Khi con bạn bị thương, bị té ngã, em thường la hét vì sợ, đôi khi máu chảy đầm đìa, làm bạn cuống cuồng không biết quyết định ra sao, có nên đưa bé đi cấp cứu, đưa đến phòng mạch bác sĩ hay điều trị tại nhà? Sau đây là lời khuyên của một bác sĩ nhi khoa về 10 tình huống đặc biệt có thể xảy đến cho con bạn.

1 Con bạn té sấp mặt xuống đất, răng bị lung lay. Có cần đi cấp cứu?
Không. Nên gọi nha sĩ, vì nếu có đưa cấp cứu, bác sĩ ở đó cũng sẽ gọi nha sĩ. Nếu là răng sữa bị lung lay, nha sĩ sẽ nhổ đi, hoặc chữa trị nếu răng cắm sâu vào lợi, vì có thể ảnh hưởng đến các răng khác. Nếu răng rụng hẳn ra là răng sữa, bạn không cần giữ lại; còn nếu là răng đã cố định của trẻ lớn, bạn nên bỏ vào ly sữa đem đến ngay cho nha sĩ để trồng lại. Chỉ có trường hợp (rất hiếm) phải đi cấp cứu: khi răng rụng mất không kiếm thấy, mà bé thở khò khè, ho, hoặc thở không được, vì có thể răng bị kẹt vào phổi.
2 Bé ngã vào bàn cà phê, kéo đổ bình trà nóng vào người. Có cần đi cấp cứu?
Nên, nếu vết phỏng chiếm phần lớn thân thể; hoặc phỏng trên mặt, bàn tay, chân hoặc bộ phận sinh dục. Còn không, thì có thể điều trị tại nhà, nhưng cần làm ngay: cởi bỏ áo quần chỗ bị phỏng và tắm nước lạnh. Nếu chỗ phỏng nhỏ ở bàn tay hoặc cánh tay, có thể xối dưới vòi nước lạnh sẽ làm da không tổn thương thêm và bớt đau.
Đừng xức những loại “thuốc tại gia” như bơ, dầu, mayonnaise, petroleum jelly… vào vết phỏng, vì chúng giữ lại sức nóng làm cho vết phỏng sâu thêm. Nếu da bị đỏ hoặc nổi giộp, hãy xức kem trụ sinh và băng lại, nếu cần thì cho uống thuốc giảm đau.
3 Con bạn bị trẻ em khác cắn trầy da bầm thịt. Có cần đi cấp cứu?
Không, nhưng nên gọi cho bác sĩ nhi khoa ngay, bà ấy có thể quyết định đưa bé đi cấp cứu hay không tùy theo vị trí và tình trạng vết cắn. Bạn nên rửa ngay và kỹ chỗ đó bằng xà bông và nước ấm, rồi xức thuốc trụ sinh và băng lại, vì răng con người là nơi chứa nhiều loại vi khuẩn độc hại có thể gây cho chỗ bị cắn nhiễm trùng.
4 Con bạn chơi chân không trên cỏ, đạp phải ong và bị chích. Có cần đi cấp cứu?
Nên, nếu bạn biết rõ con thường bị dị ứng, hoặc thấy có những dấu hiệu phản ứng ngay từ đầu (chỉ ít phút hoặc ít giờ sau), như: khó thở; thở khò khè hoặc khó nuốt; sưng ở mặt, cổ hoặc miệng; có những vết đỏ và ngứa lan ra bên ngoài chỗ bị chích; lo âu hồi hộp; hoặc xây xẩm.
Nếu bé không bị dị ứng, bạn có thể chữa trị tại nhà, tuy nó khóc nhiều, vì bị ong chích thường rất đau. Đầu tiên là tìm cách lấy “kim” đầu vòi ong ra khỏi chỗ da bị chích ngay, vì nó vẫn còn thải ra chất độc. Có thể dùng kẹp, hoặc hai ngón tay, hoặc cạo ra bằng lưỡi dao lụt hoặc chiếc thẻ tín dụng. Sau đó đắp băng lạnh. Thoa thuốc ngứa chỗ bị chích hoặc cho uống thuốc giảm đau nếu cần.
5 Thay tã cho con, bạn thấy những vết đỏ khắp ngực và bụng. Có cần đi cấp cứu?
Không. Ban đỏ là chứng rất thường, tuy đến rồi đi và làm em khó chịu, nhưng rồi sẽ tự khỏi. Cha mẹ thường sợ vì thấy vết đỏ khó coi. Khác biệt giữa ban đỏ và rash là những vệt đỏ này di chuyển lòng vòng, mờ đi ở chỗ này rồi lại xuất hiện ở chỗ khác. Ban đỏ đôi khi là một loại phản ứng vì dị ứng, thường được bác sĩ gọi là “hypersensitivity” (nhạy cảm quá mức). Một số thực phẩm, cũng như xà bông, thuốc gội đầu, kem thoa chống nắng, chăn mền, quần áo mới có thể gây ra. Ngoài ra còn có thể do sự thay đổi thời tiết và do vi khuẩn. Bác sĩ thường khuyên cho uống thuốc antihistamine để giảm thiểu phản ứng và làm bớt ngứa bằng các loại kem thoa ngoài da. Còn nếu em bị khó thở, môi hoặc lưỡi sưng, hoặc ói mửa là lúc ta cần gọi 911.
