Trước Lễ Giáng sinh chỉ ít ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã biếu tặng Tổng thống Donald Trump một món quà đầy ý nghĩa để ông Trump có thể đem khoe với người dân Mỹ trong dịp lễ cuối năm nay.

Món quà đó, theo như các tin tức được loan đi, là chính quyền Bắc Kinh đã quyết định cắt giảm thuế đánh trên xe hơi nhập cảng được sản xuất ở Mỹ từ mức 40 phần trăm xuống mức cũ là 15 phần trăm. Ðồng thời Trung Quốc sẽ chịu mua khoảng từ 1 tới 1.5 triệu tấn đậu nành và thêm ít nhất 3 triệu tấn bắp trong thời gian tới.
Quyết định này được đưa ra chỉ hai tuần lễ sau khi hai ông Trump và Tập đã đồng ý trên căn bản tại một cuộc họp bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentia về một cuộc tạm đình chiến trong cái gọi là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước bắt đầu nổ ra vào đầu mùa hè vừa qua. Sự kiện này được các nhà quan sát tình hình quốc tế xem như một sự nhượng bộ đáng kể từ phía Trung Quốc và cũng là chiến thắng đầu tiên của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, còn một nhượng bộ khác quan trọng hơn nữa đó là Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi kế hoạch “Trung Quốc Chế tạo 2025” – một chính sách công nghệ đầy tham vọng của Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc lên hàng quốc gia lãnh đạo thế giới về kỹ thuật trong các lãnh vực từ viễn thông, tin học, người máy cho đến loại xe chạy bằng năng lượng điện vào năm 2025. Một trong những thay đổi chính yếu trong kế hoạch này là các nhà làm chính sách Trung Quốc sẽ cho trì hoãn mục tiêu được đưa ra lúc ban đầu là năm 2025 và chờ cho qua tới 2035. Và như vậy kế hoạch này có thể sẽ được đổi thành “Trung Quốc Chế tạo 2035” khi họ đưa ra chính sách mới trong năm tới.

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc sẽ cho phép các công ty ngoại quốc được làm ăn dễ dàng hơn trong thị trường Trung Quốc và có thể họ sẽ bớt khắt khe hơn hoặc là huỷ bỏ việc buộc các công ty kỹ thuật ngoại quốc phải chuyển giao những bí mật kỹ thuật cho các công ty Trung Quốc – là điều mà phía Mỹ và Âu châu vẫn thường than phiền từ bao lâu nay và đòi phía Trung Quốc phải thay đổi.
Những nhượng bộ trên của Trung Quốc chắc hẳn phải có lý do của chúng?
Theo một bài phân tích mới đây đăng trên tờ New York Times, lý do là vì nền kinh tế Trung Quốc trong mấy tháng qua đã giảm sụt mạnh. Nhiều dấu hiệu cho thấy giới tiêu thụ và giới kinh doanh của Trung Quốc đang mất niềm tin. Số xe hơi bán ra đã bị xuống dốc. Thị trường nhà cửa đang gặp lao đao. Một số nhà máy sản xuất đang cho công nhân nghỉ để về quê ăn Tết sớm hơn trước hai tháng.
Ðây được xem như sự thách đố nghiêm trọng nhất đối với lãnh tụ Tập Cận Bình trong sáu năm qua kể từ khi lên nắm quyền.
Ðể đo lường mức độ trì trệ kinh tế ở Trung Quốc là điều không dễ, là vì các dữ liệu kinh tế của chính quyền Bắc Kinh đưa ra thường không trung thực. Tuy nhiên hôm Thứ Sáu 13/12 vừa qua, một số giới chức Trung Quốc đã đưa ra những con số khá bất ngờ trong bản phúc trình mỗi tháng về sự tăng trưởng yếu kém trong những lãnh vực về bán lẻ và sản xuất công nghệ, một dấu hiệu cho thấy kinh tế của Trung Quốc đang gặp trở ngại. Nhiều kinh tế gia nói rằng tình trạng trì trệ này là tệ hại nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đúng một thập niên trước, khi ấy Bắc Kinh đã buộc phải bơm hàng nhiều ngàn tỷ Mỹ kim vào trong nền kinh tế của họ để giữ cho sự tăng trưởng không bị trật đường rầy.
Trong suốt hai thập niên qua, với nền kinh tế phát triển mạnh đã cho giới lãnh đạo Trung Quốc một chỗ đứng vững vàng trong quan hệ quốc tế. Kể từ khi Trung Quốc tìm cách gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2008, chính quyền Bắc Kinh đã không cần tìm đến sự trợ giúp từ Washington hay những cường quốc khác trên thế giới. Nhờ ảnh hưởng từ kinh tế phát triển và duy trì được sự ổn định trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ lâu nay, Trung Quốc nói chung vẫn thường đàm phán với các nước khác ở tư thế mạnh.

