Ngay trung tâm Dallas, cạnh bên những tòa nhà cao tầng hiện đại có một Làng Di Sản (Dallas Heritage Village) tọa lạc trong khuôn viên Old Park City rộng hai mươi mẫu tây. Đến đây, ta như chạm vào quá khứ với khung cảnh sinh hoạt thanh bình của cư dân trên trăm năm trước. Mọi thứ sẽ lạ lẫm nếu không tìm hiểu tường tận gốc gác các công trình và nhận ra sự thay đổi nhanh chóng trong cơn lốc đô thị hóa. Phát triển đô thị chẳng qua là một quy luật tự nhiên nhằm nâng cao tiện ích cuộc sống con người qua từng thời đại.

Tôi thật sự ngạc nhiên trước ba mươi công trình lớn nhỏ trong Làng Di Sản Dallas. Theo lẽ phải là một nhóm kiến trúc quần cư cố định lâu đời trên một vùng đất, một khu vực nào đó của thành phố còn lại đến ngày nay cần được bảo tồn gìn giữ. Những phố cổ như thế thường có chung đặc điểm kiểu dáng kiến trúc, màu sắc trang trí hoặc tập quán văn hóa sinh hoạt của cư dân một cách riêng biệt. Làng Di Sản Dallas tập hợp đủ các kiểu kiến trúc dân dụng qua nhiều thời đại, từ trước thời nội chiến đến đầu thế kỷ 20. Tuy là một làng cổ phục dựng, nhưng tất cả các công trình đều nguyên gốc, được Ban quản lý Di sản thành phố tìm kiếm, góp nhặt, mua lại mang về dựng nên Dallas Heritage Village như một bảo tàng sống động, làm nơi cho du khách và học sinh thăm viếng, học hỏi và tìm hiểu người làng xưa sinh hoạt và sống trong một thời đại khác ngày nay như thế nào.

Nhiều trẻ em và cả phụ huynh ghé qua ngôi trường nhỏ xíu xây dựng hồi năm 1888. Đúng là một ngôi trường làng. Tôi hình dung rằng ở thành phố Dallas cách nay hơn trăm năm cũng không thể nào có một ngôi trường nhỏ bé quá đỗi với hai lớp tiểu học so với số dân trong một khu dân cư. Có thể đúng và cũng có thể không, bởi cách đây hơn 160 năm (năm 1850), Dallas chỉ có 400 dân cư sinh sống. Nhưng đến năm 1910, số dân bùng nổ lên đến trăm ngàn. Và đó cũng là khoảng thời điểm mà hầu hết các thành phố trên nước Mỹ định hình và vươn mình phát triển nhanh chóng (sau cuộc nội chiến Bắc-Nam). Bút bi, bút máy ra đời thay thế ngòi viết lá tre khiến bàn học trò lành lặn không còn chỗ cho chiếc bình mực nữa. Đối với tôi, thời tiểu học gợi nhiều hoài niệm nhất mặc dù hình ảnh ngôi trường Renner này cách xa thời tôi lon ton xách bình mực đi học gần cả trăm năm. Những chiếc bàn học đẹp đẽ, đóng bằng gỗ sồi dày và chắc chắn. Mặt bàn có cái lỗ tròn đặt bình mực, vết mực tím còn lem luốc trông như vừa có lớp học mới xong đây thôi. Nhìn chiếc lò sưởi than đặt giữa lớp, mới hình dung thêm được sự chịu đựng của đám học trò nhỏ trong những ngày mùa đông lạnh cóng. Nhưng đó chỉ là những sự tưởng tượng vì tôi thấy trẻ con xứ này hình như không sợ lạnh.

Đi dạo lòng vòng vài ba con phố quan sát kiểu dáng kiến trúc các ngôi nhà. Cái này là Queen Anne Style, ngôi nhà kia là Victoria, Greek Style, còn mái nhà này gọi Shotgun. Cái tên Shotgun nghe đúng điệu mấy anh chàng cao bồi Texas thi thoảng đọ súng pháo lốp bốp ngay giữa phố cho bà con xem miễn phí như một màn náo hoạt góp vui cho một ngày hội nào đó tổ chức trong khu làng cổ. Những cảnh cao bồi bắn súng hay bác thợ rèn bên lò lửa đỏ rực, một nhóm phụ nữ trong trang phục xưa nhồi bột làm bánh bằng tay hay mấy đứa trẻ chơi đánh vòng trên con phố lát đá, càng làm cho Di sản làng Dallas thêm sống động. Những con người này dù già hay trẻ sẵn sàng tham gia công việc tình nguyện, góp phần nâng cao giá trị di sản vật thể của thành phố mình mà nếu ai cũng làm ngơ không hợp tác cùng xã hội thì không bao giờ có được một cụm kiến trúc làng cho người đời sau tìm hiểu. Phải nhìn nhận vấn đề quản trị, tổ chức nơi đây rất khéo léo bằng nhiều hình thức kêu gọi chung tay bảo trợ công trình cũng như giữ được lịch sinh hoạt thường xuyên.

