Khi đi ngang qua căn phòng nằm cuối hành lang, người bệnh đang ngồi trên giường bất chợt ngước lên nhìn, tôi đưa tay vẫy chào và bỗng hốt hoảng giựt mình khi bắt gặp ánh mắt của ông ta. Tôi vội vã bước vào phòng hội gần sát bên, đem theo ánh mắt nhìn đó. Ánh mắt đã ám ảnh tôi trong suốt bao năm qua và làm khơi dậy một thời gian, không gian lúc nào cũng gần trong tâm tưởng. Ánh mắt của một người con trai hàng xóm đã làm rung động trái tim tôi thuở mới lớn và theo đuổi tôi suốt cả cuộc đời.
Dòng hồi tưởng ngắn ngủi của tôi bị gián đoạn khi tất cả mọi người đã vào phòng họp. Ngày nào cũng thế, đúng mười một giờ thì nhóm chúng tôi gồm có bác sĩ, y tá, những người tập thể dục cho bệnh nhân, một cô lo về công việc xã hội đều họp lại để bàn bạc về tình hình của bệnh nhân và những dự tính cho họ khi họ được xuất viện. Tôi mở cái laptop liếc sơ qua danh sách của những bệnh nhân và một lần nữa trái tim tôi nhảy những nhịp đập không đều khi tôi đọc đến tên của bệnh nhân nằm trong căn phòng cuối dãy hành lang đó, phòng 617, Mai Kỳ Khôi, tôi nói trong đầu, trên đời này chỉ có một người tôi biết với cái tên rất… kỳ khôi như vậy thôi. Tôi vội vàng click qua một icon khác và đã rất sững sờ khi thấy Mai Minh Khanh được liệt kê là thân nhân. Tôi nhủ thầm trong lòng… cố nhân ơi!
Ngày trước nhà tôi ở trong cư xá Bắc Hải, nơi có những căn nhà dài và hẹp nằm san sát nhau. Bên cạnh nhà tôi là nhà của bác Thuận với hai người con là Khôi và Khanh. Khôi có vóc dáng cao ráo, khuôn mặt phong trần và đôi mắt thật sâu với một cái nhìn như thôi miên dưới hai hàng lông mày rậm. Tôi lớn lên với tình yêu bâng quơ vì đời sống của tôi giản dị bao nhiêu thì đời sống của Khôi có bấy nhiêu là ngạo mạn, ngạo mạn và kỳ cục như cái tên của Khôi. Thật sự thì tên anh là Mai Kỳ Minh Khôi nhưng tôi nghe chị Khanh của Khôi kể lại vì giấy khai sanh bị mất khi đi làm lại thì người đánh máy tự động bỏ đi chữ Minh cho nên từ đó anh dính liền với cái tên lạ kỳ đó.
Năm đó tôi đang học lớp mười ở Gia Long, Khôi có lẽ lớn hơn tôi vài tuổi và đang học chương trình Pháp ở trường Bác Ái. Căn phòng học của tôi mở cửa ra một cái balcony nhỏ đối diện với phòng ngủ của chị Khanh. Mỗi tối chị Khanh và tôi đều có những câu chuyện nho nhỏ trong ngày, chị thích nghe tôi kể về những tinh nghịch của đám con gái Gia Long và chị thì kể cho tôi nghe về những chàng trai đang theo đuổi chị vì năm đó chị đang học năm cuối ở Luật. Chị Khanh có một khuôn mặt đẹp như con búp bế trong khi Khôi có một vẻ đẹp cứng cỏi của một người đàn ông hơi lạnh lùng. Cứ khoảng chừng chín giờ tối thì dường như lúc nào Khôi cũng mặc áo quần thật đẹp đi qua phòng chị Khanh xoay một vòng hỏi ý kiến, mỗi lần như thế thì tôi thối lui vào phòng học của mình và giọng chị Khanh văng vẳng dặn Khôi là đi nhảy đầm nhớ về trước giờ giới nghiêm.Tôi nghe tiếng cười giòn giã của Khôi, tiếng cười như một thách thức, ngạo nghễ. Những đêm như thế trước khi đi ngủ, khi nghe còi giới nghiêm hụ liên hồi tôi vẫn thầm hỏi không biết giờ này Khôi đã về chưa? Có một lần tôi thức khuya học bài nghe tiếng xe gắn máy ầm ĩ của Khôi đi chơi về. Một lúc sau chị Khanh ra cửa sổ hỏi vọng qua là nhà tôi có quả chanh nào không vì chị muốn vắt cho Khôi uống cho dã cơn say. Tôi đã lén xuống bếp lục trong tủ lạnh lấy mấy quả chanh và liệng qua phòng cho chị. Những lúc như thế tôi đã từng tự hỏi không biết tại sao mình lại để ý đến người con trai bạt mạng đó.
