Menu Close

Ghé thăm đảo sầu riêng

Giữ lời hẹn với chú Tám Rô, tôi về Cai Lậy qua bến phà Ngũ Hiệp ghé thăm “đảo sầu riêng”.  Tháng sáu, mùa rộ trái. Mùi thơm lan toả tận bến phà phả trong gió thật nồng nàn, đầy ứ mũi. Chú bảo tôi đứng bên này, ớ một tiếng là chú nghe! Chú nói với tôi cứ y như thiệt, y như những người bạn thân thiết cùng quê cùng lứa. Tấm lòng của con người miền Tây chất phác là vậy, cởi mở, phóng khoáng trong cả lời ăn tiếng nói, chẳng hồ nghi người lạ, đã tới đây là bạn của nhau rồi.



Trái sầu riêng ở Cai Lậy

Chuẩn bị chuyến đi Ngũ Hiệp lần này, tôi gọi điện cho chú Tám từ tuần trước. Sợ chú bận hoặc đi nhậu đâu đó không gặp. Nhận được phone, chú bảo: “Chắc nghen! Có nhậu chú cũng bỏ. Ðến phà ớ lên một tiếng, chú chờ ở bến phà qua”.

Chuyện quen với chú Tám kể cũng lạ. Mùa bão rớt năm rồi, thằng bạn ở xa về nói thèm ăn măng cụt, sầu riêng. Mùa này có vén lá rung cành cũng không tìm ra thứ ấy. Biết thế, nhưng chìu bạn, hai thằng đèo nhau đi Cái Mơn. Dù gì thì cũng được đi thăm thú miệt vườn để thằng bạn bớt trắng dưới nắng trưa điền dã. Lủi thủi cả buổi, tìm đờ con mắt cũng không ra một trái làm thuốc. Sự thất vọng hiện lên khuôn mặt thằng bạn lấm tấm mồ hôi. Hai thằng lủi đại vô vài mảnh vườn ngoài mé sông hóng mát, cầu may! Cây cối còn ngả nghiêng nằm chỏng gọng sau cơn bão, người dân đang rầu thúi ruột mà hai thằng cứ hỏi “vườn chú, vườn thím có sầu riêng, măng cụt không?” “Sầu riêng,” bão (Durian) đã lấy đi rồi. Giờ chỉ có mắc cục nghẹn họng đây. Mấy chú có muốn ăn “sầu chung” không, bỏ xe, phụ qua một tay xô cây này sang bên, rồi vô nhà uống nước.
 

Thăm vườn sầu riêng

Cuộc hội ngộ và quen với chú Tám Rô như vậy đó. Tự nhiên như người chòm xóm và nhanh hơn tiếng sét… ái tình! Chú Tám có gần mẫu sầu riêng và ít cây măng cụt. Hôm bão quét qua, thiệt hại một ít cây già. Cây sầu riêng lâu năm cằn cõi, rễ chè bè nổi lên mặt đất như cố bấu vào vạt đất không nỡ rời xa. Già rồi thì như răng rụng, gió giật, rướm một cái là “đi” – giống như bà nhà chú, mới kêu cảm hai ngày, chưa kịp khám bệnh gì ráo, gió thổi lướt qua, bả theo ông bà. Chú Tám kể chuyện gia đình với cái giọng tỉnh queo. Chú có hai người con. Người con đầu có vợ sắm được vườn sầu riêng bên kia sông – cù lao Ngũ Hiệp, người con kế vợ con đề huề ở chung với chú.

Thấy tôi nhìn quanh quất, như hiểu được ý tôi đang nghĩ, chú nói, có được vầy không phải dễ. Hồi trước, cực thấy mồ tổ, cũng chỉ đủ cái ăn. Nhờ trời thương, những năm sau này, sầu riêng hột lép có giá, gia đình chú cố gắng chăm bón cây trái mỗi mùa, dần khá hơn. Dành dụm mớ tiền mua được miếng đất bên cù lao cho người con trưởng. Sau khi vợ mất, chú thỉnh thoảng qua lại cù lao để giúp các con chăm sóc mảnh vườn. Không làm buồn tay buồn chân, sẵn ở với con cháu cho vui nhà vui cửa.

