Vào ngày Election Day 6-11-2012 sắp tới, các cử tri khi đi bầu cử sẽ được nhận các lá phiếu với vài chục tên ƯCV cùng những câu hỏi trưng cầu dân ý. Ngoài 2 liên danh tổng thống, nhiều cái tên cũng như vấn đề hiện ra trên phiếu bầu có thể khá xa lạ, thậm chí khó hiểu. Một số cử tri chọn cách bỏ phiếu theo đảng, gọi là “Straight Party Voting”. Nếu bạn đánh dấu bỏ phiếu cho đảng A, nghĩa là bạn uỷ thác cho đảng đó, và tín nhiệm chọn tất cả ƯCV của đảng A trên phiếu bầu của mình. Trên trang báo này, mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu đôi điều về 2 chánh đảng lớn nhất trên chánh trường Hoa Kỳ hiện nay.

Thời mới lập quốc, có vài đảng phái rất mạnh, chi phối chánh trường, như đảng Federalist, đảng Democratic-Republican, đảng Whig… Ngày nay, một số đảng nhỏ vẫn sinh hoạt thường xuyên nhưng thực lực giới hạn: đảng Libertarian, đảng Green, đảng Constitution. Riêng 2 đảng Cộng Sản HK (thành lập năm 1919) và đảng Xã Hội Chủ Nghĩa HK (thành lập năm 1973) yếu kém nhất, hầu như chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Sau những sàng lọc của thời cuộc, từ giữa thế kỷ 19, chỉ còn lại hai đảng hùng mạnh nhất là Democratic (Dân Chủ – DC) và Republican (Cộng Hoà – CH). Trên đài chánh trị, phe DC thường theo tả khuynh (Left-wing), phe CH hay nghiêng về hữu khuynh (Right-wing). Một số chánh khách của cả 2 đảng giữ lập trường trung dung (Centre). Cũng có vài người cực đoan trở nên cực tả (Far-left) hoặc cực hữu (Far-right). Trong thế kỷ 20, các tổng thống DC nổi bật gồm có: Woodrow Wilson, Franklin Roosevelt, John F. Kennedy, Bill Clinton… Những vị tổng thống trứ danh bên phe CH có thể kể: Dwight D. Eisenhower, Richard Nixon, Ronald Reagan…

Nếu có một vấn đề mà cả 2 đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hoà dễ đồng thuận nhất, đó là Đối Ngoại. Mặc dù đây đó vẫn có những dị biệt, nói chung cả 2 đảng đều xiển dương sức mạnh Hoa Kỳ, cổ võ cho dân chủ trên thế giới, cương quyết bảo vệ công dân Hoa Kỳ tại ngoại quốc, v.v… Sau vụ khủng bố Hồi Giáo cực đoan mở cuộc tấn công 9-11, các chánh trị gia cả 2 phe DC và CH đều nhất loạt bỏ phiếu thuận cho TT Hoa Kỳ lúc đó George W. Bush được quyền trả đủa mãnh liệt.
Ngược lại, một trong những dị biệt lớn nhất giữa 2 đảng này là việc điều hành ngân sách quốc gia. Đảng DC và CH có 2 phương pháp quản trị tài chánh đối nghịch như ngày và đêm. Nói nôm na là 2 cách sử dụng tiền bạc hoàn toàn khác nhau. Đảng Dân Chủ thích đánh thuế tăng dần, người thu nhập càng cao, công ty doanh số càng lớn, thì càng phải nộp thuế cho chánh phủ nhiều hơn. Ngân sách dồi dào cho phép chánh phủ chú trọng công bằng xã hội, mở nhiều chương trình an sinh, giảm cách biệt giàu nghèo… Đảng DC cũng thường chống lại các cắt giảm nhắm vào các chương trình Social Security, Medicare, Medicaid, và nhiều chương trình xã hội khác…
Trong khi đó, đảng Cộng Hoà nhấn mạnh vai trò thị trường tự do và sự thành công của các cá nhân là những yếu tố tiên quyết của thịnh vượng. Người CH chủ trương chánh phủ giữ vai trò tối thiểu, như quốc phòng (quân đội), an ninh (cảnh sát), an toàn công cộng (giao thông, đường sá)… Chánh phủ chỉ đảm trách những việc tư nhân không thể làm, nên ít nhu cầu ngân sách. Vì vậy, không cần thu thuế của dân nhiều. Phe CH muốn đặt vào tay tư nhân tất cả những gì họ có thể tự làm: mở trường học, lập nhà thương, làm việc xã hội, từ thiện, v.v… Thêm nữa, đảng DC cũng muốn thiết lập mức lương tối thiểu để bảo vệ người lao động, trong khi phe CH cho rằng lương bổng phải được xác lập do nhu cầu thị trường. Triết lý tài chánh dị biệt này là lý do đảng DC có nhiều chương trình trợ cấp ở mọi cấp chánh quyền, mở quỹ học bổng giúp sinh viên, v.v… Còn phe CH chủ trương để tư nhân và cộng đồng tự lo cho nhau (các tổ chức tôn giáo, từ thiện, v.v…)