6 Đi shopping, con bạn té từ xe mua hàng xuống, u đầu một cục và bị kích động. Có cần đi cấp cứu?
Có lẽ không. Hoảng sợ là một phản ứng lành mạnh. Trên đầu và mặt có nhiều mạch máu nên dễ bị sưng u lên, nhưng to hay nhỏ cũng không liên hệ gì đến vết thương. Tuy nhiên em nhỏ dưới 1 tuổi nếu bị chấn thương trên đầu nên được đem tới cho y sĩ xét khám, vì dấu hiệu thương tích nơi trẻ nhỏ ta khó thấy được.
Với những em trên 1 tuổi, ta có thể trông chừng và chờ đợi. Nếu nó khóc nhưng có thể tự đứng lên và di chuyển được thì không sao. Nên trông chừng em trong một vài giờ, nếu thấy em đi khập khiễng, hoặc chỉ dùng một tay, ói mửa, hoặc buồn ngủ (ngoài giờ ngủ thường lệ) và nhất là dễ cáu kỉnh, thì gọi bác sĩ để xin khám nghiệm. Dĩ nhiên, sau khi té mà bé bất động, bất tỉnh hoặc không đi được, thì cần gọi 911.
7 Xe bạn bị cọ quẹt hoặc đụng nhẹ ngang hông. Con bạn ngồi trong ghế an toàn, nhưng khóc và hoảng sợ. Có cần đi cấp cứu?
Trẻ em ngồi ghế an toàn thích hợp theo hạng tuổi thì ít rủi ro bị thương. Nếu sau 15 hoặc 20 phút mà bé vẫn còn la khóc thì mới nên đem đi cấp cứu, vì có thể em bị một lực nào khác và bác sĩ có thể xem xét để coi có bị thương tật hay không.
Thông thường, nếu em cử động chân tay được, thì ta đưa em ra khỏi xe, xem em có ok không và dỗ nín. Trông chừng em vài giờ sau đó xem có máu trong nước tiểu, có vết bầm ở ngực và bụng, có di chuyển hoặc quay đầu được không. Những triệu chứng này cần được bác sĩ xem xét.
8 Con bạn bị miểng từ xe rác bay vào mắt. Có cần đi cấp cứu?
Có, nếu nhãn cầu bị thương. Nhìn xem có chảy máu, vết bầm đỏ, nhìn không rõ, hoặc không nháy hay mở mắt được không. Nếu vết đứt vùng chung quanh mắt cần phải may lại, ta dùng khăn sạch chặn cho máu ngưng chảy rồi đưa bé đi cấp cứu.
Còn không thì không sao, tuy máu có thể chảy nhiều, vì da chung quanh mắt không căng như những nơi khác nên chứa nhiều nước và máu. Dùng nước đá đắp lên vùng đó. Mắt có thể sưng đến ngày hôm sau, nên đắp bằng cold pack và cho uống thuốc giảm đau.
9 Con bạn té, cắn phải lưỡi, máu ra dầm dề. Có cần đi cấp cứu?
Chỉ cần đi khi vẫn còn chảy máu sau 10 – 15 phút ép cho cầm máu mà không được. Dùng vải sạch thấm nước mát, ẵm em trên lòng, ép mạnh vải vào vết thương. Giữ chặt em cho khỏi vùng vẫy. Lưỡi là nơi có nhiều mạch máu nên máu sẽ chảy nhiều làm sợ cả mẹ lẫn con, và càng khóc máu càng chảy nhiều. Nhưng từ trước đến nay chưa có em nào chết vì chảy hết máu do đứt lưỡi!
Nếu có đưa em đi cấp cứu, bác sĩ cũng chỉ làm thế. Chỗ lưỡi bị thương cũng mau lành, nhưng nên tránh đừng cho ăn đồ ăn mặn hoặc chua. Cho ăn đồ lạnh như kem hoặc sữa…
10 Thấy ly rượu lăn lóc trên sàn nhà và quanh môi con bạn đầy rượu. Có cần đi cấp cứu?
CÓ, nếu không biết rõ con bạn đã uống bao nhiêu rượu. Alcohol tác dụng lên trẻ em nhanh hơn người lớn, dễ làm em say hoặc ngộ độc, ngoài ra còn làm ói mửa, nghẹt thở… Nó hạ lượng đường trong máu, mà không như người lớn đã có đường dự trữ trong gan trong bắp thịt, lượng đường quá thấp nơi trẻ em có thể gây tử vong. Nếu thấy không phải em chỉ nhấm nháp mà lại thực sự uống rượu, bạn cần đưa em đi bệnh viện để thử đường trong máu.
(theo Parenting.com)