Nghe nói, hàng năm, khi có bão, bão ở Miền Tây, ở các vùng biển Nha Trang, Vũng Tàu, người ta khóc thét cầu nguyện khi thấy mấy miếng tôn lợp nhà bay như những cánh chim, chém phần phật trên đầu. Nghe nói, (cũng mỗi năm) Miền Trung mỗi đợt “tiếp” vị khách không mời tên bão đến và đi là mỗi đợt rưng rưng chuẩn bị sẵn nước mắt và khăn tang để làm “đám” cho tài sản, thậm chí là người thân của mình. Nghe nói… Tất cả chỉ là nghe nói, kể cả cái câu “năm Thìn bão lụt” mà bà Ngoại nuôi của tôi hay nói.
Ðó là vào một ngày đầu tháng 5, năm Giáp Thìn (1904), đời vua Thành Thái. Một trận mưa bão và đại hồng thủy dẫn đến 12,000 người chết và mất tích trên cõi Nam Kỳ Lục Tỉnh. Thiệt hại về tài sản do cơn bão gây ra chỉ riêng tại Gia Ðịnh đã lên đến 40 triệu đồng Ðông Dương, tương đương với khoảng 1,000 tỉ đồng ngày nay. Số người chết ở riêng Sài Gòn lên đến hơn 5,000 người. Có rất nhiều người ghi lại chuyện cơn đại nạn tang thương này, bằng thơ bằng văn bằng cả tiểu thuyết. Người ta nhắc nhiều nhất là sự kiện một cái “vòi rồng” khiến chiếc đầu máy xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho nặng mấy chục tấn bị nước lũ dâng lên quá nhanh, cuốn đi mấy chục thước, trật khỏi đường rầy. Ngoài ra, các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Gò Công, Mỹ Tho (đều thuộc Tiền Giang ngày nay), Tân An, Chợ Lớn (Long An nay) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều làng gần bờ biển đã bị sóng thần cao đến 4-5m lôi cuốn đi mất. Sóng thần tiến vào các sông ngòi và có ảnh hưởng đến tận Bến Lức (Long An), cách bờ biển khoảng 50 cây số….

Sở dĩ thiệt hại nhiều như vậy vì không ai nghĩ cơn bão đó sẽ đến và sẽ đáng sợ như vậy. Miền Nam, đặc biệt Sài Gòn luôn được ưu ái hơn nhiều nơi khác bao đời. Ðến tận ngày nay, cũng chưa có cơn bão nào thay thế được “năm Thìn bão lụt” trong miệng người Sài Gòn. Vì thế mà thị dân ngày càng ỷ y hơn, càng… thân với bão hơn. Không phải người Sài Gòn man di, mọi rợ, coi thường sinh mệnh và tài sản của những đồng bào tỉnh khác khi họ bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên. Bằng chứng là người (ở) Sài Gòn luôn là những người tiên phong trong các phong trào thiện nguyện, ngay cả khi thiên tai. Ý tôi, mức độ “thân’ ở đây là ở cách nhìn, cách nghe và cách đón chào những cơn bão “hăm he” ghé tới Sài Gòn. Vâng, chính xác cách thị dân đối mặt với tin bão tới là “đón bão”, “chờ bão” chứ không phải là “chạy bão”, “trốn bão” như cách người ta hay nghĩ, hay làm, phải làm bao đời nay. Mặc kệ cơn bão đó có “ghé” hay không, mặc kệ trong lòng sợ hãi, phòng bị bao nhiêu, dân Sài Gòn cứ cà lơ phất phơ như thế. Ðó là người trưởng thành chứ tụi con nít xóm tôi còn… mong bão để “được” nghỉ học, ở nhà chơi nữa kìa. Tôi còn nhớ, cơn bão (được thông báo) ghé (thiệt) vào Sài Gòn gần đây nhất là ngày 1/4/2012, mang tên Pakhar. Khác với những phiền não âu lo “truyền thống”, người Sài Gòn không hẹn mà cùng lên Facebook, người người đăng “chờ bão” kèm theo những câu văn trữ tình, nhà nhà đăng “đón bão” kèm theo những tấm hình thật “deep”. Ðây đúng là dịp tốt nhất để dân SG tìm… đồng