Hôm Thứ Năm tuần rồi 13-9-2012, thế giới thời trang vừa khép lại một trong những sự kiện được giới sành điệu trông đợi nhất trong năm: New York Fashion Week (còn gọi là “Tuần Lễ Thời Trang Mercedes-Benz”). Tuần lễ trình diễn ở thành phố New York nằm trong nhóm “tứ trụ” của kỹ nghệ biểu diễn thời trang toàn cầu — cùng với Paris, London, và Milan. “New York Fashion Week” sẽ trở lại vào trung tuần Tháng Hai 2013 (dịp ra mắt thời trang mùa Thu/Đông năm sau). Nhân dịp này, mời bạn cùng tìm hiểu đôi điều về kỹ nghệ và nghề làm người mẫu trình diễn thời trang hiện đại.

Như là một quy ước, thời điểm lý tưởng để gia nhập làng trình diễn thời trang nhà nghề vào khoảng 16-18 tuổi. Một số người mẫu có thể bắt đầu sớm hơn, nhưng ít người mẫu quá 21 tuổi được các nhà thời trang danh tiếng nhận.
Thường thì các người mẫu mới vào nghề phải mất vài năm mới thiết lập được thế đứng riêng. Trong những năm đầu, họ hầu như không kiếm được bao nhiêu tiền. Thậm chí còn phải bỏ tiền túi để in quảng cáo, in các cuốn “catalog” tự giới thiệu — trong khi làm việc bán thời gian cho những khách hàng nhỏ, nhận thù lao khiêm tốn.

Những năm gần đây, do hoạt động của các phong trào bảo vệ sức khoẻ trẻ em, ở nhiều nơi người ta bắt đầu ban bố những luật lệ ràng buộc, như người mẫu phải trên 16 tuổi mới được ghi danh làm việc.
Người mẫu thời trang là nghề có sự cạnh tranh cao độ. Có thống kê cho thấy chỉ hơn 11% tất cả quảng cáo thời trang được in trên giấy dành “đất” cho các thiếu nữ trẻ, từ 17 đến 23 tuổi. Thông thường, thời vàng son “Prime time” của nghiệp người mẫu là khoảng cuối 20 và trong độ tuổi 30 (cho nữ giới). Trong giới người mẫu nam, độ tuổi lý tưởng là từ 30 đến 40.
Mỗi bộ trang phục, kiểu mẫu, đều đi kèm hình ảnh và tên người mẫu, sắp xếp gọn ghẽ sau sân khấu, giúp tránh cảnh hỗn loạn. Ảnh Joseph Chi Lin / TIME
Nói chung, thế giới thời trang thập niên 1970 trở về trước đa phần do các người mẫu da trắng chiếm lãnh. Đến thời 1990, ngày càng nhiều người da màu bước lên sàn diễn. Đây cũng là thời điểm bùng nổ những tên tuổi thời trang lớn được mệnh danh là “Supermodel” (siêu người mẫu). Có thể kể vài cái tên đình đám nhất: Naomi Campbell, Christy Turlington, Cindy Crawford…

Đến cuối thế kỷ 20, phong trào thời trang tuổi choai choai mới lớn phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự ra mắt của hàng loạt người mẫu từ xứ Ba Tây, được mệnh danh là những “Brazilian Bombshell”. Những cái tên đắt giá nhất gồm có: Gisele Bundchen, Adriana Lima, Alessandra Ambrosio, Ana Beatriz Barros…
Sang thập niên đầu của thế kỷ 21, người ta lại thấy sự xuất của nhiều người mẫu xuất thân từ vùng Đông Âu.
Hầu hết giới người mẫu thời trang nhận việc làm thông qua môi giới của các dịch vụ quảng cáo người mẫu (modeling agency). Cách chung, giới quản lý và đại diện nhận thù lao từ 10% đến 20% tiền công người mẫu được trả, bao gồm quảng cáo TV, internet, trên các catalog in trên giấy, v.v…


Tất cả người mẫu nhà nghề đều có một vật… bất ly thân là sách ảnh tự giới thiệu mình, gọi là “photo portfolio”. Nó chứa đựng những bức ảnh đẹp nhất, bao gồm các thông tin căn bản như tên/số điện thoại người đại diện, tuổi, chiều cao, cân nặng, yêu cầu thù lao, v.v… — đây cũng là những thông tin đi kèm theo mỗi hình ảnh, giới thiệu chương trình, xuất hiện trên TV, v.v… liên quan đến cá nhân người mẫu đó.
Cũng không đáng ngạc nhiên, kỹ nghệ in ấn quảng cáo, trình diễn thời trang tập trung phần lớn ở thành phố New York.
Ở New York Fashion Week vừa qua, cũng như ở các tuần lễ thời trang lớn khác, người ta không thấy các siêu người mẫu xuất hiện. Điều này là bình thường. Các sàn trình diễn thời trang thường được xem là các màn tập dợt, dành cho các thiếu nữ còn ít tên tuổi, tiếng tăm, những người mẫu mới vào nghề, thậm chí có nhiều gương mặt thiếu nữ ngoại quốc (Đông Âu) chỉ mới 15- 16 tuổi. Những người đẹp này thường chạy đua trình diễn hằng chục “show” trong thời gian ngắn vài tuần lễ, được trả thù lao khoảng $200-$300 mỗi giờ trong mùa trình diễn.

Những công việc trình diễn thời trang ổn định hơn, tuy thu nhập thấp chút ít là làm người mẫu cho các catalog. Đây được xem là mảng chánh của kỹ nghệ thời trang, cho dù ít gây chú ý. Một phần quan trọng nữa là nghề “showroom model”. Đây là các người mẫu chỉ đứng để người ta đo đạc, lấy số liệu thiết kế quần áo. Những công việc này được trả lương khá hậu hĩ tuy rằng ít hào quang và tiếng tăm hơn cả.
Bước ra sàn diễn thời trang, cùng những công việc không tên không tuổi khác sau hậu trường, đối với nhiều người mẫu, thường là các bước chuẩn bị, “chờ thời”. Chúng không mang lại cho họ nhiều tài chánh, nhưng có thể giúp xây đắp uy tín, tạo các mối quan hệ. Thậm chí nhiều người ra sàn trình diễn chỉ được trả công bằng cách “trade” — nghĩa là chỉ được nhận lấy quần áo sau buổi trình diễn. Sàn biểu diễn thời trang là cơ hội để được chú ý. Sau đó họ chụp hình, xuất hiện thường xuyên trên các trang catalog. Cuối cùng, tuỳ cá tánh, tài năng, và cả may mắn, người mẫu có thể lọt mắt xanh một hãng nào thời trang đó, được ký hợp đồng dài hạn trị giá hằng triệu Mỹ kim. Các hãng mỹ phẩm, trang phục nổi tiếng luôn có các người mẫu riêng của họ, như những gương mặt một thời: Scarlett Johansson của Louis Vuitton; Eva Longoria của L’Oreal; Jessica Alba của Revlon…
Ngoài ra, người mẫu cũng có thể rẽ sang làm nghề dẫn dắt chương trình, đóng phim, v.v… Nghiệp làm người mẫu nhiều hào quang và cũng lắm góc khuất, như mọi nghề nghiệp khác.
