Khi Trẻ tuần này đến tay độc giả, chỉ còn vài ngày nữa đến Election Day 2012 mà kết quả có thể quyết định đường hướng quốc gia trong nhiều năm tới. Riêng trong cuộc bầu cử Tổng Thống, một điều cần ghi nhận là cử tri Hoa Kỳ không bầu trực tiếp, nhưng qua một phương pháp ủy thác gọi là “Electoral College” (tạm dịch “Cử Tri Đoàn”). Khi bỏ phiếu bầu cho một liên danh Tổng Thống, thực tế người cử tri ủy thác các “Cử Tri Đoàn” ở tiểu bang quyền dùng “Electoral Vote” của họ (tạm dịch là “Phiếu Cử Tri Đoàn”) để bầu Tổng Thống và PTT.

Đây chính là khuôn mẫu bầu cử gián tiếp. Cả nước có 538 “cử tri đoàn” (CTĐ). Con số này ngang tổng số thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ (435 Dân Biểu + 100 Thượng Nghị Sĩ) và 3 CTĐ thuộc riêng cho Biệt Khu Thủ Đô “District of Columbia”. Một liên danh Tổng Thống cần đạt ít nhất đa số 270 phiếu CTĐ để thắng cử.
Những tiểu bang đông dân nhất chiếm nhiều ghế nhất ở Hạ Viện (House of Representatives), nên chúng cũng được phân bổ số CTĐ cao nhất. Sáu tiểu bang có nhiều CTĐ bao gồm: California (55 CTĐ), Texas (38), New York (29), Florida (29), Illinois (20), và Pennsylvania (20). Ngược lại, 7 tiểu bang hẻo lánh thưa dân nhất—Alaska, Delaware, Montana, North Dakota, South Dakota, Vermont, và Wyoming—mỗi nơi chỉ có 3 CTĐ (tương đương cấp số 2 TNS + 1 DB).
Trong mùa bầu cử Tổng Thống năm nay, số CTĐ ở một số tiểu bang có thay đổi lên hoặc xuống, tùy theo kết quả cuộc kiểm tra dân số Census 2010. Trong số này, tiểu bang Texas được lợi nhất, nhận thêm 4 phiếu cử tri đoàn. Dân số Texas tăng thêm gần 4.3 triệu người (khoảng 20.6%), nay lên 25.2 triệu cả thảy. Lý do tương tự, tiểu bang Florida nhận thêm 2 phiếu cử tri đoàn. Ngoài ra, Arizona, Georgia, Nevada, South Carolina, Utah, và Washington mỗi tiểu bang thêm 1 phiếu cử tri đoàn vì cư dân gia tăng. Ngược lại, New York và Ohio cùng bị xén bớt 2 phiếu CTĐ vì dân chúng bỏ đi nơi khác sinh sống. Thêm vào, Illinois, Iowa, Louisiana, Massachusetts, Michigan, New Jersey, và Pennsylvania mỗi tiểu bang mất 1 phiếu cử tri đoàn vì dân số thuyên giảm.


Người ta chọn mặt gởi vàng các CTĐ ra sao ? Hiến Pháp Hoa Kỳ không có quy định chi tiết. Việc chọn CTĐ hầu như là quyết định riêng của mỗi tiểu bang. Cách giải quyết có thể khác nhau tùy vùng. Các CTĐ được 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở tiểu bang tiến cử vài tháng trước ngày bầu cử. Họ thường là giới chức cao cấp của tiểu bang hoặc các sếp lớn trong đảng. Làm CTĐ cũng có thể là một đặc ân cho người uy tín và danh phận cao trọng trong xã hội, hoặc có liên hệ mật thiết với các ứng cử viên Tổng Thống — để bảo đảm không có vụ… phản kèo nào. CTĐ chỉ “cam kết” (pledge) sẽ bỏ phiếu cho ƯCV của đảng mình. Họ không bị ràng buộc pháp lý liên bang. Về lý thuyết chuyện “phản kèo” có thể xảy ra. Thí dụ: đa phần cử tri California bỏ phiếu cho liên danh Tổng Thống Obama, 55 phiếu Cử Tri Đoàn được giao cho phe Dân Chủ, nhưng 1 CTĐ có thể… lật kèo, bỏ phiếu cho bên Cộng Hòa. Tuy nhiên, trên thực tế hơn 99% CTĐ xưa nay đều bỏ phiếu đúng như đã hứa.
Như vậy, Cử Tri Đoàn hoạt động ra sao ? Ngoại trừ Maine và Nebraska phân định số phiếu CTĐ theo tỉ lệ phiếu bầu của cá nhân cử tri (individual vote/popular vote), các tiểu bang còn lại chia phiếu CTĐ theo nguyên tắc “Winner-take-all”–được ăn cả ngã về không–nghĩa là liên danh Tổng Thống nào được cử tri tiểu bang tín nhiệm nhiều hơn sẽ đoạt trọn số CTĐ của tiểu bang đó.
