Từ Âu sang Á, ca dao tục ngữ và những câu chuyện cổ không nhất thiết dẫn đến cùng một kết luận nhưng lại là sự kết hợp của các kinh nghiệm để đời của tiền nhân dù các kinh nghiệm ấy khác nhau và đôi khi đối chỏi, như tiêu đề “con vua” và “ở bầu thì tròn”. Với những chuyên gia về nhân chủng và xã hội trên thế giới, đề tài được thảo luận ráo riết suốt mấy thập niên qua liên quan đến di tính và môi trường sống, hai yếu tố ảnh hưởng rất sâu đậm đến sự trưởng thành và thành công của một con người.

Câu tục ngữ “con vua thì lại làm vua”, xem trọng yếu tố di tính, dựa trên truyền thống “cha truyền con nối”. Cha mẹ để lại đất đai, tiền bạc, trợ giúp con cái, cháu chắt chiếm giữ và duy trì quyền lực trong cộng đồng lớn / nhỏ. Ngược lại, “con sãi ở chùa thì quét lá đa”, tiếp tục cuộc sống nghèo khổ, đời này sang đời khác với vài trường hợp ngoại lệ như vua Lý Công Uẩn trong lịch sử Việt và ông… Bill Clinton trong lịch sử cận kim của Huê Kỳ. Nói một cách khác, con người xem nặng huyết thống gia tộc, nhất là trong các cộng đồng nhỏ như làng, xã… sống quây quần bên nhau nên người trong gia đình, họ hàng trợ giúp lẫn nhau để thành công. Khi đời sống no đủ, thoải mái, con người ít thay đổi, di chuyển. Nhưng lúc đói khát quá, khốn khổ quá thì ta có khuynh hướng mạo hiểm, đi tìm đất sống mới, tạo ra những cuộc di dân lớn, nhỏ. Ðất mới, cộng đồng mới họp thành một môi trường sống mới. Những cái “mới” ấy đòi hỏi con người phải thích nghi để sống còn, “ở bầu” thì phải “tròn”; họ tạo ra các khuôn mẫu mới, cách sinh hoạt mới hay một xã hội mới. Sự thay đổi thường tạo nên nhiều cơ hội. Nghĩa là từ những cư dân “mới”, các nền tảng của xã hội mới ấy được thành lập và đây chính là cơ hội thi thố tài năng của các “con sãi ở chùa”, những người khởi đầu từ con số không, phải tranh đấu để sống còn, để thành công và từ đó có thể trở thành lãnh tụ.
Xã hội “mới” và di dân xem ra liên quan mật thiết với nhau. Lập thuyết ấy được chứng minh liên tục qua lịch sử lập quốc của con người. Huê Kỳ, Canada… là hình ảnh của những xã hội tương đối mới, với những lớp người lãnh đạo mới so với vua chúa, hoàng gia Âu Châu lâu đời. Ngày nay, thế giới mỗi ngày một phẳng nên không lạ gì chuyện bá tánh dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác lập nghiệp. Tại Huê Kỳ không thiếu những tài phiệt, lãnh tụ chính trị có gốc gác là di dân mới chỉ một hoặc hai thế hệ. Ngược lại, vẫn có những nhóm cư dân “cũ”, tiếp tục nghèo khổ, đời cha ông đến đời con cháu. Yếu tố nào khiến những cư dân ấy “giậm chân tại chỗ”? Họ không được trợ giúp? Thiếu cơ hội tiến thân qua học vấn hoặc nghề nghiệp? Sở thích, ước muốn cá nhân “không thích thay đổi”?
