Menu Close

Không ngon miệng

Hỏi

Bà xã nhà tôi hồi này cứ than phiền rằng tự nhiên ăn không thấy ngon miệng và bà ấy hỏi tại sao? Tôi có cố gắng giải thích nhưng bả không tin. Vậy tôi xin bác sĩ nói cho bà ấy hay. Cảm ơn bác sĩ.  Nguyễn Kim.

Đáp

Thưa ông Kim,

Sau đây là ý kiến của các nhà chuyên môn về dinh dưỡng. Ăn mất ngon, bất kể do nguyên nhân nào, là một vấn đề quan trọng đối với người cao tuổi.

Có nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ăn mất ngon như là:

  1. Do bệnh tật.

Có nhiều bệnh đưa đến thay đổi khẩu vị, làm ăn uống khó khăn mà hậu quả là người bệnh ăn mất ngon, dần dần dẫn đến suy dinh dưỡng.

– Bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi và bao tử.

– Bệnh nhiễm trùng như trong trường hợp bệnh lao, bệnh HIV-AIDS.

– Bệnh nội tiết như tuyến giáp trạng ác tính, bệnh tiểu đường .

– Suy sụp tinh thần, như các trường hợp trầm cảm, buồn phiền vì sống cô độc hay thương nhớ người thân đã mất cũng gây biếng ăn, kém ngủ rồi gầy yếu.

  1. Do nghiện rượu.

Rất thường xảy ra ở người cao tuổi. Khi uống rượu say, họ không muốn ăn uống. Sau cơn say, họ ói mửa, tiêu chảy, cũng không muốn ăn. Rượu cũng gây hư  hỏng chức năng và cấu trúc của gan, ảnh hưởng tới sự tiêu hóa, hấp thụ và dự trữ năng lượng, các loại sinh tố và khoáng chất cần thiết.

  1. Do tác dụng phụ của dược phẩm.

– Thuốc trụ sinh gây tiêu chảy và làm thay đổi vị giác, khứu giác, làm người bệnh cảm thấy như thực phẩm có mùi vị khác đi, do đó ăn mất ngon.

– Thuốc trị ung thư  gây ăn mất ngon đồng thời cũng gây táo bón, ói mửa, tiêu chảy

– Các thuốc trị bệnh tim, thuốc an thần, thuốc ngủ giảm cảm giác ngon miệng khi ăn.

– Vài loại thuốc gây khô miệng (cogentin, artane), khiến việc nhai nuốt thức ăn khó khăn, do đó ăn mất ngon.

– Người cao tuổi còn kém ăn vì dùng nhiều thứ thuốc trong ngày, đầy bụng, không muốn ăn uống.

  1. Do các bệnh răng miệng.

Các bệnh răng miệng làm người bệnh nhai nuốt khó khăn, ăn chậm làm thức ăn nguội đi không ngon, đôi khi người bệnh bỏ dở bữa ăn.

Ngoài ra, có khoảng 25% ăn mất ngon không rõ nguyên nhân. Như trong  các bệnh tim, phổi, người bệnh vẫn ăn được bình thường nhưng sụt cân vì mất nhiều năng lượng và tăng biến hóa căn bản. Ðôi khi người bệnh có ăn ít đi do thuốc trị bệnh tim phổi như steroid, theophylline tạo nhiều hơi trong bao tử.

Trong những trường hợp này, sự kém dinh dưỡng lại làm bệnh tim phổi nặng hơn vì làm giảm chức năng của cơ hoành, giảm sự trao đổi dưỡng khí.

Về điều trị thì như sau:

Bác sĩ định bệnh bằng cách hỏi bệnh nhân về những thay đổi trong việc ăn uống, xác định mức độ sụt cân trên 10% cân nặng bình thường, xương lồng ngực và xương mặt nhô ra vì thịt teo đi.

Ðối với bệnh nhân, có những điều sau đây cần lưu ý:

– Khi ăn có bạn bè thường vui hơn và ăn được nhiều hơn.

– Bữa ăn nào thấy ngon miệng nhất trong ngày thì có thể tăng thêm nhiều món ăn hơn.

– Tránh uống nhiều nước hoặc uống thuốc ngay trước bữa ăn vì sẽ làm no bụng.

– Tránh những món ăn có thể làm no hơi như nước uống có gas, cà phê, rau cải bắp, súp lơ xanh…

– Tránh táo bón và tiêu chảy.

– Năng hoạt động cơ thể.

– Giữ gìn vệ sinh răng miệng.

Mong rằng những ý kiến trên đây sẽ mang thêm phần kiến thức về vấn đề của bà nhà. Chúc ông bà mọi sự bình an và bà nhà ăn uống ngon miệng hơn.

NYD