Menu Close

Đi thăm ‘ngôi làng có tên gọi là Versailles’

Cái tựa trên thực ra là tên một cuốn phim tài liệu của nhà làm phim S. Leo Chiang, “A Village Called Versailles” (*). Phim đã được trình chiếu trên đài truyền hình PBS, mô tả cuộc phấn đấu của người Việt tại New Orleans East năm 2006 chống lại, và thành công, dự án của thành phố New Orleans nhằm thiết lập một bãi đổ rác gần khu họ sinh sống và thờ phượng không đầy một năm sau khi New Orleans bị bão Katrina tàn phá, mà ngôi làng Việt Nam này là một trong những khu vực bị hư hại nặng nhất, nhưng lại trên đường phục hồi sớm nhất.



Trái, phái đòan Vietnamese American Heritage Foundation – VAHF chụp hình với anh Nguyễn Văn Kha, đưng giữa, trước hàng rào sắt có khóa xích bao quanh khu chung cư Versailles nay bỏ hoang. (Ảnh Trùng Dương,05/2011)

Versailles thực ra là tên của một khu chung cư dành cho người có lợi tức thấp, Versailles Arms Apartments Community, nơi nhiều gia đình người Việt tới định cư từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975. Khu chung cư bị bỏ phế hoàn toàn từ sau trận bão Katrina, nhưng cái tên Versailles vẫn được dùng để chỉ nơi định cư của khoảng chục ngàn người Việt ở vùng New Orleans East này.


Trái, một ngôi chung cư bỏ phế trong làng Versailles, nơi đã dung chứa các gia đình tị nạn Việt từ những năm đầu tị nạn cho tới khi bão Katrina phá hủy không còn có thể sửa chữa được nữa. (Ảnh Trùng Dương, 05/2011) Cũng trên bậc thang nay trơ trụi đó, đôi chục năm về trước, các con của anh Nguyễn Văn Kha khi còn nhỏ chen chúc nhau ngồi chụp hình lưu niệm, phải, lúc gia đình còn trú ngụ trong Versailles trong thời gian đầu định cư tại Mỹ. Các cháu nay đã trưởng thành, có gia đình và nghề nghiệp, có cháu mua nhà ngay bên cạnh nhà bố mẹ trong khu Việt Nam cho gần gụi. Anh chị Kha có một người con gái đi tu làm soeur, một vinh dự của một người trong đạo Thiên Chúa, nên người trong làng còn gọi anh chị là ông bà Cố Kha. (Ảnh tư liệu của Nguyễn Văn Kha)

Tôi tới thăm New Orleans lần đầu vào cuối năm 2008, mục đích cũng là để tìm hiểu New Orleans nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng, đã phục hồi ra sao ba năm sau trận bão Katrina kinh hoàng. Đi thăm viếng nhiều nơi, nhưng chưa có dịp thực sự thấy “Versailles”, cả khu chung cư nay bỏ hoang cửa đóng then cài mang cái tên đó và khu làng Việt Nam xung quanh đó.


Đi quanh Làng Việt Nam, không xa chung cư Versailles mấy, là những ngôi nhà khang trang, có nhà cẩn thận cắm cờ vàng ba sọc đỏ để minh định lập trường chính trị của gia đình mình, trái. Và nhiều gia đình trưng tượng các thánh bên đạo Thiên Chúa, hoặc tượng Đức Mẹ Maria, như chủ nhân căn nhà trong hình bên phải trên con đường có tên là Sàigòn. Tội nghiệp Triều Giang, đứng bên cột đèn trong hình bên phải, cứ bị tôi bắt đứng vào hình cho có cái gọi là “human dimension” để hình có kích thước và sinh động. (Ảnh Trùng Dương, 05/2011)

Tháng 5 năm ngoái, tôi có dịp trở lại New Orleans nhân chuyến công tác với hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation – VAHF) để phỏng vấn cho chương trình 500 câu chuyện truyền khầu (500 Oral Histories Project). New Orleans là trạm thứ năm trong sáu trạm phỏng vấn của VAHF, bắt đầu từ tháng 5, 2010 ở San Jose, Bắc California, và kết thúc vào tháng 7, 2011 ở Denver, Colorado, thu thập 514 câu chuyện di dân tị nạn của người Việt thuộc mọi tầng lớp, tuổi tác. Những chuyến đi này thực hiện được là nhờ sự bảo trợ của Liên hội Sinh viên Việt Nam Bắc Mỹ (Union of North American Vietnamese Student Association – UNAVSA) với ngân khoản gần 60,000 Mỹ kim do chính các em gây quỹ được và trao tặng.

