Tôi vừa mới ở Việt Nam về và tôi sợ quá. Bên đó họ nói tới mấy bệnh như vi trùng ăn óc, rồi liên cầu lợn, ung thư chân tay miệng khiến cho tôi chẳng dám đi chơi xa và cũng chẳng dám ăn uống vì sợ bị lây bệnh. Bác sĩ có thể giải thích về các bệnh này như thế nào được không và bệnh có nguy hiểm không nhé. Cảm ơn bác sĩ nhiều. Mr Bắc- San Antonio.
Đáp
Chào ông Bắc,
Vâng, đúng như ông nói, bên nhà dạo này cũng có nhiều bệnh lạ lắm cơ, nhất là những bệnh gây do thực phẩm nhập cảng từ quốc gia hàng xóm nói là “lạ” nhưng rất ư là quen thuộc. Đó là Trung cộng. Không lạ vì dân chúng của họ ra vào VN như chỗ không người, buôn bán làm việc tự do, kể cả mở phòng mạch khám chữa bệnh đồng thời lại xuất cảng vào nước ta đủ loại thực phẩm từ trái cây tới thịt cá bánh kẹo… lẫn nhiều chất độc hại. Cứ đà này thì dân mình sẽ trở thành những sinh vật tẩm hóa chất mất…
Trở lại với các bệnh mà ông vừa nói tới, thực ra cũng không đến nỗi lạ cho lắm. Chúng vẫn xảy ra từ lâu rồi tại quê hương mình.
Bệnh Liên cầu lợn ở người đã được cơ quan y tế Việt nam xác định là do bà con ăn tiết canh lợn bị bệnh mà ra.
Số là những con heo khi nuôi trong điều kiện thiếu vệ sinh, chuồng chật hẹp lại quá đông, không có nước tẩy rửa, chúng cũng bị mắc nhiều bệnh khác nhau, trong đó có một loại vi khuẩn gọi là Liên cầu lợn. Vi khuẩn có nhiều trong nội tạng và mũi miệng của heo. Phân, nước tiểu, máu cũng như nước tiết cơ thể đều có chứa nhiều vi khuẩn này.
Bệnh từ heo rất dễ dàng lây lan qua người khi ta tiếp xúc với chúng. Chúng có thể xâm nhập cơ thể con người qua da, qua mũi miệng đặc biệt là khi ta tiêu thụ thịt heo bị bệnh mà không được nấu chín cũng như món tiết canh từ lợn bị bệnh là chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nom một đĩa tiết canh đỏ tươi với những miếng gan, miếng sụn, hạt đậu phọng rang kèm theo mấy lá húng xanh xanh, thì quả tình hết sức là hấp dẫn, lại nhậu với một cút rượu đế hoặc ly Black Label thì hết sẩy. Nhưng thưa ông, nhậu xong đĩa tiết canh nhiễm trùng đó, nhiều người cũng dễ 2/50 lắm. Họ bị nóng sốt, đau nhức toàn cơ thể, ói mửa, có dấu hiệu nhiễm huyết đưa tới xuất huyết, hôn mê nếu không được cứu chữa kịp thời. Vấn đề là nhiều người bị trúng độc như vậy lại không để ý cho nên khi được mang vào bệnh viện thì đã quá trễ. Khám phá ra sớm, bệnh do liên cầu lợn có thể chữa khỏi với kháng sinh và truyền dịch cấp cứu hỗ trợ.
Một thắc mắc được nêu ra là, tại sao ngày xưa các cụ ta vẫn ăn tiết canh heo, vịt, dê…”vô tư” mà đâu có bị bệnh gì. Thì xin thưa rằng, ngày xưa ta nuôi gia xúc có tính cách gia đình. Nhà nào cũng có một bầy gà thả ra vườn nhặt sâu bọ, hạt gạo rơi vãi mà ăn, cho nên chúng sống thoải mái, sạch sẽ, thịt dai ngon. Lâu lâu cũng có vài con bị “toi” là các cụ làm thịt nấu chín “xực” ngay, nên bệnh ít lây lan. Heo cũng vậy, chỉ dăm ba con trong chuồng được chăm sóc nuôi dưỡng sạch sẽ, cho nên cũng ít bệnh. Chứ ngày nay nuôi theo kiểu công nghệ từng đàn trong phòng chật chội cho nên khi một con bị bệnh là bệnh lan ra cho cả đàn.
Để tránh bệnh gây ra do liên cầu lợn thì cũng giản dị thôi. Ông nên nhắc nhở bà con ở nhà tránh tiếp xúc với heo bị bệnh, không mua thịt heo có màu đỏ bất thường, không ăn thịt heo chưa nấu chín. Và nếu đang mùa dịch bệnh liên cầu ở heo thì tạm thời ngưng tiêu thụ món tiết canh, lòng lợn một thời gian, chờ hết dịch.
