Mẩu tin tức của FoxNews đưa tin khá hấp dẫn. Một ngày, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 30 độ F. Vùng rừng miền Nam Florida bỗng xảy ra một trận ‘mưa kỳ đà’. Hàng loạt con kỳ đà khổng lồ Green Iguana, lịch bịch rơi xuống mặt đất, và rồi nằm ‘xỉu’ bất động. Khi nhiệt lượng mặt trời sưởi ấm, bầy kỳ đà bỗng ‘hồi sinh’ trở lại. Đọc xong cái ‘hot news’, Andy nói đi săn ảnh kỳ đà, thì đi.

Kỳ đà xanh, phơi nắng lấy năng lượng ở vùng rừng Nam Florida
Xuôi về miền Nam Florida, một ngày nóng đổ lửa. Gút! bầy kỳ đà sẽ “sun tan” tắm nắng. Tay Gary, nhiếp ảnh gia wildlife tháp tùng. Trên xe, Gary cỏn đủ chuyện. Trước, là mấy con trăn ‘khủng’ làm pet nuôi của ông, rồi đến thú đam mê săn ảnh động vật bò sát: trăn, rắn, cá sấu, kỳ đà, cắc ké… đủ món ăn chơi. Tôi nhìn đồng hồ chỉ mới 6 tiếng trên xa lộ, chưa đến địa điểm mà đã nghe bội thực vì bò sát.
Đến nơi, nắng vẫn chưa lên. Tôi dật dừ trên xe. Andy cùng Gary xách mấy cái nòng ‘đại bác’ đi thám thính. Một hồi, rồi gọi báo là đã tìm thấy mục tiêu.
Mục tiêu là một cái dáng xám xịt, ẩn hiện trên một nhánh cây rừng chót vót. Tôi ngóng cổ quan sát qua cái ống nhòm, chút thất vọng. Andy bảo cứ kiên nhẫn, nắng lên mấy con kỳ đà sẽ phải xuống tắm nắng để nạp năng lượng hoạt động. Còn tôi ngồi dưới gốc cây gãy, nạp năng lượng trước nó bằng cái McMuffin. Khu rừng sớm tĩnh mịch. Một con Mockingbird gióng giọng trên nhánh cây gần. Cái nickname ‘chim nhái giọng’ tôi gọi loài chim này. Mà thật, 30 giọng hót của mấy ca sĩ đồng loại, nó nhái y chang. Cả đời, chim nhái giọng không ngừng sưu tập những ‘ca khúc mới’ và luyện giọng.

Vùng rừng hoang dã Nam Florida
Xực xong cái McMuffin, mặt trời cũng vừa lên. Gary tiên phong, chúng tôi lầm lũi xuyên con đường rừng. Gary báo, sắp vào ‘lãnh địa’ của kỳ đà xanh rồi đấy. Khu rừng này nhiều cá sấu. Tôi hỏi Gary, bầy kỳ đà chắc hẳn là trở thành mồi của cá sấu. Ông cười, nói: giống bò sát này giỏi leo trèo và bơi lặn, thính giác lại thính nhạy, và tinh tường nên thoát hiểm trước nanh vuốt của cá sấu dễ dàng. No problem.
Hơn nửa giờ lội bộ. Đến điểm hot spot, Gary ra dấu bảo tìm nơi ẩn nấp. Mấy cái đầu núp né trong bụi rậm. Nơi hoang dã, trăn rắn lẩn khuất khó lường. Gary kể, một lần ông ngồi dưới gốc đại thụ, một con trăn to lớn đang phì phò đu cây phía trên đỉnh đầu. Tôi dị ứng với loài bò sát này, có lần một tay săn trăn bắt được một trăn lớn, bảo tôi ‘ôm’ thử. Cái ‘da thịt’ lạnh tanh, mềm nhũn, tạo cảm giác rợn người. Săn ảnh wildlife, tôi dần dạn dĩ đối mặt với thú dữ. Andy đùa là chưa có mãnh thú nào đáng gườm bằng sư tử Hà Đông tại gia.
Gary bỗng ra dấu, trỏ tay về phía rậm cây lùm sùm. Nhấp nhô, một cái đầu xanh lẫn với sắc cỏ. Đám cỏ lạo xạo, dần xuất hiện trong tầm ngắm, một hình dáng tựa một ‘tiểu khủng long’ thời tiền sử. Con kỳ đà xanh không phải là loài ‘ốc tiêu’, dài hơn năm feet. Quan sát qua ống kính, kết cấu bộ da như lớp giáp sắt xanh rờn, tinh vi sắc sảo. Cái lọng da tựa cái yếm xanh lắc lư trước cổ. Gary thì thầm, hãy chú ý đến điểm giữa nhú trên đỉnh đầu của con cự kỳ đà. Ông bảo thị giác ảo ấy là ‘thị giác thứ ba’ của loài bò sát này; có tác dụng như một dụng cụ đo nhiệt lượng mặt trời, và giúp cự kỳ đà tránh hiểm họa bị săn rình từ góc độ phía trên.