Vài thập niên trước, tại Huê Kỳ đã có những cuộc “thí nghiệm xã hội” (social experiment) để tìm hiểu và thay đổi môi trường sống của một số địa phương nghèo khổ: phong trào chống nghèo đói và cuộc thí nghiệm “Moving to Opportunity” ra đời, bắt đầu từ Los Angeles sau trận nổi loạn của các cư dân da màu [1]. Quốc Hội Hoa Kỳ đã tài trợ một ngân khoản đáng kể cho chương trình thí nghiệm này. Một số cư dân nghèo (10% dưới mức nghèo khó) tại Baltimore, Boston, Chicago, Los Angeles, và New York City, đã được tặng phiếu trợ cấp giúp họ dọn đến một khu xóm khá giả hơn, con cái được đi học tại trường học tử tế hơn… Nhóm cư dân (may mắn) này được theo dõi, tìm hiểu trong suốt 10 năm, và các dữ kiện như lương bổng, công việc làm, học vấn của con cái… được so sánh với nhóm cư dân không được trợ giúp. Kết quả thu góp từ thí nghiệm này cho thấy một sự thất bại: cư dân được trợ giúp vẫn nghèo, vẫn không kiếm được việc làm khá hơn, và con cái họ vẫn không học hành thành đạt. Nói giản dị là bất kể sự trợ giúp đặc biệt liên tục trong 10 năm, xã hội vẫn không thay đổi được tình trạng sinh sống của nhóm cư dân nghèo kể trên. Lập thuyết “con sãi ở chùa” dường như được chứng minh là đúng!
Thế rồi một bài tường trình mới hơn được công bố. Bài tường trình này, của chuyên gia Raj Chetty và Nathaniel Hendren từ đại học Harvard năm 2015 [2], đã chứng minh ngược lại các kết quả từ thí nghiệm xã hội “Moving to Opportunity” kể trên. Ðây là một bài tường trình quy mô, tìm hiểu việc di chuyển của trên 20 triệu đứa trẻ khắp Hoa Kỳ qua hồ sơ khai thuế của cha mẹ chúng — những gia đình sinh sống tại các thành phố nghèo khó của Huê Kỳ. Tác giả thu góp các dữ kiện liên quan đến những gì đã xảy ra cho các đứa trẻ này: trẻ nào sinh con trong tuổi dậy thì, trẻ nào ra khỏi xóm nhà lá và trở thành cư dân trung lưu, trẻ nào tiếp tục sống trong xóm nghèo v.v. Tác giả kết luận rằng nơi sinh sống không chỉ tách biệt người giàu kẻ nghèo mà còn là yếu tố chính dẫn đến việc thành công của những đứa trẻ con nhà nghèo.
Với các dữ kiện tương đồng (học vấn, lương bổng của cha mẹ, được chăm sóc…) trẻ em nghèo sinh sống trong xóm nghèo khi ra đời có số lương 35% thấp hơn so với trẻ em nghèo sinh sống tại những nơi “dễ sống” (an toàn, đầy đủ các sinh hoạt xã hội như công viên, sân chơi, mức thất nghiệp thấp, một cộng đồng “thoải mái” v.v.)
Số năm học trong một cộng đồng “dễ sống” là một yếu tố quan trọng khác: khôn lớn tại một địa phương an toàn, vững chắc càng lâu, đứa trẻ càng có nhiều cơ hội phát triển theo một khuynh hướng lành mạnh, dễ “đi lên” (upward mobility).
Theo bài tường trình từ Harvard, danh sách “xóm nhà lá” bao gồm các thành phố lớn như Baltimore, Atlanta, Chicago, Los Angeles, Milwaukee, Orlando, West Palm Beach và Tampa (Florida), Austin, the Bronx (New York) và một phần của Manhattan… Các vùng này đều đông cư dân da màu, và chủng tộc xem ra cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khuynh hướng phát triển của trẻ em: Mọi đứa trẻ (da trắng cũng như da màu) sinh sống trong xóm nhà lá đông người da màu đều chịu “thui chột”, ít cơ hội phát huy tiềm năng. Cả hai nhóm trẻ em kể trên đều khó có thể đạt mức “trung lưu”, nhưng đều có cùng cơ hội thăng tiến khi được di chuyển đến sinh sống tại các cộng đồng lành mạnh.
