Giã từ quân trường Huy được điều động làm việc tại “Đồn Mang Cá” Huế. Cái tên xa lạ Huy bỡ ngỡ quên đi nhịp sống hối hả của Sài Gòn nơi chôn nhau cắt rốn của chàng.
Thời gian ở chốn cố đô này hình như trôi rất chậm. Huy có cảm giác ấy khi ngắm bước đi đài các của các tôn nữ tiểu thơ.
Những buổi chiều sau giờ làm việc với nhóm bác sĩ quân y Huy thường bách bộ ra khỏi trại. Chiếc cầu rất ngắn mang tên lạ lẫm: “Cầu Kho” mà mỗi lần ngang qua đó Huy luôn tủm tỉm cười một mình. Nó có ý nghĩa như thế nào nhỉ? Tò mò Huy hỏi bạn mới biết cầu này cũng có tên cầu Ngự Hà vì nó được bắt ngang sông Ngự Hà. Con đường nhỏ với hàng cây râm mát dẫn bước chân chàng ra cửa Thượng Tứ rồi đến Phú Văn Lâu. Huy qua lại nhiều lần và bỗng thấy thân quen.
Tháng Sáu… Hè về tiếng ve kêu rả rích. Cành phượng vĩ đỏ ối. Huy nhớ sân trường thuở học sinh nay xa dần vào ký ức. Nỗi nhớ trào lên như con sóng bạc đầu chế ngự trái tim Huy. Phận làm trai giữa mùa binh lửa không cho phép chàng yếu đuối. Biết là thế nhưng Huy không thể ngăn được những chặng buồn và nỗi cảm xúc giữa cố đô nên thơ này. Từng hàng cây ngọn cỏ run rẩy. Trận mưa rào làm nao lòng kẻ xa quê.
Hôm ấy đang thong thả trên con đường đất bên hồ Tịnh Tâm. Bỗng mưa bất chợt đổ xuống. Huy chạy nhanh qua cầu Hồng Cừ để vào đảo Bồng Lai trú mưa. Bầu trời xám ngắt trong màn mưa. Những đóa Sen hồng và trắng chen lẫn nhau tươi thắm mỉm cười như được tắm mát sau những ngày oi ả. Cành lá xanh chao chao hứng những giọt mưa rơi xuống. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị. Bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh Tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.
Tịnh hồ hạ hứng
Trừng luyện hàm không nhất vọng xa
Thiềm nha ảnh thủy trám tinh hà
Lâu đài hoa thụ trường sinh cảnh
Thiên địa sơn hà tứ hải gia
Vũ phiến mạn giao thi hóa nhật
Thuấn cầm uyển nhĩ nhập thi ca
Y nhiên nhân trí tình vô hạn
Đồng lạc giao phu thảo vật gia.
Mưa càng lúc càng to. Hạt mưa lăn trên lá nước hồ Tịnh rộn rã. Huy nhìn quanh: Ô kìa sau lưng anh người con gái đưa mắt nhìn xa xăm. Trong cảnh chiều tà giữa bát ngát hương sen lại có người thiếu nữ trú mưa như chàng. Tim đập mạnh nhưng rồi Huy ráng bạo dạn tiến tới:
– Thưa cô! Cô ra nơi chốn thanh vắng này học bài hay trú mưa như tôi?
– Xin ông đừng tò mò!
Ngoảnh mặt cô gái đáp. Ôi! sao mà gái Huế đài trang khuê các quá.
Trai Sài Gòn, hơn nữa đã vào quân trường nên Huy không còn ngại ngùng như thuở đang ngồi trên ghế nhà trường.
– Mưa to quá cô nhỉ. Tôi là Huy làm việc ở đồn Mang Cá.
– Mưa to là chuyện của trời không mắc chi đến tôi mà ông hỏi.
Một đôi mắt có đuôi tặng Huy cái nguýt thật dài.
