Để thẩm định tài sản của một cá nhân, ta dùng các con số trong trương mục ngân hàng, trị giá bất động sản và các sản vật khác như xe hơi, tàu bè, máy bay v.v. Để thẩm định tài sản của một quốc gia, theo truyền thống thì các nhà kinh tế dùng “Gross Domestic Product” tức GDP.
GDP (ngày xưa gọi là GNP – Gross National Product) là tổng trị giá của tất cả những sản phẩm và dịch vụ được sản xuất bởi một nước. Dựa trên GDP cao hay thấp một quốc gia được đánh giá là ‘giàu’ hay ‘nghèo’. GDP còn được chính phủ dùng để đề ra những kế sách về kinh tế, để buôn bán, giao thương.
Quen thuộc như thế, GDP được sử dụng rộng rãi vì nó đo đếm mọi thứ liên quan đến kinh tế. Nhưng GDP lại bỏ qua việc đo lường trị giá của đời sống con người – một yếu tố chính, vì không có con người thì không có kinh tế và tài chánh! Nói giản dị, theo cố TNS Robert Kennedy, GDP là một chỉ số đo lường có nhiều khiếm khuyết vì thiếu những yếu tố nhân văn, xã hội – như sức khỏe của trẻ thơ, sự an vui của chúng.
Ngay trong thập niên 30 của thế kỷ trước ông Simon Kuznets, một trong những kinh tế gia từng khởi xướng việc thành lập một chỉ số kết hợp các yếu tố kinh tế tài chánh giống như GDP, cũng đã đề cập đến sự khiếm khuyết của GDP qua câu “phúc lợi của một quốc gia khó có thể đo lường bằng lợi tức”. Dù khiếm khuyết hay không hoàn toàn chính xác, GDP vẫn tiếp tục được cả thế giới dùng để thẩm định và dự đoán sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia.
Gần đây, tổ chức Social Progress Imperative do ông Michael Porter (chuyên gia kinh tế từ Harvard) dẫn đầu, đã đề xướng một chỉ số kết hợp từ mọi yếu tố xã hội (nhưng loại trừ các con số liên quan đến kinh tế) để đo lường “sức khỏe” của một quốc gia. Tổ chức này không đề cập đến những cái hay hoặc dở của chỉ số GDP, nhưng phân tích mối liên quan giữa GDP và sự tiến triển xã hội của một nước, và đưa ra một chỉ số mới: the Social Progress Index hay SPI (Chỉ số Tiến triển Xã hội). SPI bao gồm 54 yếu tố về phúc lợi dưới ba thể loại chính: 1) Quốc gia ấy có cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho cư dân không? 2) Có những chính sách giúp cư dân và cộng đồng phát triển và duy trì sự sống an vui không? 3) Có cơ hội cho cư dân phát huy tiềm năng đầy đủ không?
Áp dụng chỉ số SPI, các tổ chức an sinh thế giới đã đo lường mức an vui của 132 quốc gia và kết quả không mấy ngạc nhiên về các quốc gia hàng đầu “Tier 1” (10 quốc gia nằm trong khối Bắc Âu (Nordic) và mấy quốc gia dân chủ cấp tiến như Tân Tây Lan, Úc và Canada. Các quốc gia hàng thứ hai, “Tier 2”, bao gồm 5 trong nhóm G7 như Germany, the UK, Japan, the US và France. Ðặc biệt là Nhật Bản, cường điểm của quốc gia này nằm trong việc cung ứng các nhu cầu căn bản của con người nhưng không mấy đặc sắc trong việc mang lại cơ hội tiến thân cũng như sự sống an vui cho cư dân. Nói giản dị là tại Nhật Bản, cư dân có thể đủ ăn, đủ mặc nhưng sống không mấy an vui và không có cơ hội thăng tiến, nhất là xã hội này ít chấp nhận những khác biệt và thiếu hòa đồng.

Hoa Kỳ tuy khá dở trong việc cung ứng các nhu cầu tối thiểu của con người (xếp hạng thứ 23) nhưng lại là xã hội rộng mở cho cơ hội tiến thân (xếp hạng 5 trong thể loại này). Ðiều tệ nhất về cường quốc hàng đầu về tiền bạc này là việc ngân sách quốc gia tiêu ở mức cao nhất cho y tế nhưng lại đứng thấp về tuổi thọ của cư dân. Tạm hiểu là tại Hoa Kỳ có nhiều cư dân vất vả khó nhọc để sống đầy đủ, nhưng ngược lại những người mạnh mẽ, tài giỏi thì có nhiều cơ hội để tiến thân và làm giàu nhanh chóng.