Khi bàn luận đến bệnh tình của Khôi thì bác sĩ không có vẻ gì quan tâm cho lắm. Khôi vừa nhập viện sáng sớm nay với bệnh sưng phổi, truyền thuốc trụ sinh, nghỉ ngơi vài ngày rồi sẽ qua khỏi. Sau khi họp tôi đi thẳng xuống cái chapel nhỏ trong bệnh viện ngồi đó để mặc cho tư tưởng rong chơi với cái ý nghĩ là không biết có nên vào gặp lại Khôi không. Hơn ba mươi năm rồi, biết bao là thay đổi trong đời sống của mỗi người. Chút tình thơ ngây của tôi dành cho Khôi đã nằm khuất trong một góc nhỏ của trái tim từ bao năm qua, hôm nay không dưng sự xao xuyến của một thời bỗng dưng làm tôi băn khoăn. Khi tôi trở lại văn phòng thì Steve, người y tá làm với tôi đến với nét mặt đăm chiêu:
Tôi không biết ông Mai ở phòng 617 có chuyện gì phật lòng với chúng tôi mà ông ta yêu cầu gặp cô y tá trưởng.
Tôi bật cười trong lòng, cái tính chướng của Khôi bao nhiêu năm cũng không bỏ được. Tôi nói với Steve là tôi sẽ đến nói chuyện với ông ấy sau. Dĩ nhiên tôi đang cố níu thời giờ để có một bình tĩnh khi đến gặp Khôi. Tôi vào phòng tắm soi gương, nhìn những vết hằn theo tháng năm biểu lộ dưới hai đôi mắt quầng thâm, tự hỏi liệu hai đứa sẽ ngỡ ngàng như thế nào khi đối diện nhau. Trước khi ra về tôi hồi họp đến gõ cửa phòng của Khôi và can đảm bước vào. Người con trai năm xưa bây giờ là một người đàn ông với đôi mắt vẫn sâu và vẫn còn cái mãnh lực thôi miên hồn người đó, thời gian chỉ làm cho nét mặt của Khôi thêm nét phong trần và thêm nét quyến rũ của một người đàn ông chững chạc. Khôi đang ngồi trên giường, anh không giống như những bệnh nhân khác, anh mặc một cái áo pull màu xanh, ống nước biển đang chuyền từ từ qua đường gân trên cánh tay vạm vỡ, chiếc quần Khaki ngắn khoe hai đôi chân khỏe mạnh, cứng rắn. Khôi cười, nụ cười với hàm răng trắng đều đặn, thấy tôi lúng túng anh bèn mở lời trước:
– Dữ chưa, phải “complain” mới mời được “xếp” vào thăm
Tôi lấy lại bình tĩnh:
– Sao anh biết em ở đây mà “mời mọc”
Khôi bật cười giòn:
Sáng nay anh thấy thoáng dáng em đi ngang, anh chưa chắc lắm nên anh xài internet trong phòng google tên em, thấy nằm trong danh sách của nhà thương, hỏi Steve thì đúng phóc là em.