Lấy thí dụ 2 tiểu bang, tạm gọi là tiểu bang Xanh và tiểu bang Đỏ:
– Tiểu bang Xanh có 20 cử tri cá nhân (individual vote), được chia 3 phiếu CTĐ (electoral vote).
– Tiểu bang Đỏ có 10 cử tri cá nhân, được chia 1 phiếu CTĐ.
– Cuối ngày bầu cử, có 11/20 cử tri tiểu bang Xanh bỏ phiếu cho ƯCV Dân Chủ–như vậy ƯCV này đoạt đa số, theo nguyên tắc được ăn cả ngã về không, đã giành trọn: 3 phiếu cử tri đoàn và 11 phiếu cử tri cá nhân (11 popular vote). ƯCV Cộng Hoà thua cuộc, được zero “electoral vote”, nhưng có đến 9 “popular vote”.
– Bên tiểu bang Đỏ, có 9/10 cử tri đi bầu cho ƯCV Cộng Hoà–nên ƯCV này giành được: 1 phiếu cử tri đoàn và 9 phiếu cử tri. ƯCV Dân Chủ thua cuộc, được zero “electoral vote” và 1 phiếu cử tri (popular vote).
Tính tổng cộng cả 2 tiểu bang Xanh và Đỏ:
– ƯCV Dân Chủ được: 3 phiếu cử tri đoàn (3+zero) và 12 phiếu cử tri (11+1).
– ƯCV Cộng Hoà được: 1 phiếu cử tri đoàn (zero+1) và 18 phiếu cử tri (9+9).
Trong trường hợp này, ƯCV Dân Chủ thắng cuộc bầu cử vì có số electoral vote–cử tri đoàn (3) cao hơn ƯCV Cộng Hoà (1), mặc dù số phiếu popular vote–của ƯCV Cộng Hoà (18) cao vượt trội bên Dân Chủ (12).
Nguyên tắc “được ăn cả ngã về không” của lối đầu phiếu Cử Tri Đoàn từng gây những cú sốc chánh trị lớn. Bầu cử 1876, ƯCV Cộng Hòa Rutherford B. Hayes trở thành TT vì giành 185 phiếu CTĐ với 4,036,298 phiếu cử tri; trong khi đối thủ được cử tri bầu đông đảo hơn nhưng chỉ đạt 184 phiếu CTĐ. Bầu cử năm 1916, TT Woodrow Wilson tái đắc cử nhờ chiếm trọn 13 phiếu CTĐ của California, và tại tiểu bang này ông chỉ hơn đối phương con số mong manh 3,700 phiếu cử tri. Gần đây nhất, và cũng nổi tiếng (hoặc tai tiếng) nhất, là Election 2000, với Florida là tiểu bang phân định kết quả bầu cử Tổng Thống cho cả quốc gia năm đó.
Sau khi có kết quả đếm phiếu khắp 49 tiểu bang, ƯCV Dân Chủ Al Gore đã đạt 266 phiếu CTĐ, còn ƯCV Cộng Hòa George Bush chỉ mới được 246 phiếu CTĐ. Nếu giành thêm 25 phiếu CTĐ của Florida, ông Gore đã có thể thắng dễ với đa số áp đảo (266+25=291 phiếu CTĐ). Trong khi đó, dù chiếm trọn Florida, ông Bush chỉ thắng sát nút (246+25=271 phiếu CTĐ).Cả nước đã phải đợi đến ngày 12-12-2000, sau nhiều lần rã rời đếm phiếu bằng tay, và các kiện tụng căng thẳng lên đến Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (US Supreme Court), kết quả bầu cử Florida mới được phân định. Trong tổng số 5,963,110 phiếu bầu của cử tri Florida, ƯCV George Bush giành nhiều hơn ông ƯCV Al Gore chỉ… 537 phiếu bầu mong manh. Ông Bush trở thành người chiến thắng ở Florida, giành trọn vẹn 25 phiếu CTĐ (electoral vote). Nhờ 25 “electoral vote” này, ông Bush trở thành vị Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 46, mặc dù nếu đếm trên toàn quốc mùa bầu cử 2000, ông chỉ đạt 47.9% phiếu bầu cử tri (50,456,002). Ông Al Gore thành người thua cuộc dù giành được nhiều phiếu bầu của dân Mỹ hơn–48.4% (50,999,897) — đành ngậm đắng nuốt cay làm kẻ… bất phùng thời.

