(tiếp theo)
Ðây là phần tiếp theo kỳ trước về những kỹ năng cần có khi đi phỏng vấn xin việc làm.
– Ăn nói chậm rãi, rõ ràng và lưu loát
Nhiều người khi hồi hộp nói rất nhanh, hay rất lắp bắp. Bạn nên bình tĩnh và nên trả lời từng câu hỏi chậm rãi, lưu loát. Nói nhanh quá hay lắp bắp sẽ làm cho những người trong công ty thấy mình hồi hộp và thiếu tự tin.
– Tự tin nhưng không kiêu ngạo
Khi phỏng vấn, bạn sẽ tìm cách thể hiện bản thân mình bằng cách nêu lên kinh nghiệm, thành tựu và nhiều điểm khác về bản thân. Ðây là cách tốt để lấy được việc làm nhưng đừng nên nói về mình quá nhiều vì sẽ làm cho người phỏng vấn có cảm giác mình là một người kiêu ngạo. Bạn phải tìm cách thể hiện sự tự tin và những điểm tốt về mình nhưng đừng làm người khác khó chịu.
– Biết lắng nghe
Ai cũng có thể “dạ, vâng” rồi gật đầu liên tục được, nhưng có bao nhiêu người thật sự biết lắng nghe? Những người phỏng vấn thường hay đưa ra các câu hỏi lắt léo, đòi hỏi người xin việc phải nghe thật kỹ để trả lời đúng ý. Khi người phỏng vấn liên tục nói, bạn vẫn phải lắng nghe vì kỹ năng nghe và tập trung rất cần thiết cho mọi công việc.
– Thái độ lạc quan
Không công ty nào muốn thuê một nhân viên có thái độ không tốt cả. Họ không cần biết chuyện đời của bạn ra sao và không muốn bạn đem những chuyện đó vào phòng phỏng vấn. Vì vậy, lúc nào bạn cũng phải có thái độ lạc quan, không nên nói xấu chỗ làm cũ và không nên than phiền về hoàn cảnh cá nhân của mình. Nên tự nhiên và thể hiện bản thân qua thái độ lạc quan. Không chỉ cách ăn nói thôi, mà từng cử chỉ cũng có thể tạo thiện cảm với người phỏng vấn. Nên mỉm cười nhiều, và ngồi thẳng.
– Thích nhưng đừng quá thèm muốn
Nhiều người so sánh phỏng vấn xin việc làm như là buổi hẹn hò đầu tiên với bạn gái. Nếu bạn có thái độ bất cần sẽ làm cho người phỏng vấn có ác cảm nhưng cũng đừng tỏ ra thèm muốn quá mức. Ðừng bao giờ tỏ ra mình quá cần công việc này, đừng bao giờ van xin. Bạn cần nên nói tại sao mình thích công ty này một cách thật thà và phải thể hiện được tại sao công ty này cần thuê mình.
– Có thái độ biết ơn
Bạn đừng xem thường hai chữ “cám ơn” sau khi kết thúc phỏng vấn. Khi phỏng vấn vừa xong, bạn nên cám ơn những người phỏng vấn vì đã dành thời gian cho mình và đã cho mình cơ hội để hiểu biết thêm về công việc. Khi về đến nhà, bạn nên gửi email cám ơn những người phỏng vấn vì nếu im lặng họ sẽ cho đó là một dấu hiệu bạn không thích công việc này.
MH – Theo Balance Careers- Người Việt Online