Menu Close

Stroke

Hỏi

Thưa bác sĩ, Tôi có người nhà, bà đó bị Tai Biến Động Mạch Não đã gần bốn năm nay. Ông chồng có chăm sóc bà, nhưng đôi khi không biết rõ bệnh là gì và cách săn sóc ra sao. Xin bác sĩ cho biết.Lê Quý Ba

Đáp

Thưa ông Ba,

Ðột Quỵ hoặc Tai Biến Ðộng Mạch Não (Stroke) là trường hợp trong đó một nhóm tế bào não đột nhiên không còn được động mạch tiếp tế dưỡng khí và chất dinh dưỡng. Tế bào não bị tổn thương và vùng cơ thể do các tế bào này kiểm soát sẽ không hoạt động được như thường lệ.

Nguyên nhân gây ra sự gián đoạn dòng máu chảy tới não là động mạch bị tắc nghẽn vì một cục máu  hoặc mạch máu bị đứt đoạn.

Tùy theo vùng nào của não bị tổn thương, tổn thương nhiều hay ít và sự cấp cứu mang máu tới não mau hay chậm mà hậu quả sẽ nặng hay nhẹ, vĩnh viễn hay tạm thời. Thường thường, phần cơ thể đối diện với vùng não bị tổn thương sẽ chịu các hậu quả này.

Hội Stroke tại Hoa Kỳ cho hay, hiện nay tại đất nước này có trên 4 triệu người đang sống với nhiều khó khăn về sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày sau khi bị Ðột Quỵ. Ấy là chưa kể nếp sống của cả nhiều triệu người khác cũng gián tiếp bị ảnh hưởng. Ðó là các vị phối ngẫu, con cái đang dành nhiều thời gian, sức lực để sống với và chăm sóc người thân thoát khỏi lưỡi hái tử thần vì tai biến.

Hậu quả của Ðột Quỵ gồm có liệt, yếu, mất cảm giác nửa người, mất thăng bằng cơ thể đi đứng không vững; không diễn tả được ý nghĩ, lời nói, không hiểu chữ viết và lời nói người khác; ăn nuốt khó khăn; giảm thị lực, không nhìn được phía nửa người bị liệt; không kiểm soát được đại tiểu tiện; trí nhớ và sự suy nghĩ giảm, không tự chăm sóc được.

Theo thống kê, hậu quả đột quỵ như sau:

-10% bệnh nhân thoát hiểm bình phục hoàn toàn

– 25% phục hồi với tổn thương tối thiểu

– 40% chịu đựng tổn thương từ trung bình tới trầm trọng, cần sự chăm sóc đặc biệt.

– 10% cần được chăm sóc tại viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc lâu dài khác.

– 15 tử vong một thời gian ngắn sau tai biến.

Đôi điều với thân nhân chăm sóc

Trong trách nhiệm khó khăn, nặng nhọc, đôi khi bực mình nản chí vì thay đổi tính tình, trở nên khó tính của người thân bệnh hoạn, e ngại tai biến tái phát, e ngại người thân khó thích ứng với tình trạng kém phần sáng sủa, thêm vào đó không hiểu đời sống của mình sẽ ra sao, liệu còn cáng đáng chăm sóc được bao lâu, chăm sóc có chu đáo không hay là cũng kiệt quệ theo người bệnh…

Nhưng nghĩ  lại ngày nào mấy chục năm trước đây, ngón tay lồng ngón tay trao nhẫn cưới, quỳ gối trước Thánh Giá,  Phật Ðài, thề thốt cùng nhau đi trọn cuộc đời vui buồn có nhau…  Mà bây giờ thì có lẽ buồn hơi nhiều hơn vui…

Hoặc nghĩ tới các đấng sinh thành đã từng chín tháng mang nặng đẻ đau, bươn chải vật lộn với đời sống nuôi dưỡng con cái, mong sao con sớm trưởng thành, nên người.

Ðể mà làm tròn nghĩa vụ làm vợ, làm chồng, làm con.

Một đồng nghiệp đàn anh ở Houston miền nắng ấm, niên tuế ngoài tám chục, đã dành gần 1/2 cuộc đời để chăm sóc rất chu đáo người bạn đường bị stroke, đồng thời nuôi nấng bầy con nên người. Mà đàn anh vẫn lạc quan, yêu đời, lại còn có thì giờ nghiên cứu soạn ra nhiều tự điển văn học giá trị.

Một thân hữu ở San Jose sau tai biến phải dùng xe lăn nhưng nhờ có nhiều niềm tin tôn giáo, nghiêm minh dùng thuốc, một thân hữu khác ở Los Angeles vẫn bước thấp bước cao tập luyện, chạy bộ mỗi ngày nhờ nhiều nghị lực vươn lên. Họ đều đã vượt  khỏi tàn phế để viết phổ biến các điều ích lợi và đang sống gần như bình thường, với sự hỗ trợ của người vợ hiền và các con, cháu.

Còn nước còn tát mà.

Xin cảm ơn ông đã nêu một câu hỏi rất hữu ích đối với nhiều vị cao niên, nam cũng như nữ.