Khái niệm SPI tương đối mới mẻ nên chưa được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, chỉ số này cho thấy có những khác biệt rõ ràng giữa cấu trúc kinh tế và cấu trúc xã hội. Theo tổ chức Social Progress Imperative, “Mùa Xuân Ả Rập” là một chứng minh rõ rệt: một số quốc gia Ả Rập có GDP trên mức trung bình (kinh tế khá khá) nhưng lại xảy ra một cuộc nổi dậy đòi thay đổi của cư dân. Nói cách khác, các quốc sách của họ chỉ dựa trên kinh tế nhưng không mang lại một xã hội an vui. Và SPI đã dự đoán được sự xáo trộn của xã hội ấy: các quốc gia vùng Bắc Phi không tạo cơ hội để cư dân có thể phát huy tiềm năng nên dù đủ cơm áo, nhưng những người trẻ cũng vẫn bực bội, uất ức chỉ muốn đạp đổ các khuôn thức cũ để được sinh sống trong một xã hội bình đẳng, hòa đồng, với các quyền tự do của con người.
GDP và SPI, cả hai chỉ số đều có giá trị tương đối. Ở một quốc gia nghèo mạt thì xã hội thường rối loạn, cư dân không thể sống an vui vì đói khát túng thiếu triền miên. Trong trường hợp này, cả hai GDP và SPI đều rất thấp. Khi cư dân no đủ, GDP ở mức trên trung bình, sự an vui trong đời sống trở thành yếu tố quan trọng. Ở một quốc gia khá giả như Nga Sô và Ả Rập, GDP khá cao nhưng SPI thì lại thấp; dư ăn dư mặc nhưng cư dân vẫn than oán, không vui vì không được tự do. Trong trường hợp thứ nhì, SPI thực sự đo lường mức hài lòng của cư dân đối với cuộc sống. Thí dụ điển hình khác, Tân Tây Lan và Ý. Cả hai quốc gia có mức GDP tương đương, nhưng trong bảng xếp hạng SPI thì Tân Tây Lan trên Ý 29 bậc!
Ưu điểm của SPI là đo lường được những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, từ tự do tín ngưỡng (niềm tin tôn giáo dù khác biệt nhưng vẫn được tôn trọng) đến việc có điện nước sử dụng, và có thể so sánh SPI với mức gia tăng của GDP.
Theo truyền thống, GDP được sử dụng để phát triển kinh tế, tạo ra các kế sách giao thương, các chính sách xã hội. Nhưng ngày nay, SPI đang được âm thầm sử dụng vào việc thay đổi chính sách xã hội hầu nâng cao đời sống cư dân. Paraguay là quốc gia đầu tiên chính thức sử dụng SPI như căn bản của các chính sách mới.
Tuy không hoàn toàn áp dụng chỉ số SPI nhưng Tổ Chức Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum) đưa cách đo lường mới, có phần tương tự như SPI, có tên “Inclusive Development Index” (IDI). Chỉ số này sử dụng các yếu tố như GDP trên mỗi đầu người, tỷ lệ số người có công việc làm, mức sản xuất nhưng đo lường thêm các yếu tố khác như mức nghèo đói; tuổi thọ; nợ công; lợi tức; sự khác biệt giữa giàu và nghèo; và mức ô nhiễm của môi sinh. Inclusive Development Index cũng đo lường mức đầu tư vào cư dân (các chương trình giáo dục, huấn nghệ, giúp cư dân phát huy tiềm năng…); mức thất thoát tài nguyên thiên nhiên, và mức hư hoại từ ô nhiễm.
Nhìn chung, GDP đang mất dần ảnh hưởng như một chỉ số đo lường chính thức về sức mạnh quốc gia. Với sự xuất hiện của các chỉ số đo lường mới, gần gũi hơn với nhu cầu của con người, GDP trong tương lai sẽ không còn là chỉ số tuyệt đối mà chỉ là một trong những yếu tố đo lường sự an vui của con người. Các quốc gia tân tiến trên thế giới đã bắt đầu sử dụng một số những chỉ số mới ngoài GDP để lượng mức “hài lòng” của cư dân. Nghĩa là sự “giàu có” không chỉ đo lường bằng tài sản vật chất mà còn bao gồm nhiều yếu tố quan trọng khác như sức khỏe và hạnh phúc về tinh thần.
TLL