Cuối tháng 8 vừa qua, những người có trách nhiệm bảo vệ rừng quốc gia Nam Cát Tiên, nơi nương náu cuối cùng của bầy tê giác Java (còn gọi là tê giác một sừng) đã chính thức thông báo, xác con tê giác được phát hiện rữa mục trong rừng với một viên đạn găm vào chân và sừng bị cắt mất, là con tê giác cuối cùng của Việt Nam.

Từ voi…
Cùng lúc đó, báo điện tử Việt Nam cũng phát đi hình ảnh hai con voi, một đực một cái, ước chừng 25- 30 tuổi, chết thối trong rừng Yokdon. Xác voi cái còn nguyên vẹn. Xác voi đực bị cắt ngà và vòi. Hai tin này cho thấy động vật hoang dã, quý hiếm, có tên trong sách đỏ ở Việt Nam đã không được bảo vệ trước nạn săn trộm ngày càng lộng hành. Nói về vấn đề trách nhiệm, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên phân trần rằng, lực lượng kiểm lâm chỉ có vài người, trong khi sống quanh khu vực, thường xuyên có khoảng 100,000 người săn bắn.

Ông già KSo, nhiều năm sống bên sông Serepok đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Jokdon (Đắc Lắc) cho biết cách đây vài chục năm, khi rừng Tây nguyên, rừng Đông Nam bộ còn rậm rạp, môi trường sinh sống của voi còn yên ổn, lượng voi rừng, voi nhà không dưới con số ngàn. Trên bia mộ của vài thủ lĩnh người Mạ, người Lào, người Mơ Nông ở Đắc Lắc, số voi rừng, bò rừng bị họ thuần hóa, được ghi lại, còn nhiều hơn số voi của cả tỉnh hiện nay.
Dân Buôn Đôn, địa phương có nghề săn voi nổi tiếng và có đàn voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên, buồn rầu dự đoán, nếu cứ đà giết voi như hiện nay, chừng năm mười năm nữa sẽ không còn lễ hội đua voi, không còn nghề săn voi. Chủ một con voi cái, người Mơ Nông, chỉ voi của mình kể, nó già 60 tuổi, mỗi ngày ăn ít nhất 300 ký củ, rễ, cành, lá cây, nhưng do rừng bị phá, nguồn thức ăn cạn kiệt, nhất là vào mùa khô, nên không thể nuôi voi, đành “hùn con” với công ty du lịch địa phương.
Tiền bán vé cỡi voi (300.000 đồng/một giờ/một người) mình không được hưởng mà chỉ lãnh lương đôi ba triệu mỗi tháng. Nghe kẻ viết bài thắc mắc về vụ voi chết bởi lông đuôi, anh thanh niên Mơ Nông thủng thẳng giải thích, con voi coi to khỏe, hung hăng nhưng cái đuôi là chỗ nhược nhất. Bị chặt đuôi là chết, do máu chảy hoài, không cầm được. Bởi vậy chủ voi phải coi chừng, cả ngày lẫn đêm, không để người lạ tới gần “con” mình. Hồi xưa còn nhỏ, nghe già làng bảo nếu lấy hai sợi lông đuôi voi, một sợi quấn vào nhẫn người nam, một sợi quấn vào nhẫn người nữ, thì họ sẽ thành vợ chồng, sống chung thủy, giàu có suốt đời. Vì vậy, sắp lấy nhau, đôi nào cũng lấy lông đuôi voi làm nhẫn cặp. Voi thì cả buôn ai cũng nuôi. Lâu lâu nhổ vài sợi, không sao. Còn bây giờ, khi người miền xuôi đua nhau mua lông đuôi voi về khảm nhẫn, khảm vòng thì con voi mới khổ. Người ta nhổ, kể cả nhổ trộm, lông đuôi voi đem bán. Nhổ nhiều đến nỗi lông không kịp mọc, đuôi trụi lủi, chỗ nhổ lúc nào cũng tuột da, rướm máu. Thậm chí có kẻ rình lúc chủ thả voi đi ăn rong, chặt luôn cái đuôi con vật. Hai sợi lông đuôi thật, thời giá bây giờ là vài trăm ngàn. Bán hết lông trên một cái đuôi chưa biết được bao nhiêu tiền nhưng làm chết cả con voi giá vài trăm triệu của người ta.

