Menu Close

Đôi nét phác họa chân dung cử tri Hoa Kỳ

Vì triết lý và các ưu tiên chánh sách dị biệt, 2 đảng Dân Chủ (DC) và Cộng Hoà (CH) cũng đạt hậu thuẫn từ các giới cử tri khác nhau. Một khảo sát năm 2010 cho thấy cảm tình viên chia khá đồng đều cho 2 đảng – với 31% ủng hộ DC và 29% tán thành đường lối phe CH. Có đến 38% giữ lập trường độc lập. Đây là những lá phiếu bất ngờ, khi dồn về phía nào có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.

alt
Nguồn scmp.com

Trên phương diện nghề nghiệp, khó xác định một cách chính xác giới nào ngành nào ủng hộ DC hay CH. Kết quả có thể thay đổi bất lường. Chung chung các ngành cảnh sát / an ninh có nhiều người hậu thuẫn đảng Cộng Hoà, trong khi đó giới ký giả truyền thông đa phần phò Dân Chủ. Giới giám đốc điều hành, các CEO lớn nhỏ, hơn 90% bỏ phiếu CH, trong khi kỹ nghệ màn bạc Hollywood lâu nay là “chú heo vàng” của phe DC. Các phi công thường thích CH, trong khi giới khoa học gia mê DC. Nhiều kỹ sư computer, lãnh vực kỹ thuật cao theo DC, trong khi những kỹ sư sản xuất lại ngã về bên CH. Giới quân nhân đắc ý với CH, còn giáo chức nói chung ưa thích DC hơn.

alt


Lần bầu cử tổng thống cuối cùng, cử tri từ những gia đình thu nhập hằng năm dưới $50,000 bỏ phiếu cho TT Obama đông áp đảo. Còn TNS John McCain chiếm ưu thế, dù khá nhỏ, trong nhóm cử tri có thu nhập gia đình từ $50,000 đến $200,000 .

Về mặt địa lý, trong những kỳ bầu cử tổng thống sau cùng, đảng Cộng Hoà thường dễ dàng chiếm hữu phiếu bầu của cử tri ở giữa lòng nước Mỹ, từ Montana xuống tới Texas, bao gồm Idaho, Utah, cùng với các tiểu bang Missouri, Alabama, Giorgia, South Carolina… Cách chung, các nơi nhiều cử tri CH là vùng nông thôn, hẻo lánh, xa bờ biển — những nơi còn nhiều người Mỹ trắng sinh sống, ảnh hưởng Thiên Chúa Giáo mạnh. Đảng Dân Chủ, ngược lại, thường bá chủ những tiểu bang vùng đông bắc, dọc 2 bờ biển Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) và Thái Bình Dương (Pacific Ocean). Ngay cả ở những tiểu bang chịu ảnh hưởng Cộng Hoà sâu sắc, như Oklahoma, Texas, Mississippi, v.v… vẫn có những hạt (county) nghèo, hoặc có thành phố lớn, ủng hộ Dân Chủ.

alt


Cử tri trẻ bỏ phiếu áp đảo cho các TT Cộng Hoà (cột sậm màu) Ronald Reagan và George H. Bush thời 1980, nhưng từ Election 1992 trở về sau thường nghiêng về phe Dân Chủ (cột nhạt màu). Năm 2000, phiếu cử tri trẻ chia gần ngang bằng cho 2 ƯCV George W. Bush và Al Gore. Năm 2008, số cử tri trẻ bầu cho đảng Cộng Hoà chỉ bằng 1/2 những người bầu cho DC.

Về mặt xã hội, đa phần cử tri Cộng Hoà là người Mỹ trắng. Đàn ông khuynh hướng thiên CH, trong khi phụ nữ cảm tình phe Dân Chủ hơn. Đảng DC cũng thường thu hút cử tri trẻ, còn đảng CH được lòng giới cử tri đứng tuổi. Nhóm sắc dân nói tiếng Tây Ban Nha “Hispanic”, cách riêng cộng đồng người Mỹ gốc Mexico, trước nay vẫn bền bỉ trung thành với đảng DC. Về học vấn, người ủng hộ đảng CH có bằng đại học 4 năm đông đảo  hơn bên đảng DC. Tuy nhiên, khi tính thêm các học vị cao hơn như cao học, tiến sĩ, thì cảm tình viên 2 phe đông ngang nhau.

alt

Cử tri cao niên thường chịu khó đến phòng phiếu hơn thanh niên thiếu nữ. Có gần 70% cử tri ngoài 75 tuổi bỏ phiếu bầu, trong khi không tới 1/2 cử tri 18-24 tuổi đi bầu cử.