Chuyện gia đình chú nghe thật hạnh phúc. Cuộc sống cực nhọc của người làm vườn đối với chú  mà sao nhẹ hẫng nhẹ hơ. Cả đời làm lụng dành dụm chỉ để cho con cái, mà không cần giữ cho mình chút gì. Chú bảo giữ chi cho nặng túi, nặng đầu. Cuộc sống bộn bề mệt mỏi, gánh chi thêm khổ. Lão điền nông như chú giờ cầm cuốc tay muốn run thì còn làm gì được nữa. Khi cần thì phụ con cháu bón phân xịt thuốc, lúc thong dong đi đó đi đây, thăm bà con họ hàng. Mai mốt về thăm ông bà ông vải cũng không hối tiếc. Ông già nói tưng tưng vậy mà vui, mở miệng là làm cho người khác phải cười.

..

Phà vừa qua Ngũ Hiệp, chưa kịp nhấn phím gọi phone ớ chú, thì thấy chú đứng chờ trên lộ ớ rồi.

– “Chú em trắng trắng, mập mập đâu rồi, không đi ăn sầu riêng sao hén?”

– “Nó ăn “sầu chung” với chú hôm trước no tức cành hông đi hổng nổi. Nó gửi chú bịch thuốc rê Gò Vấp nè.” – tự nhiên tôi cũng bắt chước cái giọng của chú Tám nói giỡn chút chơi.

Người ta ví von cù lao Ngũ Hiệp là “vương quốc sầu riêng”, có người gọi “đảo sầu riêng”. Cái tên “đảo sầu riêng” nghe hay hơn. Ở đảo mới “sầu riêng”, chứ cả một vương quốc mà sầu riêng nỗi gì? Trái sầu riêng còn cả một câu chuyện cổ tích oan tình éo le, nên buồn, nên sầu thì ra cù lao chơi với sông nước, buồn với trời với mây thì quả là hợp tình hợp cảnh rồi còn gì!

Trên cù lao rộng gần hai ngàn mẫu này, nhà nào cũng chỉ trồng toàn một thứ sầu riêng. Sầu riêng khổ qua vị hơi nhẫn, da xanh, trái nhỏ, hột to nhưng cho nhiều trái, lại dễ chăm sóc, bán nhanh. Tính ra hiệu quả thu nhập mang lại không thua gì sầu riêng hột lép Cái Mơn, đắt tiền nhưng trái ít. Chú Tám cho tôi biết như vậy.

 

Trái sầu riêng nặng trĩu

Theo lộ đất về vườn sầu riêng của người con đầu của chú. Ðúng thời điểm đang rộ, ghe tam bản chất đầy sầu riêng thơm nức mũi đang đổ ra bến phà mau về chợ lẻ. Vài chiếc xe thồ ì ạch, len lỏi từ trong đường nhỏ ra lộ cái đưa về vựa. Từ vựa người ta bán sỉ hoặc lẻ giống như nhà phân phối hàng hóa, nhưng cũng giống cái chợ bán buôn, ai mua cũng bán. Nhờ có vựa mà người làm vườn cũng khoẻ trong việc thu  hoạch. Vựa đặt mua trái, nhiều khi cây mới vừa đơm bông đã đặt tiền cọc cho chủ vườn. Ðến kỳ thu hoạch, có người vào vườn hái, cân và chở đi. Người làm vườn rảnh tay làm việc khác, như chăm sóc những cây cho ra trái vụ.

Sầu riêng mỗi năm một mùa. Tuy thế, người làm vườn vẫn có thể bắt cây hai năm cho ba vụ trái. Nhiều người bảo làm vậy là vắt kiệt sức cây làm năng suất giảm. Chú Tám thì lại khác, không nghĩ vậy. Mỗi cây sầu riêng đối với chú như những con bò sữa, chú chăm sóc từng ly từng tí, kiểm tra từng nách lá, chân bông. Thậm chí cái lá sầu riêng ủ dột trên cành chú cũng biết. Ờ, mà chú có coi vở kịch “Lá sầu riêng” chưa mà biết lá sầu riêng buồn. Chú nói, đừng tưởng chú không biết rớt nước mắt khi coi “lá sầu riêng”. Vài cây trong vườn nhóm bệnh thối trái, hay lá héo tàn vì nấm đen, nhện đỏ, lo chạy thuốc, thức hôm thức khuya chăm sóc muốn mờ con mắt. Gì chớ, nói tới sầu riêng là chú quan tâm, nghe ngóng, kể cả việc một số người dùng thuốc cấm carbendazim quét lên trái phòng trừ bệnh thối trái.