Đây là một khác biệt đáng kể khác giữa 2 phe Dân Chủ và Cộng Hoà. Bên DC nói chung yểm trợ “Affirmative Action”, còn đảng CH lại bất ưng. Hiểu một cách nôm na, “Affirmative Action” là các phương cách đặc biệt để nâng đỡ nữ giới và người thiểu số. Thí dụ khi nhận nhân viên vào sở làm hoặc nhận sinh viên vào chương trình đại học. “Affirmative Action” cho phép giới chủ nhân hoặc ban tuyển trạch đại học có thể ưu tiên các ứng viên thiểu số, để nâng đỡ họ. Người CH cho rằng điều này bất công, mang tính kỳ thị, và rằng tiêu chuẩn duy nhất cần được cân nhắc là phẩm chất và khả năng của từng ứng viên — ai vượt trội hơn thì xứng đáng được nhận, bất kể hoàn cảnh, màu da, nhu cầu thực tế…
Phe DC cổ suý hạ học phí, mở các chương trình học bổng, tài trợ sinh viên, bằng ngân sách liên bang. Phía CH ngược lại, muốn cắt giảm chi tiêu giáo dục, và khuyến khích các công ty lớn, các tổ chức tư nhân, tôn giáo, từ thiện… góp tay yểm trợ. Sinh viên nhận hậu thuẫn từ chính cộng đồng địa phương của họ, không dùng ngân sách công. Đảng DC cũng đưa ra luật bảo hiểm y tế toàn dân, mở rộng vai trò chánh phủ trong việc chăm lo y tế cho dân chúng. Ý chí này đã thể hiện qua đạo luật cải cách y tế thường được gọi bằng tên “Obama Care”. Đảng CH thì bất mãn vì luật này quá tốn kém, muốn tìm giải pháp y tế khác. Những vấn đề xã hội khác: DC ủng hộ hôn nhân đồng tính, quyền phá thai, kiểm soát võ khí. Ngược lại, CH có phần… nghiêm trang hơn: duy trì hôn nhân cổ điển (nam và nữ), chống phá thai, bảo vệ quyền mang súng hợp pháp và quyền tự vệ khi cần.
Vì triết lý của đảng Cộng Hoà là chánh phủ cần chú trọng những lãnh vực dân chúng không thể tự làm, nên họ thường dành nhiều ưu tiên cho quốc phòng. Phe Cộng Hoà có thể tìm cách cắt giảm ngân sách ở mọi nơi, nhưng thường rộng rãi trong chi tiêu quốc phòng: thêm quyền lợi cho binh sĩ, đóng thêm chiến hạm, chiến đấu cơ, đặt hàng thêm thiết giáp, quân trang, v.v… Ngược lại, bên Dân Chủ thường muốn bớt ngân sách quốc phòng, để thêm tài chánh lo cho các chương trình dân sự. Cách tiếp cận này khiến đảng CH luôn nhận được hậu thuẫn cao từ giới nhà binh. Trung bình 57% quân nhân, trong đó đến 66% sĩ quan, đứng về phe CH.
Các tổng thống CH cũng thường được xem là có lập trường cứng rắn hơn trong sách lược quân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, 3 cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đều dưới quyền điều hành của các vị tổng thống DC (TT Woodrow Wilson thời Đệ I Thế Chiến, TT Franklin D. Roosevelt thời Đệ II Thế Chiến, các TT John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson thời Chiến Cuộc Việt Nam). Nhiều người Việt cao niên thích đảng Cộng Hoà, một phần vì lập trường cứng rắn của họ đối với chủ nghĩa cộng sản, một phần có thể cũng vì các mối liên hệ với anh bạn quân lực Hoa Kỳ trong quá khứ — những cá nhân binh sĩ / cố vấn Mỹ từng sát cánh với quân lực VNCH đương cự cộng sản xâm lăng. Điều cần nhắc lại là, quyết định bỏ rơi, phản bội VNCH lại thuộc về vị TT Cộng Hoà Richard Nixon.

