Menu Close

Tuyển tập thơ Đạo và cuộc Hành Hương Qui Nhơn

Chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ HÀN MẠC TỬ, 22/9/1912-2012, một nhóm tác giả, với sự chủ biên của linh mục Trăng Thập Tự, đã hoàn tất biên soạn và phát hành bộ sưu tập thơ Công giáo mang tên CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO (Nxb Phương Đông, Sài Gòn, 2012), gồm 4 tập, dày 2000 trang.

TẬP 1: THI SĨ CỦA THÁNH GIÁ, giới thiệu nhà thơ Hàn Mạc Tử – cách riêng là về thơ đạo của ông. TẬP 2: NHƯ SONG LỘC TRIỀU NGUYÊN, giới thiệu 45 tác giả có năm sinh từ 1912 đến hết 1940. TẬP 3: ƠN PHƯỚC CẢ, giới thiệu 51 tác giả có năm sinh từ 1941 đến hết 1955. TẬP 4: THẦN NHẠC SÁNG HƠN TRĂNG, giới thiệu 44 tác giả có năm sinh từ 1956 đến thập niên 1999.

Chính ngày 22/9/2012, nhóm các tác giả tổ chức về Quy Nhơn thực hiện một ngày hành hương mừng kỷ niệm sinh nhật thứ một trăm của nhà thơ tài hoa Hàn Mạc Tử. Nhân dịp này Trangđài Glassey-Trầnguyễn đã có cuộc phỏng vấn sau đây với Linh mục Trăng Thập Tự, 66 tuổi, đang phục vụ tại Tòa Giám Mục Quy Nhơn, Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực sưu tầm thơ Công Giáo, Linh mục, Thi sĩ Trăng Thập Tự còn là một dòng thơ hiếm hoi, sung mãn, tinh tuyền, thấm đẫm linh đạo Cát Minh, hài hòa Đức Tin và văn hóa dân tộc. Những mạch thơ của Ngài khởi đi từ những trăn trở mỗi ngày của một tâm hồn khao khát nên một với Tạo Hóa, thắt chặt Tình Chúa và Tình Người trong từng tứ thơ.

alt

Trangđài Glassey-Trầnguyễn (TGT): 

Kính chào Linh mục Trăng Thập Tự. Xin cám ơn Cha đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Trước hết, xin Cha chia sẻ đôi điều về kỷ niệm cá nhân của Cha với dòng thơ toàn bích Hàn Mạc Tử. Thi sĩ đã có ảnh hưởng như thế nào đến lòng đạo và sáng tác của Cha?

Linh mục Trăng Thập Tự (LM TTT):

Tôi biết đến thơ đạo từ năm lớp Đệ Thất (nay là lớp Sáu) qua tập Thơ Kinh của cha Xuân Ly Băng nhưng chỉ mê thơ khi biết Hàn Mạc Tử vào cuối năm lớp Đệ Lục, 14 tuổi. Tôi thuộc lòng bài Thánh Nữ Đồng Trinh Maria và bắt đầu làm thơ học theo nhịp thơ, lời thơ, hình ảnh và cả tứ thơ của anh. Tôi tiếp tục như thế đến hết lớp Đệ Tứ, rồi bỏ làm thơ, mấy năm sau làm lại thì về cả hình thức lẫn nội dung có khác đi nhưng cái chí nguyện dùng thơ ca để chúc tụng Thiên Chúa và loan báo Tin mừng đã học được nơi anh thì tôi vẫn giữ mãi đến nay.

TGT: Cha đã khởi xướng việc sưu tầm thơ Công Giáo từ nhiều năm qua. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, và cũng đầy thử thách vì trước nay chưa ai làm, mà lại không dễ dàng tìm được sự hỗ trợ về nhân sự lẫn tài chánh cho “một đền thờ tinh thần.” Thế nhưng, cho đến tháng 9/2012, Cha đã hoàn tất nhiều công trình và bộ sưu tập thơ Công Giáo, nhất là Tuyển Tập kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hàn Mạc Tử. Thưa Cha, Cha đã kiên trì theo đuổi những dự án này như thế nào? Và đâu là những hoa quả đã đạt được kể đến ngày hôm nay?