Vì sao phương cách bầu cử Tổng Thống gián tiếp, thông qua phiếu CTĐ, có vẻ phi lý, vẫn còn được sử dụng ? Trên thực tế, không ít lần có nỗ lực ban bố Tu Chính Hiến Pháp, nhằm sửa đổi phương pháp CTĐ “Electoral College”, hoặc xóa bỏ hẳn, thay bằng đầu phiếu trực tiếp, nhưng đều bị Quốc Hội Hoa Kỳ bác bỏ. Những lập luận bài bác phương pháp Cử Tri Đoàn cho rằng nó khó hiểu, nhiều phần thiên vị các tiểu bang thưa thớt dân, và thật bất công (rõ ràng có ƯCV được nhiều phiếu cử tri hơn lại thua cuộc). Ông Al Gore là một trong những nhân vật kêu gọi xóa bỏ hệ thống CTĐ này. Phe binh vực “Electoral College” thì cho rằng phương pháp CTĐ bảo vệ tiếng nói các nhóm thiểu số, bảo đảm quyền lợi các tiểu bang nhỏ, và tránh tai nạn các ƯCV chỉ tập trung tranh cử, giành phiếu ở những vùng dân cư đông đảo, mà… lờ hẳn phần còn lại của xứ sở.
Khi bàn về phương pháp bầu cử Cử Tri Đoàn, có lẽ cần nhớ nền tảng “liên bang” (federalism) của Hoa Kỳ. Đây là quốc gia có sự chia sẻ quyền lực giữa chánh phủ quốc gia và 50 tiểu bang khác nhau nhưng bình đẳng quyền lợi. Trên nguyên tắc này, Hiến Pháp quy định tại Thượng Viện Hoa Kỳ, dù là tiểu bang nhỏ nhất Rhode Island, hay lớn nhất California, mỗi tiểu bang đều có 2 Thượng Nghị Sĩ đại diện. Nền dân chủ Hoa Kỳ mang tính đại diện (Representative Democracy), vận hành dưới chánh thể cộng hòa. Người công dân Mỹ ủy nhiệm các vị đại diện mình thông qua lá phiếu bầu cử. Cử Tri Đoàn tồn tại và hoạt động theo đúng triết lý này.

Trở về với thực tế Election 2012. Có nhiều tiểu bang đã rõ ràng sẽ đặt trọn phiếu CTĐ vào tay đảng nào, nên kết quả bầu cử Tổng Thống sẽ được phân định nơi những tiểu bang 50/50 – hay “tossed up state”. Các tiểu bang Xanh “Blue State” (thiên Dân Chủ) lớn gồm California (55 CTĐ), New York (29), Illinois (20)…, cỡ nhỏ có thể kể Hawaii (4), District of Columbia (3), Vermont (3)…
Ngược lại, phe Cộng Hòa nắm chắc các tiểu bang Đỏ “Red State”, lớn như Texas (38 CTĐ), Georgia (16), Tennessee (11)… hay nhỏ như Alaska (3), Wyoming (3), Montana… Gần như chắc chắn sẽ không có sự đảo kết quả phiếu bầu đáng kể ở những tiểu bang trên.
Cuộc chạy đua giành 270 phiếu bầu CTĐ sẽ chỉ diễn ra ở các tiểu bang sơn cước Colorado (9 CTĐ), tiểu bang duyên hải Florida (29), tiểu bang kỹ nghệ Pennsylvania (20) và Michigan (16), cùng những tiểu bang khác nơi cử tri vẫn còn lưỡng lự: Iowa (6), Nevada (6), New Hampshire (4), North Carolina (15), Ohio (18), Virginia (13), Wisconsin (10)… Liên danh Tổng Thống nào chiếm nhiều phiếu bầu hơn ở những nơi này dễ có cơ hội chiếm hữu Tòa Bạch Ốc trong 4 năm tới.
Có lẽ không khó hiểu khi các chiến dịch tranh cử gần như dồn mọi đầu tư tài chánh, thời gian, nhân lực… cho những nơi “chiến địa” này, trong khi các mặt trận khác nhiều phần im ắng. Những tiểu bang dù lớn với hằng chục triệu cử tri, song đã “định mệnh an bài”, như California (phò Dân Chủ) hay Texas (thiên Cộng Hòa), hầu như… bị quên lãng. Ngược lại, cử tri ở các tiểu bang 50/50 kể trên có thể đang chán ngấy hằng trăm TV quảng cáo tranh cử chạy suốt ngày đêm; điện thoại thì reng liên tục để nghe các bên… dụ khị; hộp thơ mở ra chỉ thấy đầy nhóc tuyên bố bầu cử… Tuy những tất tả giờ chót này có vẻ như rối reng, thậm chí lố bịch, chúng đều là biểu hiện của sinh hoạt dân chủ bình thường tại một xứ sở tự do. Mùa bầu cử 2012, giới cử tri người Mỹ gốc Việt có lẽ thấm thía ý nghĩa này hơn ai hết…
