“Người Raglai ở rừng núi Bác Ái không có nhà để ở, chẳng có bắp để mà ăn. Họ phải mặc những bộ quần áo nhàu nát, cũ mèm. Chẳng ai quan tâm đến họ, chính quyền dường như để mặc cho họ sinh tồn mà chẳng có sự giúp đỡ nào cả”. Đó là lời của Ja Jang- anh bạn người Chàm (Chăm), người mà tôi quen trên mạng, chịu làm hướng dẫn viên cho tôi khi tôi có ý định tìm hiểu về người Raglai ở Ninh Thuận.

Đây là nơi cư trú cho khoảng 6 người trong gia đình
Những tưởng cũng cần phải nói thêm, người Chàm và người Raglai trong quá khứ có quan hệ khắng khít. Trong mối quan hệ đó, người Chàm luôn giữ vai trò là người anh, và người Raglai là em. Truyền thuyết kể lại rằng, trong một lần chiến tranh với người Việt, vua của người Chàm bị thất trận, chạy lên vùng núi phía Tây, trú ẩn trong cộng đồng người Raglai và mất ở đó. Thế nên trong lễ hội Kate – lễ hội lớn nhất của người Chàm có nghi thức rước y trang, tức mang hoàng bào của vua Chàm được người Raglai từ vùng núi mang xuống trao trả cho người Chàm.
Người Raglai là tộc người bản địa sống nhiều ở các vùng núi đồi tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và một số ít sống ở Lâm Đồng. Đây là tộc người mà với số dân chỉ độ khoảng hơn 120 ngàn. Nếu so với người anh em Chàm thì cuộc sống của họ còn nghèo nàn, khổ cực hơn nhiều.
Trong một báo cáo của chính quyền về việc chính sách đất đai đối với các sắc tộc ở Việt Nam, có đến 326,909 gia đình tương đương với gần 2 triệu người sắc tộc cần phải có đất đai để canh tác, sản xuất. Chắc chắn rằng, trong con số 2 triệu người ấy có rất nhiều người Raglai. Trong tất cả những palei (buôn làng) của người Raglai, từ Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Bác Ái… mà tôi đã đi qua rất hiếm làng nào có được cuộc sống văn minh, hiện đại. Sự nghèo nàn, thiếu thốn, đói kém hiện diện thường trực trên những ngôi nhà, những khuôn mặt trẻ thơ, lam lũ trên thân thể đàn bà, đàn ông Raglai.
Ja Jang nói với tôi: “Nhiều người hỏi, sao người Chàm rất nhiều người giàu nhưng chẳng thấy ai giúp đỡ người Raglai? Nhưng họ đâu hiểu rằng, người Chàm có đời sống tương đối ổn định hơn so với người Raglai, còn nếu so sánh với người Kinh thì làm sao mà giàu hơn được. Đó là chưa nói số lượng người giàu có được mấy người. Đi vào các làng Chàm là thấy cái lạc hậu, nghèo nàn luôn đi bên cạnh người dân. Họ còn lo cho mình không xong thì lấy gì lo cho người Raglai”.

Đường vào làng Raglai ở Bác Ái
Nếu so với cách đây vài năm, con đường bây giờ đã đi lại dễ dàng hơn. Có 2 con đường để đến với thôn Ma Lâm, hoặc đi từ Phan Rang theo Quốc Lộ 27 (đường đi Đà Lạt xưa nay) đến ngã 3 Ninh Bình, rồi từ đó rẽ phải để đến thôn Ma Lâm. Hoặc từ Trại Cá thuộc thành phố Cam Ranh từ đây theo Quốc Lộ 27B.
Ngồi sau chiếc xe gắn máy cho Ja Jang chở, chúng tôi theo con đường Quốc Lộ 27B để đến nơi cư trú của người Raglai. Sở dĩ tôi chọn con đường này là vì tôi chưa từng đi bao giờ, trong khi con đường từ Phan Rang đã vài lần đi qua. Hơn nữa, dọc theo Quốc Lộ 27B là nơi cư trú của đông đảo người Raglai.
Cũng giống như tất cả những ngôi làng Raglai khác mà tôi đã từng đi qua. Sự nghèo nàn luôn hiện diện. Những ngôi nhà cấp 4 được chính quyền xây cho họ thấp lè tè, nhỏ xíu. Nhà nào cũng như nhà nào, chúng được xây dựng theo một mô-tuýp. Những ngôi nhà xây này giải quyết cho chính quyền địa phương rất nhiều khâu, từ việc chứng minh rằng họ có quan tâm đến đời sống của người dân tộc thiểu số, vừa tạo ra công ăn việc làm cho một lượng công nhân xây dựng, vừa giải quyết cho đám cán bộ trục lợi được từ ngân sách cấp trên rót xuống. Nhưng, quan trọng hơn hết là chính sách trói buộc người Raglai lại một chỗ, để tránh việc họ du canh, du cư khó bề quản lý.