Bệnh amip ăn não thì rất hiếm, ở VN mới chỉ có 2 ca được báo cáo.
Đúng ra, bệnh gây ra do một loại vi khuẩn đặc biệt sống trong nước dơ bẩn như sông hồ ao lạch. Khi tắm trong môi trường đó, người bị sặc nước thì vi khuẩn có thể xâm nhập mũi, rồi lên não và gây ra viêm não. Vi khuẩn sẽ tiêu hủy tế bào não và đưa tới tử vong cho nạn nhân.
Bệnh này khá hiếm và ngay cả ở bên Mỹ này cũng có vài chục trường hợp bệnh như vậy.
Để tránh bệnh thì không nên tắm rửa bơi lội trong nguồn nước nghi là không sạch sẽ an toàn.
Bệnh chân-tay-miệng là một bệnh ngoài da, do một loại virus chứ không phải là ung thư da.
Gọi là bệnh chân-tay-miệng là vì các dấu hiệu chính gồm có những mụn nước lẫn mủ xuất hiện lần lượt ở bàn chân, bàn tay rồi trong miệng, trong cuống họng.
Bệnh bắt đầu với cơn sốt nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, chán ăn uống. Vài ngày sau, trên da nổi lên những chấm ban đỏ rất nhỏ, chừng vài milimet. Các vết này không gây ngứa nhưng hơi đau khi đè ngón tay lên.
Loét trong miệng và cuống họng gây đau, khiến cho bệnh nhân từ chối ăn, uống và có thể đưa tới thiếu nước cơ thể.
Ở giai đoạn này, bệnh Chân Tay Miệng có thể nhầm với bệnh thủy đậu hoặc viêm mụn nước do vi khuẩn.
Nói chung bệnh Chân Tay Miệng không trầm trọng và hầu hết đều bình phục sau một tuần lễ.
Bệnh thường thấy ở trẻ em hơn là ở người lớn, như là nhà giữ trẻ, trường học mẫu giáo mầm non nơi mà các cháu chơi đùa tiếp xúc với nhau. Virus có nhiều trong nước tiết của bệnh nhân như nhớt dãi, nước mũi. Virus có thể bám trên bàn ghế, sàn nhà và truyền sang các cháu lê la bò chơi ở đó.
Bệnh Tay Chân Miệng thường không cần điều trị vì đa số tự lành trong thời gian từ 7-10 ngày.
Bệnh không điều trị bằng kháng sinh vì kháng sinh không công hiệu với virus.
Bệnh có thể chữa và chăm sóc tại nhà với:
– Trẻ tham dự mẫu giáo, mầm non bị bệnh nên để ở nhà để tránh lan bệnh cho trẻ khác
– Cho trẻ uống nhiều nước lạnh để tránh khô nước. Có thể cho trẻ ăn kem, que nước đá có hương vị (popsicles).
– Để tránh đau thêm cho các vết lở ở miệng, không cho uống nước có chất chua hoặc cay, như nước cam hoặc thức ăn cứng.
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng lỏng, tránh thực phẩm còn quá nóng.
– Giảm sốt và đau cơ thể với thuốc chống đau acetaminophen (Tylenol, paracetamol) hoặc ibuprofen (Advil).
Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa bệnh Chân Tay Miệng.
Ý kiến chung là bệnh Chân, Tay, Miệng cũng hơi trở ngại trong việc phòng tránh vì đa số nguồn gây bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu giữ gìn được vệ sinh cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm bệnh giảm rất nhiều.
Sau đây là các điều cần làm:
– Hướng dẫn mọi người trong nhà nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ bị bệnh vì virus có thể còn sống trong phân cả nhiều tuần lễ sau khi bệnh lành.
– Đừng để trẻ em chơi chung đồ chơi với trẻ khác
– Không ôm hôn khi trẻ đang bị bệnh.
– Hướng dẫn trẻ che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy lau rồi vất riêng.
– Mang bao tay cao su khi thoa phấn, kem, chăm sóc thay tã cho trẻ.
– Tẩy rửa bàn ghế, sàn nhà, vật dụng nhiễm virus với dung dịch nước pha với chất tẩy chlorine.
– Không dùng chung chén bát, đũa thìa, khăn mặt với người bệnh.
– Trẻ em bị bệnh nên giữ ở nhà. Gia đình nên thông báo với trường học, lớp mẫu giáo, mầm non về tình trạnh bệnh của con em.
– Trẻ bị bệnh chỉ nên trở lại trường sau 2 tuần lễ hết dấu hiệu, triệu chứng.
Trên đây là mấy hiểu biết về các bệnh mà ông thắc mắc e ngại. Ông có thể thông báo cho bà con bên nhà hay, để có thể phòng tránh những bệnh này.
Chúc ông và gia đình luôn luôn vui mạnh.