Tôi rủ Andy Nguyễn đi Key West, xả “sì trét”. Tám tiếng trên xa lộ, và điểm cuối là cái xa lộ US 1 dài miệt mài. Bốn mươi hai cây cầu nối liền những chuỗi đảo Keys như một sợi dây thừng.

Bờ biển Fort Zachary Taylor Historic State Park.
Chiếc xe bạt gió lao vun vút giữa xa lộ trên biển. Cây cầu nổi vắt ngang mặt biển ngăn ngắt xanh, vô tận. Seven Mile Bridge, cây cầu nguyên thủy là phần đường rầy xuyên biển của Henry Flagler giữa Miami và Key West. Năm 1935, cơn bão đổ bộ đã phá hủy nặng nề đường rầy này. Chính phủ đã tiếp nhận và tái lập thành đường cho xe chạy. Và đoạn đường này là khoảng nối dài của Quốc lộ 1 US1 băng qua chuỗi đảo Florida Keys có tên gọi Overseas Highway. Năm 1980, cây cầu cũ đóng để sửa chữa. Và chiếc cầu Seven Mile Bridge ngày nay được hoàn thành vào tháng năm 1982, trở thành một trong những cây cầu dài nhất thế giới.
Tôi mở cửa sổ đón gió biển, cảm giác như đang phiêu bồng giữa đại dương xanh. Nước biển vùng này, lẫn lộn sắc màu do độ sâu của nước từ kênh Hawk’s Channel của Đại Tây Dương (the Atlantic Ocean) và mực nước cạn từ vịnh Gulf of Mexico hòa lẫn. Cầu Bảy Dặm là một thiết kế ‘kỳ quan’ của Florida.Tôi chợt hình dung một góc cạnh hình ảnh ngoạn mục từ trên không. Cây cầu và biển- sự kết nối giữa năng lực vô biên của loài người và thiên nhiên. Qua cầu, lại chợt nhớ cái tên Arnold Schwarzenegger và Jamie Lee Curtis trong bộ phim True Lies. Đoạn action rất hấp dẫn diễn ra trên cây cầu này. Hollywood lăng xê hết mức Seven Mile Bridge, cây cầu ‘thủ vai’ trong những thước phim action: 2 Fast 2 Furious, Licence to Kill, Up Close & Personal.
Và rồi cũng đến Key West. Hải đảo tận cùng cực Nam. Tôi ước mình có được đôi hia bảy dặm. Chỉ một sải bước qua cầu là đến ngay Key West. Thời buổi xăng nhớt mắc mỏ mà Andy bảo tiếc là Mark Gấu không về kịp từ Trinidad. Mark hứa, nếu chúng tôi đến Key West là Mark sẽ sẵn tàu để chở đi ngao du khắp chốn.
Sống ở Florida, biển như hơi thở của đời sống. Và quá nhiều lựa chọn. Tôi đến Key West để thay đổi không khí… biển. Cũng biển, nhưng ở Key West có vùng biển nước xanh màu ngọc bích. Và dừa thì không có ở biển Orlando.

