Menu Close

Đau gan bàn chân – Sa bọng đái

Cháu tên Vân, 46t, làm nghề cắt tóc được 4 năm. Không biết có phải do thường đứng cắt tóc nhiều giờ trong ngày hay không mà da ở dưới gan bàn chân của cháu mỗi ngày mỗi dày hơn (trước khi cháu làm nghề tóc thì không bị như vậy) và nó thường bị đau ở gan bàn chân, nhột và nhói nhói. Ban ngày thì đau ít nhưng ban đêm khi cháu nằm lên giường ngủ nó thường đau nhiều hơn, nó thường nhói đau giống như kim chích. Cháu không đau hết nguyên gan bàn chân mà chỉ đau 1/3 của bàn chân, tính từ đầu ngón chân xuống (không nhói đau ở giữa gan bàn chân & gót chân) mỗi lần đau cháu thường dùng các móng tay, cấu chặt vô chỗ đau thì bớt đau một ít. Thỉnh thoảng cháu ngâm chân vô nước ấm có pha ít muối, rồi chà gan bàn chân cho da mỏng đi.

Cháu có đọc báo của bác sĩ nói là đau ở gan bàn chân sẽ bị bệnh thần kinh, cháu sợ lắm, cháu không biết trường hợp cháu có giống vậy không?

Bác sĩ hãy giúp cháu, nên uống thuốc gì và làm gì để chân không bị đau nữa, mỗi ngày cảm giác đau nhiều hơn, cháu sợ lắm, xin giúp cháu. Van Tran


Đáp

Chào cô Vân

Không chỉ mình cô mà nhiều đồng hương người mình làm nghề nail, nghề tóc cũng than phiền với chúng tôi về vấn đề đau chân này. Vì đây cũng là một rủi ro cho sức khỏe liên quan tới nghề nghiệp đã được giới y khoa công nhận.

Đứng trên hai chân là nhiệm vụ tự nhiên của bộ phận này. Con người không thể ngồi hoặc nằm suốt ngày mà còn phải đi lại, chạy nhảy, làm công việc này việc kia cũng như là di chuyển gần xa. Hai bàn chân giúp ta thực hiện những công việc đi đứng đó.

Nhưng đứng liên tục trong một thời gian quá lâu thì cũng trái với luật thiên nhiên của tạo hóa. Vì đứng lâu cơ bắp cũng mỏi mệt căng cơ chân cũng sưng cũng nhức, tĩnh mạch chân cũng dãn nở chứa nhiều máu có thể đưa tới tăng rủi ro bệnh tim mạch, tai biến não; thoái hóa cột sống với thắt lưng cũng đau, vai cũng mỏi, khớp xương đầu gối, xương hông bị tổn thương và cũng đau nhức toàn thân. Nhiều nghiên cứu còn cho hay, liên tục đứng lâu cũng đưa tới khó khăn cho sự mang thai, thậm chí hư thai… Trường hợp này thường xảy ra cho những người làm nail, làm tóc, bán hàng…  Họ phải đứng liên tục để hoàn tất nhiệm vụ của mình.

Trở lại trường hợp của cô đứng cắt tóc cả giờ cho nên đau ở đầu bàn chân. Như tôi nói ở trên, chuyện đau chân của cô là do việc làm mà ra. Chắc là cô chưa có ý định chuyển sang nghề khác, cho nên tôi gợi ý với cô một vài phương thức để giảm đau bàn chân.

– Cô nâng cao ghế ngồi của khách cao lên một chút để cô không phải cúi mình xuống trong khi làm tóc;

– Nếu có thể (nhưng tôi nghĩ là hơi khó mà thực hiện được), cô ngồi trên một cái ghế để làm tóc cho khách được không. Ngày xưa tôi thấy có người cũng làm như vậy.

– Trong khi làm tóc, mình có thể thay đổi vị trí đứng của hai bàn chân: thay phiên nhau nghỉ tức là đứng trên một bàn chân.

– Tránh cúi mình, vặn vẹo mình cũng như vươn mình quá xa;

– Làm xong một bộ tóc, ngồi nghỉ với hai chân nâng cao trong vài ba phút để cơ bắp xương khớp thư giãn;

Chiều về nhà, ngâm bàn chân trong nước ấm mươi mười lăm phút và thoa bóp;

– Uống vài viên ibuprofen để giảm đau.