Lm TTT: Khoảng năm 1980, một vài anh chị em mới tin Chúa ở Đà Lạt chép cho tôi những bài thơ họ viết diễn tả cuộc sống mới trong Chúa, một vài anh chị em đã chịu thánh tẩy lâu năm cũng tặng tôi những bài thơ của họ. Sau đó có mấy người ở những nơi khác. Tới năm 1990, tôi đã có được hơn mười tác giả. Tôi nẩy ra ý định tìm xin bài của những anh chị em trước kia có làm thơ về Chúa để giữ lại cho mai sau, vì lý do hồi ấy chẳng ai có điều kiện để in thơ. Tôi nhờ một bạn trẻ chép tay vào một quyển sổ thật đẹp rồi về sau nhờ đánh máy lại. Năm 1995 thấy có thể xin phép in chính thức được, tôi chọn ra 40 tác giả và lặn lội đi tìm đủ tiểu sử và hình ảnh, nhưng tới lúc có giấy phép xuất bản thì chỉ được in thơ suông thôi, không có tiểu sử và hình ảnh. Đó là tuyển tập đầu tiên, “Góp nhặt thơ Công giáo,” Nxb Thuận Hóa 1998. ­­

alt

Linh mục Trăng Thập Tự

Cũng thời gian ấy anh Lê Đình Bảng đã gom được những bài anh viết về 22 tác giả xưa. Chúng tôi phân công: anh Bảng tìm tòi những tác giả xưa, tôi tìm liên lạc với những anh chị em mới. Mấy năm sau có thêm Cao Huy Hoàng và Phanxicô Nguyễn Đình Diễn. Chúng tôi họp nhau định kỳ làm việc ở Sài Gòn và đã thực hiện được quyển Kinh Trong Sương. Lúc ấy anh Bảng ước tính phần của anh sẽ in thành 3 quyển, cho nên chúng tôi đánh số quyển Kinh Trong Sương là quyển 4. Tới lúc anh Đình Bảng làm xong Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo, thì đến những 6 tập, quyển Kinh Trong Sương rơi vào thế việt vị. Cuối năm 2007 tôi về sống ở Quy Nhơn, dần dần gặp được mấy anh em cùng tâm huyết, rủ nhau tiếp tục công việc, dự tính lấy tên Kinh Trong Sương cho một bộ nhiều tập, mỗi tập 15 tác giả. Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo chỉ là tiếp nối công việc này.

TGT: Trong tư cách Chủ Biên, xin Cha nói thêm về Bộ Sưu Tập kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử: ý tưởng ban đầu, tìm người đứng vào Ban Biên Soạn, việc thảo ra nội dung của Tuyển Tập, sưu tầm những bài viết về Hàn Mạc Tử, chọn thơ Hàn Mạc Tử, chọn thơ của các tác giả khác.

