Menu Close

Stress

Thưa bác sĩ,

Xin bác sĩ cho biết Stress là gì và làm sao đối phó với stress? Sở dĩ tôi hỏi là vì tôi thấy nhiều người cứ kêu là “tôi đang bị stress đây”. Xin cảm ơn bác sĩ.  Lê Văn Ninh

Thưa ông Ninh,

Tiền nhân ta vẫn nói: “Ðời là bể khổ”.

Khổ là hoàn cảnh trong đó con người chịu nhiều khó khăn thiếu thốn về vật chất hoặc bị giày vò bất an về tinh thần. Như vậy thì “Khổ” cũng là một trong những cái stress mà con người phải sống với. Nếu stress cứ liên tục tái diễn hoặc kéo dài sẽ đưa tới nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe.

Sống không có stress là điều khó có thể thực hiện được, nhất là trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến đổi, kinh tế khó khăn, đạo đức xuống dốc như hiện nay. Làm sao để đối phó với stress mới là điều cần thiết. Mỗi người có những phương cách riêng để giải quyết khó khăn của mình.

stress
nguồn: lovetoknow.com

Sau đây là một vài gợi ý:

  1. Tìm hiểu nguồn gốc của stress. Có thể là do gập ghềnh trong giao tế nhân sự, khó khăn trong công việc làm ăn, thất thoát tài chánh, suy yếu sức khỏe, gia đạo bất an… Biết để tìm cách xả stress.
  2. Sắp đặt lại công việc hàng ngày, theo thứ tự ưu tiên, quan trọng.
  3. Ðặt giới hạn cho các tham gia, cam kết với các sinh hoạt trong đời sống, tránh ôm đồm quá sức. Ðừng cố quá để rồi thành “quá cố”.
  4. Ðừng coi thường sức khỏe, lắng nghe tiếng cầu cứu của một cơ thể bị lạm dụng lao động quá mức.
  5. Cân bằng đời sống, chia thì giờ cho việc làm, ăn uống, ngủ nghỉ.
  6. Năng vận động cơ thể. Ðang căng thẳng mà làm mươi phút đi bộ, bơi lội, hít thở thì stress cũng giảm cường độ khá nhiều.
  7. Dành thì giờ để giải trí với gia đình bạn bè.
  8. Áp dụng các phương pháp đối phó với stress như thư giãn thiền định, hít thở sâu, thoa bóp; tạm rời công việc để “xả xú bắp” và “tái nạp bình điện”;
  9. Tâm sự chia sẻ khó khăn của mình với người đáng tin cậy để nhờ góp ý.
  10. Duy trì một tâm trạng hài hước. Cười là 10 thang thuốc bổ.
  11. Ðề cao cảnh giác, nhận diện và chú ý tới các dấu hiệu báo động sự xuất hiện của stress và sẵn sàng giải quyết.
  12. Ghi nhớ các hoàn cảnh stress xảy ra, ở đâu, vào thời điểm nào, tại sao xảy ra. Biết để tránh.
  13. Tránh những stress nào có thể tránh được.
  14. Giải quyết stress với các khả năng hiện có. Với những stress bướng bỉnh, không giải quyết được thì để một bên, giải quyết sau.

Xin ghi nhớ là những cảm giác không vui như sợ hãi, lo âu, giận dữ, bực tức phát xuất từ phản ứng của ta mà ra chứ không phải từ stress. Nếu ta kiểm soát được các phản ứng này là ta đã tạo được một tâm trạng bình an, thoải mái trong đời sống.

Hy vọng rằng các ý kiến trên đây sẽ giúp quý ông bà một phần nào để làm giảm stress.

Nước tiểu

Thưa bác sĩ,

Xin bác sĩ nói qua về nước tiểu với một vài đặc tính của nước tiểu. Cám ơn ông. 

Lê Văn Thà

Những đặc điểm của nước tiểu như sau:

  1. Nước tiểu mầu vàng vì có chất urochrome. Thực ra mầu của nước tiểu thay đổi tùy theo thành phần. Khi thận thải ra một số lớn nước, nước tiểu sẽ loãng và có mầu nhạt. Khi cơ thể cần giữ lại một số nước thì thận tạo ra một chất lỏng đặc hơn do đó nước tiểu đậm hơn bình thường. Chẳng hạn như ban đêm khi ngủ, không tiêu thụ thực phẩm, nước uống, các hoạt động của cơ thể giảm và nước tiểu đầu tiên thường đậm hơn.
  2. Sau khi đái ra nước tiểu rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, nhưng ngay sau khi một người khỏe mạnh tiểu thì nước này lại rất tinh khiết.

Ðã có những bà mẹ bị hậu sản, uống nước tiểu của chính con mình.

Nước tiểu mới đái của người không có bệnh đã được dùng để khử trùng, để uống khi du hành trong sa mạc mà không có nước.

  1. Khi cơ thể bị thiếu nước thì hai trái thận vẫn tiếp tục lấy nước của mô bào để tiểu.

Khi tinh thần cảm thấy bị căng thẳng thì một số người có một nhu cầu giải tỏa cho bọng đái mặc dù cơ quan này chỉ chứa một chút nước tiểu. Lý do rất giản dị nhưng không đến nỗi ngạc nhiên. Khi ta cảm thấy bực mình, nóng nảy thì bọng đái cũng bị kích thích. Như vậy có nghĩa rằng các bắp thịt của bọng đái mất khả năng thư giãn và ta mót tiểu.

  1. Khi ta uống nhiều có ảnh hưởng tới sự tiểu tiện không?

Khi chúng ta uống nước trà, cà phê hoặc cola hay bất cứ một thứ nước nào có chất caffeine, ta sẽ đi tiểu nhiều hơn vì các nước này có chất lợi tiểu là caffeine. Khi uống nhiều nước hoặc các loại rượu, thận sẽ làm việc để duy trì mức độ nước trong cơ thể.

  1. Trẻ em bắt đầu kiểm soát tiểu tiện khi nào?

Với các cháu bé, giải tỏa tiểu tiện là việc của sự phản xạ: khi bọng đái đầy nước, thành của nó dãn ra, các bắp thịt co lại, van mở rộng và nước tiểu thong thả chảy ra ngoài. Tuy nhiên khi các em lên hai tuổi rưỡi, chúng bắt đầu kiểm soát tiểu tiện và khi lên ba, đa số chúng đều bắt đầu tự giải tỏa được. Theo các nhà chuyên môn, mặc dù bố mẹ có cố gắng, các em cũng không làm được sớm hơn vì các bộ phận ở não chưa phát triển đầy đủ để làm công việc kiểm soát tiểu tiện này.

NYD

Arlington, TX.