Các cuộc thăm dò cử tri sau bầu cử tổng thống năm 2008 cho thấy TT Obama nhận được nhiều phiếu bầu từ đa phần cử tri giai tầng trung lưu hoặc hạ lưu, thu nhập thấp hoặc vừa — nhiều cử tri trong số này chỉ có bằng trung học hoặc dở dang đại học. Ngành y tế cũng có nhiều cảm tình viên của TT Obama – từ chuyên viên, cán sự, y tá, giáo sư… đều nghiêng về phe Dân Chủ. Môi trường đại học, hàn lâm cũng là nơi uy tín đảng Dân Chủ rất cao. Có đến 72% giáo sư đại học xác nhận mình thuộc phe DC. Chỉ có 10% ủng hộ đảng CH. Làng nghệ thuật, giải trí cũng là một sân chơi khác của riêng đảng DC. Nhiều nhân vật từng đoạt giải thưởng Oscar danh giá (tài tử, nhà sản xuất, đạo diễn…) tài trợ tranh cử giúp phe DC cao hơn bên CH đến 40 lần. Những lá phiếu Dân Chủ an toàn nhất: nhóm cử tri trẻ, giới nghiệp đoàn, cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính, đổi tính… thường bỏ phiếu chọn ƯCV Dân Chủ đạt đến 70-77%.

alt

Thống kê cho thấy người thu nhập càng cao càng siêng năng đi bầu cử. Các gia đình thu nhập hằng năm dưới $20,000 chỉ có 1/2 tham gia bỏ phiếu. Trong khi đó, gia đình thu nhập trên $100,000 mỗi năm, có 9/10 người đi bầu.

Ngày nay, hầu hết cử tri Mỹ da đen trung thành với phe Dân Chủ. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, cho đến thập niên 1930, trước khi có các chương trình xã hội mệnh danh “New Deal”, đa số cử tri da đen vẫn còn ủng hộ đảng CH. Đảng CH có công xoá bỏ chế độ nô lệ (dưới thời TT Abraham Lincoln), và cho phép cử tri da đen đi đầu phiếu. Rồi nhiều cử tri Mỹ da đen đổi sang đảng Dân Chủ sau khi “New Deal” được ban bố. Đặc biệt, từ dạo 1980 về sau, phe CH thường chỉ giành được dưới 15% số phiếu của người Mỹ da đen.

alt

Cử tri học vấn càng cao càng thường xuyên đi bầu cử. Chỉ có khoảng 50% cử tri chưa xong trung học tham gia bầu cử, trong khi đến 85% cử tri có bằng thạc sĩ trở lên đều đặn bỏ phiếu.

Giới luật sư cũng thường theo Dân Chủ. Năm 2010, các luật sư đoàn trao tặng 81% tài chánh cho phe DC. Có người cũng đã gọi đảng DC là đảng của… luật sư. Không chỉ được tài trợ dồi giàu, trong giới chánh khách Dân Chủ, số người xuất thân trường luật cũng rất đông. Trên Thượng Viện khoá trước, 35 trong số 54 vị có bằng hành nghề luật là thành viên đảng Dân Chủ. Bên Hạ Viện, 106 trong số  162 luật sư thuộc phe Dân Chủ. Trên bình diện các tranh cử tổng thống, từ năm 1984 đến nay, mỗi ƯCV Dân Chủ đều xuất thân trường luật. Ngược lại, bên Cộng Hoà, mấy chục năm qua chỉ có mỗi ƯCV Gerald Ford từng hành nghề luật.

Bầu cử lần này, đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cũng không phải chỉ một thái độ đồng nhất. Giới cử tri cao niên lập trường có phần bảo thủ. Nhiều người có thể vẫn thích ƯCV đảng Cộng Hoà, một phần lý do vì họ ít ra vẫn còn bày tỏ thái độ cứng rắn với vài xứ cộng sản còn sót lại trên trái đất. Tuy nhiên, nhiều cử tri trẻ, ít gánh nặng quá khứ, không để tâm đến chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời, thì lại thấy đường lối của đảng DC có phần thuyết phục hơn.

alt


Cử tri hiện đang có việc làm chịu khó đi bỏ phiếu bầu cử hơn (66%) so với người đang thất nghiệp (55%). Những lý do bào chữa thường gặp cho việc không bỏ phiếu: quá bận (17.5%); bị bịnh/tàn tật (14.9%); không quan tâm (13.4%); không thích chuyện chánh trị thế sự (12.9%)


TD