hương. Cứ hễ thấy ai… háo hức đó là đích thị. Người ta đón bão như thể đón người tình chưa bao giờ gặp mặt, dang rộng vòng tay với nụ cười rạng rỡ… Không mì gói, không dự bị, mà còn lũ lượt hẹn nhau đi chỗ nào… cao cao “ngắm” bão, nếu có lo chỉ là lo… cúp điện, mất… mạng (in-tẹt-nét). Qua ngày hôm sau, báo chí đăng là, cơn bão này dù không gây thiệt hại về người nhưng làm gần 500 căn nhà đổ sập và tốc mái, hơn 400 cây xanh đổ, 11 ghe tàu chìm, 85 hệ thống đường điện bị hư hỏng (thiệt hại 2.6 tỷ đồng), 8 điểm ngập có độ sâu 30-50 cm. Khi đi qua Ðồng Nai và Ninh Thuận, bão Pakhar làm 2 người chết, tàn phá hàng nghìn căn nhà, hàng trăm cây xanh bị đổ… Nhưng thật… tiếc, đó là ở các… tỉnh khác, không có phải ở Sài Gòn. Vì vậy, không ít đồng hương của tôi đã đăng những bình luận đau buồn, những câu văn thảm thiết như kẻ bị tình phụ, vì bão chỉ… ghé ngang, làm gió lốc phần phật, cây ngã “chút chút” chứ không hề “hoành tráng” như họ tin tưởng. Sau đó cũng nhiều đợt “hứa rồi đó nha” của các cơn bão khác với Sài Gòn rồi… thôi, làm thị dân không biết bao nhiêu lần “hụt hẫng” với các tin tức về bão (ngoài các quận vùng ven và gần mép biển như Nhà Bè, Cần Giờ). Và cũng… “nhờ” vậy, mà trước tin về cơn bão số 9 (Usagi), 24-25-26/11/2018 vừa qua, nỗi sợ hãi cũng bị “vơi đi ít nhiều”. Thị dân bớt lo lắng hẳn, các dòng “đón bão”, “chờ bão” vì thế mà “tăng vọt” so với năm 2012 (cũng có thể người chơi Facebook tăng lên?). Tuy không ít người chắc rằng, cơn bão này sẽ… ghé Sài Gòn thiệt, mặc dầu báo chí và truyền thông vẫn rất xôn xao, học sinh được nghỉ học và nhiều công ty nghỉ làm việc.

Cứ như vậy, vào ngày bão đến. Vì sự ỷ y này mà có nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra. Thứ nhất, sau ngày bão đến Sài Gòn. Ngoài cảnh cây ngã, cột điện đổ đè xe được coi là khá quen thuộc với cái Sài Gòn ngày càng kiên cố nhưng lại càng yếu ớt, vì bình thường một cơn “hắt hơi” của ông trời cũng làm cây gãy cành, nước ngập tới… háng. Thậm chí số cây gãy ở trong cơn bão số 9 vừa qua còn ít hơn so với một cơn mưa to (có thể vì cây đã bị chặt hết, không còn cơ hội… gãy). Thì điều “đặc biệt” nhất là “nghĩa địa xe” những tưởng thị dân chỉ được thấy trong phim Hollywood lại được bày ra ở các nẻo đường sau bão, vì rất nhiều xe hơi bị chủ nhân bỏ cù bơ cù bất, đứng nghênh ngang đón gió. Trong đó có rất nhiều hiệu xe sang mà không ai nghĩ nó có thể bị “bỏ rơi” như thế. Ngoài những hình ảnh nhậu nhẹt, tiệc tùng thì các hình ảnh nhà hàng, tiệc cưới, khách khứa ngồi “ăn đám” phải nhúng chân trong nước ngập, rồi có tiệc cưới dân chúng nhảy nhỏm vì một bạn rắn không ai mời lại bơi vô “dự tiệc” cũng chứng minh cho sự ỷ y và “liều ăn nhiều” của thị dân trước bão…. Người ta nói ăn bữa cỗ lỗ bữa cày, nhưng ăn bữa cỗ này lỗ có khi là cả… năm cày, hoặc cả đời cày! Dĩ nhiên, tôi không dám, cũng không… nỡ đổ lỗi 100% cho thị dân vì thiệt hại sau đó. Nhưng sự thật là đã có vài người đã ra đi mãi mãi trong cơn bão vừa qua (riêng Sài Gòn) chỉ vì một cái hẹn, một gói hàng hoặc đơn giản là vì hai chữ “ỷ y” ở trên! Với tôi, đó là những mất mát không đáng!
