Thập niên 80, cả nước Việt Nam cũng chỉ có duy nhất một trường Ðại học dạy luật là Ðại học Pháp Lý Hà Nội. Sinh viên ở địa bàn từ Quảng Nam – Ðà Nẵng trở vô thì nhập học ở “Phân hiệu ở Thành phố Hồ Chí Minh” tại Bình Triệu, huyện Thủ Ðức (nay đổi thành quận), tức chi nhánh thứ hai của Ðại học Pháp Lý Hà Nội. Năm 1997 Phân hiệu tách khỏi trường Ðại học Pháp Lý, đặt tên mới là Ðại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và giữ nguyên tên này cho đến bây giờ.
Năm 1986, sau khi thi đậu vô Ðại học Pháp Lý Hà Nội, một mình tôi tay xách nách mang khệ nệ túi vải đựng vài bộ quần áo, cái bao nilon đựng 13kg gạo, một ít tiền của mẹ và dì cho để lên Sài Gòn học. Thời điểm này, mỗi ngày bến xe chỉ bán vé có một chuyến xe đò lên Sài Gòn (loại 52 ghế, nhưng dọc đường chủ xe rước khách nhét đầy hết lối đi giữa xe để kiếm thêm tiền nên mỗi chuyến xe có thể chở đến cả trăm người). Tất cả xe đều không có cửa kiếng, ghế ngồi khung sắt bắt ốc dính xuống sàn xe, mặt ghế đan bằng dây nilon, ngồi lâu vừa nóng, vừa ngứa, vừa đau lưng, đau đít. Vậy chớ còn đỡ hơn là đi xe “vé chợ đen”, tức nhảy lên xe sau khi xe xuất bến và ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ xíu bằng hai bàn tay (kêu là ghế xúp) giữa lối đi trên xe; mỗi khi có ai đó lên hoặc xuống xe thì tất cả hành khách ngồi ghế xúp đều phải đứng dậy hết, ép sát thân người qua hai bên để lấy chỗ cho người kia ra (vô). Xe dĩ nhiên không có máy lạnh, mỗi lần xe dừng thì nóng và ngộp khủng khiếp luôn. Rất nhiều khách đi xe bị ói mửa do đường quá nhiều ổ gà, ổ trâu vồng xóc, do ngộp thở, nóng bức, do phải thở trong bầu không khí thiếu oxy khi mà người người san sát vô cạnh nhau, người này thở ra, người kia lại hít vô, rồi người kia thở ra, người nọ lại hít vô…
Mỗi năm học tôi về nhà có hai lần, vào dịp nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán, tức là tôi chỉ phải đi xe có bốn lần một năm thôi vì đường về nhà quá xa và cũng không có tiền để đi về thường xuyên như mấy đứa bạn ở các tỉnh quanh Sài Gòn như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Ðồng Nai, Tây Ninh. Mới 3 giờ sáng tôi phải ra bến xe xếp hàng, nộp thẻ sinh viên lên trước để cố gắng mua được vé ngồi ở các hàng ghế trên để mong dễ thở một chút. 5 giờ sáng nhân viên bến xe mở cái ô cửa tò vò nhỏ bằng hai bàn tay để bán vé cho số người có nộp đủ giấy tờ và có mặt tại chỗ; mỗi người chỉ mua được một vé mà thôi. Xe chạy cà rịch cà tang, chừng mười lăm phút thì dừng lại trạm để xét xe hết ba chục phút, tất cả hành khách đều phải xuống xe trong thời gian xét. 8-9 giờ tối xe mới chạy lên tới Bến xe Miền Tây ở quận Bình Chánh.
Có lần, tôi ra bến xe trễ phải nhảy xe chợ đen. Xui xẻo xe đò nào cũng đầy nghẹt khách rồi. Cuối cùng có một xe đông lạnh, với cái thùng xe bít bùng bự bành ky bằng nhôm, dừng lại cho tôi leo lên. Có ba khách khác cùng lên xe với tôi. Chú lơ xe nói xe này của nhà nước, từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu là xe không, lấy tôm chở lên Sài Gòn mới là xe đầy, đi nhanh hơn xe đò vì không bị xét xe, chuyến đi xuống tài xế muốn rước khách kiếm thêm. Họ kéo cái cửa sau thùng xe lên, hạ phần chắn ngang thùng xe xuống, rồi chú lơ xe đứng trên thùng xe cao nghệu đón bưng hành lý của khách lên thùng xe, xong thò tay xuống nắm tay từng người khách lôi lên thùng xe. Chú đóng cái chắn ngang phần dưới thùng xe lại, đám hành khách chúng tôi ngồi bệt xuống thùng xe. Mỗi lần gần qua trạm xét xe thì lơ xe la lên trước cho khách biết là họ sẽ đóng kín thùng xe để qua trạm, xe này không được phép chở khách. Vậy là cả đám ngồi trong tăm tối, nóng và ngộp của cái hộp kim loại khổng lồ được gọi là thùng xe đó. Mười phút qua trạm lâu như một năm. Bây giờ nghĩ lại tôi không hiểu tại sao tôi có thể ngồi trong cái thùng xe như vậy mà không chết ngộp, quả là may mắn.
