Trẻ con được cha mẹ cho đi sở thú đã thấy khoái, nhưng được đến vườn thú thiên nhiên, có lẽ các em lại càng thích thú hơn. Đến thế giới hoang dã, tận tay cho thú rừng ăn, ban đầu là sự rụt rè sợ hãi, sau đó là niềm vui tràn ngập trong ánh mắt, tiếng cười. Một thế giới mới. Thế giới loài vật trong cuộc sống thiên nhiên với bao điều kỳ diệu và lạ lẫm, mở rộng trí tưởng tượng và sức khám phá không chỉ dành cho trẻ con mà cả người lớn khi đến thăm Fossil Rim Wildlife Center – một vườn thú rừng sống trong khuôn viên rộng đến 1,700 mẫu Tây, cách Fort Worth 60 dặm về phía Nam.

Theo xa lộ 35 South tới thị trấn Burleson, chúng tôi rẽ vào đường 67 West vào thành phố Cleburne, tiếp tục giữ đường 67 là thẳng đến Vườn thú thiên nhiên Fossil Rim. Trước mắt chúng tôi hiện ra một màu xanh đồi cỏ mênh mông thoáng đãng. Riêng khuôn viên vườn được bao bằng rào lưới cao quá đầu người, chi phí quản trị, hoạt động rất lớn, nên dễ thông cảm cho giá vé các mục khá cao. Tour khám phá trọn vẹn đắt nhất, có hướng dẫn viên và xe của vườn thú đưa đi. Theo tour này, du khách có thể tận mắt thấy những loài thú hoang dã dữ tợn như chó sói, báo, beo. Nhưng nếu tiết kiệm, mua vé lái xe đi thăm vòng ngoài cũng đủ cho ta thỏa trí tìm hiểu những loài vật nhu mì, hiền lành như hươu, nai, hoẵng, bò, đà điểu, ngựa vằn…, hoặc loài thú tê giác cục mịch, nặng nề trong bộ giáp da, ngúc ngắc đầu đứng xa xa nhìn từng đoàn xe chậm chạp đi qua bãi đất lưa thưa ngọn cỏ.

Tiếng ồn thích thú của trẻ con đánh động bọn tê giác trầm mình dưới ao bùn nâu. Một đám “võ sĩ sumo” khuỳnh chân đứng dậy, đầu cúi xuống, đưa những chiếc sừng cong ngược như những con dao quắm cụt đầu, chuẩn bị… rút lui khi nhận ra đoàn xe nối đuôi đi qua còn to hơn chúng. Tê giác to xác nhưng hiền lành, là loài thú ăn cỏ, di chuyển chậm chạp chỉ còn vài chục nghìn con ở Châu Phi và các nước Đông Nam Á. Sừng tê giác có giá trị cao hơn ngà voi nhiều khiến bọn săn trộm không ngừng việc tàn sát. Hiện một ký sừng tê có giá 60 ngàn đô la, bởi từ xa xưa người ta tin rằng sừng tê giác mài thành bột uống có thể trị được bệnh ung thư. Có lẽ đã có hiệu nghiệm nào đó cho nên đến người đời nay, người ta vẫn cứ tiếp tục tin nó là thần dược. Không chỉ thế nó còn là một nghi vấn của công thức chế thuốc trường sinh. Sừng tê giác nấu với óc sếu, mai rùa tan ra thành nước. Lấy hột cải ngâm vào cho nẩy mầm, mang ra trồng trong đất. Ăn cải này hàng ngày con người sẽ được sống lâu. Một công thức nhảm nhí khi các nhà y học phương Tây chứng minh rằng những chất trong bột sừng tê giác không khác gì móng tay, móng chân con người.
Đi qua đám tê giác, chúng tôi bắt gặp loài chim “king kong” đà điểu thư thả nghển cao cái đầu làm dáng. Loài chim xấu xí này không khác bọn tê giác là mấy. Chúng thận trọng không sáp gần con người, mặc dù có vài đứa trẻ đưa tay ra ô cửa xe thả xuống đất vài nắm thức ăn cho chúng. Bỗng một con tách bầy, chạy thẳng về phía chúng tôi. Như một phản xạ tự nhiên, chúng tôi đóng kính cửa xe theo lời hướng dẫn của người giám sát vườn thú khi bất ngờ gặp những hành động lạ kỳ của bầy thú phản ứng trước con người. Giá mà con đà điểu này có cái đuôi của con kỳ đà, có cái mỏ của chim ưng và có cái móng vuốt của con sư tử, thì chắc gặp nguy khốn. Một khủng long con thời tiền sử. Tiếc là nó chạy đến bên hông xe thì dừng lại thong thả im lặng sải chân đi song song như thầm bảo: “Có gì mà bạn sợ tôi thế?”. Loài đà điểu to xác nhưng hiền khô, sống bầy đàn và dễ thuần dưỡng bên cạnh con người.
Theo giới thiệu, vườn có 1,000 cá thể thuộc 40 loài động vật hoang dã đã được thuần dưỡng. Con người có thể đến gần được một số như vật nuôi trong nhà, số khác có tập tính hung tợn bất ngờ phải cách ly, muốn vào khu vực phải thực hiện các kỹ thuật bảo đảm an toàn. Có những tai nạn chết người đã từng xảy ra. Những loài thú dữ như hổ, sư tử, cá sấu, trải qua nhiều năm thuần dưỡng từ hồi còn nhỏ dưới sự điều khiển của huấn luyện viên quen thuộc, đôi lúc bỗng “phản chủ” đi theo bản năng của tiếng gọi nơi hoang dã. Kể cả chó, ngựa, heo, gà những con vật được xem là thuần dưỡng lâu đời nhất bên cạnh con người vẫn bất chợt tấn công một người lạ hay quen trong lúc dở chứng.