Lm TTT: Nhóm bạn ở Quy Nhơn có anh Nguyễn Thanh Xuân, Mạc Tường và Thiện Chân. Về sau có thêm anh Trần Như Luận. Giữa năm 2011, chúng tôi hoàn thành được hai tập bản thảo Kinh Trong Sương 1 và 2, tính làm xong tập 3 sẽ in cùng một lúc. Chợt nhớ ra ngày kỷ niệm Hàn Mạc Tử đã gần kề, chúng tôi đổi hướng, dự tính giới thiệu 100 tác giả để mừng kỷ niệm 100 năm. Thế nhưng khi xong bộ Có Một Vườn Thơ Đạo thì không chỉ 100 mà là 140 tác giả. Để thực hiện bộ sách này, ngoài nhóm chủ chốt họp mặt định kỳ hàng tháng tại Quy Nhơn, chúng tôi còn làm việc qua email và điện thoại với các anh Trần Vạn Giã (Nha Trang), Lê Hồng Bảo (Ninh Thuận), Cao Huy Hoàng (Bình Thuận), Lê Đình Bảng (Sài Gòn) và chị Vũ Thủy (Sài Gòn). Theo sự góp ý của bạn hữu từ xa, chúng tôi thực hiện một tập riêng cho Hàn Mạc Tử, còn các tập sau giới thiệu những tác giả sau Hàn Mạc Tử, nghĩa là có cùng năm sinh với Hàn Mạc Tử (1912) trở đi và xếp theo thứ tự năm sinh. Hy vọng sự sắp xếp này sẽ tạo thuận lợi để về sau người ta dễ nghiên cứu và đánh giá sự phát triển thơ Công giáo Việt Nam theo dòng thời gian.

Việc sưu tầm những bài viết về Hàn Mạc Tử có hai phần: Những bài của các tác giả ngoài Kitô giáo, phần lớn giáo sư Phan Cự Đệ đã đưa vào hai quyển sách dày của ông. Chúng tôi đã trao đổi với gia đình giáo sư để xin sử dụng nguồn tài liệu này. Còn phần thứ hai là chân dung Kitô hữu của Hàn Mạc Tử, gồm những bài của giới Công giáo viết về nhà thơ thì tôi đã gom dần từ trước và đã lưu giữ trong máy vi tính. Về các tác giả khác thì tôi nhờ các anh em trong nhóm bình chọn, rồi tôi chịu trách nhiệm chọn lọc lần cuối.

alt

Linh mục Trăng Thập Tự điều hành “Đêm Thơ Nhạc” kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử

TGT: Còn về chi phí cho việc in ấn và kế hoạch phát hành (cả bản in lẫn bản điện tử trên mạng sau này) thì thế nào? Theo Cha, đâu là khó khăn lớn nhất cho công trình này?

Lm TTT: Khi bộ sách dần dần hình thành, chúng tôi thấy đây không chỉ là một tài liệu để giới thiệu với người ngoài và người đồng đạo về một dòng thơ Công giáo lặng thầm mà có thật, nhưng có thể sẽ còn là một lợi khí giúp các bạn trẻ Công giáo ý thức hơn về những đóng góp của cha anh và đầu tư thời giờ trau dồi tiếng Việt để loan báo Lời Chúa. Việc đào tạo tiếng Việt cho thế hệ trẻ, nhất là những tông đồ tương lai của Chúa là vấn đề khẩn cấp. Dù sách vở có bị thay thế bằng màn hình và văn hóa viết suy thoái thành ngôn ngữ nhắn tin điện thoại, thì Tin mừng vẫn phải được rao giảng bằng thứ ngôn ngữ thật trong sáng, rõ nghĩa và lưu loát trong lớp giáo lý, trên tòa giảng, trên trang mạng… Vẫn cần những người viết các văn bản định hướng… Vì thế chúng tôi ước mong làm sao phổ biến bộ sách thật rộng rãi, với giá thật thấp để sinh viên học sinh đâu cũng có thể mua được.

Bài toán lúc đầu của chúng tôi giản dị là làm sao để đẩy tới mỗi giáo phận ít là 1,000 bộ sách, những giáo phận lớn 2,000 bộ. Được vậy, nhiều hay ít, các bạn trẻ sẽ có lúc tiếp cận và kết quả rồi sẽ đến. Với 26 giáo phận, con số sẽ là 30,000 bộ. Mỗi bộ sách cả tiền in và tiền thuế phí tổn lên đến 110,000 đồng, ghi giá bìa 80,000 đồng, khi giao cho người phát hành chỉ nhận lại được 60,000 đồng, phải bù lỗ cho mỗi bộ 50,000 đồng. Để bù lỗ 30,000 bộ, sẽ cần đến 1 tỷ rưỡi. So với những ngôi nhà thờ đang đua nhau làm lại, đây chỉ là một con số khiêm tốn, nhưng liệu mấy ai hưởng ứng giúp đỡ? Không dám ảo tưởng, chúng tôi lên kế hoạch từng phần, thực hiện 1/3 chương trình, tức 10,000 bộ, rồi sẽ đẩy bản văn lên mạng cho độc giả khắp nơi dễ truy cập. Người nhận giúp phát hành cho rằng 10,000 bộ là nhiều quá, sợ không tiêu thụ hết, cần thăm dò nhu cầu trước xem sao đã.
 