Trường nằm trên đường Quốc lộ 13, đối diện Bưu điện Bình Triệu, cách Ga Bình Triệu chừng 500m. Những buổi chiều Thứ Bảy, sinh viên đứa nào ở gần đã dông về nhà kiếm đồ ăn để sáng sớm Thứ Hai đem lên trường ăn cả tuần. Ðứa ở xa nhưng có bạn bè trong thành phố hay có tiền thì vô trung tâm Sài Gòn chơi. Chỉ còn số ít những đứa vừa nhà xa vừa nghèo như tôi ở lại ký túc xá vùng ngoại ô đèo heo hút gió này. Không gian trường trở nên yên tĩnh và vắng vẻ. Cứ tầm 10 giờ khuya trở lên côn trùng ri rỉ e e, ếch nhái à uôm ộp oạp, cách quãng lại có tiếng còi xe lửa kêu Tuuuu…. Tuuuuu… từng hồi dài, báo hiệu xe sắp vô ga — nghe buồn não ruột, như cắt từng nhát dao vào lòng kẻ tha phương mà túi không tiền: Những cuộc chia lìa khởi từ đây / Cây đàn sum họp đứt tuôn dây / Những lời bèo bọt, thân đơn chiếc / Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày… Tôi đã từng chờ những chuyến xe / Ðã từng đưa đón kẻ đi về / Sao nhà ga ấy sân ga ấy / Chỉ để cho lòng dấu biệt ly.” (Nguyễn Bính)
Thành thói quen, cứ cuối tuần, tầm hơn hơn 9 giờ tối vài đứa chúng tôi rủ nhau đi bộ tha thẩn ra Ga Bình Triệu để ăn cháo lòng giò chéo quẩy. Cạnh đường rầy xe lửa là gánh cháo lòng của người đàn bà trung niên nói giọng Quảng. Cách nấu cháo gạo rang trước đây tôi đã từng kể hầu quý độc giả Tuần báo Trẻ trong bài “Cháo gạo rang” rồi nên bây giờ tôi không nhắc lại sợ gây nhàm chán cho người đọc. Chỉ khác một chút xíu ở chỗ bà hàng cháo sân Ga luộc lòng heo, rồi lấy nước luộc nấu gạo rang thành cháo mà thôi. Lòng heo xắt miếng nhỏ xíu để riêng, khi nào khách ăn mới nhúm một chút xíu cho vô cháo. Bà bán kèm với bánh dầu cháo quẩy (quê tôi kêu là giò chéo quẩy) chiên vàng giòn rụm, khi ăn xé nhỏ ra nhận vô tô cháo. Cháo của bà nấu rất lỏng, gia vị ít, hành ngò ít, lòng ít, bán giá rất rẻ. Nói chung là không thể được xếp vô hàng chữ “ngon”, nhưng nó phù hợp với túi tiền sinh viên nghèo. Và chúng tôi đến đây là để mua cảm giác vui vẻ, ấm cúng của bà bán cháo hơn là ăn cháo. Chúng tôi ngồi ăn từng tí, từng tí một để nghe bà kể chuyện ở quê, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện bán cháo cho khách lỡ đường nghỉ tạm ở sân Ga… như một bà mẹ quê chân chất nói chuyện với mấy đứa con đi xa mới về nhà. Có khi đang ăn, nghe tiếng còi xe lửa hú lên thì mạnh ai nấy bưng tô chạy. Bà bán cháo cũng vội vàng quảy gánh đứng dậy chạy xa đường rầy, xe lửa qua rồi thì trở lại ngồi tiếp.
Bây giờ, tôi có tiền đủ để vô các tiệm bán cháo ở Little Sài Gòn (Nam Cali) ngoài cửa có đề bảng “Restaurant”. Nhưng cái cảm giác tự do “coi trời bằng vung”, phóng khoáng bất cần đời kiểu “giang hồ hành hiệp”, thoải mái ngồi trên đường rầy xe lửa bưng tô cháo nóng bốc khói trên tay (không có bàn), nhẩn nha nhai từng miếng giò chéo quẩy dai dai, ngọt ngọt vị bột, beo béo dầu chiên, trong cái lạnh se se của đêm Sài Gòn thì tôi không thể tìm lại được.
TPT