và nghệ sĩ nhiều nhất châu Á hiện nay. Công nghiệp xuất cảng ngôi sao của Philippines hoạt động cực kỳ mạnh và chuyên nghiệp. Càng bất ngờ hơn khi biết rằng nơi chuyên trách kinh doanh “mặt hàng” văn hóa đặc biệt này là JS Contractor Inc., vốn hơn 30 năm qua là công ty cung cấp y tá, nhân viên khách sạn cũng như công nhân kỹ thuật và sản xuất cho hơn 200 công ty khắp thế giới. Jackson Gan, giám đốc tiếp thị của JS Contractor, cũng là người phụ trách chi nhánh cung cấp tài năng âm nhạc. Ca sĩ của JS Contractor có mặt khắp các sàn diễn, quán bar, vũ trường, nhà hàng trên thế giới. Theo Jackson Gan, số ca sĩ-nhạc sĩ Phi hiện làm việc ở nước ngoài là 120,000 người! Họ diễn trung bình 3 xuất mỗi đêm, 6 đêm mỗi tuần, 52 tuần mỗi năm; tính ra trong một năm họ trình bày khoảng 388 TRIỆU bài hát!
Doanh nghiệp phát triển tốt đến mức Jackson Gan đã thành lập First Class Professionals (FCP) – lò đào tạo chuyên nghiệp và nơi khai sanh những ban nhạc như Celestial, Shades N Shadows, Center Stage & Fourplay, Perfect Match, Perfect Jam, Perfect Blend, Perfect Fire… Jackson Gan tỏ ra rất hãnh diện về tài năng âm nhạc của người Phi khi nhắc lại rằng ca sĩ gốc Phi Jasmine Trias là người lọt vào vòng chung kết cuộc thi tiếng hát truyền hình Mỹ American Idol năm 2004, hay ca sĩ gốc Phi Anthony Castelo là khách mời tại lễ nhậm chức Tổng thống Obama vào tháng 1/2009. Như Jackson Gan thừa nhận, dân Phi là tay tổ về “cover”, tức hát lại nhạc người khác. Một ngày đẹp trời nào đó, nếu lang thang đến một quán bar ở trung tâm Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức kỹ thuật cover điêu luyện của nghệ sĩ Philippines.
Nghề “hát rong” của người Phi thật ra là nghề truyền thống, có từ thời quân đội Mỹ đặt chân đến nước này vào cuối thế kỷ 19 và kéo dài đến năm 1946. Nghệ sĩ Phi dễ dàng hát nhái nhạc Mỹ, cho nên họ đi đến khắp thành phố lớn ở châu Á cũng như ở Mỹ để kiếm sống. Thời chiến tranh Việt Nam, nghệ sĩ “Ma Ní” đã được mời sang miền Nam phục vụ quân đội Mỹ.
Jackson Gan thường đến các tỉnh nghèo ở Philippines để tìm kiếm tài năng, đưa họ đến thủ đô Manila, dạy họ hát và trình diễn như dân chuyên nghiệp. Jackson Gan cũng thiết kế trang phục riêng cho từng nhóm và kiếm cho họ hợp đồng ở nước ngoài. Không chỉ hát nhóm tại nhà hàng hoặc hộp đêm, nghệ sĩ FCP loại đẳng cấp còn được gửi đến các dàn giao hưởng chơi trên các tàu du lịch hạng sang. Jackson Gan thành công là nhờ nắm bắt được gu thưởng thức của từng thị trường. Thí dụ, ở Thái Lan ca sĩ FCP thường cover ca khúc bất hủ Hotel California của nhóm The Eagles; tại Ðài Loan người ta khoái nghe Macarena; ở Trung Quốc thiên hạ thích thưởng thức những bài rock Mỹ thời thập niên 1960; và tại Nhật ca khúc được yêu cầu nhiều nhất là My Way của Frank Sinatra. Tất nhiên học trò FCP được dạy tất cả thể loại thịnh hành cũng như kỹ thuật nhảy phổ biến, từ R&B, retro, techno, modern jazz, ballet, folk dance, fandango, paso doble, cha-cha, samba, rumba, tango, fox trot v.v. Và họ cũng cập nhật cực nhanh một số điệu nhảy đặc thù của ngôi sao nào đó, chẳng hạn màn ngoáy mông của Jennifer Lopez một thời, hay những pha bốc lửa của Taylor Swift.

Cũng cần mở ngoặc. Không chỉ nổi tiếng với công nghiệp “hát rong”, Philippines cũng có không ít ca sĩ chuyên nghiệp lừng danh thế giới. Lea Salonga là một ví dụ. Khẳng định tên tuổi với thể loại nhạc kịch, Lea Salonga từng thủ vai nhân vật Kim trong vở Miss Saigon. Cô là phụ nữ châu Á đầu tiên giành giải Tony và là nghệ sĩ Phi đầu tiên ký hợp đồng với hãng đĩa quốc tế Atlantic Records. Arnel Pineda là một gương mặt nữa. Từng là ca sĩ rock cho nhiều nhóm nhạc “hát rong” thể loại rock lưu diễn khắp châu Á, năm 2007 Pineda trở thành ca sĩ chính cho ban nhạc Journey của Mỹ (ban nhạc thường xuyên được các sân khấu Las Vegas mời), sau khi Journey tình cờ nghe Pineda hát trên Youtube.
Nhờ nghề ca hát, nhiều người Phi đã thật sự đổi đời. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 43% dân số Philippines hiện sống chỉ với 2 USD/ngày. Trong khi đó, nghề hát rong hải ngoại có thể đem lại 600-1,500 USD/tháng (diễn tại Manila, nhạc công Phi kiếm được khoảng 5-10 USD/đêm). Ðiều đáng nói cuối cùng về công nghiệp xuất khẩu “hát rong” Philippines là trình độ tiếng Anh của họ. Tất nhiên họ phát âm chưa thật sự chuẩn nhưng tỉ lệ nghệ sĩ Phi lưu loát tiếng Anh đàm thoại chắc chắn hơn nhiều so với nghệ sĩ nhiều nước Ðông Nam Á. Và cũng nhờ vậy mà họ hát nhạc tiếng Anh ít bị “phô” (trong khi một số nghệ sĩ Ðông Nam Á khác thường chỉ học thuộc lòng và hát nhái như vẹt). Ðó là thế mạnh của nghệ sĩ Philippines, giúp họ dễ dàng kiếm sống và thích nghi với cuộc sống du ca trong thời gian dài ở nước ngoài.
MK
Westminster, CA