Menu Close

Thăm viếng Bahamas Island

Hai vợ chồng người con gái đưa tôi ra bến cảng Baltimore, Maryland đi Bahamas bằng du thuyền Carnival Pride. Cuộc hành trình dài một tuần lễ. Lần này cháu trai lớn về nhà cùng mẹ đi du thuyền. Cậu  làm việc ở tiểu bang khác, một năm về thăm mẹ được vài lần.

alt

Atlantis Resort

Tàu lênh đênh ngoài biển hai ngày hai đêm mới đến bến cảng Tampa, Florida nơi có vùng trời trong, nắng ấm, bãi biển đẹp. Độc giả có thể ngạc nhiên không hiểu tại sao chúng tôi chịu lang thang mấy ngày ngoài biển trong lúc từ Hoa Thịnh Đốn đến Florida chỉ độ vài giờ, xem chưa hết quyển tiểu thuyết đã đến nơi rồi. Xin thưa tôi đã hưu trí nên thì giờ rộng rãi, và cháu trai nghỉ hè nên tạm thời chẳng bận rộn chi. Vả lại khi trên du thuyền cũng có nhiều sinh hoạt cho người lớn và trẻ em: bóng rổ, ping-pong, chiếu phim, đố vui, đi mua sắm ở gift shop, sòng bài, thư viện. Ngoài ra tàu có 5,7 hồ bơi và hàng trăm ghế xếp trên các boong tàu cho khách phơi nắng và thưởng thức gió biển trong lành, nhìn trời xanh và hải điểu bay lượn chung quanh con tàu…

Tàu Carnival Pride có 12 tầng, chở 2,124 hành khách. Tàu khánh thành năm 2002, tốn 375 triệu mỹ kim. Phòng tập thể dục trên tàu cũng rộng và có rất nhiều máy móc dụng cụ. Ngoài ra boong tàu tầng 3, 4  và tầng 10 chiều ngang rất rộng, du khách có thể  đi  hay chạy bộ thoải mái. Lúc ở trên du thuyền mỗi sáng tôi thường lên lầu 10 đi bộ và xem mặt trời mọc. Gió biển mát mẻ, hơi sương lành lạnh, không khí trong lành và cảnh mặt trời mọc trên biển thật đẹp. Trên lầu 10 nhìn xuống biển thấy sóng nho nhỏ nhấp nhô, êm ả hiền lành nhưng thật ra sóng không nhỏ đâu. Quý vị đến phòng ăn lầu 2 mới biết, mỗi lượn sóng khá to như đuổi bắt nhau, rạt rào va vào mạn tàu, bọt nước bắn tung tóe, trắng xóa liên tục, nối tiếp không ngừng nghỉ.

Bạn bè tôi nhắc nhở không nên đi biển vào Tháng Chín là mùa biển động. Tôi tin bạn nhưng cũng tin tưởng kinh nghiệm các thuyền trưởng. Họ sẽ tìm chỗ ẩn trú an toàn khi biết “trùng dương nổi sóng”. Dù sao tôi cũng ước mong cuộc hành trình được tốt đẹp, an lành. Trước cảnh trời nước mênh mông, du thuyền to lớn thế này trở thành nhỏ bé giữa biển khơi, tôi bùi ngùi nhớ những người, trong đó có tôi, trên chiếc tàu  vượt biên mong manh. Cơn ác mộng đã qua.

Tàu đến bến cảng Canaveral, Tampa từ sáng sớm, mở mắt ra đã thấy người đi lại náo nhiệt trên bến.Đến đây du khách có thể lấy tua thăm viếng Kennedy Space Center, Sea World Adventure Park, Universal studio, Walt Disney World Disney’s Animal Kingdom, Walt  Disney World Epcot hay Magic Kingdom… Disney land là khu giải trí lớn nhất nước Mỹ nên những người ngoại quốc hay người Mỹ từ các tiểu bang xa đến phần lớn ghi tên tham dự. Tua này dài 10 tiếng, phải ghi tên mua vé từ trước. Họ điểm tâm sớm và rời tàu lên xe bus từ 7g30. Ai thăm viếng Historic Cocoa Village và Cocoa Beach đi trễ hơn, bắt đầu từ 9 giờ và trở về tàu 16g30. Chúng tôi mua vé đi Cocoa Beach và Historic Cocoa Village.

