Nhân chuyến công du Hoa Kỳ đúng vào dịp Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tròn 70 năm (ra đời vào năm 1948), giáo sư Phạm Minh Hoàng đã ghé đến Orlando để nói chuyện với đồng hương tại đây chiều thứ Bảy ngày 15 tháng 12 năm 2018 trong một khán phòng của chùa Pháp Vũ.

Gần 100 người đã đến tham dự để nghe giáo sư tâm tình về cuộc đời “chìm nổi” của ông và kinh nghiệm đấu tranh, đối đầu với an ninh cộng sản… Giáo sư đã chia sẻ và kêu gọi tinh thần kiên trì theo đuổi con đường cho một Việt Nam tự do, nhân quyền, dựa trên những xu hướng thay đổi đầy biến động, bất ngờ đã và đang xảy ra tại các nước độc tài, cộng sản trên thế giới.

Qua lời tâm tình trong cuộc hội luận này, chúng tôi được biết thêm giáo sư Phạm Minh Hoàng, sinh năm 1955. Ông cũng đính chính ông sinh tại Sài Gòn và con của một hạ sĩ quan chứ không phải sinh tại Vũng Tàu và con của quan chức cao cấp trong Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hòa như một số thông tin trên mạng đã đưa tin. Thời niên thiếu, ông cùng gia đình ở đường Bà Hạt, quận 10 đã chứng kiến cảnh tang thương của đất nước trong thời chiến tranh. Ông đi du học Pháp với ước mơ sẽ về để xây dựng đất nước vào năm 1973. Ông tốt nghiệp học vị thạc sĩ ngành Cơ học ứng dụng. Năm 2000, ông trở về Việt Nam, làm giáo sư Toán học ứng dụng tại trường Đại Học Bách Khoa, Sài Gòn.

Ông đã viết blog dưới bút hiệu Phan Kiến Quốc, kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ cũng như phản đối Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite ở Tây Nguyên,trong thời gian này Ông tham dự các khóa học đấu tranh bất bạo động tại các nước trong khu vực.

Ông bị Cơ quan An Ninh cộng sản bắt giam và bị ghép tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự, và bị tuyên phạt 3 năm tù giam cùng 3 năm quản chế dưới sự phản đối của nhiều tổ chức quốc tế như Ủy ban bảo vệ các nhà báo, tổ chức Front Line Defenders, tổ chức Phóng viên không biên giới, cùng các chính phủ Hoa Kỳ, Pháp, Liên minh châu Âu. Ông được đề cử Giải thưởng Tự do Báo chí 2017 của tổ chức Phóng viên Không Biên Giới RSF.

Được biết, Ông cũng rất tích cực tham gia cùng các Cha tổ chức gặp mặt, khám chữa bệnh, phát quà… cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Năm 2017, Ông bị nhà cầm quyền cộng sản tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất ông về Pháp (là nơi ông cũng có quốc tịch khi đi du học).

Trước đó, ông Nguyễn Sĩ Tiến cũng đã nói và trình chiếu những thước phim tài liệu về Giải Thưởng Nhân Quyền (được thiết lập trong năm 2018) mang tên ông Lê Đình Lượng, một người yêu nước đã có nhiều nỗ lực tranh đấu bảo vệ quyền lợi của đồng bào và chủ quyền của đất nước. Ông bị chế độ độc tài Cộng sản kết án 20 năm tù vào tháng 10 năm 2018. Mục đích của giải thưởng là nhằm đề cao sự hy sinh và việc làm của những cá nhân hay tổ chức đang miệt mài tranh đấu cho nhân quyền của dân tộc Việt Nam, dánh động dư luận quốc tế quan tâm đến các chính sách vi phạm nhân quyền có hệ thống của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Và năm 2018, lần đầu tiên, giải này đã được trao cho cô Trần Thị Nga, một nhà hoạt động nhân quyền bị chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế vào ngày 25 tháng 7, 2017 để lại hai con nhỏ ngày đêm trông chờ Mẹ được trả tự do (như trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – blogger Mẹ Nấm trước đây).

Ông được chọn vào Ban Giám Khảo của Gải Nhân Quyền Lê Đình Lượng gồm 3 người cùng với luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, cựu tù nhân lương tâm và ông Alan Lowenthal, dân biểu Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ, đại diện hạt 47, thuộc tiểu bang California.

Ở phần kế tiếp, giáo sư Phạm Minh Hoàng dành thời gian để lắng nghe những chia sẻ của người tham dự và lần lượt trả lời các câu hỏi của cử tọa.

Buổi hội luận với giáo sư Phạm Minh Hòang kết thúc vào lúc 4 giờ chiều và mọi người cùng nhau dùng bữa ăn chay thân mật do ban ẩm thực chùa Pháp Vũ khoản đãi.














