Thời đại máy ảnh Digital đã làm nhiếp ảnh thành phổ thông trở lại. Nhiếp ảnh đã rất phổ biến trong những thập niên 1960s và 1970s, nhưng trong những năm 1990s, sự chú ý về dạng nghệ thuật này đã giảm khá nhiều. Có thể vì mọi người đã tìm được những môn khác hấp dẫn hơn. Khi các máy ảnh số trở thành “vừa túi tiền” và càng tăng nhiều công dụng, tất cả đã thay đổi. Ngành nhiếp ảnh lại “nổi” hơn bao giờ hết.
Máy ảnh số ngày nay làm cho việc chụp những hình ảnh đẹp quá dễ. Bạn có thể lập tức nhìn thấy kết quả trên màn vuông phía sau máy ảnh, và sẽ không tốn thêm đồng nào để chụp một tấm khác ưng ý hơn tấm trước. Những máy ảnh ngày nay có đủ thứ “Ô tô ma lắc”, từ độ sáng, độ nét, đến sự cân bằng màu sắc. Có hằng hà sa số các chỉ dẫn trên mạng và sách vở về những cách để “upgrade tay nghề nhiếp ảnh” của bạn. Người chụp và máy chụp đã và đang tiến đều đều. Ít nhất, về mặt kỹ thuật!

Sớm tinh mơ, khi tôi đến địa điểm này, đã không khỏi sửng sốt vì vẻ đẹp đang diễn ra trước mắt. Chưa kịp gắn máy ảnh lên tripod, tôi đã tranh thủ chụp cái “hồn” của khung cảnh bình minh. Orlando, Florida.
Thời nay có rất nhiều hình cảnh vật thiên nhiên “đẹp”, nhìn có vẻ khá khá và đủ để treo lên tường, nhưng cũng thiếu chiều sâu. Điều này không nhất thiết là một hiện tượng mới. Ông Andreas Feininger đã viết trong cuốn sách phát hành năm 1961:
“Những phát triển về kỹ thuật đã vượt xa sự sáng tạo và áp dụng trong xây dựng.”
Trong nhiều thể loại ảnh, nhất là ảnh thiên nhiên, sự chú trọng vào vấn đề kỹ thuật thường bị đặt là yếu tố quan trọng nhất. Không phải ý tôi nói là ảnh không nên rõ và sặc sỡ. Những tấm ảnh thiếu hấp dẫn sẽ không được để ý và sẽ không truyền đạt được sự cảm xúc của người chụp. Chúng ta vẫn cần phải thực tập “nghề của chàng” để chúng ta có thể tận dụng tối đa những dụng cụ để diễn đạt những gì đặc biệt và kỳ lạ về thế giới trong mắt chúng ta.

Diễn đạt được “hồn” của một tấm ảnh rất là khó, nhất là khi đối tượng không phải là con người. Tôi đã bỏ ra bao giờ canh gác và chờ đợi chú chim ruồi này để chụp được vài pô trong hoang dã. Tôi đặt tên tác phẩm này là “Nhạc Trưởng”.
Ý tôi muốn nói là chú tâm quá nhiều vào dụng cụ và những “chiêu ngầu” sẽ làm chúng ta quên đi mục tiêu căn bản của ngành nhiếp ảnh thiên nhiên: chia sẻ những cái đẹp của thế giới với những người không được dịp may mắn tận mắt thấy. Đôi khi chúng ta cần phải tự hỏi mình tấm hình sắp chụp sẽ nói lên khía cạnh nào? Có phải bạn muốn gây ấn tượng đối với những bạn khác trong hội nhiếp ảnh với kỹ thuật “cao siêu” của bạn và “vẻ đẹp bề ngoài” của những tấm ảnh, hoặc bạn muốn thật sự diễn đạt cảm xúc của bạn đối với cảnh đẹp thiên nhiên?
Không phải lúc nào cũng dễ biểu lộ được mối liên hệ giữa thiên nhiên và nhiếp ảnh gia. Cần rất nhiều thực hành và tập dợt. Nhiều khi những ý tưởng có trong đầu của người chụp, nhưng lại không được thể hiện trên những tấm ảnh. Có một sai lầm khi mình nghĩ “thiên nhiên là hoàn hảo” vậy mình chỉ cần chĩa máy ảnh tốt về hướng đó thì sẽ có một tấm ảnh tốt của cảnh đó. Thiên nhiên có thể hoàn hảo, nhưng máy ảnh và kỹ thuật chụp ảnh thì không. Kết quả là thế giới ngày nay có đầy những “tấm ảnh không hồn”.
Dù bạn có chụp hình đám cưới, sinh nhật, thể thao, thiên nhiên, động vật, cảnh thành phố, kiến trúc…vv., bạn vẫn có thể học và thực tập cách nhìn đời qua cặp mắt và con tim của mình, và cách biểu lộ điều đó trở thành một Tác phẩm.
