Menu Close

Lọan tiếng Anh ở Sài Gòn

Hội nhập từ thuở còn thơ

Ðiểm qua những ngoại ngữ hay được “nói chêm” nhất trong tiếng Việt hiện đại, trước tiên phải kể tới tiếng Anh. Nhiều gia đình có ba thế hệ sống chung. Thế hệ ông bà thường nhắc Chữ quốc ngữ, chữ nước ta. Con cái nhà đều phải học…Nhưng thế hệ cha mẹ thì khác. Họ hào hứng “dạy” tiếng Anh cho con từ lúc còn ẵm ngửa. Trong vài đăïc ngữ ạ (dạ), ùm, măm măm (ăn), mi (hôn), bái bai (tạm biệt)….Ðến thế hệ con cái họ- thế hệ thứ ba- lớn lên, thì lượng tiếng Anh có thể phải lấy bồ đựng lúa mà chứa mới xuể!

Dừng xe đợi đón con trước nhà trẻ Họa Mi, một bà mẹ trẻ dáng vẻ quê mùa giật thót người vì chốc chốc trên sân chơi lại nghe các bé gào lên de, de! (yeah!) guâu, guâu! (wow).  Tình cờ nghe lọt tai vài đoạn trò truyện của bọn cháu nội cấp hai mấy cụ bô lão phàn nàn, không tài nào “ngửi được”. Cái gì mà mày sét ấp (set-up: cài đặt) hộ tao đi. Ngu thế! Cứ đao lốt (download: tải xuống) về mà xài thoải con gà mái. Cốp (copy) từ phai (file) thì dễ, chỉ sợ vi rút (virus)…Ðưa u ét bê (USB) đây xem. Hèn thế! Sao không dám chơi loại 2 ghi (2 Giga) ? Cho “con”nè, mấy cái đi vi đi này hàng xịn nhé. Hao mất?

Hai năm trở lại đây, khi phong trào viết bờ- lốc bùng nổ (blog: môät loại nhật ký trên internet),  người người viết bờ-lốc, nhà nhà viết bờ-lốc- người đây là người nổi tiếng, cỡ diễn viên, nhà cũng phải nhà nổi tiếng, cỡ nhà văn, nhà chính trị. Các blốc- gơ (blogger) tuổi choai choai mê mẩn, hì hụi viết nhật ký. Ðua nhau tải “hàng” lên nét, không ai xem, cũng không “ke”. Miễn vui! Thiện Tư- học sinh lớp 9 trường Nguyễn Khuyến nói, nhà trường và gia đình không hiểu tụi con. Toàn bắt học, bắt kỷ luật. Lên nét “quậy” thấy vui vui. Ngày nào không lên, chịu không nổi. Ghé thăm blog của Tư, kẻ viết bài ngơ ngác. Mới đọc một đoạn văn lủng củng như ngựa què đi đường đá, đã thấy kỳ kỳ. Anh không ra Anh. Việt không ra Việt. Tư cười khoái chí. Ðó là ngôn ngữ riêng, chỉ blốc gơ biết với nhau. Ai cũng có thể sáng tác chữ mới. Hễ được công dân @ chấp nhận, là coi như được vô tự điển. Những chữ “vô tự điển” của Thiện Tư như sau, mời bạn đọc thưởng thức “…. Chài (trời) ơi là chài! Thế là sao, chuyện ji (gì) xảy ra chứ? Mẹ gọi Tư ơi Tư à. Tôi đáp sax, sax! (dạ dạ). Mẹ dặn một hơi Trưa đi học về, ghé nhà ngoại ăn cơm. Chiều cũng vậy. Còn tối ở nhà học bài, coi nhà. Bố mẹ đi công chuyện. Nhớ chưa. Tôi la lớn Hok, hok! (không, không!)…”

Một bạn đồng nghiệp đến chơi, than phiền về những tập phim Nhật ký Vàng Anh vừa qua đã tiêm vào đầu trẻ em kiểu ăn nói lố lăng, tây không ra tây, ta không ra ta. Tôi đem những từ mới “sáng tạo” như: chài, ji, sax, hok…của blogger Thiện Tư ra góp chuyện. Người bạn bĩu môi, chưa học nói chữ Việt cho đến nơi đến chốn, đã bày đặt vặn vẹo, bẻ chữ…

Lỗi do người lớn

Có thể nói, để dẫn đến việc “ăn nói lố lăng” của trẻ phần nhiều các bậc phụ mẫu đã “góp công” vào đó không ít. Ai cũng muốn khoe với bạn bè rằng cháu nó tí tuổi đầu thế chứ tiếng Anh thạo “nắm” bác ạ. Ai cũng muốn gửi con vào trường Quốc tế từ cấp một. Thỉnh thoảng khảo nhau “Tây” nhà bà thế nào rồi? Thế nào cái gì, nó nói tiếng Tây (tiếng Anh) như Tây. Tây nhà em cũng thế. Nó nói em không hiểu đâu, nhưng biết chắc là ăn đứt con nhà K du học mấy năm bên Phi Luật Tân về…. Ai là người khuyến khích con luyện mắt, luyện thanh, luyện phong cách xì tin (style) cả ngày bằng phim ảnh, đĩa nhạc ngoại, đồ ăn thức dùng ngoại? Nhiều người thấy Tây ngoài đường liền đẩy vào lưng con, đấy, nó đấy, chạy lên nói với nó đi. Nhưng con có quen đâu, mà nói cái gì. Không quen cũng nói, không biết nói gì cũng phải nói. Công của cho mày học trường Tây bao năm nay để làm gì?