Quả thật đây là Khôi của ngày xưa vì anh hay có những hành động nho nhỏ bất ngờ đó. Thuở trước mỗi tối khi nói chuyện xong chị Khanh hay liệng qua balcony cho tôi những gói ô mai thơm ngọt. Một bữa tôi mở cửa phòng học ra thì thấy có một sợi dây dài chuyền từ cửa sổ phòng của chị còn đầu dây kia thì cột vào bên ngoài cánh cửa phòng học của tôi. Trên sợi dây đó có một hộp sữa guigoz để chị chuyền những món quà vặt cho tôi. Chị nói với tôi là Khôi đã thông đồng với đứa em của tôi để làm ra “kế hoạch” đó vì Khôi nói mỗi lần thấy chị liệng quà cho tôi trông không được lịch sự lắm. Tôi lúc đó học đệ tam, Pháp văn là ngôn ngữ phụ nên có khi phải nhờ tới chị Khanh chỉ bài giùm, lon guigoz cũng là nơi tôi nhận lại được những câu giải đáp pháp văn với những dòng chữ nguệch ngoạc mà tôi biết đó là những dòng chữ của Khôi.Tôi cũng nhớ là mình đã cảm động khôn cùng vì cử chỉ hiếm hoi nhưng dễ thương đó.
Khôi mời tôi ngồi xuống ghế và từ tốn nói:
Anh nhớ ngày đó tóc em dài.
Có một chút nhói đau trong tim, hình ảnh năm xưa với mái tóc của Thanh Mai, cô bạn học ở cùng xóm bay vương vấn qua khuôn mặt của Khôi khi hai người chở nhau trên xe gắn máy đi vòng quanh cư xá mỗi chiều. Tôi cay đắng:
Tóc mỗi ngày một dài
Sầu mỗi ngày một nặng
Tóc dài còn cắt được
Sầu đầy gửi cho ai
Thơ Thái Phương
Khôi trố mắt nhìn tôi:
Diệu Hương, em vẫn còn rất lãng mạn. Anh nhớ dạo trước em hay chép những câu thơ tình giùm chị Khanh.
Tôi vẫn tự hỏi thật sự lúc đó Khôi có để ý đến những vẩn vơ đó của tôi sao. Có phải anh đã từng đọc những câu thơ do tôi sáng tác hoặc chép lại từ sách vở cho chị Khanh? Thời mới lớn tôi có thật nhiều mặc cảm, mặc cảm của một con bé với đời sống bình thường không xôn xao, tôi không chạy theo kịp sự rộn rịp, đua đòi như con cái của những người tướng tá ở cùng chung khu. Ngày đó trong cư xá bạn bè cùng lớp hay mở tiệc tùng, nhảy đầm. Thanh Mai là một trong những người học chung lớp, cô nàng có một vẻ đẹp rất lẳng lơ, Thanh Mai lại rất thích nhảy đầm và có vẻ thích Khôi. Ngày sinh nhật Thanh Mai mời tôi đến dự, tôi nể tình đến chơi nhưng khi những tiếng nhạc quay cuồng nổi lên thì tôi cáo mệt xin về. Nhà trong cư xá cách nhau có một con đường nhỏ, Khôi đưa giùm tôi về và tôi nhớ rất rõ ánh mắt chế giễu của anh khi đưa tôi đến cổng nhà :
– Em ngủ ngon, anh đi chơi tiếp đây
Đêm hôm đó tôi nằm khóc một mình và cảm thấy ghét Khôi hơn bao giờ hết. Đời sống của Khôi gắn liền với những buổi tiệc tùng, rượu chè và sống bất chấp trong khi đời sống của tôi lại quá ngăn nắp, thứ tự. Tôi có cảm tưởng như lúc nào Khôi cũng cười đùa trên sự thật thà của tôi.
Tôi hỏi Khôi:
– Hai đứa mình ở chung thành phố mà bây giờ mới gặp, cho em gửi lời thăm gia đình anh.
Khôi cho tôi biết chị Khanh và hai con dọn nhà từ San Diego qua đã hai năm vì chồng của chị có việc làm mới ở đây. Khôi nói:
– Chị Khanh gặp lại em chắc sẽ mừng lắm.
Tôi mường tượng đến khuôn mặt đẹp của chị Khanh và những cử chỉ dịu dàng của chị đối với tôi thuở nhỏ. Dạo đó dường như chị cũng đoán biết tình cảm của tôi dành cho Khôi nhưng có lẽ chị e dè không khuyến khích vì chị ngại đời sống rất nổi sôi của Khôi. Tôi tiếp tục dọ hỏi:
– Còn anh sao đi lưu lạc chốn này?
