Không có gì hèn hạ hơn nỗi sợ trước chính nỗi sợ của mình.
Không có gì trên đời tôi căm thù bằng căm thù nỗi sợ.
– thơ Evtushenko
Evgeny Evtushenko
Vũ Tuấn Hoàng dịch
Kỳ I
Vị khách không mong đợi
Vào một buổi sáng sớm, sau hôm sinh nhật của tôi, đột nhiên vang lên tiếng chuông cửa ngắn ngủi và khá thận trọng. Sau đó, tiếng chuông thứ hai lâu hơn một chút, có vẻ như nhắc nhở và tiếng chuông thứ ba thì đã mang vẻ trịch thượng đòi mở ngay cửa ra.
Mở chiếc móc sắt gỉ từ thời trước cách mạng ở lối vào, tôi nhìn thấy trên thang gác của ngôi nhà gỗ trên phố Meshanska của mình một khuôn mặt nhỏ, bầu bầu, sáng bóng như chiếc bánh rán phết bơ, đang mỉm cười ý nhị. Hai hàng lông mày trắng nhạt, một mảng hói màu hồng hồng giữa hai nhúm tóc lơ thơ. Vị khách không mời vẫn đứng phía ngoài, rồi thò bàn tay nắm chặt vào trong, sau đó lại xòe bàn tay ra, kèm theo một nụ cười rạng rỡ như một nhà ảo thuật tâm đắc với chính các trò chơi của mình.
Trong lòng bàn tay hồng hồng đó là chính tấm thẻ màu đỏ mà mới chỉ thoạt trông thấy nó thôi, nhiều người cũng phải vãi linh hồn, như con thỏ nhìn thấy rắn hổ mang bành miệng ra vậy. Máu trong người như đóng băng lại, mất luôn khả năng ứng phó. Tấm thẻ màu đỏ mở hé ra rồi lại được đóng ngay lại nhanh như chớp, cái chính là để không thể nhớ được họ tên của chủ nhân.

“Xin chúc mừng ngày sinh nhật đã qua” giọng nói ngọt ngào. “Hôm qua chúng tôi không muốn quấy rầy anh, nhưng quả là có câu chuyện muốn nói với anh. Anh có thể ghé qua chỗ chúng tôi được không?”
“Khi nào, hôm nay á?” Tôi mãi mới ớ lên được một câu, cảm giác như hai chân mềm oặt ra bên miệng của một bờ vực khủng khiếp mà dưới đáy xương đã chất thành đống.
“Ngay bây giờ…” Người đàn ông phấn chấn trả lời. “Xe đã chờ sẵn, sau mười phút chúng ta sẽ đến đó.”
“Ðến đó là đến đâu?” Tôi lắp bắp.
“Lubyansk. Nhưng lối vào từ phía đường Serov. Từ đây đi cũng không bao xa, mười phút là chúng ta đã có mặt ở đó.”
Ðầu óc tôi mụ mị sau trận rượu vừa qua. Ai đó đã gõ cửa rất lâu… vì cái gì? Cũng mới đây thôi, tôi ở trong tình trạng say xỉn sau khi người ta lại một lần nữa “loại” tôi khỏi chuyến công tác ra nước ngoài. Tôi nổi khùng lên trong quán thịt nướng bên cạnh Trường Viết Văn Gorky, kêu lên rõ to cho tất cả đều nghe thấy rằng: “Bây giờ người ta giải thoát con người ra ra khỏi những trại giam nhỏ, nhưng cả nước vẫn tiếp tục là một trại giam lớn mà không ai được tự do bước ra”. Nhưng đây là chuyện chỉ trong phạm vi vài người mà lại toàn là sinh viên, người nhà cả. Lẽ nào, có ai trong số đó lại đang tâm…
Nhưng cũng có thể… Số là một tuần trước, vào ban đêm, sau khi “hạ gục” nhiều chai “Khvanchkar” ở quán Aragvi, tôi cùng Volodia Gneushev đã ngà ngà say và loạng choạng trên phố Stanislavsky. Bỗng tôi nhìn thấy đằng sau dãy hàng rào nặng nề bằng gang, một bóng phụ nữ trong khung cửa sổ đang chải tóc. Thật sang trọng, thật chậm rãi và có gì đấy khêu gợi. Khi hai chúng tôi leo qua hàng rào với một ý định khó kiểm soát, bỗng khiếp hãi khi nhìn thấy trên tường của tòa nhà tấm biển men sứ trắng có dòng chữ bằng tiếng Ðức. Một lá cờ nước ngoài. Ngoảnh lại phía sau, là một bót công an ở cổng ra vào. Rõ ràng, đây là đại sứ quán hay tổng lãnh sự nào đó. Cũng may là lúc đó không ai bắt gặp và hai chúng tôi lọt trở ra một cách êm thắm. Nhưng ngộ nhỡ người ta đã ghi hình được chúng tôi bằng camera bí mật giấu kín trong lùm cây và giờ đây đã tìm ra thì sao?
Mà cũng có thể là vì chuyện thơ thẩn? Nhưng vì bài thơ nào cơ chứ? Có ối cái được giấu kín, che đậy giữa các dòng chữ. Phải chăng vì những cái đó? Cái kim giấu kín trong bọc cũng phải thòi ra. Người ta sẽ tống vào tù? Lẽ nào tôi sẽ biến mất như ông nội Ermolay của tôi năm 1937? Tôi thậm chí cũng không biết ông tôi chết ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Có vẻ như người ta đã tra tấn và giết hại ông. Ðó là những kẻ cũng có khuôn mặt tròn trịa với những mảng hói hồng hồng trên đầu. Và bây giờ, họ lại cười rất nhã nhặn. Sẽ ra sao, khi mọi chuyện lại bắt đầu tương tự như vậy? Cần phải cự tuyệt ngay bây giờ. Trong trường hợp hãn hữu, tất cả sẽ được làm sáng rõ. Nếu họ muốn kiên quyết bắt tôi thì họ sẽ bắt và lôi tôi đến nơi tra hỏi một cách cưỡng bức…
“Ðầu tôi váng vất quá…” Tôi lắp bắp.
