Menu Close

Mùa mua sắm

Mùa mua sắm cho dịp lễ cuối năm đã chính thức bắt đầu với thời gian năm ngày khởi đầu từ ngày Lễ Tạ Ơn kéo dài cho đến hết ngày Thứ Hai Ảo (Cyber Monday). Và trong thời đại kỹ thuật số với sự cạnh tranh ráo riết của anh chàng khổng lồ Amazon, các hệ thống cửa tiệm bán lẻ cũng ngày càng sử dụng đến kỹ thuật để giúp cho việc mua sắm của khách hàng, dù là mua sắm trên mạng hay tại các cửa tiệm truyền thống, càng ngày càng tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng.

mua-mua-sam2
Black Friday tại một cửa hàng ở Sao Paulo, Brazil (EPA)

Mùa mua sắm năm nay đánh dấu lần đầu tiên công ty Macy’s sẽ cho áp dụng cách trả tiền qua kỹ thuật di động tại tất cả các cửa tiệm của họ. Ở hầu hết những cửa tiệm khác như Gap, Old Navy, Banana Republic và Athleta cũng trang bị cho nhân viên của họ với những thiết bị di động để khách hàng có thể thanh toán hoá đơn ngay tại chỗ họ mua món hàng đó chứ không cần phải xếp hàng.

Và tại Walmart, một bản đồ kỹ thuật số được cài đặt phần bên trong ứng dụng của tiệm (app) sẽ chỉ cho khách hàng chính xác nơi khách hàng có thể tìm được từ con búp bê cho tới chiếc áo ấm mà khách hàng cần mua. Tấm bản đồ này còn áp dụng mã màu (color code) với những món hàng đại hạ giá trong ngày Thứ Sáu Ðen (Black Friday) vừa qua để khách hàng có thể tìm kiếm dễ dàng hơn nữa.

Những sự tiện lợi này rất quan trọng đối với người mua cũng như người bán. Theo kết quả thăm dò của hãng tư vấn Deloitte cho biết có 27 phần trăm những người được hỏi nói rằng họ sẽ sử dụng những cách trả tiền khác thay vì trả tại quầy tính tiền theo lối truyền thống – như sử dụng điện thoại thông minh để rà giá cũng như để trả tiền cho những món hàng họ mua, hoặc mua trên mạng, rồi sau đó đến lấy món hàng tại cửa tiệm – để tránh không phải đứng chờ lâu ở những quầy tính.

Chung quy là do từ sự cạnh tranh trong thị trường tự do, và ai cũng biết trước người tiêu thụ sẽ chi tiêu rất rộng trong thời gian cuối năm. Theo Liên đoàn Bán lẻ Toàn quốc (NRF), gần 20 phần trăm tổng số hàng hoá bán ra trong năm ngoái là xảy ra vào mùa mua sắm cho dịp lễ cuối năm, và người ta ước tính giới tiêu thụ sẽ chi khoảng từ $717 tỷ đến $721 tỷ năm nay, tăng từ 4.3 phần trăm đến 4.8 phần trăm so với năm 2017.

mua-mua-sam
Black Friday 2018 – nguồn People.com

Theo kết quả một nghiên cứu đưa ra vào đầu Tháng 11, doanh số bán lẻ tại Mỹ cho mùa mua sắm cuối năm nay – nếu tính từ 1 Tháng 11 đến 31 Tháng 12 – được dự đoán lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá con số $1 tỷ, nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp, lợi tức cá nhân tăng và niềm tin của giới tiêu thụ cao hơn những năm trước.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho biết tổng doanh số bán lẻ ở Mỹ sẽ đạt mức $1,002 tỷ trong thời gian này, tăng gần 6 phần trăm so với năm ngoái, đánh dấu “sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011.”

Trong mấy năm gần đây, khí thế của ngày Black Friday có giảm đi đôi chút, một phần là do các cửa hàng bán lẻ đã tung ra những chiến dịch đại hạ giá cho mùa lễ từ nhiều ngày hay thậm chí nhiều tuần lễ sớm hơn, với nhiều cửa tiệm đã cho mở cửa ngay trong ngày Lễ Tạ Ơn.

Tuy nói vậy nhưng ngày Black Friday vẫn là một trong những ngày mua bán bận rộn nhất trong năm. Cũng theo liên đoàn NRF, với hơn 164 triệu người Mỹ đã đi mua sắm trong những ngày cuối tuần của dịp Lễ Tạ Ơn, 71 phần trăm, hay 116 triệu người, cho biết họ có mua hàng và săn tìm hàng hạ giá cho ngày Black Friday, là con số cao hơn bất kỳ ngày nào khác trong năm.

Cho đến nay mặc dù hầu hết các món hàng được bán ra là ở các cửa tiệm truyền thống, việc chi tiêu mua hàng trên mạng tiếp tục tăng đều đặn với tốc độ ngày càng nhanh hơn trước. Theo công ty nhu liệu Adobe Analytics, trong suốt thời gian năm ngày của dịp Lễ Tạ Ơn, ngày Thứ Hai Ảo (Cyber Monday) được dự đoán là ngày có doanh số mua bán cao nhất, với số tiền chi tiêu mua hàng trên mạng được đoán trước tăng 17.6 phần trăm lên $7.8 tỷ.

