Mùa Thu mùa lũ mùa… mì tôm
Mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm, dễ khiến lòng người rộng mở, thăng hoa, hình thành những tác phẩm giàu tính nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam, mùa Thu luôn trùng với mùa mưa bão. Chỉ tính riêng năm nay, từ đầu tháng 4 tới tháng 10 Dương Lịch, dân duyên hải miền Bắc miền Trung đã hứng chịu bảy cơn bão cả thảy, trong đó ít nhất bốn cơn đồng nghĩa với đói khổ, mất mát lớn lao. Thành phố Sài Gòn, tuy ở xa tâm bão nhưng “vớt đuôi” kha khá, chưa kể phải chịu cảnh nửa nổi nửa chìm vì nạn nước ngập hàng tháng. Những lúc như vậy, mọi tiện nghi bảo đảm đời sống tối thiểu đều bị chiết giảm tối đa. Ngồi bó gối trên tấm phản kê cao ở phường Hiệp Bình Phước-Thủ Đức hay ở xã Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi thì nạn nhân bão lụt đều một tâm rầu rĩ, một cảnh hoa mầu ngập, gia súc trôi, đồ đạc ướt, bếp núc treo và một bản trường ca mì gói sướt mướt lâm ly.
Quê hương của mì gói là Nhật Bản. Điều đó nhiều người biết nhưng chính xác kẻ “đẻ” ra mì gói là ai, lại chẳng được mấy quan tâm. Xin thưa, đó là ông Momofuku Ando (1910-2006). Sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhu cầu về thực phẩm của dân Nhật được đặt ra cấp thiết. Trải qua nhiều thử nghiệm, vào tháng 10 năm 1958, nhà doanh nghiệp gốc Đài Loan 48 tuổi này đã cho ra đời món Chikin Ramen (mì chiên trước, ăn liền, vị gà). Với ưu điểm tiết kiệm thời gian, tiện dụng, thơm ngon, Chikin Ramen rất được người tiêu dùng tán thưởng. Từ đó tới nay, gói mì Nhật Bản không ngừng “bị” quốc tế hóa, trở thành bạn đường của nạn nhân thiên tai, của người lao động bận rộn, không có điều kiện chợ búa, nấu nướng. Nói không quá lời, mì gói Nhật Bản đáng được liệt vào hàng những phát minh lớn.

Thực đơn suốt 48 năm liền của ông Momofuku Ando, từ khi ông khai sinh ra mì gói năm 1958
Ở Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ trước, mì gói Nhật Bản đã được biết tới, và ưa thích. Sau 75, nhiều thứ bị ngưng trệ, trong đó có “cái sự mì gói”. Phải đợi đến cuối thập niên 80, mới bắt đầu “phục hồi nhân phẩm” bằng những gói mì quốc doanh, bao giấy “xấu hoắc, đen thui”, in hình hai con tôm co quắp (vì thế mì gói còn gọi là mì tôm). Tình hình chỉ sáng sủa hơn vào năm 1993, khi một hãng mì Nhật Bản liên kết với mì Vifon Việt Nam, hình thành công ty Vina Acecook, chuyên sản xuất các dòng sản phẩm mì ăn liền. Cho tới nay, phạm vi hoạt động của công ty này không ngừng lớn mạnh, được coi là anh cả của làng mì tôm Việt Nam, không chỉ chiếm hơn 60% thị trường mì nội địa mà còn có mặt tại 40 quốc gia Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi, Trung Đông với 700 đại lý phân phối các nhãn hiệu mì Hoành Thánh, Số Đỏ, Lẩu Thái, Hảo Hảo, miến Phú Hương, cháo Hương Ngọc, hủ tiếu Đệ Nhất, phở Xưa & Nay…
Ngoài anh cả Vina Acecook, làng mì tôm Việt Nam còn ghi nhận sự xuất hiện của tập đoàn Masan do ông Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch, tuy góp mặt muộn hơn Vina Acecook gần 10 năm nhưng cũng đình đám không kém. Còn nhớ lúc đó là cuối năm 2002, sau khi thắng lớn trong việc mở nhà máy sản xuất mì tôm, công suất 30 triệu gói mì/tháng, cung cấp cho 200,000 lao động người Việt tại Nga, sau khi thành công trong việc “dạy cho người Nga biết ăn mì gói và tương ớt”, ông Tiến sĩ Vật lý kiêm Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh- Nguyễn Đăng Quang- đã “chuyển lửa về quê hương”, chính thức tung vốn liếng, kinh nghiệm làm ăn vào lãnh vực chế biến thực phẩm.