Nhưng nay Tập Cận Bình không còn nắm được tư thế cao sang đó nữa, mặc dù họ Tập đã tập trung quyền kiểm soát về chính trị, xã hội và kinh tế của Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết. Ðầu năm nay, Tập còn cho bỏ luật giới hạn nhiệm kỳ của lãnh đạo Trung Quốc và đặt ông vào vị trí để làm chủ tịch vĩnh viễn nếu như ông ta muốn. Trong khi đó cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ nếu không khéo giải quyết sớm để cho nền kinh tế bị kéo xuống thì chung cuộc tất cả mọi lỗi lầm có thể đổ lên đầu Tập và biến ông ta thành một vật tế thần. Hiện nay chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh kiểm duyệt những tin tức nói đến kinh tế trì trệ.
Ngoài ra, Tập Cận Bình hiện đang phải đối diện với những khó khăn trong vấn đề ngoại giao quốc tế. Các giới chức an ninh Trung Quốc vừa ra lệnh bắt giữ hai công dân Canada, hành động này được cho là để trả đòn vụ chính quyền Canada vừa cho bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, một giám đốc viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, theo yêu cầu của Washington. Tuy nhiên, cùng lúc thì giới chức lãnh đạo Trung Quốc lại có giọng dịu dàng hơn với chính quyền Trump về vụ bắt giữ bà Mạnh cũng như những lời cáo buộc của Mỹ gần đây về vụ tin tặc Trung Quốc tấn công và đánh cắp nhiều dữ kiện thông tin từ hệ thống khách sạn Marriott, là vì họ biết nếu để chiến tranh thương mại leo thang có thể tác hại nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước.
Trên giấy tờ, như thường lệ, kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và tăng trưởng đều. Dữ liệu chính thức của chính phủ đưa ra cho thấy kinh tế tăng trưởng 6.5 phần trăm trong ba tháng chấm dứt vào Tháng 9 vừa qua, so với cùng thời gian một năm trước.

Tuy nhiên, sự thực bên dưới bề mặt hào nhoáng đó là một tình trạng trì trệ kinh tế đang gia tăng cường độ. Ðầu tư ngoại quốc rớt mạnh trong tháng qua. Số xe hơi bán ra trong ba tháng gần đây cũng giảm sụt ở mức kỷ lục. Diện tích nhà xây được hoàn tất, một thước đo về tình trạng sức khoẻ của thị trường nhà cửa, đã bị sút giảm trong năm nay. Ý kiến chung trong giới kinh doanh ở Trung Quốc hiện nay có pha thêm nhiều vị chua chát trong đó.
Tình trạng kinh tế trì trệ được nhìn thấy rõ nhất là ở những trung tâm sản xuất thuộc khu vực miền nam Trung Quốc như Quảng Châu và Ðông Quản (Dongguan). Nhiều nhà máy đã buộc phải cắt giờ làm việc của công nhân. Một số nơi còn cho công nhân nghỉ làm về quê ăn Tết sớm.
Một phụ nữ làm chủ một cửa tiệm nhỏ bán va li ở bên ngoài một trạm xe lửa ở Ðông Quản cho biết thường thời gian bận rộn nhất là vào Tháng 1, khi những ngày nghỉ lễ Tết Âm lịch bắt đầu, nhưng năm nay việc mua bán ở cửa tiệm đã bận rộn sớm hơn do nhiều công nhân buộc phải nghỉ lễ và về quê sớm.
Một công nhân xây dựng tên Lí Hiểu Hồng (Li Xiaohong) ở Quảng Châu cho biết ông không kiếm được việc làm và trong tháng qua chỉ kiếm đủ việc cho hai tuần, do các công ty xây dựng ở Trung Quốc đang thiếu tiền.
Ðây là điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc rất lo sợ là vì khi nhiều người thất nghiệp sẽ dễ gây ra tình trạng hỗn loạn xã hội.
Câu hỏi quan trọng là chuyện gì sẽ xảy ra trong năm tới, đặc biệt là những khu vực duyên hải phía đông nơi kinh tế lệ thuộc trên những hàng xuất cảng sang Hoa Kỳ. Thế nên, chính quyền Bắc Kinh rất muốn giải quyết cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ càng sớm càng tốt. Do đó, sự nhượng bộ của Trung Quốc được xem như món quà Giáng sinh bất ngờ – một món quà mà thực tâm Trung Quốc cũng không muốn mang tặng cho nước Mỹ đâu. Nhưng họ không còn chọn lựa nào khác.
VH
Arlington, TX