Làng Ma Lâm của người Raglai nằm cách thác Cha-pơ độ chừng hai cây số. Nếu như trước đây chẳng ai biết đến địa danh du lịch này, thì nay, nhờ những người như Ja Jang mà thác Cha-pơ nằm trong rừng nguyên sinh được nhiều người biết đến. Chính quyền Ninh Thuận muốn xúc tiến để biến con thác này trở thành nơi để kinh doanh du lịch và họ đang cố gắng kêu gọi sự đầu tư từ các công ty du lịch trong nước.
Theo chính quyền, việc mang du khách đến nơi hoang vắng sẽ tạo cho người dân thêm thu nhập. Đem cái văn minh của người Kinh đến với người Raglai. Nhưng chắc chắn rằng, với lối kinh doanh của các công ty du lịch Việt Nam, người Raglai với sự nghèo nàn, lạc hậu sẽ trở thành sản phẩm du lịch của họ. Họ muốn kinh doanh dựa trên sự nghèo khổ của người Raglai, để nhận được sự thương cảm từ khách du lịch. Trong khi đời sống của người Raglai chẳng thể nào khá hơn được từ lợi nhuận mà du lịch mang lại hay chẳng trích được phần nào để phát triển cộng đồng tại nơi đây. Đó là điều đã được chứng minh tại rất nhiều điểm du lịch ở Tây Nguyên, nơi cư ngụ của đông đảo người Thượng.
Thật khó có thể nói hết được những thiếu thốn, nghèo khổ mà người Raglai tại làng Ma Lâm này phải chịu đựng. Tuy đang là thế kỷ 21, và tồn tại trong một quốc gia được mị dân bằng mỹ từ “Thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa” nhưng họ cư trú trong những nơi mà chẳng thể gọi là nhà, đó là những căn chòi mới đúng nghĩa. Vách chòi được làm từ những nếp tre, lồ ô mà họ chặt trong rừng, được dựng trên những trụ cây vững chắc. Căn chòi độ khoảng 4 mét vuông nhưng có căn là nơi ở của cả 6 con người. Trong gian nhà trống hoác, không có sự hiện diện nào của những vật dụng của đời sống tân tiến. Không bất cứ một đồ gia dụng điện tử văn minh nào. Ngăn nắp trong chòi là những chiếc mền, gối. Chén, xoong, nồi được để trong một căn chòi khác nằm kế cạnh. Tuy thế, có những gia đình khá giả hơn vẫn có TV, máy radio nhưng cũng chỉ để nghe tuyên truyền của đảng và nhà nước, ngoài ra cũng chẳng có kênh giải trí nào khác.
Chamalé Ngô, một phụ nữ ở thôn Ma Lâm trả lời tôi khi được hỏi, có sự quan tâm nào của chính quyền đến đời sống của người dân làng Ma Lâm không, chị cho biết: “ Có chớ, vào ngày Tết người nhà nước mang quà đến tặng mình. Họ cho bánh ăn, cho cả nước ngọt và cho 50 ngàn nữa đó”. Với những người nghèo khổ như chị thì cái bánh, lon nước ngọt là những thứ xa xỉ. Và đó chính là tất cả những gì mà “chính quyền tỏ rõ sự quan tâm đến đời sống đồng bào thiểu số” (!?).
Thiếu hiểu biết về văn hóa, nguyên nhân đẩy người sắc tộc vào cảnh khốn cùng