Riêng trong ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, số hàng mua bán trên mạng đã đạt doanh số $3.7 tỷ, là con số kỷ lục từ trước tới nay. Và với chiều hướng này, công ty Adobe đã đưa ra dự đoán doanh số cho ngày Black Friday năm nay có thể đạt mức kỷ lục là $6.4 tỷ, so với năm ngoái là $5.03 tỷ, cũng là con số kỷ lục lúc đó.

mua-mua-sam1
Xếp hàng ngày Black Friday – nguồn Techsport

Cũng theo Adobe, tính ra trong suốt mùa lễ, cứ mỗi $6 tiêu xài thì có hơn $1 là được chi tiêu trên mạng, đạt mức $124.1 tỷ, tăng 14.8 phần trăm so với năm ngoái, và là con số cao hơn nhiều so với 2.7 phần trăm được dự đoán là tỷ lệ tăng trưởng ở các cửa tiệm truyền thống.

Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cũng đưa ra con số tương tự, cho biết số chi tiêu trên mạng trong mùa lễ năm nay sẽ tăng 16.6 phần trăm lên $123.73 tỷ, chiếm 12.3 phần trăm trong tổng doanh số bán lẻ trong mùa lễ – là con số cao nhất từ trước tới nay.

Ngày Black Friday xuất hiện ở Mỹ từ hơn nửa thế kỷ trước và có thể nói nay đã được toàn cầu hoá và đang trở thành một sự kiện lớn trên khắp thế giới. Rất nhiều hệ thống cửa tiệm bán lẻ quốc tế ngày càng lợi dụng ngày Thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn như là cơ hội để lùa những người mua sắm thích săn tìm những món hàng hạ giá đến với cửa tiệm của họ.

Bên trong trung tâm phân phối của công ty Amazon tại Tilbury, phía đông của thành phố London, hàng dãy kệ chất đầy đủ các loại mặt hàng từ cái lọc nước cho đến các trò chơi điện tử để chuẩn bị cho một cuối tuần bận rộn mua bán. Cho đến khoảng gần trưa Thứ Sáu vừa qua, Amazon cho biết khách hàng ở Anh Quốc đã vào trang mạng của họ để mua sắm ở “mức kỷ lục” với 100,000 món đồ chơi và 60,000 món mỹ phẩm đã được bán ra kể từ nửa đêm.

Một bản phúc trình mới đây từ công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho biết giới tiêu thụ ở Anh và những nước Bắc Âu là nằm trong số những người mua hàng mạnh nhất trong ngày Black Friday.

Mua sắm trên mạng ngày càng dễ dàng và điều này có nghĩa là người tiêu thụ không cần phải lấy ngày nghỉ thì mới có thể đi tìm mua được những món hàng hạ giá tại các cửa tiệm truyền thống. Một bản phúc trình trong Tháng 10 từ công ty tư vấn PwC cho biết người mua sắm ở Anh chi trung bình $300 trong khoảng thời gian giữa hai ngày Black Friday và Cyber Monday.

mua-mua-sam3
Người Hà Nội mua sắm trong ngày Black Friday 2018 – nguồn Vietnamnews.vn

Mức độ mua bán trong hai ngày Black Friday và Cyber Monday cũng đang tăng mạnh ở Pháp do người tiêu thụ tại đây bắt đầu biết lợi dụng đợt hạ giá này và không cần phải chờ đến những lúc hạ giá và mùa hè và mùa đông theo truyền thống trước đây nữa. Công ty Adobe ước tính có khoảng 48 phần trăm người tiêu thụ ở Pháp sẽ mua sắm cho mùa lễ cuối năm trong dịp cuối tuần Black Friday năm nay. Sự kiện Black Friday được biết còn lan ra nhiều nơi khác ở Âu châu, trong đó có những thị trường lớn như Ý, Tây Ban Nha và Ðức. Tại Á châu, những quốc gia như Nhật Bản và Ấn Ðộ cũng đang bắt đầu lùng kiếm những món hàng hạ giá trong dịp này từ những công ty bán lẻ như Amazon.

Thậm chí ở Việt Nam hiện nay, Black Friday cũng đã trở thành một ngày mua sắm được nhiều người trong nước biết tới với nhiều cửa tiệm bán lẻ phát động những đợt khuyến mãi để tăng doanh thu trong khi người đi mua sắm xếp hàng tại các cửa tiệm để tìm những món hàng giá hời.

Theo trang mạng Vietnam News, sự náo nhiệt có thể nhìn thấy ở những trung tâm mua sắm như Vincom và Aeon, cũng như tại nhiều cửa tiệm dọc theo những con phố mua sắm như Chùa Bộc, Bà Triệu, Bạch Mai, Lương Ngọc Quyến và Phạm Ngọc Thạch. Một số cửa tiệm trên mạng cũng nhận thấy những đợt khách hàng ghé thăm đông hơn bình thường.

Ngày mua sắm Black Friday là sản phẩm của tư bản Mỹ và nay ngày càng lan ra khắp nơi trên thế giới và được người tiêu thụ hưởng ứng mạnh. Chỉ nội điều này thôi cũng đã đủ chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản không hề giãy chết như người cộng sản từng rêu rao trước đây, mà nó sẽ còn sống hùng sống mạnh hơn nữa.

VH