Trở lại nhà dân dụng trong ngôi làng bé nhỏ nơi đây, tôi có cảm giác mọi thứ khi xưa ở Texas đều nhỏ bé, đối lập với Texas hiện đại ngày nay mà người ta thường nói “ở Texas mọi thứ dường như lớn hơn”. Ngôi nhà gỗ súc nhỏ xíu, cái bếp của những chái nhà ngoài đồng cũng bé tẹo. Ngay như nhà shotgun nói ở trên cũng nhỏ như chiếc hộp diêm. Ngôi nhà hẹp bề ngang và dài vừa phải trông không khác gì nhà hẻm phố ở Sài Gòn ngày trước trong các quận nội ô. Tức là nhà có phòng khách, liền sau đó là phòng ngủ, tiếp đến có thể thêm phòng ngủ, và sau cùng là bếp, nhà tắm. Cửa chính thông thống thẳng tuốt ra phía sau. Xách cây súng, bắn một phát, viên đạn bay từ cửa trước xuyên thẳng qua cửa sau, cho nên kiểu nhà này mang tên shotgun là vì thế. Đó là cách lý giải ngày nay, chứ thật ra tên “shotgun” có lẽ xuất phát từ chữ “shogun” theo ngôn ngữ Tây Phi, có nghĩa “Ngôi nhà của Thánh”. Người da đen gốc Haiti, từ thời còn làm nô lệ trong các đồn điền sống ở các bang thuộc vùng miền Nam, thường cất nhà kiểu này để cư ngụ. Một là quen thuộc với kiểu cách xây dựng khi còn ở cố hương. Hai là tiết kiệm tiền thuế vì nhà kiểu này tiết giảm được lối đi (hallway), một ứng dụng đối với người gốc Haiti là không cần thiết mà phải đóng thêm tiền thuế phần diện tích thừa thải này. Hoàn toàn hợp lý đối với tầng lớp lao động nghèo. Từ đó kiểu nhà shotgun lan rộng và thịnh hành khắp nơi trong khoảng thời gian 1830 đến 1910 tại các tiểu bang quanh vịnh Mexico.

Căn nhà shotgun thì nhỏ nhưng nếu ai học kiến trúc tìm hiểu, nghiên cứu, lý luận đủ viết ra được một luận án chứ chẳng chơi. Nhà kiểu này, người Việt mình thường kỵ. Cửa chính nhìn thẳng cửa sau. Tiền bạc vào nhà rồi ra theo gió. Cho nên, người ta nghĩ ra vật chắn vách ngăn phòng hay bình phong hoặc thay đổi vị trí cửa. Ở trong Làng Di Sản Dallas thì Feng shui (Phong thủy) hầu như chẳng ai quan tâm và hỏi chẳng ai biết. Bởi nhà Shotgun có nguồn gốc Haiti – một đất nước mê bùa chú, dị đoan, thần linh số một nhưng lại sắp đặt bố trí phòng hoặc cửa nẻo không theo một mê tín nào thì thật là một điều lạ. Có lẽ “ngôi nhà của Thánh” đã quá tốt, an lành rồi còn gì.
Cửa hàng bách hóa của anh em nhà Blum (Blum Bros. General Store), nguyên gốc nằm tại làng từ nào đến giờ. Bên trong bày biện những hộp thiếc bánh kẹo, thuốc lá. Trên bàn trưng bày cái cân cổ xưa. Văn phòng bác sĩ, luật sư, nhà thờ, ngân hàng, nhà ga xe lửa và nhiều công trình xưa cũ khác phối hợp lại thành một cái làng quê như thật, chứ không phải ước lệ theo kiểu trưng bày nghệ thuật ở một số nơi thường làm.
Tôi vẫn thường nghe nhiều người nói nhà quê ở Mỹ chỉ thấy toàn đồng cỏ, nông trại xa xa cái nhà, chứ đâu tập trung các cụm làng xã, nhà cửa quây quần như làng quê xứ mình. Có thể ta chưa thấy “làng” trên đất nước rộng mênh mông này. Nhưng có dịp ghé qua Dallas Heritage Village, không chừng ta sẽ có cảm nhận khác.