Cocoa Beach, Florida

Cách bến tàu chừng 20 phút. Nơi này có bãi đậu xe rộng rãi miễn phí, có nhà thuốc CVS, Walgreens, tiệm giải khát, tiệm tạp hóa, cây xăng, tiệm bán quần áo dụng cụ thể thao dưới nước, khăn nón, áo tắm… Có nhà dân cư ngụ. Bãi biển sạch, cát trắng, người tắm biển khá đông. Mấy trạm giữ an ninh cho người tắm biển cao lêu nghêu nằm dọc theo bờ biển, nhân viên  ngồi trên chòi cao dưới bóng cây dù to nhìn khách tắm biển vùng vẫy dưới nước. Nhìn dù rải rác, màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng trông thật sinh động vui mắt.

alt

Tác giả tại City of Cocoa

Historic Cocoa Village

Xa hơn, đi khoảng 45 phút từ bãi biển. Nơi này là thị trấn nhỏ nhưng có trạm y tế, khu thương mại bán các thổ sản địa phương, nhà thuốc tây, tiệm quần áo, đồ thủ công nghệ bằng gỗ và bằng vỏ ốc, các loại nữ trang  bằng đá quý hay bán rượu… Các loại khăn quàng, quần áo, nữ trang giống như trên tàu nhưng giá rẻ bằng 2/3. Xe bus đưa đón khách từ tàu đến Historic Cocoa Village mỗi tiếng cho đến 14giờ30 là chuyến chót. Khách thăm viếng hai nơi này đông, chật cả 2 xe bus, không kể các xe khác đưa khách đi và về du thuyền như con thoi.

Buổi chiều, du thuyền rời bến đi về hướng Bahamas lúc 18 giờ khi trên bờ thành phố đã lên đèn. Thiên hạ vẫn lên lầu 10 và 11 xem tàu kéo neo rẽ nước để lại phía sau thành phố ấm áp, dân chúng hiền hòa, nơi chốn thanh bình và trù phú.

Nassau, Bahamas

Tàu đến bến cảng Nassau, thành phố lớn và đông dân nhất Bahamas vào 11 giờ sáng hôm sau. Nassau có 248,000 dân, thịnh vượng, phố phường đông đúc. Theo tài liệu du thuyền, Nassau có 29 khách sạn giá từ 50 đến 600 mỹ kim một đêm. Hàng năm có cả triệu du khách đến viếng Nassau. Đứng trên tàu từ bến cảng tôi thấy cây cầu dài bắc ngang qua đảo Thiên Đường (Paradise Island) và khách sạn Atlantic xinh đẹp, tráng lệ sừng sững nổi bật trong vùng trời nước cây cỏ xanh tươi. Khách sạn có hồ nuôi nhiều loại cá lạ nổi  tiếng trên thế giới và đường hầm dài chung quanh là nước trong veo, cá lội nhởn nhơ, trên đầu, hai bên lối đi dài ngoằng. Tôi chỉ rời tàu đến khu vực chung quanh bến cảng, không lấy tua viếng thăm các thắng cảnh khác như: Ardastra Gardens & City tours, Discover Nassau & Beach, Glass bottom Boat, Pirates of Nassau & Historical Highlights tour, Seaworld Explorer, Atlantis Beach Day, Nassau Parasail Adventure, Discover Atlantis, Atlantis Dolphin Cay… thường khách chỉ tham gia một hay hai tua là hết giờ.

