Trong một cuộc giải phẫu tim hay giải phẫu thần kinh, nếu tay cầm dao cắt của bác sĩ chỉ cần run một chút là sẽ gây ra nguy hiểm cực kỳ cho bệnh nhân, và có thể gây ra tử vong dễ dàng. Các cuộc thử nghiệm cho thấy dù chúng ta cố gắng giữ tay cách nào đi nữa, tay vẫn bị run một vài lần mỗi giây với khoảng cách nhỏ chừng bề dầy một tờ giấy, ngay cả các nhà giải phẫu cũng vậy. Các thí nghiệm dụng cụ giải phẫu tự động ở đại học Johns Hopkins University đã đưa các nhà nghiên cứu tới việc chế tạo ra một dụng cụ đặc biệt giúp chống lại tình trạng tay bị run. Dụng cụ này được đặt tên là SMART (Smart Micromanipulation Aided Robotic-surgical Tool) và là một dụng cụ cầm tay kết hợp với tia laser. Tia laser này có nhiệm vụ như là một bộ cảm ứng về khoảng cách. Tia này chiếu vào đầu dụng cụ mổ và đồng thời vào vùng mô sẽ được cắt, một bộ phận sẽ ghi nhận tia phản chiếu lại và truyền về một computer. Phân tích các dữ liệu này, computer sẽ xác định thời điểm và độ lệch của dao cắt so với vị trí định cắt. Một động cơ cực nhỏ ở đầu SMART sẽ tạo ra một chuyển động cực nhỏ ngược lại với chiều run và làm triệt tiêu chuyển động run này. Nhờ vậy, dao mổ được giữ yên ở một vị trí. Ví dụ, nếu tay bác sĩ run và làm lệch dao về phía trái 10 phần triệu mét, hệ thống sẽ di chuyển theo chiều ngược lại cũng 10 phần triệu mét. Hệ thống này có khả năng điều chỉnh độ run 500 lần mỗi giây, vượt xa tần số run tay của người giải phẫu. Hiện dụng cụ này vẫn còn đang được dùng thử trong các cuộc giải phẫu thí nghiệm trên súc vật và các nhà khoa học cho rằng có thể bắt đầu chính thức được sử dụng trong vài năm tới.

Chân cho người bị liệt
Một kỹ thuật mới giúp cho người bị liệt chân có thể đi lại được đã được áp dụng ở Hoa Kỳ. Một trong những công ty đầu tiên áp dụng kỹ thuật này là công ty Argo Technologies của Do Thái có văn phòng chính đặt tại Boston, MA. Sản phẩm này có tên là Rewalk Exoskeleton giúp cho người liệt chân có thể đứng và bước đi mà không cần sự giúp đỡ nào. Có khoảng một chục người trên thế giới đang được thử nghiệm bộ xương này mặc dù công ty chỉ mới bắt đầu thực hiện được một tháng qua và sẽ có mặt ở thị trường Hoa Kỳ trong một ngày gần đây. Một trong những người được thử là cô Teresa Hannigan, một trung sĩ quân đội, bị bệnh về hệ miễn nhiễm và bị liệt chân. Cô được điều trị tại bệnh viện Bronx New York Veteran’s Hospital. Rewalk Exoskeleton là một hệ thống trụ đỡ mang vào người, với các động cơ nằm ở vị trí các khớp xương. Bộ xương này còn được trang bị bộ pin để chạy, một loạt các bộ cảm ứng, và một hệ thống computer điều khiển. Người mang sẽ phải đeo vào lưng một túi nhỏ chứa bộ phận điều khiển này và các khung gắn chặt vào chân. Một bộ cảm ứng đặt ở ngực sẽ xác định góc độ nghiêng của lưng để điều khiển chân di chuyển tới trước, đi lùi lại, hay phải giữ thăng bằng. Người ta hy vọng rằng việc sử dụng Rewalk Skeleton sẽ giúp cho nhiều người bị liệt chân sẽ rời bỏ được xe lăn và có sinh hoạt bình thường như mọi người, nhất là đối với những cựu chiến binh bị thương làm liệt hai chân.