Mộ phần của một “chuyên gia” thuần dưỡng voi nổi tiếng ở Đắc Lắc
Voi chết tại Yokdon
Tới hổ
Hổ cũng là động vật hoang dã, cũng to khỏe như tê giác và voi, thậm chí còn được phong chức chúa sơn lâm, nhưng hiện tại, chúa sơn lâm đã đi vào, hoặc sở thú, hoặc… nồi cao. Nếu tê giác chết vì sừng, voi chết vì ngà và lông đuôi thì hổ lại chết vì vẻ oai vệ, quyền quý của mình. Da hổ nguyên bộ căng ra, treo phòng khách, tạo uy phong cho gia chủ. Vuốt hổ, răng nanh hổ đem vô bùa, mài giũa thành trang sức, đeo hộ thân cho cánh giang hồ hành hiệp. Râu hổ đốt lấy tro, tẩm mũi tên (trúng tên này thì thối thịt, không có thuốc giải). Thịt hổ sau khi được khử mùi đặc trưng, khéo chế biến các món nướng, ninh cũng ngon như các bất kỳ loại thịt thú rừng nào khác. Đặc biệt nhất là xương hổ (hổ cốt). Lượng hổ ngoài thiên nhiên của Việt Nam hiện rất hiếm. Muốn có hổ nấu cao, người tiêu dùng phải chấp nhận mua chui hổ đông lạnh nguyên con (đã móc hết ruột) hoặc xương hổ nguyên bộ của Thái Lan, Lào, Miến Điện. Một anh bạn, thuộc dạng “sở thú di động”, vừa hoàn thành mẻ cao hổ cốt, đã cho kẻ viết bài vài chi tiết: Bộ xương hổ đạt tiêu chuẩn nấu cao phải nặng trên 10 ký. Khi mua xương bộ, phải nhìn xem xương sắp có đủ đầu, xương tay, xương chân, xương sống (tính từ đầu đến hết chót đuôi), xương bánh chè không, xem xương có hơi vặn không, phía trên xương bả vai có lỗ thông thiên không. Xem kỹ rồi, thấy ưng rồi mới trả đủ 250 triệu đồng. Người bán sẽ “lại quả” cho bộ xương sơn dương và mớ mai rùa (xương hổ quá dương, phải thêm các xương khác như sơn dương, mèo đen, khỉ, báo, mu rùa… để tăng âm, bớt dương, tạo cân bằng âm dương). Người bán (kiêm luôn nấu cao) ở lại nhà chủ, làm từ A tới Z trong ba ngày, những việc mà người xưa phải làm trong gần một năm trời, gồm róc thịt, làm sạch xương, sạch tủy. Đến công đoạn kế tiếp, là sao tẩm xương, nấu xương, xưa mất bảy ngày đêm, nay dùng nồi áp suất, chỉ mất ba ngày. Nấu một nước, chắt ra, cho nước lã vào nấu tiếp. Lại chắt ra. Đủ chín lần như vậy thì ngưng. Hòa chung chín nước đó, cô đặc, cũng bằng nồi áp suất thay vì chưng cách thủy cầu kỳ trên bếp than củi như xưa. Mẻ cao nấu xong, có màu nâu vàng, cân được 5 ký lô. Chờ ráo mặt, cắt ra mỗi miếng một lạng, gói giấy kính. Coi như xong! Với người trần mắt thịt như kẻ viết bài, miếng cao nâu nâu vàng vàng nọ chả giá trị gì, nhưng nghe nói trên thị trường một lạng cao hổ cốt thật, trả 20 triệu đồng vẫn không mua được, bất giác lại giật mình kính trọng nó.
Chẳng biết có phải vì tư cách đế vương của hổ, sự đắt đỏ, khó khăn trong chế biến, mua bán (bất hợp pháp) xác hổ, xương hổ mà đám nấu cao bày vẽ dị đoan mê tín đến điều! Thứ nhất, trước khi “xử” bộ xương “ông”, phải thắp hương, biện thủ lợn và đuôi lợn, mời vong linh “ông”về nhận lễ. Thứ hai, trong thời gian nấu cao không được phép sát sanh (nếu chủ nhà trai giới thanh tịnh càng tốt). Thứ ba cấm đàn bà tới lui dòm ngó. Vì thế, dù là chỗ thân tình, kẻ viết bài cũng không thể “đến một tí, xem nó thế nào”. Bù lại, hai tuần sau đó, “sở thú di động” gọi điện, rủ đi ăn và xem nấu cao “một con vật cam đoan lão chưa biết, nên biết”.