Từ tàu đến khu buôn bán ở bến cảng đi bộ độ năm, mười phút có tên gọi Bahamas Festival Place. Nơi đây có phòng bưu điện nho nhỏ, nhiều trạm điện thoại, nơi bán bưu thiếp, thức ăn, rượu, quần áo, nữ trang thật và các loại thời trang vui mắt nhưng giá rẻ. Có trạm thông tin và các tài liệu địa điểm du lịch cho khách tham khảo nếu khách muốn đi riêng, không theo tua du thuyền.

Các loại xe tư nhân đều phải đậu bên ngoài khu vực này, không được vào khu bến cảng. Chỉ tài xế được phép vào bên trong mời đón khách. Đi taxi tư nhân rẻ hơn của xe du thuyền nhưng không có người thuyết minh. Thường những người trẻ tuổi đã đọc sách, tìm hiểu nơi muốn thăm viếng từ trước nên họ thường thuê xe đi riêng vừa rẻ, tiết kiệm tài chánh và thì giờ du di, đi sớm về trễ thế nào tùy ý, miễn về trước giờ tàu rời bến. Tàu nhổ neo rời bến cảng Nassau vào 20 giờ cùng ngày để đi Free Port, Bahamas.

Free Port, Bahamas

Có 60,000 dân, đường tráng nhựa sạch sẽ. Hai bên bờ bến cảng sinh hoạt trái ngược nhau. Một bên là khu buôn bán đông đảo nhộn nhịp, phía bên kia là khu kỹ nghệ với những con tàu to chở đầy những thùng hàng nặng nề và những chiếc xe cần trục chạy tới lui liên tục.

Chúng tôi lấy taxi đi Port Lucaya Market Place, 5$ mỗi người cho chuyến đi cách bến tàu khoảng 20 phút. Xe chạy qua khu vực có mấy chục bồn chứa xăng khổng lồ nằm gần bến cảng. Xăng ở FreePort 6$ /gallon. Xe còn chạy qua rừng thông cây còn  nhỏ ngay hàng thẳng lối. Ngoài ra còn dừa nước, phượng vĩ nằm dọc bên đường.

Khu phố cũng bình thường với các tiện nghi như cây xăng, bưu điện, hàng quán… và nhà của dân chúng với mái lợp màu xanh đỏ… Người đi lại đông đúc chen chúc nhất là khu chợ. Vỉa hè rộng lát gạch sạch sẽ. Khu này còn có  tới 6 tiệm bán nữ trang loại đắt tiền, trình bày hấp dẫn, đèn sáng choang, chắc là chỉ bán được cho du khách. Có vài tiệm treo bảng trước cửa: “Giảm giá 20% cho khách tàu Carnival”… Tiệm bán mỹ phẩm, nước hoa rộng lớn, trình bày không kém chi các tiệm ở Mỹ. Các cô bán hàng da đen nhưng làn da mịn màng, lông mi dài, mũi cao, eo thon rất xinh. Chủ nhân khéo chọn nhân viên, người bán hàng xinh đẹp có sức thuyết phục mạnh mẽ còn hơn cả trang quảng cáo cho các thương hiệu mỹ phẩm trong tiệm buôn, tôi nghĩ thầm.

Khách sạn, nhà nghỉ mát Radisson

To và đẹp chẳng kém chi các khách sạn ở Cancun, Mexico, chỉ khác là Cancun nhiều khách sạn đẹp nằm dọc theo con đường dài cả cây số. Khách sạn và nhà nghỉ mát Radisson rộng có thể chứa 2,100 thực khách một lúc, có 16 phòng họp, nhận làm tiệc cưới và trang  điểm cho cô dâu, nằm  đối diện khu chợ Lucaya.