Dở khóc dở cười thứ hai, và quan trọng nhất là khi Sài Gòn vẫn là nơi chịu ít nhất sự ảnh hưởng của cơn bão này, khi ghé ngang, “nó” đã hạ thành cơn áp thấp, chỉ tạo nên cơn mưa to rỉ rả, dai dẳng kéo dài hơn một ngày một đêm kèm theo gió mạnh. Những điều này so với Vũng Tàu và các tỉnh ven biển, miền Tây khác trong chính cơn bão này, Sài Gòn chẳng là gì. Ngay cả với bản thân tôi, do may mắn ở một quận trung tâm, xóm không bị ngập nhiều, điện và internet vẫn dùng tốt, thì đây chỉ là một trận mưa lớn hơn, dai hơn những ngày mưa tháng 7 vừa qua một chút. Nhưng chính Sài Gòn lại là nơi có đông và nhiều nhất các bài đăng về thiệt hại trong và sau cơn bão. Nào là “Sài Gòn tang thương” “Các dịch bệnh ở Sài Gòn sẽ bùng phát sau bão” “Dân Sài Gòn màn trời chiếu đất vì bão” “Người chết, người mất tích trong bão”… Ðược thống kê thiệt hại về tài sản “kỷ lục” nhất. Và đằng sau hàng loạt bài báo đăng về sự “tàn khốc”, nguyên nhân (luôn được khẳng định là) do cơn bão này. Thì những người “trong cuộc” đều hiểu, nguyên nhân lớn nhất làm thiệt hại tài sản là những con… nước ngập mãi không chịu lui sau cơn bão, thậm chí là ba, bốn ngày sau đó người ta vẫn còn chụp được nhiều cảnh dân xắn quần, chèo ghe, ngâm mình trong căn nhà mình, đi dạo quanh xóm mình ở các quận vùng ven y như hình ảnh các cơn lũ ở Miền Trung. Bên cạnh các “nghĩa địa xe hơi” lộ thiên, thì nhờ cái sự ngập “bền vững” này mà các hầm giữ xe hầu hết các chung cư cũng trở thành những nghĩa địa xe hơi lẫn xe máy thực thụ vì không cái hầm nào không đầy ắp nước chỉ trong mấy giờ đầu của trận mưa đó, cũng không thèm rút nước tận mấy ngày sau bão.

Khi nói về nguyên nhân. Ngay cả trong các bình luận của người dân cũng nói, cũng than, cũng đau xót rất nhiều, nhưng không nhiều người đề cập đến gốc rễ của mọi vấn đề đó là cơ sở hạ tầng, đó là các ‘siêu ống cống”ngàn tỷ chỉ dùng để thấm hút… niềm tin, tiền bạc của dân chứ không phải nước. Bên cạnh đó, tôi nghĩ có một nguyên nhân nữa đó là sự đông dân của Sài Gòn khi người dân cả nước cùng chen chúc trong cái tổ nhỏ xíu nổi tiếng “bao dung, phóng khoáng” này. Nó bồi đắp cho lòng tham của những kẻ nắm quyền và tiền trong tay, họ cướp đất vô tội vạ và xây dựng những tòa nhà cao tầng vô tội vạ, phá đi những lối thoát nước và giữ lại những dịch bệnh ban phát cho người dân bằng những nghị quyết… Một con đường chục cây số, khoảng vài… trăm anh nhà thầu nhảy vào tranh. Nào là công ty anh Tám ở quận, văn phòng anh Sáu ở phường, cái lày nà của anh Hai có… ní nuận, cái kia là của anh Bảy có…. lăng nực, cái lọ nà của anh Mười theo đúng quy trình… Ðường thì đào, nâng cấp liên tục, cống thì hết cống này lại thay cống nọ…. Trăm anh thầu nó đào 100 cái cống ko ăn nhập gì với nhau nên nước cứ thế mà thoát vào nhà dân, thoát từ toilet thoát lên mỗi độ mưa về, và sau đó nó thấm vào từng lỗ chân lông luật pháp, đạo đức của bộ máy chính trị. Gây phù thũng, hôi thối nơi nơi…
Sau tất cả, điều mà tôi quan tâm đó là… những ai thu nhiều lợi nhuận nhất sau cơn bão. Ðừng cho là tôi vô tình, vì tôi nghĩ đã có quá nhiều người nói về đau thương mất mát, tôi không nên “góp sức”. Tôi chỉ lẳng lặng làm những điều mình cho là đúng và tốt với xã hội chờ khi người ta… quên, tôi mới.. khoe. Những người tôi nghĩ đến đầu tiên là các bạn ăn… trộm “yêu nghề”, “chịu khó” trong các ngày bão này có lẽ… trúng đậm. Kế tiếp là các nhà báo, bên cạnh đó là các tiệm sửa xe, mua bán xe cũ làm ăn “phát đạt” sau khi nước rút (với điều kiện, tiệm họ không nằm trong khu ngập và đồ nghề của họ vẫn còn xài được). Dĩ nhiên, những kẻ được lợi nhất sau cơn bão này (và mọi cơn bão) là một… cơn bão khác! Ðây là “cơn bão” ai cũng biết trước “lợi hại” hơn “năm Thìn bão lụt” rất nhiều nhưng không ai có thể tránh. Ðó là cơn bão của những anh… thầu, thầu đường thầu cống thầu cây, thầu thiên tai, thầu quốc hội…. đây mới chính những người chờ bão, đón bão thật sự theo nghĩa đen! Ðen như tình sử của… tôi!

DU