Thật bất ngờ, chỉ sau mười ngày, đã có bốn giám mục đăng ký tổng cộng 2,800 bộ. Anh em nhóm biên soạn lạc quan tập trung lo hoàn thành bản thảo. Người ta giới thiệu một số đại ân nhân thường giúp các nhà thờ. Tôi gõ cửa và hầu hết đều bị từ chối, hình như họ có cảm tưởng sách vở là chuyện xa thực tế. Thế nhưng rồi đã có 19 anh chị em trong nước, kể cả thân nhân, bạn hữu, giáo và lương đã ủng hộ được 202 triệu, người nhiều nhất là 100 triệu và người ít nhất là 200,000 đồng. Một nữ độc giả chưa quen biết tại Úc đã vận động quyên góp từ 38 người được 2,300 Úc kim. Một bệnh nhân bại liệt từ Mỹ giúp 1,000 Mỹ kim. Một cộng đồng Việt Nam tại Mỹ giúp 1,000 Mỹ kim. Một linh mục đang làm việc tại nước ngoài đã dốc hết số tiền thưởng hậu đại học để giúp 20 triệu đồng. Có 7 cựu chủng sinh hải ngoại giúp được gần 20 triệu. Một linh mục trong gia tộc thường cho tôi những đồng tiền dành dụm của Ngài, tôi cũng góp vào đây. Quay lại Việt Nam, một cựu chủng sinh giúp 100 Mỹ kim, một cha Tổng đại diện đã giúp 30 triệu đồng, một cha xứ giúp 100 Mỹ kim, một cha hưu dưỡng giúp 400 ngàn đồng. 11 dòng nữ đã giúp tổng cộng 63 triệu. Ngoài ra một số đáng kể tác giả đã quảng đại đóng góp, kẻ ít người nhiều, tổng cộng lên đến 139 triệu. Tất cả, cộng với sự giúp đỡ lớn lao của các Đức Giám Mục, chúng tôi đã vững dạ ấn hành 7,000 bộ sách, và sau cuộc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, chúng tôi sẽ xúc tiến ấn hành thêm 3,000 bộ. Ước mong các tổ chức và đoàn thể tại các giáo phận tiếp tay để sách đến được với đông đảo sinh viên học sinh. Nếu số lượng đăng ký gia tăng, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ và xin giấy phép tái bản để đáp ứng nhu cầu.

Lúc đầu tôi tưởng khó khăn lớn nhất là tiền bạc nhưng sau khi làm mới thấy khó khăn nằm ở chỗ chưa có sự quan tâm của các cha xứ và các nhà đào tạo. Phải có các cha quan tâm giới thiệu, sinh viên học sinh mới biết để mua, nếu không, sẽ chẳng thể nào phát hành tới 30,000 bộ sách. Khó khăn thứ hai là hiện nay phía Công giáo không có một hệ thống phát hành sách. Chúng tôi phải nhờ qua các văn phòng Tòa giám mục. Các vị phụ trách rất nhiệt tình nhưng không phải là việc chuyên môn của các vị cho nên lắm khi rất vất vả mà vẫn bất cập.

TGT: Thưa Cha, các Đức Giám Mục đã hỗ trợ như thế nào cho công trình này?

(Xem tiếp kỳ 2)