Khó mà bắt chuyện với người đẹp này. Huy hơi lúng túng, rồi cứ len lén ngắm nàng. Lông mày hình cánh cung trên đôi mắt to ngơ ngác. Khuôn mặt tròn như trăng, da hơi xanh. Mái tóc dài tận lưng. Hầu như con gái Huế luôn thả tóc thề quấn quýt trong gió chiều. Không như gái Sài Gòn với đầu demi garcon hay tóc cột đuôi gà.

Mưa nhẹ hạt, gió mơn man, bầu trời như xuống thấp. Người đẹp lững thững dời gót. Không bỏ lỡ cơ hội Huy lẽo đẽo sau lưng. Có lúc nàng dừng lại, bối rối Huy giả vờ cúi xuống cột dây giày. Nàng đi Huy cũng đi. Ra khỏi con đường đất nàng rẽ lối. Như một điệp viên Huy theo sát. Nhà nàng ở trên thượng thành. Đây là một bờ thành ngăn cách bởi khu phố ở ngoài. Nhón chân bước lên cầu thang gỗ nàng lọt thỏm vào ngôi nhà màu trắng. Tần ngần Huy ra về với một cảm giác bâng khuâng khó tả.
Từ đó hồ Tịnh Tâm quyến rũ chàng bởi hương Sen thơm ngát và hình bóng nàng.
Có những tối Huy đứng dưới đường cái nhìn lên nhà nàng. Cánh cửa sổ khép hờ. Căng mắt trong bóng đêm để được nhìn thấy nàng. Nhưng chỉ thoáng chiếc áo lụa hồng của ai đó. Tối trằn trọc mãi hình bóng nàng đã đi vào giấc mơ. Thuở đi học bạn chàng kể và chế nhạo một đứa bạn bằng từ:
– Thằng Phong thi rớt vì trồng cây si con Loan bên đệ nhất C1.
Lúc đó chàng cũng hùa theo cười giễu cợt. Hóa ra lúc này đây chàng đang nếm mùi vị trồng cây si là như thế nào? May mắn quá rằm Tháng Tám khi bóng trăng chênh chếch lên ngọn cây. Huy không hy vọng gì gặp được nàng. Chàng thơ thẩn trên cầu dẫn vào hồ Tịnh Tâm bỗng thấy nàng đang thút thít khóc.
Rất khẽ khàng chàng lại gần và lên tiếng nho nhỏ:
– Chào cô! Có lẽ cô đang gặp chuyện buồn?
Đang đau khổ về chuyện gia đình, chàng xuất hiện như một cái phao.
– Dạ gia đình em gặp chuyện không may.
– Tôi có thể giúp gì cho cô được không?
– Anh Ninh em là phi công đã bị rơi máy bay chưa tìm được xác. Phi đoàn vừa báo cho gia đình em nguồn tin đó. Giờ cả nhà đang bị khủng hoảng. Em rất thương anh Ninh.
– Xin chia buồn cùng cô. Chiến tranh là mất mát. Tôi cũng là quân nhân nhưng không ra tác chiến.
– Ô! trông anh thư sinh quá! Em không nghĩ anh ở trong quân đội.
Sau lần đầu làm quen được với nàng, chàng đã bắt đầu hẹn hò. Một buổi trăng sáng, chàng hẹn nơi hồ sen. Hương sen thơm thoang thoảng trong gió. Bóng trăng chờn vờn đong đưa như đùa giỡn với đôi lứa. Huy rủ nàng vào ngồi ở bậc cấp gần mé nước. Liên Ba theo chàng trong vô thức như nửa tỉnh nửa mê. Huy hái trộm tặng Liên Ba một đóa sen.
– Sao anh không hái cho em búp sen đã nở?
Huy cười bằng mắt:
– Em như đóa sen búp này, nụ cười chúm chím e lệ và em ngây thơ như hoa chưa nở.
Liên Ba đưa hoa lên mũi… hương thanh khiết, hồn lâng lâng… Quên cả không gian và thời gian.