Giọng Khôi nhiều ưu tư:
– Anh vừa qua thăm gia đình chị Khanh, không ngờ lại lâm bệnh, chán ghê nhưng nhờ vậy mới có dịp gặp lại em.
Khôi kể cho tôi nghe về đời sống thăng trầm của anh. Anh cùng gia đình qua Mỹ năm 1977, với căn bản khoa học của chương trình Pháp ngày trước, anh đi học lại rất dễ dàng và lấy được bằng tiến sĩ về ngành kỹ sư cơ khí. Anh làm giám đốc trong một hãng tư khá lớn và lập gia đình ở lứa tuổi muộn bốn mươi. Vợ của Khôi là con của một người đại tá thuở trước, hai vợ chồng sống hạnh phúc cho tới khi tai ương đổ ập xuống gia đình anh, sau cái chết của đứa con gái duy nhất năm tuổi Khôi đâm ra chán đời và hạnh phúc gia đình cũng tan vỡ.
Lần đầu tiên tôi thấy sự đau khổ, yếu đuối trong đôi mắt rất sâu của Khôi. Anh còn cho tôi biết từ cái đổ vỡ đó anh trở lại đời sống rất lãng tử, anh tiếp tục đi công tác qua những nước ngoài và đã có lần anh trở về Việt Nam. Khôi dịu dàng nhìn tôi:
– Anh có về lại cư xá cũ, đi lại con đường đất dài vào khu xóm, đi qua căn nhà của tụi mình dạo trước và anh đã… nhớ em.
Dường như có một chút ân tình nào đó trong giọng nói thì thầm của Khôi. Thời gian và không gian như ngừng lại trong một phút giây rồi bất chợt làm tôi lao đao với tình cảm ngỡ đã phôi pha theo tháng năm. Giọng Khôi chùng xuống:
– Em muốn tránh anh?
Tôi biết Khôi muốn nói đến những lần anh cố theo dõi tôi trên facebook nhưng lần nào tôi cũng tránh và tôi không nhận lời ‘kết nghĩa” với anh trên facebook vì lý do rất dễ hiểu là lúc đó tôi đang có những ràng buộc về gia đình. Sau này khi những ràng buộc không còn tôi vẫn cố tình tránh liên lạc với Khôi vì với tôi kỷ niệm bao giờ cũng đẹp hơn ngày tháng hiện tại nhất là khi chính mình đang hụt hẫng trong tình cảm riêng tư một thời. Tôi xót xa không nói nên lời, khi từ giã Khôi ra về tôi chúc anh có được một bình yên trong đời sống.
Hai ngày cuối tuần tôi không đi làm, mấy lần tính gọi hỏi thăm Khôi nhưng ngần ngại rồi cuối cùng cũng thôi. Ngày Thứ Hai khi tôi vào sở, cô y tá Kari mang đến cho tôi một phong bì và nói:
– Ông Mai trước khi về nhà có nhờ tôi download cái này tặng cô.
– Tôi mở phong bì ra, bên trong có một cái CD với bài nhạc của Jacques Brel tựa đề “Ne Me Quitte Pas/If You Go Away”. Kèm theo cái CD là hàng chữ ngoằn ngoèo năm xưa viết trên miếng napkin “nếu thật đã không duyên, nếu thật đã chẳng nợ…” cùng với số điện thoại và địa chỉ email của Khôi. Tôi đặt cái CD vào trong laptop và cảm thấy tâm hồn mình ngẩn ngơ như thuở mười sáu tuổi khi nghe giọng hát đầm ấm của Frank Sinatra Then if you go, I’ll understand, Leave me just enough love to fill up my hand.
Trong bao năm qua, nếu tôi hiểu được sự lãng mạn và tình cảm ưu ái chôn kín của Khôi thì có lẽ giờ đây tôi đã không phải bâng khuâng, rối trí với mối tình rất xa xưa đó và đâu phải tự hỏi Ne Me Quitte Pas?