Các địa phương được xem như khuôn mẫu của xã hội lành mạnh bao gồm các thành phố lớn như San Francisco, San Diego, Salt Lake City, Las Vegas, Providence (Rhode Islands), và các vùng ngoại ô như Fairfax (Virginia), Bergen (New Jersey), Bucks (Pennsylvania), Macomb (Michigan), Worcester (Massachusetts), và Contra Costa (California). Các vùng này có chung một số yếu tố: trường tiểu học có điểm trung bình cao, phần lớn các gia đình đều có đầy đủ cha và mẹ, cư dân tham gia các hoạt động xã hội và tôn giáo, và nhất là có sự hòa đồng giữa các gia đình trung lưu với các gia đình nghèo. Trẻ em có nhiều cơ hội thành công nhất khi được di chuyển từ xóm nhà lá đến các cộng đồng lành mạnh trong giai đoạn thơ ấu, trước tuổi dậy thì càng sớm càng tốt: Tỷ lệ trẻ em sinh con trong tuổi dậy thì sẽ thấp hơn và chúng có mức học vấn cao hơn. Do đó, tác giả kết luận rằng việc chọn lựa nơi sinh sống của phụ huynh ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai của con em.
Sự khác biệt giữa chương trình “Moving to Opportunity” và bài tường trình từ Harvard, theo ý riêng, là yếu tố “phụ huynh” — những người quyết định và thực hiện việc di chuyển đến một cộng đồng lành mạnh: Chỉ khi phụ huynh nhìn ra các khuyết điểm của nơi mình đang sinh sống và muốn thay đổi để con em có cơ hội phát triển thì việc di chuyển mới được thực hiện. Tuy nhiên, vì cộng đồng “lành mạnh” thường đi kèm với chi phí sinh hoạt cao hơn (nhà cửa đắt hơn, thuế má nặng hơn v.v.) nên các phụ huynh này phải chịu chấp nhận hy sinh cho tương lai con cái. Nhóm phụ huynh “chủ động” này xem ra khác với nhóm phụ huynh được chính phủ lựa chọn và tài trợ việc dọn nhà — sự di chuyển thứ nhì có tính cách “thụ động”.
Sự chủ động so với thụ động của phụ huynh hẳn đã ảnh hưởng sâu đậm đến cách sinh hoạt của con em trong gia đình? Dựa trên các tài liệu kể trên, một số các chuyên viên kinh tế đã hô hào việc thay đổi các chính sách cung cấp nhà ở. Hiện nay, cư dân phải chờ để được trợ cấp nhà ở theo danh sách của chính phủ. Và chính phủ cũng giảm thuế cho các doanh gia chịu xây cất nhà ở tại những xóm nghèo thay vì tài trợ và khuyến khích các nhà thầu xây cất nhà cửa rẻ nơi có các cộng đồng lành mạnh. Một ý kiến khác: tài trợ việc thay đổi xóm nghèo, biến xóm nhà lá thành các cộng đồng lành mạnh thay vì tài trợ việc di chuyển cư dân.
Thay đổi con người ta cần cả một thế hệ. Thay đổi một cộng đồng đòi hỏi rất nhiều tài lực và thời gian, một chính sách có thể phải kéo dài vài ba thế hệ. Theo thể chế chính trị hiện hành, chính phủ Huê Kỳ thay đổi theo nhiệm kỳ. Nhiều chính sách xã hội mới thực hiện được 4-8 năm bởi đảng cầm quyền thì lại bị thay đổi theo… hướng gió chính trị, nên chính phủ không phải lúc nào cũng giữ được lời hứa hẹn với cử tri. Có phải đây là nhược điểm của cường quốc giàu có nhất thế giới?!
[1] https://www.hud.gov/programdescription/mto
[2] http://www.equality-of-opportunity.org/images/nbhds_exec_summary.pdf