Bố mẹ, nói cho ngay, đều thương con, muốn con giỏi giang, lễ phép, thành đạt. Trời bắt nghèo hèn thì đành chịu chứ hơi mát mặt một chút là “thiết kế” luôn tương lai hướng ngoại cho con, từ khi chúng còn bé tí. Chuyện bảo tồn truyền thống, giữ gìn vốn cổ- trong đó có ngôn ngữ dân tộc- vứt thẳng vào sọt đã đành, thậm chí còn bị cho là quê chết, hâm…

Lang thang chiều Hà Nội, kẻ viết bài đứng xem bọn choai choai làm trò trên hè phố. Chúng ăn mặc thoải mái, trồng cây chuối kiểu híp hop, hát líu lo một bài tiếng Anh. Nghe khen “hát hay hơn Tây”, bốn cái miệng xinh xinh cười toét khoái chí. Một cô bé tiết lộ “bí quyết” khó gì, cứ mua các đĩa nhạc về, tập theo. Cậu bạn của cô thì khoe nhóm đã “quậy nổi bọt” ở mấy cuộc liên hoan ca nhạc học sinh. Trong tương lai, sẽ phấn đấu  thành sao ca nhạc cỡ…. Cậu kể ngay một loạt tên các ca sĩ trẻ đang “bay sô” Mỹ- Úc liên tục hai ba năm gần đây.

Chợt nhớ tới một người bạn định cư ở Texas, trong bức thư trước, đã phàn nàn các ca sĩ trẻ Việt Nam hát những bài tiếng Anh tiếng Pháp trên CD, DVD mà anh có dịp nghe đều có cách phát âm “chả ra làm sao, rất khó chịu”. Khi họ sang Mỹ hát, anh mua vé đi xem, vẫn gặp lại cách phát âm cũ. Anh rên rỉ Ngồi nghe như bị tra tấn! Kẻ viết bài muốn bênh “gà nhà” cũng khó, vì anh là người Mỹ gốc Việt, tiếng Anh của anh dù thế nào cũng vẫn khá hơn thứ tiếng Anh không giống ai của các ca sĩ học cấp tốc từ các lò nội địa. Nếu không có bức thư của anh, kẻ viết bài sẽ không sao tin được các ca sĩ trẻ trong nước “đem chuông đi đấm xứ người” mà lại cả gan đến vậy.

Không chỉ giới ca sĩ  mới học cấp tốc tiếng Anh để đứng trên sân khấu gào xuống a du phin linh (Are you feeling?) rồi chờ nghe khán giả bên dưới rống lên đồng loạt de (yeah!), mà các người mẫu, hoa hậu, diễn viên, cả cầu thủ bóng đá, văn nghệ sĩ trẻ đều tích cực kiếm vốn tiếng Anh để có mà nói với người ta. Các nàng Kiều váy ngắn chân dài ở vũ trường hộp đêm thì khỏi nói. Tiếng Anh sắc lẻm! Ai có dịp đến phố Tây (đường Ðề Thám Sài Gòn), thể nào cũng có hôm nghe và thấy cảnh các em ngoắc Tây đi bộ trên hè phố du, du, gâu không? (You, you, go không?). Vào Seventeenth Saloon ở góc Ðề Thám, ngồi uống cốc tai, xem ca sĩ người Phi trình diễn, vẫn phải nghe lùng bùng mớ tiếng Anh giả cầy mà các nàng đấu hót với Tây ba lô ở bàn chung quanh. Chính trong quán Seventeenth Salon này, kẻ viết bài đã gặp lại một học trò cũ. Vốn tiếng Anh học vài năm trước té ra không phải để thi tuyển nữ tiếp viên Hàng không mà là….