Vì các ưu tiên chánh sách và chọn lựa khác nhau, 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hoà thu hút sự hậu thuẫn từ các giới cử tri cũng rất khác nhau. Ngoài giới nhà binh, phe CH còn nhận được ưu ái cao từ giới doanh gia, chủ nhân. Cảm tình viên đảng CH thường lãnh lương cao và nắm các vị trí chỉ huy, điều hành ở sở làm. Trên bản đồ nước Mỹ, đảng CH thường đạt hậu thuẫn cao ở các vùng nông thôn và ngoại ô (có nhiều cử tri với chút ít của cải: nhà cửa, ruộng vườn…) Những tiểu bang thường nghiêng về phe Cộng Hoà: Oklahoma, Kansas, Texas…
Trong khi đó, đảng Dân Chủ chiếm thế thượng phong ở các thành phố lớn, đông thị dân nghèo, ít của cải. Có 85% đến 95% cử tri người da đen luôn bỏ phiếu ủng hộ DC. Đối nghịch giới nhà binh, giới hàn lâm Hoa Kỳ (giáo sư đại học) đa phần ủng hộ DC, vì đảng này ưu tiên ngân sách cho giáo dục công lập. Phần khác, giới hàn lâm vẫn có truyền thống hơi… thiên tả (và thái độ này cũng không ít lần đưa đến lầm lạc, có thể thấy qua sự bé cái lầm của nhiều học giả Tây Phương/Mỹ/Việt đối với Bắc Việt và “Mặt Trận Giải Phóng” trong ván bài chiến cuộc VN năm xưa…)
Thái độ và khẩu khí thường khi cứng rắn của các chánh khách Cộng Hoà đối với chủ nghĩa cộng sản giúp họ thu phục cảm tình của một số sắc dân thiểu số. Ngoài cử tri người gốc Việt, còn phải kể người gốc Cuba, gốc Đại Hàn (Korea), gốc Hoa… Tuy nhiên, gió có thể đang đổi chiều ít nhiều. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, TT Barack Obama giành 62% số phiếu bầu cử tri gốc Á Đông. Có thể thấy thế hệ cử tri trẻ, ít quan tâm đến chủ nghĩa cộng sản (đang buổi thoái trào) có phần cuốn hút với đường hướng của phe DC.
Tóm lại, 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hoà có những triết lý chánh trị khá tương phản. Bên cánh tả, đảng DC chú trọng điều tiết xã hội, nhấn mạnh vai trò chánh phủ, yểm trợ công bằng xã hội, lo lắng cho người nghèo. Từ cánh hữu, đảng CH lại nhấn mạnh vai trò cá nhân, đề cao tự do thương mại, cổ suý làm giàu, chủ trương giới hạn vai trò chánh phủ, bớt thu thuế chừng nào hay chừng nấy. Mỗi khuynh hướng nếu đi đến quá khích đều nguy hiểm. Cực hữu đưa đến chủ nghĩa… bài… tất cả, thậm chí trở nên dân tộc cực đoan. Tổ chức kỳ thị cực hữu KKK “Ku Klux Klan” là một thí dụ cực hữu xấu xí. Cực tả, ngược lại, đưa đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, với các “nhà nước” định đoạt tất cả, và mọi quyền cá nhân bị tước đoạt. Ngày nay, ở VN, tuy dân chúng được đôi chút thoải mái làm ăn, thậm chí có thể mở trường học, xây nhà thương, nhưng chánh phủ và “nhà nước” vẫn nắm độc quyền kỹ nghệ truyền thông, không tư nhân nào được mở cuộc cạnh tranh sòng phẳng. Ở một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, 2 thế lực tả khuynh (đảng DC) và hữu khuynh (đảng CH) kềm chân nhau, níu kéo nhau, để không phe nào đi đến chỗ cực đoan. Đây cũng có thể là điều may mắn cho nhiều người Mỹ gốc Việt, khác tình cảnh buồn thảm của hơn 80 triệu đồng bào mình nơi cố quốc.