Chân dung ‘tiểu khủng long’ Green Iguana
Lần chụp ảnh ‘chân dung’ của loài kỳ đà ở Costa Rica. Cái màu da xám xịt, nhờn nhợt. Con kỳ đà nằm bất động hệt như một cái tượng đá lẫn trong đám hoa cỏ. Quan sát cái cặp mắt nhấp nháy, mới phân biệt là ‘hàng thiệt’ chính hiệu. Còn kỳ đà cọp Golden Tiger Lizard ở xứ đảo Trinidad thì sắc màu vằn vện tựa da cọp. Sống ở Florida, săn ảnh thú hoang dã, tôi ‘nhàm mặt’ mấy loài bò sát, kể cả cá sấu. Có lần, tôi chụp cận ảnh một con sấu hoang dã dài như tấm phản. Cái ống kính 70mm, và khoảng cách giữa ‘Nó và Tôi’ thật cận kề. Nhớ lại, tôi thấy mình điếc không sợ súng. Andy bảo tôi chơi dại lấy tiếng…!
Nắng lên. Bầy kỳ đà từ trên cây lò dò xuống mặt đất “sun tan”. Tay Gary háo hức ‘xả đạn’, nghe như tràng đại liên. Mấy con tiểu khủng long này cực thính nhạy. Gary vừa shoot vừa chửi thề, vì chỉ thoắt mỗi thanh âm hay cử động là địch quân ta nhấn nút biến liền.
Chụp buffet cự kỳ đà chán, tôi chuyển mục tiêu chụp cá sấu. Cá sấu đang mùa sinh sản, cực hung hãn để bảo vệ con. Tôi vừa vác máy ra mé rừng, chạm mặt với con cá sấu khổng lồ hơn 11 feet. Con sấu nhe hàm, cong người hầm hừ. Tôi nhe răng lại, chớp vội vài pô hình ‘người đẹp’ trong tư thế nổi giận.

Cá sấu trong tư thế tấn công
Trưa, ba phó nhòm ngồi nghỉ mệt, tán gẫu. Gary kể là loài kỳ đà không phải là loài vật bản xứ của Florida. Chúng phiêu lưu từ những hòn đảo ở Trung, Nam Mỹ. Dân số kỳ đà phát triển nhiều ở Florida qua sự trao đổi mua bán từ các nước khác.
Tôi hỏi ông đã thử qua thịt kỳ đà chưa. ‘Tuyệt, cứ như ăn thịt của loại gà măng vậy’. Ông nói, 7000 năm trước, loài kỳ đà xanh này đã bị dân đảo Belize ở Trung Mỹ săn bắt để lấy thịt và trứng. Thịt kỳ đà rất khoái khẩu với dân địa phương vùng này, bamboo chicken đấy. Giống kỳ đà gần như tuyệt chủng ở hòn đảo này vì bị săn bắt suốt thời gian dài. Ông cho biết, chẳng ai muốn nuôi nó để làm pet cả, vì giống bò sát hoang dã này rất phá phách và ‘xâm lấn’ lãnh thổ nhiều động vật khác. Tôi hỏi ông đã bao giờ thưởng thức thịt cá sấu. Thịt cá sấu là chuyện nhỏ. Trước đây, ông thường đi săn cá sấu và làm ‘sấu khô’ để bán. Ông kể rằng đã không còn hào hứng với cái nghề nguy hiểm này. Một lần, săn sấu trong đêm tối, ông suýt bị một con sấu lớn ‘xin tí huyết’. Và người partner của ông thì đã bị đứt lìa cánh tay trong họng cá sấu. Hình ảnh ấy còn mãi ám ảnh ông.

Kỳ đà xứ Costa Rica
Nghe chuyện này đang đói bụng mà hết muốn ăn trưa. Tôi vác máy đi chụp chim, thay đổi cảm giác. Gary lại dặn chừng, coi chừng trăn đấy. Vùng rừng đầm lầy này là lãnh thổ của nhiều loài bò sát. Lại nữa, ông kể chỉ mới đây ở vùng Everglades đã bắt được một con trăn ‘thiết lập cùng 2 kỷ lục’. Có chiều dài hơn 17 feet và có đến 87 cái trứng trong bụng. Con mãng xà này ước chừng đã sống vài chục năm nơi hoang dã rồi đấy. Ông bảo Florida đang phải đối diện với sự tăng dân số của loài trăn Miến Điện khổng lồ. Và theo các chuyên gia thì loài trăn này, có thể từ vài ngàn đến vài trăm ngàn con hiện nay, và có thể đe dọa đến con người.
Khu rừng trưa nóng rẩy. Mấy con kỳ đà vẫn lổn ngổn trên mặt đất. Cái bộ da xanh lè như cái áo giáp sắt, khó gợi trong tôi sự mường tượng về miếng thịt ngon như bamboo chicken. Nếu lỡ lạc giữa rừng, tôi thà tuyệt thực.
Tôi bỏ mặc lũ kỳ đà, và lơ luôn mấy con cá sấu. Tìm một góc rừng, tôi focus chụp mấy con chim Cardinal Hồng Tước và vài giống chim khác trong khu rừng. Gần chiều, tay Gary thỏa mãn với loạt buffet kỳ đà rồi ra lệnh rút quân. Lần này thì tôi hăm hở đi đầu.
Trên xe, tôi lại bị bội thực với câu chuyện bò sát. Tay Gary rủ Andy lần tới đi chụp trăn ở Everglades. Và bảo rằng ‘buffet trăn’. Tôi nghe khủng hoảng và không mấy mặn mà với loài bò sát đô vật này.
Xe chạy qua một đoạn xa lộ. Nhìn mấy tấm biển quảng cáo bán Alligator jerky, Gary hỏi tôi muốn dừng mua thử không. Trong cuộc đời, tôi chỉ trung thành với món ‘thịt bò khô’. Còn cái khỉ mốc jerky kia, tôi nói: no thanks, I rather die!

Chim Hồng Tước Cardinal
Website: www.hanhphoto.com