Liên Ba giật mình:
– Chết rồi anh ơi! Em về khuya sẽ bị ba la đó.
Huy đưa nàng về! Xôn xao sen nhảy múa, mờ ảo ánh đèn đường. Huy rộn ràng không thể diễn tả được nỗi mừng rỡ khi được quen nàng.
May mắn cho gia đình Liên Ba. Anh Ninh bị thương đang điều trị tại bịnh viện Biên Hòa. Mừng vui Liên Ba hẹn anh trong hồ Tịnh với nụ cười rạng rỡ như một đóa Sen trong sương sớm.
Tối Chủ Nhật khi bạn bè Huy chơi cờ tướng có người nghêu ngao hát thì chàng nhanh chân đón nàng tới Bồng Lai đảo.
Liên Ba xao lòng trước lời chân tình và tính cách rất Nam bộ của Huy. Cũng một cánh sen nhụy vàng nở chàng trao tặng cùng bài thơ mới làm: Trắng muốt áo em qua cổ thành/Thoáng bay giữa hồ Tịnh trong xanh/Tóc em vờn gió…Sen quấn quýt/Làm đắm hồn anh khách đa tình.
Tình yêu trong thời chiến mong manh đau đớn và sợ lo. Gia đình Huy mong chờ bước chân con sớm được thuyên chuyển về gần nhà. Bén duyên cùng Liên Ba. Thương mẹ già… Huy đứng giữa ngã ba tình cảm. Đất thần kinh thơ mộng, khung cảnh hồ Tịnh nên thơ chan vào hồn Huy sự dịu dàng nhẹ nhàng mà không nơi đâu có được. Từng đêm trăn trở bên tình bên hiếu Huy biết chọn bên nào? Cố giấu không cho Liên Ba biết. Chàng cất nỗi buồn tận đáy lòng, Huy vẫn tươi cười trong những buổi hò hẹn với người yêu.
Tháng chín sen tàn… Lác đác trơ lá, lao đao mặt nước tỉ tê cúi đầu khóc ấy là lúc đôi mắt Liên Ba buồn vì thi rớt. Huy lại an ủi nàng.
Cuộc tình đẹp vẫn diễn ra. Liên Ba lén lút hẹn hò. Con gái Huế ảnh hưởng lối giáo dục khắt khe của gia đình nên Huy vẫn là người thương trong bóng tối của Huy…
Gần Tết năm 1968 Huy được phép trở về Sài Gòn thăm gia đình. Liên Ba đưa chàng lên bến xe với nụ cười héo hon như đóa sen thu tàn.
Huy đang giúp mẹ thổi nồi bánh chưng bỗng chàng giật thót cả mình. Huế đang rơi vào thảm họa Mậu Thân. Không biết Liên Ba và gia đình có bị gì không?
Lòng chàng như trên lửa, tim gan phỏng cháy Huy muốn bươn ra Huế để biết tin nàng. Sau khi đường tới Huế thông thương Huy bay ngay tới nhà nàng mà không sợ hãi điều gì. Huy suýt ngã quỵ khi biết Liên Ba bị một mảnh của bom văng vào mắt giờ đang điều trị tại bịnh viện trung ương. Bác sĩ phải thay một con mắt giả cho nàng. Gia đình Liên Ba xót, cha đau khổ mẹ biếng ăn anh chị em ai cũng rưng rức thương cho đứa em gái xinh đẹp nay bị tật nguyền.
Nằm bất động trên giường Liên Ba bật khóc mặt dầu bác sĩ cấm sự xúc cảm ảnh hưởng tới thị lực. Cầm tay nàng Huy thốt:
– Dù em thế nào chăng nữa anh vẫn yêu.
Im lặng, một sự chịu đựng đến rợn người Liên Ba đang mặc cảm về nhan sắc. Thế là hết đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn từ nay nàng sẽ nhìn đời bằng lăng kính màu đen. Và tình yêu của chàng sẽ không quân tử cao thượng trao cho một người chột mắt. Nàng nghĩ thế.