Một căn chòi với những vật dụng cho cuộc sống thường nhật.
Người Raglai hay rất nhiều người sắc tộc khác ở Việt Nam vốn quen với đời sống du canh, du cư, canh tác trên thửa nương, rẫy trên rừng. Họ sống với rừng, gắn bó với rừng, thiết lập cho mình những luật tục vững chắc để có thể gắn kết cuộc sống với rừng mà không xâm phạm, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái. Các nhà khoa học gọi đó là lối Luân Canh. Với lối canh tác theo kiểu luân canh, cứ sau một thời gian canh tác ở vùng rừng núi, đất đai bị bạc màu họ sẽ di chuyển sang nơi khác. Và sau một thời gian, vùng đất mới sẽ bị khô cằn, họ quay lại vùng đất cũ nơi đã được bồi dưỡng bằng một lượng đất màu mỡ hơn.
Từ sau năm 1975, khi Cộng Sản chiếm được miền Nam, họ thiết lập xã hội Cộng Sản, trả thù những người thuộc bên kia chiến tuyến bằng cách bách hại, bỏ tù trong những trại cải tạo trong tận núi rừng. Một tổ chức vũ trang của người sắc tộc tại miền Nam lúc đó có tên Fulro, tồn tại từ trước năm 1975 không chấp nhận sự lãnh đạo hà khắc của Cộng Sản đã chống lại nhà cầm quyền mới. Và tổ chức vũ trang này đã được đáp trả bằng những cuộc trấn áp, bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu.
Để chống lại sự trà trộn, tách họ ra khỏi sự ảnh hưởng của Fulro và để dễ kiểm soát hơn, chính quyền bắt tất cả các sắc tộc phải định canh, định cư trên những vùng đất mà họ chỉ định. Hơn nữa, từ sau 1975, với mục đích phát triển nền kinh tế ở Tây Nguyên, nhà cầm quyền đã mở rộng đợt di cư ồ ạt lên các vùng đất này. Đất đai trước đây của những người Tây Nguyên hoặc là bị họ tịch thu, hoặc là bị người Kinh thu mua lại với giá rẻ mạt và đẩy họ dồn đến những vùng đất xấu, xa hơn.
Người Raglai ở cũng không thoát khỏi sự quản lý hà khắc của nhà cầm quyền Cộng Sản. Họ định cư trên những vùng đồi núi khô cằn ở vùng Ninh Thuận. Theo thời gian, đất đai bạc màu, hoa màu thu được từ những nương rẫy chẳng là bao. Nhưng với lối tuyên truyền đời sống luân canh của người Tây Nguyên là du canh, du cư, là tác nhân tạo ra lũ lụt, tàn phá môi trường, họ bị cấm di cư đến những vùng đồi núi khác.
Vì chẳng thể đi nơi khác, trong khi đất đai thì lại có hạn, vùng đồi núi ở Ninh Thuận nắng nóng chẳng thể nào nuôi nổi đời sống của họ. Từ đó mà cuộc sống của họ lâm vào cảnh khốn cùng. Để mưu sinh, hằng ngày những người đàn ông, đàn bà trong làng phải vào rừng chặt cây tre, lồ ô bó thành từng bó để chở xuống dưới đồng bằng bán. Số trai trẻ trong làng phải đi làm thuê, làm mướn ở dưới đồng bằng. Họ phải chịu sự khinh miệt, kỳ thị từ người Kinh, và đương nhiên nhận đồng lương thấp hơn so với người Kinh. Công việc cực nhọc nhưng chẳng kiếm được bao tiền. Giỏi lắm là đủ nuôi sống gia đình. Trong tất cả những gia đình mà tôi từng nhìn vào, hầu hết họ đều phải ăn bắp. Bắp được treo trên trần của căn chòi. Họ giã bắp, lúa trong những chiếc cối mà tổ tiên họ trước đây đã sử dụng, cho dù bây giờ đã là thế kỷ 21, và những người Cộng Sản hứa sẽ đưa họ lên “thiên đường”.
Chính quyền để mặc cho người Raglai ở vùng Ma Lâm tự sinh và tự diệt. Sự hiện diện của họ mà tôi thấy ở đây chính là ngôi nhà hai tầng của lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng. Ngôi nhà to đùng như trêu gan, thách thức với những căn chòi xiêu vẹo của người Raglai. Những chiếc loa được mắc ở đầu và cuối làng, luôn luôn, đều đặn hai ngày một lần để tuyên truyền, giáo dục hòng đưa người dân đến với đời sống cực lạc bằng những mỹ từ đầy tính mị dân của mình.

Một gia đình người Raglai ở Ma Lâm bên căn chòi của mình.