Menu Close

Thượng đỉnh tại Buenos Aires

Thượng đỉnh G20 năm nay được tổ chức tại Buenos Aires, Argentina, trong hai ngày 30/11 và 1/12. Thượng đỉnh được tổ chức mỗi năm một lần tại một quốc gia thành viên, lần này là năm thứ 10 và là lần đầu tiên được diễn ra tại khu vực Nam Mỹ.

thuong-dinh-tai-buenos-aires1

G20 là khối bao gồm 19 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới cộng với Liên hiệp Âu châu (EU). Có nhiều người cho rằng G20 ngày càng có ảnh hưởng hơn G7 là vì nó phản ánh sát với tình hình của thế giới hiện tại, và hơn nữa, nền kinh tế của một số quốc gia trong G20 – điển hình có Trung Quốc, Nam Hàn và Brazil – nay đã lớn mạnh hơn nền kinh tế của một vài quốc gia trong G7, như Canada và Ý. Thế nên, mỗi năm khi thượng đỉnh này diễn ra đều được thế giới chú ý theo dõi.

Chủ đề thảo luận tại thượng đỉnh năm nay bao gồm việc cải tổ cần phải làm đối với thương mại thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu, vụ ký giả Jamal Khashoggi bị gián điệp Ả Rập Saudi giết hại, và gần đây nhất là vụ Nga bắt giữ ba tàu tuần duyên của Ukraine.

Mặc dù tầm quan trọng và ảnh hưởng của G20 đã được nhiều người công nhận, nhưng giống như nhiều cuộc hội họp mang tính cách toàn cầu khác, trong những cuộc hội thảo nhiều khi những quan điểm và ý kiến trái ngược nhau được đưa ra mà không tìm được sự đồng thuận để có thể giải quyết một số vấn đề hệ trọng mà thế giới đang gặp phải, và vì vậy G20 cũng không tránh khỏi một vài chỉ trích cho rằng những cuộc tụ họp như thượng đỉnh G20 chỉ làm mất thì giờ.

Tuy nhiên, cũng có chính khách lão thành như ông Henry Kissinger, trong một cuộc hội họp tại Singapore mùa hè vừa qua, đã phát biểu rằng: “Nói chuyện là điều tốt. Nếu người ta nói chuyện, người ta không đánh nhau.”

Hầu hết những người tham dự thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires cũng đồng ý rằng trao đổi quan điểm với nhau vẫn tốt hơn là đối đầu nhau bằng quan thuế, hay hoả tiễn, và thậm chí nếu như có bất đồng với nhau bằng lời nói thì người ta vẫn có thể cãi nhau suốt ngày mà chẳng ai phải lo ngại chiến tranh, cho dù là dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ đưa đến thiệt hại.

Và do đó G20 có thể chỉ ra những thành quả đã đạt được trong 10 năm hiện hữu của nó như là bằng chứng cho thấy đối thoại có mang lại kết quả thực sự và những cuộc tụ họp của G20 không hẳn là vô ích và mất thì giờ.

Năm 2008, lần đầu tiên G20 nhóm họp tại Washington, thế giới đang đứng bên bờ vực sụp đổ tài chánh trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đe dọa có thể chôn vùi ngay cả những nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên hiệp Âu châu đã quyết định đưa ra biện pháp đầu tiên nhằm kéo dài thời gian để kinh tế thế giới không bị sụp đổ quá nhanh và rồi từ từ gượng lại. Biện pháp đó nay được gọi bằng thuật ngữ kinh tế là “quantitative easing” hay viết tắt là QE – được Việt hoá thành “nới lỏng định lượng” hay “tăng mức lưu hoạt có định lượng” – nghĩa là ngân hàng trung ương bơm tiền vào trong các hệ thống ngân hàng để kích thích sản xuất và tiêu thụ.

G20 tái nhóm tại London vào mùa xuân sau đó, và tiếp tục tại Pittsburgh năm 2009, để đưa ra một chương trình QE đầy đủ chi tiết hơn, và thiết lập chương trình kích thích kinh tế toàn cầu để phòng tránh cuộc suy trầm lần này có thể bùng phát thành một cuộc suy thoái kinh tế như đã từng xảy ra vào thập niên 1930.

thuong-dinh-tai-buenos-aires2
Trong một cuộc hội thảo giữa các nguyên thủ – nguồn Getty Images

Hai lần thượng đỉnh kế tiếp, năm 2010 tại Toronto (Canada) và 2011 tại Cannes (Pháp), là để giải quyết cuộc khủng hoảng hệ thống tài chánh trong khu vực đồng euro, do từ hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu trước đó. Tuy nhiên đã có sự bất đồng trong việc giải quyết vấn đề: Hoa Kỳ thì muốn Âu châu bơm thêm tiền vào như kiểu chương trình QE trong khi nhiều quốc gia trong khối EU thì chỉ muốn thắt lưng buộc bụng.

Ðề tài thảo luận cho thượng đỉnh G20 tại Los Cabos (Mexico) năm 2012 là để cải tổ cấu trúc kinh tế toàn cầu, và 2013 tại Pittsburgh nhấn mạnh tới đầu tư cho hạ tầng cơ sở.