Xuất viện, nàng không dám đứng trước gương để làm duyên như liếc mắt. Nàng sợ hãi và tránh mặt khi Huy đến thăm.
Ý tưởng quyên sinh đến với nàng đó là ý nghĩ tiêu cực. Nàng không can đảm.
Mặc dù Huy luôn lấp ló dưới mặt đường nhìn lên mong trông thấy nàng bởi khi Huy tới nhà nàng luôn trốn chạy. Khổ đau dằn vặt Huy không biết bằng cách nào để thuyết phục dỗ dành Liên Ba thoát khỏi sự tự ti mặc cảm ấy.
Thời gian như dòng nước từ ngọn thác chảy về sông không bao giờ dừng lại. Đã một năm ròng sự kiên nhẫn của Huy tăng lên nhưng Liên Ba vẫn né tránh chàng.
Một hôm đứa em nàng tất tả tìm Huy và mời chàng ghé lại nhà nàng.
Chưa kịp mừng Huy đã tái xanh mặt khi mẹ nàng đưa ra một bức thư của nàng viết với nét cẩu thả và nhòe màu mực:
“Kính thưa Ba mạ
Liên Ba xin tạ tội cùng gia đình. Con không thể sống với tật nguyền cũng như không trả hiếu cho Ba mạ vì học vấn dang dở. Con sẽ đi rất xa khi nào con cảm thấy không còn mặc cảm và đau đớn cho bản thân con nữa khi đó con sẽ trở về. Mong Ba mạ giữ gìn sức khỏe và hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này.”
Và điều ngạc nhiên hơn nữa Liên Ba đã gởi cho Huy lá thư gói trong lá sen
Huy thương
Nếu anh sống trong tâm trạng của em. Anh cũng sẽ xử sự như em.
Đàn ông yêu bằng mắt. Em đã thành người tật nguyền. Sự khiếm thị của em sẽ không mang lại hạnh phúc cho anh. Xin hãy quên em..quên màu Sen và những kỷ niệm trong hồ Tịnh tâm. Cám ơn anh về những ngày tươi đẹp mà anh đã ban cho em
Cố gắng với cuộc sống hiện tại anh nhé.
LB
Huy cảm thấy một luồng gió lạnh chạy trong từng thớ thịt. Nàng đi đâu rồi sống bằng cách nào? Cả nhà chia nhau đi tìm. Lên chùa tới vùng quê ngoại nội. Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm.
Ngang qua hồ Tịnh xuân về muôn sen đang nở tỏa ngát mùi hương. Huy không dám dừng lại để chiêm ngưỡng. Đớn đau khổ nhọc theo chàng trong nhiều năm tháng với kỷ niệm khó phai.
Dòng đời trôi… Huy tìm quên mối tình nghiệt ngã ấy trong cuộc sống gia đình. Đứa con gái đầu lòng mang tên: Liên Hương…
Huy rơi vào định luật của xã hội. Công việc mất, Huy làm bất cứ mọi nghề bằng chân tay hoặc trí óc.
Số phận mỉm cười với Huy khi chàng cùng vợ con sang định cư tại Mỹ theo diện HO…
Trong tiềm thức cũng như trong giấc mơ hàng đêm Huy luôn thấy mình chơi vơi giữa ngàn Sen thơm ngát và hình bóng nàng kiều diễm vẫy tay. Chàng lao tới bóng nàng mất hút giữa ngàn sen.
Mỗi lần trở lại quê xưa Huy luôn ghé Hồ Tịnh ngậm ngùi nuối tiếc một cuộc tình không đoạn kết.
“Liên Ba có phải em là Sen luôn để lại trong hồn anh một mùi hương thơm ngát không? Anh thầm gọi tên em giữa đất trời mênh mông…”