Thư thả đậu xe xong, hai lãng tử tà tà thả dọc Smather Beach. Hotel vùng này tuyệt đẹp, giá cứa cổ từ $259/đêm trở lên. Ra đến biển. Tôi đứng ngắm biển sớm sặc sỡ muôn sắc buồm.
Bụp. Một trái dừa bỗng dưng rụng xuống đất, vừa lúc tôi há họng, ngóng cổ lên cây. Andy bảo tôi lucky, cầu dừa là được dừa. Tôi cầm trái dừa tươi và chụp hình lưu niệm trên bãi cát trắng. Nghe sến!
Một giờ đồng hồ sau chúng tôi đã hiện diện ở Fort Zachary Taylor Historic State Park. Cái tên dài ngoằng, nhớ cũng đủ mệt. Tôi ‘tham quan’ khu pháo đài cổ. Dạo vòng ngoài, “nghiên kíu” mấy cái nòng đại bác. Nơi đây là khu bảo tồn di tích lịch sử về những trận đánh trong thời kỳ Nội chiến giữa những tiểu bang thuộc hai miền Nam-Bắc của Hoa Kỳ. Giờ ‘lịch sử’ trôi qua, ‘tour guy’ Andy cho biết là tiết mục kế sẽ hấp dẫn hơn. Tôi cầm cái bản đồ khu thiên nhiên State Park, ngoằn ngoèo ‘địa thế’ và ghi chú đủ loại chim thú vùng này, nghe mạo hiểm. Trưa nóng, tôi mường tượng đến trái dừa tươi còn lăn lóc ở góc xe. Con “đường mòn thiên nhiên” nhỏ hẹp, lùm sùm bụi rậm, vô kể là muỗi. Đi từ đầu vào đến đầu ra, đúng 15 phút. Không một con chim thú ló mặt. Vừa chui ra khỏi con đường mòn, tôi rủa thầm, làm tưởng bở.
Giờ lunch. Ăn trưa trong khu rừng thông sát biển. Ngóng lên cây, quan sát một con bồ câu White-crowned Pigeon, Andy nói đây loài chim đặc hữu của vùng chuỗi đảo Florida Key. Và thật, loài bồ câu tuyệt đẹp này sắc màu như được sơn vẽ trên lông cánh. Đi ‘nghỉ mát’, tôi chẳng dại chi vác theo mấy cái ống kính cồng kềnh cho khổ thân phận.
Ở cái bàn picnic dưới bóng cây. Tôi ngồi gặm nhấm cái hamburger, và nhìn giai nhân tài tử dập dìu tắm biển. Làn da tôi nhạy cảm, cứ nhúng nước biển lên là phỏng rát, ngứa ngáy và phải gảy đàn đến khủng hoảng.
Vừa ăn, rồi cặp mắt tôi vô tình đậu trên một cặp bong bóng căng đến nhức mắt. Tôi nhìn tấm biển báo, cấm khỏa thân. Vậy mà trên bãi cát, lồ lộ một hình dáng mỹ miều, nước da sậm màu chocolate. “Tâm điểm” đeo cặp mắt kiếng đen thui, hai múi ngực trần ngồn ngộn phơi giữa nắng trưa.
Một giờ đồng hồ trôi qua… Cái khu vực tôi ngồi, lúc đầu vắng teo. Và dần, đâu đó bỗng tụ lại như một bầy kiến lửa bâu quanh thỏi chocolate. Tôi ngồi âm thầm ‘thống kê’ cuộc trưng cầu… thị giác. Và rằng, đã có đến hàng trăm cái ánh nhìn chòng chọc lên trái núi lửa, nửa dè chừng, nửa táo tợn. Tần suất ra-đa chỉ dần giảm khi cái thân dáng sậm màu chocolate ấy, khoác lên mình cái áo tắm màu xanh con két.
Ăn trưa, ngắm biển xong, hai lãng tử lái xe vô trung tâm thành phố. Phố thị giữa trưa, râm ran âm thanh của dàn đồng ca chicken xứ đảo. Tôi cảm giác quá đỗi thân quen, tiếng gà gáy “ò ó o”. Cộng đồng gà không ‘kế hoạch hóa’, tự do sinh đẻ suốt hơn 30 năm trên xứ đảo này. Gà ở mọi ngõ ngách. Và gà là niềm tự hào của Key West, và đây cũng là đặc điểm rất thu hút du khách.
Tôi bước khỏi xe, tò mò đứng coi màn ‘kungfu chicken’ giữa hai con gà trống bén cựa, lông sắc sặc sỡ. Ký ức về con xóm cũ, và những trận đá gà bỗng ùa về, nhức nhối. Cái thuở em trai tôi mê đá gà, và con gà em tôi nuôi luôn bị đá… ngắc ngoải, rồi chết. Mỗi lần giỗ em, mẹ tôi luôn cúng một con gà trống.

Một con gà mái dẫn đàn gà con băng qua đường, làm kẹt xe. Tôi cũng lại nhớ về thuở ấu thơ cùng em trai nuôi một bầy gà mái, đẻ trứng nhiều. Một ngày, mấy con gà mái tự dưng mất tích. Em tôi dần khám phá ra là thằng nhỏ hàng xóm, cứ mỗi ngày, thả sang sân nhà tôi một con gà trống. Và rồi ‘dẫn độ’ về một nàng gà mái. Nhiều lần, mấy nàng gà cùng bầy cũng tự nguyện theo chàng gà hàng xóm về dinh. Cái thằng nhỏ hàng xóm láu cá, tối ngày nó được ăn cháo gà. Giờ nhớ lại, tôi vẫn còn ấm ức. Cộng đồng gà đi bộ này mà ở VN thì chắc phải đến tuyệt chủng, tôi nghĩ vậy.
Đi tới cuối đường Whitehead là địa điểm nổi tiếng Southernmost Point. Hình tượng cái phao nổi, “90 miles to Cuba”. Đánh dấu điểm tận cực Nam của 48 tiểu bang nuớc Mỹ. Theo truyền thuyết, Key West không thuộc một phần của nước Mỹ, và “90 dặm từ Cuba” cũng không hoàn toàn chính xác. Cuba, ở điểm gần nhất chỉ cách Key West 94 dặm. Không chìm, nhưng tôi cũng ráng ‘ôm’ cái phao tượng bự để chớp vài pô hình.

