Ai cũng tưởng học trường Luật như tôi là “ghê gớm” lắm, nghe có gì đó “oai” như là “có gang có thép”, nhưng ai đã từng đi học trong thập niên 80 thời xã nghĩa như tôi mới biết, trường Luật là trường có chi phí học thấp nhất trong tất cả các trường đại học ở Việt Nam.

Cần phải nói thêm để quý bạn đọc ở hải ngoại hiểu rõ lối giảng dạy máy móc trong nước (và gần như tồn tại hơn 90% cho đến tận bây giờ ở các trường) là đọc-chép-trả bài thuộc lòng. Giáo viên đọc cho học sinh, sinh viên ngồi dưới cắm đầu cắm cổ chép, đứa nào ghi được nhiều và nhanh coi như đứa đó “thành công” đến 60% rồi. Học thuộc lòng rồi vô phòng thi xả ra y chang là được điểm cao. Vì vậy, suốt thời gian ngồi trên ghế giảng đường đại học Luật, tôi chưa bao giờ có điểm giỏi, dù tôi biết nhiều đứa bạn học tôi bình thường nó ngu như chúa ngục, không biết lý luận và chẳng hiểu mô tê gì về kiến thức cơ bản đối với văn học, nghệ thuật, y học, đời sống xã hội… Nhưng bọn nó là những đứa luôn có điểm giỏi khi thi vì bọn nó thuộc lòng giỏi hơn tôi. Sau này tôi mới biết ngoài chuyện bọn nó được thêm “điểm ngu” ra thì bọn nó là con cán bộ có chức vụ, mua đề bán điểm đã có từ thời ấy.
Tất cả các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định… của nhà cầm quyền Việt cộng được in thành sách và bán giá rẻ như cho, ở đâu cũng mua được dễ dàng, số lượng nhiều (luật quy định bắt buộc như vậy, có lẽ đây là ưu điểm duy nhất mà tôi nhìn thấy của chế độ Việt Nam cộng sản). Ngoài sách in về luật, sinh viên chỉ phải bỏ tiền ra mua hai quyển sách: “Lý luận chung về nhà nước và pháp luật” và tập bài giảng “Luật Quốc tế” (gồm Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế). Năm 1990, khi dân Việt sắp chết vì đói, Tổng Bí thư Việt cộng Nguyễn Văn Linh tuyên bố: “Mở cửa hay là chết?” và cho phép một số tiểu thương buôn bán nhỏ hoạt động kinh doanh trở lại, thì dân ta lại một lần nữa “nhiệt liệt ủng hộ” “đường lối sáng suốt của đảng ta” và coi Nguyễn Văn Linh như thần thánh. Nhưng lúc đó không ai biết rằng dân Việt giống y như kiểu một người đang bị bóp cổ nghẹt thở sắp chết mà thằng bóp cổ nó nới tay ra một chút cho thở rí rí thì “nạn nhơn” biết ơn nó (cho thở) quá chừng luôn.
Tai hại thay (cho chế độ cộng sản Việt Nam), thập niên 20 chế độ Việt cộng lại phải đứng trước lựa chọn: Cho bọn “thế lực thù địch” vô đầu tư làm ăn thì phải phát triển internet rộng rãi ở Việt Nam thì bọn “thế lực thù địch” mới chịu, không thì “chết đói đi con”. Sau nhiều lần họp hành bàn qua cãi lại trong Bộ chính trị, thì một lần nữa, sức hấp dẫn của đồng ông Tơn quá lớn, tương lai cho con cái (quan chức) được xuất ngoại hấp thụ nền giáo dục của “thế lực thù địch” cũng quá lớn, Bộ chính trị chấp thuận phát triển phủ sóng internet ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy nguy cơ bản mặt thật của chế độ bị vạch trần, nên không ngừng “phủ dụ” đảng viên, quần chúng nhân dân “không đọc tin tức ngoài luồng trên internet.”
Phàm ở đời, hễ cái gì càng cấm thì càng khêu gợi sự tò mò của người khác, nên không ít người (trong đó có tôi) dù gặp nhiều trở ngại như: mạng internet yếu, computer thế hệ cổ lỗ sĩ second hand, không biết tiếng Anh, không được đào tạo về internet, bị chặn tường lửa đối với các website hải ngoại; nhưng đã cố gắng vận dụng líp ba ga sự thông minh trời phú để “leo” tường lửa “thành công rực rỡ.” Một trong số công cụ giúp tôi “leo tường” an toàn, không bị các loại virus, spyware phá computer là cái củ hành tím (TOR) được cung cấp free của CIA Hoa Kỳ.
