Tôi là một độc giả trung thành của Tuần báo Trẻ, và cũng thường xuyên đọc mục mách sức khỏe của bác sĩ. Hôm nay tôi có việc này muốn hỏi ý kiến bác sĩ, đó là việc uống nước mỗi ngày.
Tôi biết là nước cần thiết cho ta, nhưng lại hay quên, ngày có khi chỉ uống hai ba ly nước. Như vậy chắc là không đủ đâu bác sĩ nhỉ. Bác sĩ có cách nào để nhắc nhở không. Và nếu uống ít nước thì sẽ ra sao.
Tôi cám ơn bác sĩ. Lê Thủy- Sachse.
Đáp
Thưa bà
Cảm ơn bà đã nêu ra câu hỏi rất ư là thực tế này, vì cũng khá nhiều bà con đồng hương mình ý thức rằng cần phải uống nước đầy đủ, như lời khuyên của bạn bè hoặc các bác sĩ, nhưng lại cứ hay quên, ít uống. Thực ra chẳng phải chỉ người mình hay quên mà dân bản xứ cũng vậy. Vì thế cho nên hàng ngày các nhà dinh dưỡng vẫn thường phải nhắc nhở mọi người.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới bà và độc giả tuần báo Trẻ mấy mẹo vặt để uống nước đầy đủ.
1-Luôn luôn kè kè bên mình một chai nước để khi uống, là có sẵn, khỏi phải mất công tìm kiếm.
2-Nếu hay quên và nếu có thể, mang một đồng hồ báo hiệu mỗi đầu giờ để nhắc nhở uống nước.
3-Nhỏ vài giọt nước chanh vào chai nước để có thêm chút hương vị thơm thơm, dễ uống.
4-Nhiều người thấy uống nước lạnh hấp dẫn hơn. Nếu không thích nước lạnh thì hâm hơi ấm một chút. Nước ấm có hương vị khác và có thể làm dịu cuống họng.
5-Có thể ăn một miếng bánh hơi mặn trước khi uống một ly nước. Vị mặn làm miệng khô khô, tăng cảm giác khát, cần nước.
6-Có thể ngậm đá cục để có nước, nhưng đừng nhai kẻo lại hư răng.
7-Mỗi lần đi qua một vòi nước máy trong sở làm, ghé miệng uống vài ngụm.
8-Nếu không thích hương vị của nước, có thể uống với một ống hút. Nước sẽ ít tiếp xúc với lưỡi và chạy thẳng xuống họng.
9-Cũng chẳng cần mua loại nước chai quá đắt, nhiều công ty sản xuất nước chai khuếch đại là nước máy không tốt. Lọc nước máy với đồ lọc là quá an toàn. Thường thường, chỉ cần nước chai khi tới các quốc gia đang trên đường phát triển.
10-Ăn nhiều rau, trái cây cũng chứa nhiều nước: chuối có 70% nước, táo 80%, cà chua, dưa hấu 90%, rau sà lách 95% nước.
Ngoài ra, cũng xin bà và độc giả lưu ý mấy điểm sau đây:
1-Trong khi uống nước là cần thiết, nhưng nếu uống quá nhu cầu hoặc quá sự chịu đựng của cơ thể lại là điều không tốt, đôi khi ngộ độc nước.
2-Bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, phù nề bàn chân cần tránh uống quá nhiều nước.
3-Nếu có bệnh thận, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thêm nước.
4-Không nên uống nhiều nước trong khi ăn. Nước sẽ làm loãng dung dịch acid, dịch vị và enzym trong dạ dày, gây ra chậm tiêu hóa.
5-Uống nhiều nước có thể khiến cho ta phải thức giấc nửa đêm để đi tiểu, gây ra gián đoạn cho giấc ngủ. Có thể tránh bằng cách giảm tiêu thụ nước mấy giờ trước khi đi ngủ và đi tiểu trước khi lên giường.
Còn e ngại mà bà nêu ra là liệu ít uống nước thì hậu quả ra sao, thì xin thưa rằng uống quá ít sẽ gây ra một số khó khăn cho sức khỏe như táo bón, ít tiểu tiện, da khô, dễ nhiễm trùng đường tiểu tiện, chóng mặt, mất định hướng và nếu uống quá ít có thể bị hôn mê.
Mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.5 lít nước là đủ. Số lượng này bao gồm nước lã, nước trong rau, trái cây và nước canh trong bữa cơm.
