Một chuyện ý nghĩa và cảm động về tình chiến hữu thời xa xưa, mà chỉ những người nào đi vào quân ngũ lúc còn rất trẻ mới có được. Ôi, bạn đã chết rồi và không bao giờ về nữa vậy mà mình vẫn coi như bạn hiện diện trong đời sống mỗi ngày. NS
Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhìn thấy những hình ảnh sống động ấy như thể tôi đang đứng ngắm những bức ảnh của ông trên tường. Những tấm ảnh đen trắng, với những cái khung màu đen nặng nề và những hình đậm nét. Những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những người đàn ông trong trung đội của ông vẫn không che giấu được nỗi gian khổ của chiến trận.
Tôi thuộc nằm lòng tất cả những câu chuyện liên quan tới những tấm ảnh này. Ông có tài miêu tả, và khi chúng tôi xin ông kể đi kể lại những mẩu chuyện chiến tranh, chúng tôi có thể nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí ngửi được mùi của vùng đất tuyến đầu lửa đạn.
Cũng thế, tâm trí tôi còn in rõ những cuộc viếng thăm cuối tuần của chúng tôi tại ngôi nhà của ông. Chị tôi và tôi thường ngồi với ông chung quanh cái bàn trong bếp. Cả ba chúng tôi chia nhau một cái bánh táo sau khi ăn tối, cùng nhau hưởng vị ngọt của bánh và tình thân ái dịu dàng. Cho tới ngày hôm nay, hương vị của bánh táo còn gợi cho tôi ký ức về ông và những mẩu chuyện chiến tranh chung quanh bàn ăn. Ðặc biệt có một câu chuyện tôi cứ nài nỉ ông kể mỗi khi ngồi với ông, Câu chuyện khiến ông suýt tí nữa không về được tới nhà.
Vào đúng lúc chiến tranh chấm dứt, ông bị bắn vào lưng, mà tới hai lần lận, và tưởng sẽ chết nếu như không có hai đồng đội dũng cảm đưa ông ra khỏi vùng giao tranh, và họ đã liều mạng sống để cứu ông.

Về phần tôi, tôi không ngớt tò mò về hai người đồng đội trẻ của ông. “Họ là ai vậy ông? Ông tả họ cho cháu nghe đi.” Tôi hỏi cho dù biết rằng khi ông kể cho tôi nghe về họ, mắt ông sẽ nhòa đi và giọng ông sẽ run run.
“Ông và hai người bạn ấy ăn chung, ngủ chung và chiến đấu chung.” Ông thường trả lời như thế.
“Như một cái bánh táo vậy. Dave là một quả táo lớn, mạnh mẽ, tinh thần quả cảm và luôn che chở đồng đội. Ron là nhân bánh, ngọt ngào -hắn vui tính và ưa khôi hài. Còn ông, ông là bột bánh nướng chín kết gắn mọi thứ lại với nhau -ông luôn nhắc nhở hai người bạn kia về những gì đang chờ đợi họ ở nhà và những dự tính sẽ làm chung với nhau. Thời gian sáu tháng phục vụ trong quân ngũ đã tạo nên một thứ tình bạn an toàn -thứ tình bạn khiến người ta trải đời ra với nhau.”
Ôi, tại sao tôi lại không tìm gặp hai người kia, họ là những người bạn đã chiếm giữ tình cảm của ông và làm cho ông luôn cảm thấy an tâm.
Thế rồi, quả thật không thể nào tin được, tôi có được cơ may hiếm có. Trong một lần đến chơi nhà ông, lúc tôi mới lên chín tuổi, một sáng tôi thức dậy sớm, thấy ông tôi đang ở trong bếp, ngồi nhấm nháp tách cà phê. Bên cạnh còn hai cái tách nữa đã uống gần cạn, còn ghế thì không ai ngồi.
“Tại sao ở đây có tới ba tách cà phê vậy ông?” Tôi hỏi.
“À, để ông nói cho cháu nghe,” ông tôi trả lời. “Cứ vào sáng thứ Bảy, những đồng đội cũ của ông – những người bạn của cái bánh táo ấy mà – thường đến đây uống cà phê và ôn chuyện trong quân ngũ ngày xưa với ông.”
“Thật vậy sao, thưa ông?” Tôi phấn khởi nói. “Tại sao lâu nay ông không nói cho cháu biết?”
Hai người bạn thân thiết ấy đã cùng ông đi qua chiến tranh giữa vòng lửa đạn, họ đã ngồi đây trong căn bếp này trong khi tôi yên ngủ trên lầu!
“Cháu gặp họ được không, thưa ông?” Tôi năn nỉ. “Xin ông cho cháu gặp nha!”
“Ðược chứ,” ông nói. “Nhưng với điều kiện là cháu phải tự mình thức dậy lúc 4 giờ sáng để gặp họ. Ðó là giờ họ đến, ông không làm gì giúp cháu được.”
Thật là cả một thử thách. Tất nhiên tôi sẽ tự mình thức dậy. Nếu cần tôi thức suốt đêm cũng được!
Nhưng xét cho cùng tôi chỉ là một đứa bé, vì quá nao nức và không chợp mắt lúc đầu hôm, tới 4 giờ sáng thì tôi ngủ như chết. Mỗi thứ Bảy tới thăm ông đều diễn ra y như thế: tôi chạy nhanh xuống cầu thang, biết là mình đã trễ, và những tia nắng đầu tiên đã xuyên qua khe cửa nhà bếp, ở đó chỉ còn có ông tôi và ba tách cà phê đã uống cạn.
Sau năm đó, tôi không còn cơ hội để gặp họ nữa. Những viên đạn ngày nào tính cắt đứt mạng sống của ông tôi nay đã đạt được kết quả, mầm bệnh ung thư đã xuất hiện ở những vết thương ăn sâu vào sống lưng của ông. Ông chết đi và không bao giờ có lại những buổi cà phê vào sớm mai trong nhà bếp. Và tôi không còn hy vọng gặp hai chiến hữu của ông tôi.
Tuy nhiên, về mặt nào đó, tôi cũng được toại ý. Có lẽ trí óc non nớt của cậu bé chín tuổi như tôi không thể nào hiểu được rằng cho dù tôi có thức dậy sớm vào lúc 4 giờ để nhìn thấy ông tôi ngồi quạnh quẽ đơn độc với ba tách cà phê, trong đó có hai tách dành cho hai người bạn, cho dù là thế đi nữa tôi cũng sẽ không bao giờ gặp được hai đồng đội cũ của ông vì họ đã không bao giờ về lại sau chiến tranh. Không, trí óc thơ dại của tôi sẽ không bao giờ tưởng tượng nổi một điều sâu xa dường ấy.
Nhưng giờ đây mọi sự đã sáng tỏ trong tâm trí tôi cũng như với ông tôi ngày nào vậy. Ông mãi mãi là thứ bột bánh đã nướng chín để kết nối và giữ mãi một tình bạn không bao giờ mất đi và để tôi hiểu rằng có một thứ tình cảm sống mãi cùng hồi ức của ta và còn xa hơn thế nữa.
NS – theo Heather L. Shepherd