Con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam, trước khi bị bắn chết
Cả ngựa
Phải nói ngay, cú điện thoại này khiến kẻ viết bài nổi máu tò mò, tức tốc lên đường đi Xuyên Mộc- Bà Rịa để “phó hội bàn đào”. Tới nơi, “sở thú di động” dắt ra vườn, trỏ con ngựa trắng buộc dưới cây xoài giới thiệu, đấy chính là con “cam đoan lão chưa biết, nên biết”. Từ Thái Nguyên chuyển vào Nam bằng xe tải, con ngựa nặng hơn 200 ký, giá 70 triệu, đắt hơn một “con xe”gắn máy Honda loại tốt nhất, mới nhất. Người bán, kiêm nấu cao, cho biết, cao ngựa trắng trị loãng xương, còi xương, suy dinh dưỡng rất hiệu nghiệm. Khác cao hổ, cao ngựa bạch không kỵ tuổi, kỵ tạng, ai cũng có thể dùng, chỉ phải kiêng chất tanh (cua, cá), chất cay (tỏi, ớt, tiêu), nước chè đặc, đậu xanh, măng, rau muống… Cao ngựa bán trên Phố Thuốc Bắc (Hà Nội) hiện nay có giá từ triệu rưỡi tới hai triệu một lạng, được quảng cáo là cao ngựa bạch thứ thiệt, nhưng có trời mới biết đó là cao ngựa kim (ngựa bạch lai với ngựa thường), ngựa màu hay thậm chí là cao dê, cao trâu. Vì vậy, chắc ăn nhất vẫn là mua ngựa về nấu lấy.

Nuôi ngựa ớ Thái Nguyên
Ngựa bạch đương nhiên là lông trắng. Nhưng ngựa bạch để nấu cao, ngoài yếu tố lông trắng còn đòi hỏi mắt phải đỏ, dái phải đỏ, háng cũng đỏ. Những con lông trắng nhưng mắt đen, dái đen, bụng dưới đen, đều bị loại. Chọn đúng được ngựa bạch, đầu tiên chọc tiết, lọc bỏ thịt, làm sạch xương, phơi cho hết tanh, ghè vỡ xương, nạo sạch tủy, ngâm nước rượu gừng, rồi nấu ba lần, mỗi lần mỗi chiết nước cốt, để riêng. Cuối cùng dồn chung các nước chiết, đun nhỏ lửa, đánh đều đến khi cao đặc. Tất cả công đoạn, chỉ mất chưa tới một tuần. Cao ngựa, cũng như cao hổ, có màu cánh gián, mặt hơi bóng, hơi mịn (cao để càng lâu, mặt cao càng ít bóng). Nếu miếng cao trong suốt là có nhiều sáp ong. Cao lợn cợn nhiều hạt trắng là do người nấu nghiền bã xương thêm vào, để tăng trọng lượng. Hạ một con ngựa bạch, ngoài thu hoạch năm ký cao, thịt và huyết cũng rất được việc. Thịt chế biến các món nướng, nấu, xào, lẩu đều ngon. Đặc biệt huyết ngựa, đánh tiết canh hay đóng chai bỏ tủ lạnh, uống tươi (nghe ghê!) rất bổ. Ngồi chung mâm cùng chư anh hùng quân tử, ai cũng bê bát tiết canh xắn từng miếng lớn, ngắt ngọn húng quế, thêm bánh đa nướng, lạc rang, nhai rau ráu, nốc rượu tì tì, kẻ viết bài chỉ chống đũa, uống rượu suông. Ông bạn ngồi cạnh sau khi “đánh” gọn bát tiết thứ hai, quay sang khuyên, huyết ngựa bạch không tanh như huyết vịt, huyết heo, huyết chó mà rất thơm, ngọt. Một bát tiết canh ngựa bạch đánh khéo, gia vị phù hợp, bổ không thua sâm nhung. Không phải ngày nào cũng có, nên “tranh thủ” ăn, đừng dại.
Nghĩ mà phục con người! Không móng vuốt như hổ, không to khỏe như voi, không chạy nhanh như ngựa, không dạn dày như tê giác, vậy mà lần lượt voi, hổ, tê giác, ngựa đều phải gục chết dưới tay người. Người ở đồng bằng. Thú ở rừng sâu. Thú không đến giang sơn người. Chỉ người là lấn đất thú. Với tốc độ phá rừng, giết thú ráo riết, rầm rộ như hiện nay, e chỉ vài mươi năm nữa, rừng Việt Nam sẽ “đạt thành tích” rừng trắng.

Cao ngựa