Chúc bà và gia đình vui mạnh.
Chào bác sĩ Ý Đức
Tôi cứ hay bị đau lưng, nhất là khi nào phải khuân vật nặng hoặc bế mấy đứa cháu. Bác sĩ có thể cho biết tại sao lại đau như vậy và có nặng không. Có cần đi khám bệnh hay là uống mấy viên aspirin là đủ?
Cảm ơn bác sĩ nhé. Peter Phạm.
Đáp
Chào ông Peter
Đau lưng là một chứng bệnh rất thường xảy ra ở những người trưởng thành. Thống kê cho hay có tới 85% dân chúng bị đau lưng ít nhất là dăm ba lần trong cuộc đời, đặc biệt là người làm công việc khuân vác nặng nhọc. Ở Mỹ, chi phí chữa đau lưng có khi tốn cả nhiều tỷ mỹ kim hàng năm.
Đau lưng thường hay xảy ra ở phần ngang thắt lưng, là nơi chịu sức nặng của cơ thể nhiều nhất. Nguyên nhân thông thường gây ra đau lưng gồm có:
– Căng cơ bắp – dây chằng ở thắt lưng trong các hoàn cảnh như mập phì, có thai, người cao tuổi ít vận động, nâng mang vật nặng mà lại dùng sức mạnh của lưng, tư thế không ngay thẳng, nhiều xúc động mạnh…
– Thoái hóa đĩa đệm
– Viêm mặt khớp xương sống.
Nhiều trường hợp phụ nữ với nhũ hoa quá khổ cũng gây ra đau lưng vì lưng chịu một sức nặng ngoài khả năng.
Người cao tuổi thường hay bị đau lưng vì sự thoái hóa cột sống, cơ bắp dây chằng lỏng lẻo, đốt cột sống dễ bị nghiêng vẹo, đè vào dây thần kinh não tủy, gây ra đau. Với các bác, chỉ khom khom di chuyển một chậu cây cảnh hoặc cúi xuống bế đứa cháu nội ngoại cũng dễ dàng ôm lưng nhăn nhó, như trường hợp của ông.
Nếu ông liên tục bị đau thì nên đi bác sĩ để chụp hình X-quang vùng lưng coi xem có bị tổn thương xương hoặc đĩa đệm, rồi điều trị. Thuốc aspirin cũng rất tốt để giảm đau, nhưng nên cẩn thận vì thuốc có thể gây ra xuất huyết bao tử.
Nhân đây, xin gửi tới ông mấy phương thức để giảm thiểu rủi ro đau lưng. Phòng bệnh quan trọng hơn là chữa bệnh đấy ông ạ.
1- Khi mang vật nặng, không nên khom lưng xuống để nhấc vật đó lên, mà ngồi xuống, hai tay ôm cầm vật đó rồi từ từ đứng lên qua sức mạnh của đầu gối, như vậy tránh được sự tổn thương cho lưng.
2- Khi vật nặng nằm ở trên bàn, ta có thể ôm vào bụng hay quay lưng ôm đồ vật vào lưng để mang đi.
3- Ngồi lâu đều gây nhiều khó chịu cho lưng. Vì thế lâu lâu nên đứng dậy, đi qua đi lại, thư giãn xương lưng. Tránh ngồi trên nệm ghế quá mềm.
4- Nên ngủ trên nệm cứng; nằm nghiêng, đầu gối co thước thợ hoặc khi nằm ngửa thì lót gối dưới khuỷu chân. Gối cao vừa phải để đầu và mình ngang bằng;
5- Tập thể dục với các cử động làm thư giãn khớp xương và bắp thịt, tăng cường sức mạnh cho bắp thịt, dây chằng ở lưng.
6- Buổi sáng ngủ dậy, trước khi bước ra khỏi giường nên tập các cử động vẹo người qua lại để thư giãn lưng. Lý do là sau bảy giờ nằm ngủ, xương khớp, bắp thịt cứng lại, nếu đứng dậy ngay có thể té ngã, gây tổn thương cho lưng và các phần khác của cơ thể.
7- Không hút thuốc lá vì nicotine làm giảm máu lưu thông tới lưng khiến cơ khớp yếu.
8- Giảm cân nếu quá mập, vì mập phì làm mô mềm ở lưng căng cương. Hai phần ba người bị đau lưng kinh niên đều bị béo phì.
Chúc ông bình an trong cuộc sống.