Tôi mang về cho chú Tám tài liệu phân tích sử dụng hóa chất giữ tươi lâu trên một số trái cây nhập vào từ Trung Quốc, cái nào độc, cái nào hại. Hay những tài liệu còn lấn cấn ở một số quốc gia về việc có cho dùng carbendazim trong phòng bệnh thối trái đặc thù của cây sầu riêng. Cầm mớ tài liệu, chú Tám mừng như mùa sầu riêng trúng vụ, bảo tôi đọc cho nghe. Chú nói chú thích nghe hơn, nghe để hiểu, để ngộ ra nên hay không nên mà lần. Còn hơn có người người biết đọc đó, hiểu đó, nhưng vẫn cứ làm bậy. Thất đức chết!

Chú Tám dẫn tôi vào vườn đầy trái đeo cành thật thích. Chẳng biết trái nào sống trái nào chín. Nhìn cái trái gai tua tủa nhọn hoắc như con cá nóc phùng mang dễ làm người không sống ở vườn như tôi rụt rè tránh né. Chú Tám nói coi vậy là trái sầu riêng nó cũng có tình với người cuốc bẵm. Sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm, mà ban đêm ai ra vườn làm gì, chỉ trừ người hái… trộm, chứ ban ngày có khi nào rụng làm trầy xước người ngay. Trái sầu riêng xấu đau xấu đớn, nhưng múi dày, cơm ngọt, cũng được xếp vào loại trái cây “quí tộc” đâu thua kém gì măng cụt trái mùa.

Ðó là loại sầu riêng hột lép Cái Mơn bên vườn chú, chứ còn loại sầu riêng khổ qua ở đây, giá rẻ vào mùa cho bà con bình dân mình có dịp ăn thả cửa. Chú nói vậy thôi, chứ đến hết mùa, trái vụ, sầu riêng hột to cũng đắt như thường.

Sầu riêng trái vụ đơm bông trong mùa rộ trái để đến tháng tháng cuối năm bắt đầu cho trái. Sầu riêng ép trái vụ, sẽ có ít trái hơn theo mùa vụ, nhưng giá cao gấp đôi. Bông sầu riêng đơm nụ từng chùm trên thân, nụ bông tựa trái dâu ta. Cánh hoa nở trắng nhẹ mùi hương ngây. Bông nhiều nhưng không phải thế mà ra nhiều trái. Lớp rụng, lớp người làm vườn ngắt bỏ những bông èo uột, giữ lại chừng hai ba trái non tròn trĩnh, mơn xanh. Mỗi cây sầu riêng khổ qua có thể kết hơn trăm trái mỗi mùa. Trái xum xuê đâu chỉ nhờ dinh dưỡng phân bón, nước ngọt phù sa, mà còn cả mồ hôi của người chăm sóc.

Nhờ đất rộng, làm ăn siêng năng, tích cóp từng năm, nhiều nhà vườn đã thay được mái ngói mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những chủ vườn vẫn nợ nần, làm ăn thất bát. Chú Tám chặc lưỡi tiếc cho những người ham mê nhậu nhẹt, bài bạc đề đóm, bán đất ông bà mong mau đổi đời thoát kiếp. Cầm mớ tiền tưởng có hóa không bay theo phù phiếm. Cuối cùng chỉ tại cái số nó nghèo, phận mọn liu biu nên đời có người thành người bại.

Nắng chiều đã héo trong đám mây mù mùa mưa hiu hắt. Cha con chú Tám bảo ở lại ngủ tối nghe sầu riêng rụng lịch bịch trong vườn cho vui. Ðó là âm thanh của mùa trĩu quả, là sẻ chia niềm vui của người làm vườn trúng mùa. Nhưng biết sao được, cái bụng no nê, giờ lại thích về nằm ườn ở căn gác xép. Sợ chú buồn, nên mang một thùng sầu riêng theo…để nhớ.

NT