Phiên bản mới của vở nhạc kịch cổ điển “Phantom of the Opera” đang lưu diễn khắp nước Mỹ. Đây là lần thứ tư vai “Phantom” được thủ diễn bởi một kịch sĩ da đen. Dallas Summer Musicals sẽ mang “Hồn Ma Nhà Hát” đến trình làng tại Fair Park Music Hall, từ 19/12/2018 cho đến 6/1/2019.

Từ một câu chuyện trinh thám thuộc hạng thường thường vào đầu thế kỷ 20, “Le Fantôme de l’Opéra” đã trở thành một kiệt tác nhạc kịch mà thuở sanh thời chắc chắn tác giả người Pháp Gaston Leroux không thể nào tưởng tượng ra nổi. Leroux (1868-1927) là con một gia đình khá giả ở Paris. Thuở thiếu thời chàng theo học Luật ở Normandy, nhưng sau khi được hưởng gia tài cả triệu francs Leroux bắt đầu một cuộc sống trác táng và nướng sạch của cải trong sòng bạc. Sắp bị khánh tận, năm 1890 Leroux buộc phải bỏ học và xin một chân phóng viên toà án, đồng thời viết phê bình sân khấu Opera cho một tờ báo ở Paris. Đầu thế kỷ 20 Leroux là phóng viên quốc tế cho tờ ‘Le Matin’ và đã chứng kiến tận mắt cuộc cách mạng Nga năm 1905. Đang làm việc ngon lành bỗng dưng năm 1907 Leroux bỏ ngang, nhảy sang viết tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ, bắt chước Arthur Conan Doyle (1859-1930) và loại truyện trinh thám “Sherlock Holmes” thịnh hành vào cuối thế kỷ 19.
“Bí Ẩn Căn Phòng Màu Vàng” (Mystery of the Yellow Room) được in thành sách năm 1908 và bán khá chạy. “Hồn Ma Nhà Hát Opera” cũng là truyện đăng báo nhiều kỳ (1909 đến 1910) bắt nguồn từ một án mạng tại nhà hát lớn ‘Paris Opera’ vào giữa thế kỷ 19. Nhờ làm phóng viên lâu năm, Leroux nắm vững thủ thuật lồng những chi tiết giật gân, nửa hư nửa thật vào câu chuyện cho thêm phần hấp dẫn, kiểu như “Con Ma Nhà Họ Hứa” ở miền Nam trước 75 vậy. Sau khi truyện in thành sách năm 1911, “Phantom of the Opera” được đem ra dựng kịch, rồi đến phim câm năm 1925, và phim có tiếng năm 1943, 1962… Nhưng phải đợi đến năm 1986, với nhạc kịch của Andrew Lloyd Webber, câu chuyện ma của Gaston Leroux mới vang danh toàn cầu.
Số là khoảng năm 1984 Andrew Lloyd Webber — tác giả một số nhạc kịch thành công như “Cats”, “Jesus Christ Superstar” — nảy ra ý định viết một vở nhạc kịch tình cảm. Sau khi đọc được quyển truyện của Gaston Leroux, Webber và nhà sản xuất Cameron MacIntosh quyết định chuyển nó từ chuyện trinh thám sang chuyện tình tay ba giữa Erik (Con ma, tức The Phantom), Christine (một ca sĩ phụ trong đoàn hát) và bá tước Raoul — chủ nhân mới của đoàn hát đồng thời là người bạn thời thơ ấu của Christine. Chuyện như thế này:

Vào khoảng thập niên 1880, có tiếng đồn rằng Nhà Hát Lớn ‘Paris Garnier’ có ma, vì lâu lâu lại xảy ra những sự việc kỳ bí, nhưng không ai biết thực hư ra sao. Duy mỗi Christine biết dưới tầng hầm bí mật sâu trong lòng nhà hát có một nhân vật bí ẩn, nàng chỉ nghe tiếng của ông ta nhưng chưa hề gặp mặt. Là một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc, ông ta là người dạy cho Christine hát; nàng gọi ông là ‘Thiên Thần của Âm Nhạc’ (Angel of Music). Sau khi bị Raoul phát hiện ra bí mật của mình, Christine đòi gặp Erik và bất thần lột mặt nạ ông ta, để lộ ra một con người xấu xí như quái thú. Bị Christine kinh tởm, Erik nổi giận và trở nên cay đắng. Christine và Raoul trở thành đôi tình nhân, điều này càng khiến Erik điên tiết. Trong một buổi diễn ông ta đã làm cho ngọn đèn bách đăng (Chandelier) treo trên trần nhà rơi xuống, giết chết một khán giả.