Loạn tiếng Anh

Nhìn chung quanh, Sài Gòn đâu đâu cũng bùng nổ tiếng Anh. Trên các biển quảng cáo, nhãn hàng hóa, đồ tiêu dùng; trong trường lớp, cơ sở, trung tâm dạy tiếng Anh; trong các văn phòng, cơ sở, công ty xí nghiệp… Thậm chí cả chỗ “giải thoát” tế nhị nhất cũng không thoát nổi tiếng Anh! Ði hỏi nhà nghiên cứu văn hóa xem vì đâu nên nỗi nhà nhà, người người đua nhau Anh hóa- như đã từng Tầu hóa, Pháp hóa, Nga hóa trước đây. Câu trả lời rất gọn: đó là do…qui luật giao lưu văn hóa giữa các tộc người, các địa phương trong quá trình di cư, buôn bán, xâm chiếm, truyền đạo…ở những thời kỳ xa xưa (và cả hiện tại).

Trường hợp Việt Nam ta, ngay từ thời Công nguyên, tiếng Hán đã theo gót giầy xâm lược phương Bắc tràn vào. Tới đầu thế kỷ XX, thêm tiếng Pháp. Giữa thế kỷ XX là tiếng Anh, tiếng Nga, và đầu thế kỷ XXI này e tiếng Hàn tiếng Nhật cũng bắt đầu ngấp nghé.

Người Trung Quốc và người Pháp từng là kẻ thắng trận, kẻ thống trị Việt nam, tiếng của họ- tiếng Hán, tiếng Pháp- dân ta bị bắt buộc học. Người yêu nước thủ cựu như Ðồ Chiểu thì khẳng khái chối từ. Nhưng người thức thời như Tú Xương thì lại nhanh chóng dắt túi vài chữ nước ngoài làm kế mưu sinh. Ông Tú khoe- mà kẻ viết bài đồ chừng là khoe chơi thôi chứ không phải nói thật lòng:

Cống hỉ, mẹc xì đây thuộc cả
Chẳng sang Tầu tớ cũng sang Tây

Dưới thời Bắc thuộc, Pháp thuộc, học tiếng Hán, tiếng Pháp, nói tiếng Hán, tiếng Pháp chỉ là con nhà khá giả, tầng lớp trí thức, hoặc kẻ cộng tác với nhà cầm quyền- kể cả cộng tác không mấy vẻ vang trong vai cu li xe kéo, bồi bếp, lính lệ, vú em, me Tây. Nhân nói tới me Tây… xin trích vài tiếng Tây “thầy chạy” trong thư một “me” gửi người tình mẫu quốc, để bạn đọc xem cho vui:

De  ê- cơ- ri (em viết) tình thư uyn lét (một bức thư)
Ðể cho mình con nét (hiểu) mông cơ (lòng em)
Từ khi mình kít tê dơ (rời em)
Bon nơ (vui) cũng lắm, ma lơ (buồn) cũng nhiều…

Sang thời nay, nói tiếng Tây tiếng Mỹ, không còn là đặc quyền của du học sinh, bậc trí thức, cán bộ công nhân viên các ngành có yếu tố “ngoại”- ngoại tệ, ngoại thương, ngoại hôn…mà lây lan khắp chốn như dịch cúm gà H5N1. Khối thanh niên khi nói chuyện mà chêm được tiếng Anh khiến thiên hạ tưởng mình là người Mỹ gốc Việt, thì tỏ ra khoái chí ra mặt.

Người Mỹ gốc Việt ơi! Không biết ở bên kia đại dương, các vị có biết rằng được ăn theo mác Việt Kiều của quý vị là rất oai phong đối với không ít dân bên này hay chăng? Nếu biết thì sao các vị- mà kẻ viết bài từng gặp ở Sài Gòn- hầu hết đều tránh nổ từng tràng tiếng Mỹ giòn tan ngoài phố. Thay vào đó, cứ nhíu mày nhớ những tiếng Việt đã chìm đâu trong ký ức một thời. Cố gắng phát âm từng chữ nhọc nhằn, chậm chậm. Thấy các bạn trẻ Sài Gòn uốn éo tiếng Anh, sửa giọng “cho giống Việt Kiều”.

Một bạn Việt Kiều Úc tâm sự nói chêm tiếng Anh bừa bãi, không cần thiết, là không hay đâu. Một do tự  ti mặc cảm, hai do khoe mẽ, học đòi… Một đất nước nhiều người giỏi ngoại ngữ là điều tốt, vì dễ hòa nhập, giao lưu với thế giới. Nhưng người dân vẫn phải biết trân trọng gìn giữ ngôn ngữ dân tộc. Thế mới quýù. Chứ còn đè ngoại ngữ ra, nhét chung với tiếng mẹ đẻ, thành món hổ lốn mà cứ nghĩ là ngon là bổ, đua nhau ăn… Dân thế, nước thế, sợ khó trở thành được cường quốc, mà thành ra “cắc kè quốc” là điều dễ thấy….

Kẻ viết bài thấy nhột nhạt, nhưng nhất thời chả biết đối đáp cách nào, đành để nguyên lời phát biểu này, tạm coi như hồi chuông cảnh báo, gửi tặng những ai lỡ có tật nổ tiếng Anh theo kiểu “súng không sợ điếc”. Nghe chơi!

XH