Năm 2014, kinh tế toàn cầu hầu như đã hoàn toàn hồi phục, và thượng đỉnh G20 tại Brisbane (Úc) đưa thế giới trở lại con đường phát triển với hứa hẹn là tăng tổng sản lượng nội địa của các thành viên G20 khoảng 2 phần trăm trên mức dự đoán trước đó.

Năm sau, 2015, G20 tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) bị lu mờ bởi những cuộc tấn công khủng bố tại Paris và Thổ Nhĩ Kỳ một thời gian ngắn trước khi thượng đỉnh nhóm họp, và do đó các quốc gia hiện diện đã cùng đồng ý ký vào bản thông cáo chung chống lại các hành động khủng bố. Một số phân tích gia tin rằng từ thượng đỉnh này mà Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu chú ý nhiều hơn tới sự đe dọa của nhóm ISIS tại vùng Trung Ðông, và đã cho thực hiện những biện pháp để ngăn chặn và giải quyết tổ chức khủng bố này tại Iraq và Syria.

Thượng đỉnh tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2016 diễn ra sau khi người dân tại Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi khối EU, và cùng lúc là cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ đưa ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Thông cáo chung của thượng đỉnh lần này là ủng hộ cho thị trường mở rộng và toàn cầu hoá, hai khái niệm kinh tế đã bị ông Trump liên tục tấn công trong thời gian tranh cử, và đã dùng diễn đàn của thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Ðức) năm 2017 để đề xướng chính sách chống lại trật tự trong quan hệ thương mại và quốc tế đã được định hình từ lâu nay.

Thế nên, nhiệm vụ của thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires năm nay được cho là rất khó khăn trong khi mối quan hệ thương mại và an ninh toàn cầu đang gặp phải những căng thẳng và xung đột quá lớn như chưa từng xảy ra trong 10 năm qua. Trong bối cảnh đó, một số phân tích gia cho rằng qua cuộc họp thượng đỉnh lần này có thể cho ta thấy được trước chút khái niệm về một trật tự mới của thế giới trong một vài năm sắp tới.

thuong-dinh-tai-buenos-aires
Hình lưu niệm một số đệ nhất gia tại G20 2018 – nguồn YouTube

Có thể nói chỉ có tại G20 mà không nơi nào khác người ta được mục kích những cuộc chạm trán ngoạn mục của những chính khách nặng ký nhất trên thế giới: Vladimir Putin và Donald Trump; Donald Trump và Tập Cận Bình; Donald Trump và Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi – là một vài ví dụ.

Cuộc họp giữa Putin và Trump đã bị huỷ bỏ do những hành động gây hấn của Putin mới đây trong việc bắt giữ tàu tuần duyên của Ukraine. Ðiều này có nghĩa là cả hai lãnh tụ không có cơ hội để bàn thảo về những vấn đề hệ trọng, từ việc kiểm soát vũ khí cho tới tình hình tại Trung Ðông.

Lần trước sau khi rời buổi họp với Trump, Putin đã nở một nụ cười bí hiểm. Lần này rời G20 Putin sẽ không biết rõ là Hoa Kỳ có tìm cách can thiệp vào tình hình Ukraine hay không trong khi Nga ngày càng tìm cách siết chặt chủ quyền của Kiev trong vùng biển Azov.

Cuộc họp giữa Tập và Trump cũng là một sự kiện được theo dõi kỹ. Có rất nhiều vấn đề được bàn thảo trong cuộc họp này và ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thương mại thế giới trong thời gian tới.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Trump cho biết ông đã sẵn sàng để đánh thuế thêm trên $267 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc và tăng thuế trên $200 tỷ khác từ 10 lên 25 phần trăm vào năm tới.

Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi là nhân vật được chú ý nhiều nhất tại G20 lần này. Cuộc họp giữa bin Salman và Trump mặc dù đã được phía Hoa Kỳ cho giảm bớt cường độ và cả hai bên không đặt nhiều kỳ vọng trong cuộc họp này là vì vụ án ký giả Jamal Khashoggi vẫn còn lấp lửng đâu đó và đã gây khó xử cho Toà Bạch Ốc không ít trong thời gian vừa qua. Một số thắc mắc liên quan tới vụ án đến nay vẫn chưa được giải thích ổn thoả như lý do tại sao Khashoggi bị giết và giết bằng cách nào và xác ông này nay ở đâu.

Một số quan sát viên cho biết thượng đỉnh G20 năm nay có thể là lần xuất hiện cuối cùng của hai nữ nguyên thủ của hai cường quốc là Theresa May của Vương quốc Anh và Angela Merkel của Ðức. Bà May đang gặp rất nhiều sự chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ trong việc giải quyết vụ Brexit sau khi ký thoả thuận với EU để rời khỏi khối này. Trong khi tình hình chính trị tại Ðức đang lên cơn sốt và uy tín của bà Merkel đã sụt giảm rất nhiều trong cuộc bầu cử vừa qua. Không ai dám đoán chắc hai vị nữ lưu này có thể vượt qua được những thử thách chính trị của họ hiện nay hay không.

VH