Sang Màn 2, Christine và Raoul đính hôn, và điều này càng làm cho Erik ghen tức. Raoul tìm cách dụ Erik dự một buổi nhạc để bắt ông ta vì trước đó đã xảy ra một vụ giết người trong hậu trường mà người ta tình nghi do Phantom gây ra. Nhưng Erik nghe lóm được kế hoạch và ra tay trước. Ông ta bắt Raoul và Christine và ra điều kiện sẽ tha chết cho Raoul nếu Christine chịu ở lại với ông ta. Dĩ nhiên Christine không thể làm điều đó, nhưng trong một phút mủi lòng nàng hát cho Erik một bản nhạc và tặng ông một nụ hôn. Đó là lần đầu tiên trong đời Erik có người biểu lộ tình cảm chân thành với ông, và ông chợt hiểu ra rằng tình yêu phải đến một cách tự nhiên chứ không thể do cưỡng ép. Ông thả cho Christine và Raoul đi. Và khi bị cảnh sát bao vây dưới căn hầm, Phantom đã biến mất một cách bí ẩn, không ai biết ông sống chết ra sao.

Ra mắt công chúng Anh ở West End, London, năm 1986, “Phantom of the Opera” là vở nhạc kịch được diễn liên tục lâu thứ nhì trong lịch sử West End, chỉ sau “Les Miserables” (1985). Và cũng giống như số phận của “Les Miz”, lúc đầu “Phantom” cũng bị nhiều nhà phê bình chê là xoàng xĩnh. Nhiều vị hàn lâm còn nói mỉa là ca sĩ Sarah Brightman được giao đóng vai Christine chỉ vì cô là vợ của soạn giả Andrew Lloyd Webber. Lạ một điều là dù bị báo chí chê lên chê xuống nhưng “Phantom” vẫn tiếp tục cháy vé. Năm 1988 “Phantom” được mang sang New York, và từ đó tới nay vẫn diễn không ngừng, đạt kỷ lục vở nhạc kịch sống dai nhất Broadway! “Phantom” đã đoạt vô số giải thưởng nhạc kịch danh giá như Theater Desk Awards, Lawrence Olivier Awards, và dĩ nhiên nhiều Tony Awards.

Một trong những người có công lớn nhất cho sự thành công của “Phantom” là nhà thiết kế sân khấu và trang phục Maria Björnson — cháu cố một kịch tác gia Thuỵ Điển đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1903. Bao nhiêu năm qua, thiết kế đoạt giải Tony mục ‘Stage Design’ của Maria Björnson luôn được xem là chuẩn mực, và sân khấu West End và Broadway từ đó tới nay vẫn được giữ y nguyên. Nhưng cách đây khoảng 10 năm, Andrew Lloyd Webber và Cameron McIntosh muốn cách tân “Phantom”, tận dụng kỹ thuật hiện đại của thế kỷ 21 ngõ hầu dễ mang show đi lưu diễn hơn.
Paul Brown, người được chọn tái thiết kế “Phantom” từng làm việc dưới Maria Björnson và rất quen thuộc với phong cách của bà. Tuy nhiên, Paul Brown đã mang đến cho phiên bản “Phantom” này một cái nhìn vừa mới mẻ vừa vô cùng cổ điển. Đẹp mắt nhất là sự tương phản giữa khung cảnh tráng lệ của sân khấu Nhà Hát ‘Paris Garnier’ và căn hầm u ám nơi Phantom ẩn náu, được chuyển cảnh trong tích tắc. Cảnh Phantom chèo thuyền trong hệ thống cống dưới lòng Paris thật là một tuyệt tác trong nghệ thuật nhạc kịch. Tuy nhiên, mặc dù sân khấu được làm mới hoàn toàn nhưng các bộ trang phục do Maria Björnson thiết kế năm 1986 (và đoạt giải Tony mục ‘Costume’ năm 1988) vẫn được tiếp tục sử dụng.

Được biết chiếc đèn bạch đăng chandelier — món đạo cụ nổi tiếng nhất của nhạc kịch “Phantom of the Opera”, cũng được làm mới hoàn toàn, tốn hơn $1 triệu đô la và cân nặng 2,000 lb. Nội việc treo nó lên cũng mất gần hai ngày và đòi hỏi phải được kỹ sư kiểm tra cẩn thận, vì khi được thả từ trần nhà xuống, lỡ có chuyện gì xảy ra thì hậu quả chắc chắn sẽ không hay chút nào. Ngoài ra các thiết bị dàn cảnh cho “Phantom” cũng nặng hơn bình thường, nên sàn sân khấu tại Fair Park Music Hall đã phải được chống đỡ thêm bằng một số trụ cây từ bên dưới kẻo… sập bất tử. Paul Brown cho biết, vì ông có kinh nghiệm làm sân khấu cho vở “Miss Saigon” nên đã quen làm việc với các đạo cụ to lớn nặng nề — như chiếc trực thăng chẳng hạn, thành ra thiết kế sân khấu cho “Phantom” không đến nỗi quá khó.
Đến đây cũng nên nhắc thêm là “Miss Saigon” cũng có phiên bản mới đang lưu diễn trên nước Mỹ. Không biết các phê bình gia khen chê nó ra sao, nhưng nghe nói công chúng đi coi nườm nượp. Quý độc giả nào muốn đón xem thì có thể vào website miss-saigon.com để biết khi nào nhạc kịch này sẽ đến thành phố gần nơi mình ở. Riêng Dallas Summer Musicals sẽ mang “Miss Saigon” đến Fair Park vào tháng 5, 2019. Hẹn gặp lại em nhé, Miss Sài Gòn!
IB
Dallas, TX