Đã đôi lần tôi đi Bahamas nhưng chưa bao giờ ghé Free Port. Các vị đồng hành cho Free Port bé nhỏ, chẳng có gì đáng xem nên ai cũng nản, không muốn đi xem. Thật ra bác tài xế cho biết Free Port lớn thứ 2 ở Bahamas, có 17 khách sạn lớn nhỏ, có công viên Lucaya National Park rộng 40 mẫu, có phi trường, sân golf. Các du thuyền cặp bến cảng Free Port hàng tuần và cả triệu du khách đến thăm hàng năm. Thành phố nhỏ, dân ít nhưng tiện nghi công cộng có lẽ còn tốt hơn tỉnh nhỏ ở quê hương tôi. Đường phố sạch sẽ, người lái xe tôn trọng luật lệ đi đường, người bán hàng không nói thách, tươi cười nhã nhặn, vỉa hè không có rác. Nơi chốn mua bán họ sắp hàng theo thứ tự, không chen lấn, xô đẩy, tranh nhau…

alt

Khách sạn và nhà nghỉ mát Radisson

 Trong chuyến đi này ngoài du khách phần lớn người da trắng còn có rất nhiều người Á Châu: Trung Hoa, Nhật, Phi, Ấn Độ… Người Việt Nam chừng 2 gia đình, chưa đến 10 người. Một buổi sáng sớm đẹp trời tôi đi bộ trên lầu 10 thì gặp cô học trò cũ. Rất vui, đi bộ xong hai cô cháu rủ nhau kiếm chỗ ngồi uống nước và chuyện trò. Nếu em không chào không tài nào tôi nhận ra em. Em kể ngày trước, khi còn đi học em có yêu ông thầy dạy Anh văn người Mỹ nhưng gia đình không cho kết hôn vì 2 lý do: ông ấy là người ngoại quốc, và tuổi 2 người xung khắc nhau. Ông thầy tuổi “Thân”, em tuổi “Dần”.

Rồi em lấy chồng Việt, gia đình em và bên nhà trai đều xem tuổi cô cậu rất kỹ. Thầy cho tuổi 2 người tốt, đôi trẻ sẽ “bách niên giai lão”, ăn nên làm ra. Cưới nhau chưa được 2 năm em đã thành góa phụ. Chồng hy sinh ở chiến trường khi con em mới 6 tháng và em 21 tuổi. Em trở về nương nhờ cha mẹ ruột. Thời cuộc thay đổi, năm 1975 tưởng như bị kẹt lại quê hương nhưng may ông thầy Mỹ làm giấy tờ bảo lãnh hết cả gia đình gồm cha mẹ, các anh chị em của em sang Mỹ. Sau đó em kết hôn với thầy cũ, người có lòng bao dung yêu thương con gái em chẳng khác chi con ruột thịt của mình. Nay hơn 30 năm gia đình em vẫn hạnh phúc, con gái em học xong và có gia đình, em có cháu ngoại. Hiện nay em cư ngụ ở Maryland. Lâu lâu có ngày nghỉ 2 vợ chồng mua vé đi du thuyền 1 hay 2 tuần để nghỉ ngơi, xa rời cái bếp, thưởng thức nắng và gió biển cả. Hai người lái xe từ nhà đem gởi bến cảng, xuống tàu đi du ngoạn.

Em hỏi tôi có xem tuổi và tin ngày tốt xấu hay không. Riêng em do kinh nghiệm bản thân nên lúc gả con gái cho người Việt Nam, em không coi ngày hay tuổi chi cả. Con gái và rể em có cuộc sống tốt lành cũng gần 10 năm chưa thấy vấn đề gì.

Bất ngờ gặp người quen nơi xứ sở xa lạ là điều vui, càng vui hơn khi biết em được hạnh phúc, kể như em và tôi có duyên với nhau mới được  trò chuyện giữa trời nước mênh mông ở nơi chốn lạ hoắc, không phải quê hương mình…

Tôi cầu chúc em như tất cả mọi người trên cõi đời đều có hạnh phúc lứa đôi, sống đầm ấm mãi mãi bên nhau cho đến trọn cuộc đời.

NH – Viết trên du thuyền Carnival, ngày 21/9/12