Năm 2005, tôi đã đọc được hết tất cả “tin tức ngoài luồng” trên các website tiếng Việt. Cũng từ đó, một thế giới tri thức rộng mênh mông mở ra trước mắt tôi. Ở đó, tôi có thể nghiền ngẫm lại các tác phẩm thuộc loại kinh điển xuất bản trước năm 1975 ở miền Nam. Từ đó, tôi biết đến sự thật cuộc chiến Mậu Thân 1968, biết đến cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, biết công hàm bán nước của Phạm Văn Ðồng, biết đến những người trí thức sớm thức tỉnh như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, biết đến những sự thật lịch sử mà sách giáo khoa trong trường học dạy cho học sinh hoàn toàn bị bóp méo. Nhà cầm quyền Việt cộng giấu nhẹm không cho dân biết một nội dung quan trọng của Hiệp định Paris là thỏa thuận ngừng bắn; ngược lại, chúng tuyên truyền đây là văn bản pháp lý cho phép chúng tấn công ào ạt miền Nam mà không có sự can thiệp nào từ quốc tế.
Quan trọng hơn, những người trẻ sanh ra và lớn lên, bị cộng sản nhồi sọ suốt mười mấy năm trong môi trường giáo dục xã nghĩa hình ảnh thần tượng “ông tiên thánh thiện”, “nhà ái quốc vĩ đại”, “danh nhân văn hóa thế giới” Hồ Chí Minh, đã bị internet lột trần truồng thành một kẻ phàm phu tục tử đời thường với đầy đủ thói hư tật xấu, là tội đồ giết oan hàng vạn người vô tội. Có khó gì đâu để vô website của UNESCO coi cho biết ai mới là “danh nhân văn hóa thế giới” UNESCO đã vinh danh, khi mà Từ điển online cũng ngập tràn.
Bây giờ, trên Facebook của tôi, thỉnh thoảng tôi nói đùa chế nhạo nhại lại mấy câu mà Tuyên giáo Việt cộng thường dùng: “Các cháu có thấy ‘Mẹ dzà dân tộc kính yêu của các cháu’ vô cùng vĩ cmn đại xáng xuốt hơm?”, hoặc là “ ‘Mẹ dzà dân tộc kính yêu của các cháu’ luôn luôn vĩ cmn đại và ‘quang vinh muôn năm’ thì phải khác người bình thường.” Có bạn Facebook thắc mắc: “Chưa già làm sao gọi ‘mẹ già…’ được. Còn chuyện dân tộc hay kính yêu gì gì đó thì chưa tính tới.” Tôi trả lời rằng: “Có thằng chẻ mới hơn 50, không hề có cái bằng cấp chính quy nào, lai lịch không rõ ràng, mà đã tự xưng ‘cha già dân tộc’, ‘quang vinh muôn năm’, ‘vĩ đại’. Tui có bằng cấp đàng hoàng, lai lịch rõ ràng, tuổi cũng sêm sêm, xưng ‘mẹ dzà’ là còn khiêm tốn, lẽ ra tui phải xưng ‘mẹ tổ dân tộc’ á. Muốn ‘kính yêu’ thì cứ viết sách giáo khoa nhồi sọ cho con nít mấy chữ đó là xong, quá dễ. ‘Mẹ dzà dân tộc’ chưa viết sách giáo khoa thì ngay bây giờ viết phây búc nhồi sọ từ từ cho đám bò đỏ dư luận viên là vừa.” Nghe giải thích xong, bạn Facebook đã phải tung hô “Mẹ dzà dân tộc vĩ cmn đại vạn vạn tuế!” nói sao mà đúng quá, không cãi lại được.
Người Việt có câu: “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật”, để rút ra kết luận “cộng sản là thảm họa, là tội đồ của dân tộc Việt”, viết được những điều tôi vừa kể ở trên, tôi đã mất hơn năm năm đọc, phân tích, đánh giá, tổng hợp từ rất nhiều nguồn với phương tiện rẻ tiền, tiện lợi là internet. Cũng như tất cả những người dân Việt Nam được “sáng mắt sáng lòng”, tôi thấy tôi phải mang ơn những nhà bác học đã sáng tạo ra mạng ARPANET (tiền thân của internet) làm việc tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Tôi thấy tôi phải mang ơn nhà khoa học Tim Berners Lee (người Anh) đã tiếp nối để phát triển ARPANET trở thành World Wide Web như chúng ta đang sử dụng ngày nay. Chỉ có ở những quốc gia tự do như Mỹ, Anh mới giúp cho người dân của họ có quyền tự do sáng tạo, làm được những điều vĩ đại cho cả thế giới. Tôi thấy người dân Việt Nam cần phải mang ơn người Mỹ, mang ơn nước Mỹ về tất cả những điều này.
TPT
Orange County, ca