Menu Close

Sưng ruột dư (Appendicitis)

Ruột dư (ruột thừa – appendix), đúng như tên gọi của nó, là một bộ phận “vô tích sự” nhỏ bằng cỡ ngón tay, hình ống, nằm ở vị trí ruột non và ruột già giao nhau. Khi nó sưng lên, gây ra chứng sưng ruột dư, cần phải có những biện pháp đối phó ngay.

alt

Ai có rủi ro bị sưng ruột dư?

– Thường xảy đến cho những người tuổi từ 15 đến 30, nam giới nhiều hơn nữ giới.
– Cứ 1,000 trẻ em ở Mỹ tuổi từ 2 đến 14 thì có 4 em đã phải giải phẫu để cắt ruột dư (appendectomy).

Triệu chứng

– Buồn nôn, ói mửa
– Đau bụng, thường là giữa bụng, phía trên rốn, rồi chuyển qua phía bên phải. Cơn đau tăng khi di chuyển, thở mạnh, ho, hỉ mũi, hoặc đụng tới.
– Sốt nhẹ (dưới 100 độ)
– Tiêu chảy hoặc táo bón và không thể trung tiện (đánh rắm)
– Vùng bụng bị sưng
– Ăn không ngon miệng

Không phải ai bị sưng ruột dư cũng có tất cả những triệu chứng nói trên. Nhưng điều quan trọng là khi thấy triệu chứng bị sưng ruột dư:

– Đừng uống thuốc xổ hoặc thuộc nhuận trường để trị táo bón, vì có thể làm ruột dư bể vỡ.
– Đừng uống thuốc giảm đau nhức vì bác sĩ khó có thể chẩn đoán bệnh chính xác.

Chẩn đoán bệnh

Dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ có thể khám trực tràng, thử máu để xem có dấu hiệu bị nhiễm trùng hay không, thử nước tiểu để loại bỏ trường hợp bị nhiễm trùng đường tiểu. Có thể còn cho chụp X quang, vì bệnh sưng phổi phía dưới bên phải cũng có thể gây đau nhức tương tự như bị sưng ruột dư. Thêm nữa, có thể làm siêu âm (ultrasound) để xem ruột dư có bị sưng hay không.

Điều trị bệnh

Sau khi chẩn bệnh, bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân nhập viện hay cho về nhà.

Nếu nhập viện:

Sẽ được theo dõi từ 12 đến 24 giờ xem có cần giải phẫu hay không khi thấy những triệu chứng rất nặng. Giải phẫu cắt ruột dư thường dùng phương pháp nội soi bụng (laparoscopic surgery): rạch 5 hoặc 6 đường dài từ 5-10 milimet trên vùng bụng. Ống soi và các dụng cụ giải phẫu được luồn vào bụng qua các vết cắt này. Ống soi truyền hình ảnh các bộ phận bên trong lên một màn hình để bác sĩ theo dõi. Lợi điểm của phương pháp này là vết cắt nhỏ, ít rủi ro bị nhiễm trùng, ít đau, ít làm bệnh nhân sợ và mau lành.

Phải cắt bỏ ruột dư bị nhiễm trùng trước khi nó bể vỡ, vì lúc đó sự nhiễm trùng có thể lan ra cả vùng bụng, gây ra chứng viêm màng bụng (peritonitis), và vì có thể gây ra áp-xe (mưng mủ vùng bị nhiễm trùng) gần chỗ ruột dư bể vỡ. Nếu ruột dư bị bể, sau khi giải phẫu cắt bỏ, bác sĩ phải luồn vào bụng một ống thoát để chất lỏng chảy ra.

Sau giải phẫu, bệnh nhân được bác sĩ cho toa uống thuốc trụ sinh. Ngày đầu, thường không được ăn uống, sau đó được dùng chút ít nước hoặc thức ăn lỏng, dần dần cho đến khi có thể tiêu hóa được thức ăn thông thường.
 

Nếu bác sĩ cho về nhà:

– Đừng uống thuốc giảm đau, vì sẽ khó biết đau do sưng ruột dư gây ra giảm đi hoặc tệ hơn
– Đừng uống thuốc xổ hoặc nhuận trường vì làm tăng rủi ro ruột dư bị bể vỡ
– Đo và ghi nhiệt độ mỗi 2 giờ để cho bác sĩ theo dõi
– Đừng uống thuốc trụ sinh nếu bác sĩ không cho toa
– Báo cho bác sĩ biết nếu có thay đổi bệnh trạng trong vòng 6-12 giờ
– Có thể phải mang theo nước tiểu để thử lại sau 24 giờ
– Phải nhịn ăn uống ngày hôm tái khám.

Gọi bác sĩ ngay nếu:

– Bị ói mửa hoặc bụng đau nhiều hơn
– Xây xẩm hoặc bị ngất
– Có máu khi ói hoặc trong nước tiểu.

Ngừa sưng ruột dư

Không có cách ngăn ngừa được bệnh này, nhưng bệnh ít xuất hiện nơi những người ăn thực phẩm có nhiều chất xơ, như rau trái.

TM