Thời đĩa CD (compact disk) được phát minh, ai cũng tin rằng đó là phương tiện có khả năng lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn. Rồi thời gian qua, không đầy 10 năm, người ta nay thấy việc lưu trữ trên đĩa thật là…bất tiện. Phải, bởi vì có nhiều hình thức khác giúp cho việc trữ dữ liệu được gọn gàng hơn nhiều so với ghi trên đĩa. Gần đây, hãng điện tử Hitachi đã tiết lộ một hệ thống có thể cho phép trữ dữ liệu vĩnh viễn, hay ít nhất cũng tồn tại được chừng…vài trăm triệu năm. Kỹ thuật này liên quan tới việc ghi những điểm cực nhỏ lên một miếng kính bằng thạch anh và những điểm này chứa các mã nhị phân (binary code). Điểm đặc biệt hơn nữa là, sau khi được ghi lên mặt kính chừng vài ..triệu năm, người ta có thể đọc lại dữ liệu này mà không cần dùng những máy tính tinh vi như hiện nay đang sử dụng như đầu đọc CD hay DVD, mà chỉ cần dùng một ..kính hiển vi. Chỉ có điều, hy vọng là tới thời gian đó người ta vẫn còn ..hiểu mã nhị phân là gì.

Một mẫu sản xuất thử có hình vuông, mỗi cạnh 2 centimet, dầy 2 milimet, và được ghi dữ liệu làm 4 lớp chồng lên nhau. Khả năng ghi hiện nay là 40 megabytes cho một inch vuông, nghĩa là cũng bằng sức chứa của một CD. Nhưng các nhà khoa học cho rằng có thể tăng dung lượng lên bằng cách ghi thêm nhiều lớp nữa. Miếng kính này đã được đưa vào môi trường nóng 1,000 độ C trong 2 tiếng đồng hồ, đem ngâm nước, bỏ vào nơi có nhiều sóng từ, nhưng nó hoàn toàn không bị hư hại gì. Hitachi cho biết kỹ thuật này sẽ được sử dụng trước hết trong các cơ quan chính phủ, bảo tàng, và các tổ chức tôn giáo…

Piano
Thời kỳ kinh tế khó khăn, các hãng xe hơi cũng tìm cách xoay xở và sản xuất thêm những mặt hàng khác. Cũng như BMW đã chế tạo con chuột dùng cho computer và xe đạp, hãng Peugeot của Pháp mới đây đã thiết kế loại baby grand piano và sẽ do hãng sản xuất đàn Pleyel nổi tiếng của Pháp thực hiện. Pleyel là hãng sản xuất piano đã hoạt động trên 200 năm qua và là một trong những hãng piano nổi tiếng lâu đời nhất thế giới. Mẫu thiết kế này do các chuyên viên làm việc trong Peugeot Design Lab nghĩ ra với mục đích tạo ra một kiểu piano cho tương lai. Sự phối hợp giữa các kỹ sư của hãng xe và các chuyên viên âm thanh của nhà sản xuất đàn đã đưa tới thiết kế mới về mặt cơ học, giúp hạ thấp mặt đàn xuống ngang với các phím đàn. Ngoài ra thay cho 3 chân đàn kiểu xưa quá cồng kềnh và kém thẩm mỹ là một chân rộng kiểu giá đỡ với đường nét thanh thoát và thẩm mỹ hơn. Các nhà thiết kế cho rằng khi hạ thấp mặt thùng đàn xuống ngang với bàn phím, người xem trình diễn sẽ dễ dàng nhìn thấy nhạc sĩ hơn, kể cả nhìn thấy các ngón tay chạy trên bàn phím. Hơn nữa, mặt thùng đàn thấp sẽ giúp cho âm thanh di chuyển tốt hơn vì không bị cản trở, nhờ vậy âm thanh tới tai người nghe rõ và thật hơn. Những kỹ thuật trong công nghiệp xe cũng được áp dụng để tạo ra nắp đậy đàn rất nhẹ, có thể nâng lên bằng 1 tay. Phần thùng đàn để tạo ra âm thanh vẫn được làm bằng gỗ, nhưng phần nắp và chân lại được làm bằng sợi carbon, giúp giảm nhẹ trọng lượng đàn và tăng khả năng chuyển tải âm thanh. Đàn vẫn giữ lại màu đen bóng cổ điển theo đề nghị của hãng Pleyel.Tuy đây là một sản phẩm thực sự chứ không phải là một thiết kế thử, nhưng tới nay vẫn chưa có giá cho cây đàn piano thế hệ tương lai này.