Địa điểm nổi tiếng Southernmost Point
Gởi xong cái xe, tôi muốn thuê chạy thử chiếc scooter, loại xe máy nhỏ như chiếc mini vespa. Phố đông người, tôi lại đổi ý đi bộ tà tà. Con đường Duval chỉ một dặm dài, san sát phố quán. Đặc điểm con đường này là đầu đường giáp bờ biển Đại Tây Dương, và cuối đường thì giáp vịnh Mexico.

Nơi cho thuê xe Scooter ở Key West
Tôi ghé mua đồ lưu niệm, chọn mua một cây viết họa tiết lạ mắt có hình cái lá cờ và sọ đầu của cướp biển. Hơn 100 năm trước (1890), Key West là thành phố phồn thịnh nhất tiểu bang Florida. Cư dân ở đảo này lặn kiếm những rương chứa đầy thỏi vàng lớn, nữ trang, báu vật quý giá của hạm đội Tây Ban Nha khi thám hiểm qua Châu Mỹ đã bị bão đánh chìm ở vùng biển này. Vào đầu thế kỷ 19, hải quân Mỹ đã lập căn cứ và thả neo tàu chiến ở vùng biển Key West này để chận bắt những tàu của hải tặc.
Mark Gấu cũng đã chia sẻ là phong cách sống của cư dân Key West rất khoáng đãng đúng với trạng thái tinh thần “Don’t worry, be happy”. Tôi nhìn thấy họ đi dạo phố với những con vật nuôi hiếm quý. Không phải chó, mèo mà là trăn rắn, và chim quý. Một người đàn ông xuống phố, ‘trang sức’ bằng một con trăn lớn quấn rằn ri quanh cổ. Tôi dừng chân, tám chuyện với đôi vợ chồng, chủ nhân của một con vẹt tuyệt đẹp. Ông bà cho biết giống vẹt Gray Parrot sống ở Phi Châu, chỉ số IQ thông minh như đứa trẻ 4 tuổi. Để show off, bà bảo con vẹt say ‘hello’ với khách. Nó gật gù và nói rành rõi lời chào. Rất ấn tượng.
Hai khách lạ đi lên, đi xuống, đi ‘dăm phút’ là hết hai dặm chiều ngang và bốn dặm chiều dài của hòn đảo. Một nhóm du khách tay cầm chai bia lạnh Heineken, vừa uống, vừa thong dong thả bộ. Bia rượu ở đây được uống hợp pháp mọi nơi, mọi lúc. No problem!
Andy nhắc chừng tôi phải ngưng shopping vì gần đến giờ của tiết mục chính trong ngày. Festival Sunset là lễ hội nghệ thuật hằng đêm tại công viên Mallory Dock. Địa điểm nổi tiếng trên thế giới để xem cảnh mặt trời lặn.
Khuôn viên nườm nượp người, hàng quán với đủ tiết mục của những nghệ nhân biểu diễn đường phố. Mỗi đêm, trước hai giờ đồng hồ là hàng ngàn người tụ tập để xem sunset.

Một góc phố ở Mallory Square
Chốn đông người, tôi bị ngợp. Andy mau chân tìm được chỗ dựng chân máy hướng ra mặt biển. Phone rung mấy lần, tôi lơ. Có người giữ chỗ nên tôi cứ nhẩn nha mua sắm ở mấy sạp hàng. Một du khách người Pháp đứng hỏi chuyện. Tôi ráng vận dụng vốn từ tiếng Pháp lõm bõm ra lấy le. Người nói, kẻ múa may. Hiểu được chết liền. Du khách đến Key West, đủ nơi trên trái đất.
Phone rung. Andy gọi nhắc đến giờ rồi. Tôi móc túi trả tiền mấy cái pendant, rồi vọt lẹ.
Nền trời loang lổ sắc đỏ cam. Mặt trời đỏ vành vạch như một trái bóng khổng lồ, chậm lăn và chạm nền chân trời. Mặt trời lặn trên biển Key West. Tôi không nghĩ rằng có thể thấu cảm bằng ngôn từ, hình ảnh.
Andy nói, lần tới chắc chắn sẽ hẹn với Mark Gấu để lấy tàu chở ra khơi xem mặt trời lặn.

Những nghệ nhân đường phố ở Mallory Square
Du khách thưởng thức màn xiếc đi dây ở Mallory Square
www.hanhphoto.com