Trái, một khu thương mại trong Làng Việt Nam. Phải, dự án Đền thờ Quốc Tổ & Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng trên đường Chef Menteur hiện bị ngưng vì hết ngân quỹ. Tuy vậy, thỉnh thoảng đây vẫn là nơi tụ họp của cộng đồng Người Việt khi có nhu cầu, như buổi biểu tình với chủ đề “Đáp Lời Sông Núi” vào ngày Chủ Nhật ngày 18 tháng 9, 2011, vừa qua, do Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia tổ chức, nhằm yểm trợ cho cuộc đấu tranh tại quốc nội trước hiểm hoạ xâm lấn của Trung Cộng, nói lên lòng người Việt xa quê đã gần 40 năm nhưng vẫn quan tâm tới vận mệnh của đất nước, dân tộc. (Ảnh Trùng Dương, 05/2011)

Sau một tuần lễ cắm đầu vào công việc, chúng tôi có được một đôi ngày rảnh rang và được anh Nguyễn Văn Kha (**), một cư dân của Versailles cả trước (hồi chung cư còn hoạt động) lẫn sau (khi nơi này bị bỏ hoang, song khu vực quanh đó với nhà cửa khang trang, vẫn mang cái tên không chính thức là Versalles), đưa đi tham quan.

Trung tâm Phật giáo Vạn Hạnh, cũng trên đường Chef Menteur, chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản trong thời gian chúng tôi công tác tại New Orleans. Trái, các em trong Gia đình Phật tử đang tập một vũ điệu trong tiếng trống. Giữa, các bà các cô đang làm “công quả” trong nhà bếp, chuẩn bị bữa ăn cho các tín đồ. Phải, các em gái trong quốc phục áo dài mang quà tặng cho các vị lãnh đạo tinh thần tại trung tâm. (Ảnh Trùng Dương, 05/2011)


Bên trong nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam trong một buổi lễ, trái. Lưu ý nơi bên hông mỗi ghế dài có khắc hình mặt trống đồng Đông Sơn, cũng có thể là Ngọc Lũ. Cũng như Trung tâm Vạn Hạnh, nhà thờ Nữ Vương, trên đường Dwyer cách Vạn Hạnh 1.4 mile, cũng bị hủy hoại hoàn toàn trong trận bão Katrina và đã được các tín đồ đóng góp công sức phục hồi nhanh chóng. Bên phải là các em gái giúp lễ, một trong những hình ảnh mà tôi rất thích vì trong ký ức xa xưa về đạo của tôi không hề có các em gái được phép giúp lễ. Tiếc là các em gái chỉ được làm tới việc giúp lễ mà thôi, không thể tiến xa hơn thế được, nếu muốn.

May mắn thay, chúng tôi lại sắp được trở lại New Orleans, vì ngày 26 tháng 2 tới, hội VAHF sẽ, cùng với sự tiếp tay và yểm trợ của các vị lãnh đạo tôn giáo và các đoàn thể, thân hào, nhân sĩ tại đây, tổ chức một buổi gây quỹ để hoàn tất bộ sử truyền khẩu về kinh nghiệm di dân của người Việt tại Hoa Kỳ. Vậy xin kể chuyện thêm vào dịp khác.

Dân làng Viet Nam/Versailles đa số là những người có “ngón tay cái xanh” (green thumb). Đi đâu cũng thấy vườn rau, giàn đậu hoặc bầu bí xanh um. Đậu đũa là một trong những món rau tôi thích, nhưng thú thật đây là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt giàn đậu đũa và hiểu ra tại sao gọi là đậu đũa: vì sợi đậu mọc từng đôi một, hình giữa, như đôi đũa không những luôn, mà phải có đôi có cặp mới dùng được. Tất nhiên là mấy chị em tôi cứ mê mẩn với hình ảnh đơn sơ, mộc mạc và vô cùng tình tứ này, và không ai muốn dời bước… (Ảnh Trùng Dương, 05/2011)

Trùng Dương