Cô cũng nên coi lại đôi giày đi trong khi làm việc.

Mang giày vừa vặn, không làm thay đổi hình dáng bàn chân;

– Gót giày ôm khít với gót chân nếu không gót chân sẽ di động, gây ra đau;

– Mũi giày thoải mái để ngón chân có thể cọ quậy, khỏi đau vì gò bó;

– Mua thêm lót giày để nâng đỡ cung bàn chân, nếu không chân sẽ nằm phẳng trên mặt đất khiến cho đau;

– Cột chặt dây giày để chân không trượt qua trượt lại;

– Không nên mang giày mỏng sát đất hoặc giày với gót cao quá 5 cm,

Nếu có thể, cô nên tới bác sĩ chuyên về bàn chân podiatrist, xin làm một đôi giày riêng cho cô.

Cũng không nên đứng quá lâu trên nền ciment cứng ngắc hoặc sàn xốp mà trên sàn gỗ, sàn cao su.

Hy vọng những góp ý trên đây có thể giúp cô giảm đau đôi bàn chân khi làm nghiệp vụ của mình.


Cháu 42 tuổi bị bệnh tiểu đường cách đây 4 năm. Bác sĩ nói cháu bị prolapse, nhưng không nói prolapse tử cung  hay gì. Cháu tưởng mình prolapse tử cung nhưng uống thuốc hoài không hết. Mới đây cháu đi khám về pap smear thì bác sĩ nói cháu không bị prolapse tử cung mà là prolapsed bladder. Có cách nào chữa khỏi không, xin bác sĩ chỉ giùm cháu.

Đáp

Chào cô Ánh

Thôi thì tôi cứ coi như cô bị prolapsed bladder đi và xin trả lời vào bệnh này.

Sa bọng đái là trường hợp trong đó bọng đái rớt vào dạ con, vì các cơ bắp nâng đỡ bọng đái bị yếu. Bọng đái sa xảy ra khi áp suất trong ổ bụng tăng như là khi quý bà rặn đẻ, khi người bị táo bón phải ngồi rặn để đi cầu hoặc là khi ho quá mạnh, nâng nhấc vật quá nặng. Bệnh nhân cảm thấy như bụng dưới của mình hơi cộm cộm và nếu bọng đái sa quá sâu xuống âm hộ, có thể lòi ra ngoài và khi ngồi họ có cảm giác như ngồi trên một quả trứng. Bọng đái lúc nào cũng như đầy nước tiểu, có thể dễ bị nhiễm trùng và đau khi đi tiểu.

Trường hợp sa nhẹ thì cứ để theo dõi. Nặng hơn thì bác sĩ có thể đặt một cái vòng gọi là Pessary vào trong dạ con để đỡ bọng đái lên. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân cách lấy vòng ra để rửa rồi lại đặt vào và làm vài lần là quen đi.

Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể được bác sĩ hướng dẫn cách tập để làm các bắp thịt hốc xương chậu mạnh hơn và như vậy có thể nâng dạ con, bọng đái và ruột. Đó là phương pháp tập Kegel, như sau:

Bệnh nhân nhín co các bắp thịt mà thường ta sử dụng để nín đái. Co giữ khoảng 5 giây, nhả ra thư giãn 5 giây rồi lặp lại mươi lần. Sau đó tăng lên mười giây. Ngày tập dăm lần, kết quả rất khả quan.

Bác sĩ cũng có thể cho dùng estrogen để giúp cơ vùng xương chậu mạnh hơn.

Nếu các phương thức trên không mang lại kết quả thì có thể giải phẫu để nâng các bộ phận nâng đỡ bọng đái, dạ con, giảm sa tử cung và bọng đái.

Đây chỉ là góp ý để cô có thêm hiểu biết về hoàn cảnh của mình chứ không phải để chữa bệnh. Cô cần hợp tác với bác sĩ để tìm ra phương thức điều trị thích hợp.

Trong khi chờ đợi, nên tránh táo bón để khỏi rặn khi đi cầu, tránh nâng nhấc các vật nặng; chữa bệnh ho để tránh ho sù sụ, giảm vài cân nếu quá ký và thư giãn yêu đời.

Còn bệnh tiểu đường thì tiếp tục dùng thuốc hạ đường huyết mà bác sĩ đã cho, đồng thời giữ gìn ăn uống và năng vận động cơ thể.

NYD