“Không nâng cốc, nước Nga không tồn tại… Ðời là vậy. Sau ngày sinh nhật mà đầu không đau thì đấy không phải là ý của Chúa,” người đàn ông nói với vẻ hiểu đời, cứ như thể gắn kết hai chúng tôi lại bằng cách ngụ ý lấp lửng như chính mình cũng đã không ít lần trải qua những buổi sáng như tôi bây giờ và cũng lý do tương tự.
“Vậy thì mười hai giờ, được không? Chính tôi sẽ qua.”
“Ồ không, không đời nào,” tôi hấp tấp nói. “Tôi tự đến. Thế cần gặp ai ạ?”
“Ðừng lo lắng, có người sẽ đón anh ở cổng…” anh ta nói, mặt rạng rỡ vì có cơ hội bày tỏ lòng hiếu khách. Nói xong, anh ta tan biến vào không khí của thời đại mà trong đó anh ta được nhào nặn như một thứ bột làm bánh vậy.
Nhưng, cái con người nhỏ bé này không biết được là tôi đâu chỉ có một mình. Ở ngay phòng bên cạnh, trên giường, một trong những vị khách của tôi đêm qua đang ngáy ầm ầm. Một nhà thơ quân đội, đã có thời gian đá bóng cho đội “máy kéo” của thành phố Stalingrad. Ông ngủ lại qua đêm ở chỗ tôi vì không đủ tỉnh táo để lái xe về nhà. Tôi thích đánh bạn với những người hơn tuổi. Ông thuộc loại một số ít người mà nhậu nhẹt lâu không thấy chán. Nếu có ai đó quá lúng túng hoặc quá say xỉn, hoặc ngược lại quá lo sợ, ông thường cười khẩy và nói một cách mỉa mai nhưng không hề ác ý: “Ông ngơi đi cho tôi nhờ…”
Tôi lắc ông dậy và lặp bặp kể lại cho ông nghe về vị khách đầu hôm với cái thẻ đỏ và mười hai giờ tôi phải đến cái nơi mà nhiều người chỉ có vào mà không có ra.
“Người ta bỏ tù tôi chứ?” Tôi hỏi hoàn toàn nghiêm túc mà cố không để cho răng đánh vào nhau lập cập. Chúng ta sống ở trong một đất nước mà bàn tay của cái cơ quan đã cấp những chiếc thẻ màu đỏ đó, có thể túm bất cứ người nào, bất cứ lúc nào như lấy một quân bài trong một cỗ bài tây. Ông bạn vẫn ngà ngà, khịt mũi:
“Chà, người ta làm ông bạn trẻ sợ hết hồn, mặt cắt không còn giọt máu. Ông ngơi đi cho tôi nhờ! Ðừng sợ, không ai động đến đâu. May cho ông đấy nhé, thời thế đã thay đổi rồi. Họ sẽ tỏ tình với ông đấy! Một vụ tuyển dụng hết sức bình thường…”
Tôi trố mắt ra, “Tôi á? Tuyển dụng tôi?” Trong lòng, một cơn sóng hân hoan lan tỏa – không bị bắt. Nhưng một ý nghĩ khác chèn lấp lên niềm sung sướng này: Tuyển dụng còn tệ hơn là “nhập kho”. Bí danh “chỉ điểm” trong con mắt của mẹ tôi, cha tôi và những người hàng xóm trên phố Meshanska số 4 là một nỗi nhục, một vết nhơ tởm nhất trên người.
“Bây giờ họ tuyển dụng tất cả, đang đổi mới cán bộ…” người bạn lớn tuổi chuyên viết về chiến tranh an ủi tôi.“Tốt nhất cứ đến với tay không, còn hơn với tâm hồn trống rỗng. Người ta cũng đã định tuyển dụng tôi, cũng phương pháp đó như của ông. Sau Tết, vào buổi sáng sớm tinh mơ, họ biết rằng khi người ta say xỉn thì có thể xoắn lại làm dây thừng cũng được. Ông cứ tới nhưng đừng quá tích cực. Mặc họ nói, ông chỉ im lặng là được. Ðầu cứ gật gù như ông quan người Tàu ấy. Họ muốn thử ‘nắn gân’, còn ông hãy ‘nắn gân’ lại họ! Khi họ đề nghị việc cụ thể thì đừng thò ngón tay ra, người ta sẽ nuốt chửng ngay. Cứ làm cái vẻ con cừu non và be lên với họ ‘cảm ơn các quý ngài vì lòng tin cậy, nhưng tôi không xứng với nó đâu. Tất nhiên, nếu tôi nhìn thấy thằng gián điệp nào đó bò lồm cồm qua đường biên giới để luồn vào Liên Xô thì chính tôi, thưa các đồng chí quý mến, chạy ngay lập tức tới bẩm báo các đồng chí. Còn cái việc vừa sáng tác thơ, lại vừa dò la viết báo cáo cho các đồng chí thì, xin lỗi, tôi lẫn lộn mất…vậy, hãy vì chúa mà sa thải tôi ngay bây giờ đi’!”
(còn tiếp)
Kỳ tới
Buổi làm việc