Menu Close

Trồng răng giả với kỹ thuật nano

Cấy ghép răng, mà người ta thường gọi là implant, đã được phổ biến từ mấy chục năm qua. Kỹ thuật này đòi hỏi phải khoan một lỗ vào hàm, đặt vào đó một chân răng bằng titan (một loại kim loại không gỉ) rồi cuối cùng mới gắn răng giả vào chân răng này. Bình thường, việc cấy răng đòi hỏi phải để ít nhất 6 tháng để phần xương hàm quanh chân răng bám chặt vào đó, giữ cho chân này chắc chắn trước khi gắn răng giả vào. Nhưng các nhà khoa học ở Thụy Điển đã phát triển một kỹ thuật mới gọi là bioactive nanocoating giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi. Nghiên cứu này do giáo sư  Per Aspenberg, một chuyên viên về giải phẫu chỉnh hình thực hiện cùng với nhiều nhà khoa học khác. Trong kỹ thuật này, một lớp protein rất mỏng được tráng lên phía ngoài của miếng titan làm chân răng giả. Lớp protein này còn được kèm theo một lớp thuốc dùng để điều trị loãng xương, nhờ đó sẽ bảo vệ được lớp mô xương tiếp xúc với chân răng và giúp  mô này phát triển nhanh, cố định chân răng mau chóng hơn. Một số thử nghiệm đã được tiến hành trên 16 bệnh nhân tự nguyện. Kết quả cho thấy răng chân răng giả được cố định chắc chắn hơn, và ngay sau 2 tháng các hình chụp X-ray cho thấy phần xương bao quanh chân răng đã được lành lặn liền với chân răng mà không có diễn biến phức tạp nào xảy ra sau đó. Kết quả nghiên cứu đã được chính thức công bố và kỹ thuật này đang bắt đầu được áp dụng.

alt

alt

Giáo sư  Per Aspenberg và mô hình chân răng giả bằng kỹ thuật nano

Pin điện bằng silicon và không khí

Các nhà khoa học làm việc ở Technion-Israel Institute of Technology đã phát triển một loại pin điện từ silicon và không khí. Loại pin này có khả năng cung cấp điện tới vài ngàn giờ liên tục không ngừng nghỉ. Loại pin này nhẹ, nếu không sử dụng tới thì lượng điện sẽ tồn tại vô thời hạn, và có thể chịu được độ ẩm cao hoặc độ ẩm rất thấp mà không bị hư hại. Loại pin này có thể sử dụng trong các dụng cụ y khoa, ví dụ như dùng trong các máy bơm cho người bị tiểu đường, hoặc dùng cho các máy trợ thính, các bộ cảm ứng và các cấu trúc vi điện tử. Giáo sư Yair Ein-Eli thuộc Department of Materials Engineering của viện nghiên cứu này cho rằng loại pin silicon này sẽ được sử dụng phổ biến trong tương lai thay cho loại pin hiện dùng. Nhưng pin silicon an toàn và tốt cho môi trường hơn vì nó không độc, ổn định và là chất liệu dễ kiếm. Hơn nữa, loại pin này còn đặc biệt rất nhẹ vì cực âm của pin làm bằng không khí lấy từ khí quyển qua màng bọc của pin. Các nhà khoa học ước lượng rằng trong khoảng 3 – 4 năm nữa, loại pin silicon-air này sẽ có điện năng và cường độ cao hơn và có thể sạc lại được. Và trong khoảng 10 năm nữa, có thể sẽ có loại pin này cho các xe hơi chạy điện. Loại pin này hiện nay đã được sử dụng chính thức trong các bộ máy trợ thính, và người ta đang tìm cách nâng cấp lên để sử dụng cho các dụng cụ điện tử và xe hơi.

alt

alt

Sơ đồ cấu tạo pin điện silicon và ở phòng thí nghiệm. Photo by Wes Agresta.