Một góc vườn thú – nguồn helmiflick.blogspot.com
Tôi vừa đọc tin trên báo “Ông Terry Garner, 70 tuổi, chủ một trang trại nuôi lợn gần vùng Riverton, Oregon, đi cho lợn ăn. Nghiệt ngã thay chính ông lại trở thành đồ ăn cho chúng. Sự việc được phát hiện khi một người thân của ông Garner nhìn thấy các bộ phận cơ thể ông nằm rải rác trong chuồng lợn. Lợn là loài động vật ăn tạp và trước đây đã có trường hợp ăn thịt người. Năm 2005, tại Romania, người vợ 56 tuổi của một nông dân đã bị húc ngã trong chuồng lợn và bị ăn thịt ngay tại đó”.
Những thông tin nêu trên chỉ là cảnh báo cho người bạn đang hạ cửa xe xuống cho bầy ngựa vằn ăn thực phẩm. Da ngựa vằn rằn ri trông hơi hung dữ nhưng cử chỉ thân thiện của chúng khiến ngay đứa trẻ cũng không biết sợ khi chúng chìa tay cho con ngựa liếm lấy mấy hạt thức ăn trong lòng bàn tay. Có bao giờ nó đớp luôn mấy ngón tay như trong phim kinh dị giữa hai hàm răng to bằng móng tay. Có con hình như đói lắm, không cho ăn nữa, nó cứ thọt đầu vào cửa xe thè lè cái lưỡi. Lại còn le lưỡi liếm kính xe như muốn nghiền nát. Ngựa háu ăn chẳng thèm háu đá, dạn đến nỗi làm tôi ngạc nhiên cho sự nghi ngờ chắc chúng được huấn luyện đòi ăn với khách xem, khỏi cần ăn đồ ăn của người chăn quản. Hươu cao cổ e dè hơn hươu sao và nai. Chúng đứng ra xa không tiến đến gần đoàn xe dừng lại cho thú ăn. Chúng chỉ đến quây quần với xe của những người hướng dẫn. Hẳn nhiên chúng đã quen cách thức mà người huấn luyện mỗi khi đến cho ăn.
Khi xưa, người ta thuần dưỡng một loài vật mất nhiều chục năm do chưa hiểu rõ tập tính và quy luật sinh tồn của loài vật. Ngày nay, người huấn luyện không cần phải nuôi con vật còn nhỏ mà ngay khi con vật trưởng thành vẫn có thể thuần dưỡng chúng chỉ mất một hai năm. Trong môi trường nuôi chung đụng các loài trong vườn thú là cách thuần hóa chúng nhanh chóng nhất cho con vật thích nghi với cách sống tập quần, đặc biệt có sự hiện diện của con người. Một loài vật mà chỉ biết sống đơn độc, bảo vệ lãnh thổ riêng, không chấp nhận sống chung với đồng loại, rất khó phù hợp với việc thuần dưỡng. Mối quan hệ giữa các thành viên trong bầy phải được định hình rõ rệt mới có thể nuôi theo đàn được. Vì thế không có gì lạ ngựa vằn lại “thân mật” với con người hơn các loài khác. Bò rừng, ngựa hoang, linh dương… là giống thích sống tập quần, tính bầy đàn rất phát triển, dễ thuần dưỡng nhưng lại e dè cẩn thận tiếp cận con người.
Tour đi xe cho thú ăn chỉ mất hai tiếng đồng hồ. Ngoài ra bạn có thể thuê xe đạp chạy trong vườn ngắm nhìn một cách nhẹ nhàng, hoặc ai thích ngủ lại để xem thú rừng đi ăn đêm cũng là một cách khám phá đầy hấp dẫn trong một vườn thú thiên nhiên.

Một số con vật dạn dĩ, có thể sáp gần con người trong vườn thú – nguồn worldisround