Nhìn bằng mắt thường, nếu lột bao bì, đặt vắt mì hình chữ nhật của các đại gia, tiểu gia bên nhau, sẽ không nhận thấy sự khác biệt nào. Vì tất cả đều ép từ một loại khuôn, một kích thước. Sợi mì thơm ngậy như nhau, có chung độ vàng, độ giòn, độ dai như nhau. Khác chăng, chỉ khác do mùi vị gói phụ liệu đi kèm. Nếu chục năm trước, người Sài Gòn không có nhiều chọn lựa thì bây giờ họ lại chẳng biết đằng nào mà lần giữa một rừng bao bì choáng lộn, in hình đủ loại mì khay, mì ly, mì tô, mì gói bắt mắt, ngon miệng. Ai khảnh ăn chọn loại mì nhỏ, 60g- 65g, khá hơn chọn loại 70g-85g. Mì rẻ nhất (và cũng bán được nhất) trên dưới 3,000 đồng/gói. Đắt nhất cũng chỉ gấp hai, hai rưỡi. Tùy khẩu vị, muốn “hương xưa” thì ăn mì tôm, mì gà; thích chua cay thì mì kim chi, mì lẩu Thái; “có máu phở” thì chén phở bò, mê hải sản thì “làm” bún riêu, cháo cá…
Theo tiết lộ của ông Hào Phát, chủ cơ sở mì tôm quận 6, Sài Gòn, do không kiểm soát hết các công đoạn sản xuất, nên giá xuất xưởng một gói mì gần 2,000 đồng, khá cao. Bỏ mối cho các siêu thị, các đại lý, lời 70 đồng một gói là cao tay, mà cũng phải hai ba tuần sau khi giao hàng mới nhận được tiền. Trong khi cùng thời điểm này hai ba năm trước, một gói mì lời 200 đồng dễ dàng. Đường đi của gói mì khá zích-zắc. Từ nhà máy rót xuống đại lý lớn, tỏa về các điểm bán lẻ, các tỉnh huyện, các vùng cao vùng sâu, giá gói mì dù không muốn, cũng đội lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá gốc. Và để giữ chân khách hàng, hãng phải liên tục tung ra sản phẩm mới, tổ chức đội bán mì lưu động, tăng chiết khấu cho đại lý, khuyến mãi mua mì trúng nhà, trúng xe… Khó khăn trong kinh doanh như vậy nhưng chẳng “ông mì” nào bỏ cuộc chơi. Lý do, mặt hàng mì tôm chưa bao giờ ế ẩm. Ngược lại, đất nước càng nghèo, dân tình càng điêu linh, thiên tai bão lũ càng kéo dài “ông mì” càng sống khỏe (!)

Niềm vui người vùng lũ
“Bạn đời” của mì tôm rất nhiều, nhưng đầu sổ có lẽ phải kể cánh sinh viên, thợ thuyền, công nhân lao động. Em gái Ngọc Chung, 21 tuổi, học Đại học Nông nghiệp, cho biết để có tiền sắm máy “còm-piu -tơ” cho việc học, em đã “đơn ca” mì gói suốt ba tháng liền. Máy “còm” chưa thấy đâu, người đã “còm” như con mắm. Chị Bích Liên, nuôi mẹ nằm bệnh viện cũng thắt lưng buộc bụng bằng thực đơn sáng mì, trưa mì, chiều mì. Vợ chồng anh Trừng, chị Liễu, công nhân vệ sinh quận Tân Bình thì “mưa gió đêm hôm quét đường về, không có gói mì không ngủ được. Ăn mãi đâm nghiện”. Trong hành lý đoàn lao động đi nước ngoài, nhóm du lịch, hành hương, thường cũng có mặt mì tôm “cho nó chắc cú”. Đám đào vàng, làm đường, cắm chốt, thám hiểm, đi buôn… càng “mì gói nói thay lời”. Cá biệt, trên một trang blog, có chị còn tâm sự “yêu mì gói hơn chồng”, với lý do tô mì đem lại cho chị cảm giác thỏa mãn, no bụng, thích thú, còn chồng, ngoài thái độ gia trưởng, độc đoán, còn luôn bắt chị “nhịn đói” suốt thời kỳ mang thai.
Tất cả họ, những tín đồ mì gói, không ai ngây thơ đến độ tin 100% vào sự bổ dưỡng do gói mì 3,000 đồng mang lại như những lời quảng cáo “có cánh” trên tivi, báo đài các loại. Em sinh viên Chung “còm” thú nhận sau ba tháng li bì mì gói, thường xuyên bị đau đầu, uể oải, chóng mặt. Chị Liên thì than người lúc nào cũng háo nước, tê tay chân, tim đập nhanh. Hỏi bác sĩ ở bệnh viện mẹ chị đang điều trị, “bác” này giải thích mì gói chiên bằng shortening, một loại dầu thực vật được hydro hóa, mất các nối đôi ở vị trí trans, nên chúng trở nên “trơ”, không bị “hôi dầu”, ôi thiu khi tồn trữ lâu ngày (vì lý do này, khoai tây chiên, cracker, đậu phộng da cá, bánh kem hay dùng shortening). Chất béo trans (trans fat) có lợi về mặt kỹ nghệ thực phẩm nhưng có hại cho người tiêu dùng vì khiến tăng cholesterol xấu, gây xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim, dễ dẫn tới tai biến tim mạch. Về giá trị dinh dưỡng, mì tôm chỉ cung cấp chất bột từ bột mì. Protein động vật, rau tươi, vitamin gần như không có. Trong khi đó, muối, bột ngọt lại rất thừa. Chính các chất phụ gia tổng hợp mùi vị đã đánh lừa vị giác, tạo sự ngon miệng, thèm ăn. Từng có nhiều nghiên cứu về sự độc hại của mì tôm. Tất cả đều đưa ra khuyến cáo mì tôm không nên dùng thường xuyên, nhất là đối với người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh tim mạch. Nếu trót “nghiện” – như trường hợp vợ chồng anh Trừng công nhân vệ sinh – thì cũng chỉ ăn hai lần trong một tuần là cùng. Đã vậy, khi ăn mì, phải thông minh, đừng bóc gói mì ra, “úp” ngay mà trước hết, cho mì vào nước sôi khoắng kỹ nhằm xả bớt dầu chiên, xong đổ nước đó đi, chế nước sôi khác vào ngâm lần hai, hẵng ăn. Nếu bổ sung nắm rau tươi, quả trứng, bìa đậu phụ, rong biển, giá đỗ, thịt bò, thịt heo, tôm tép (băm nhỏ, chần kỹ) thì càng tốt…
Những giải thích, cảnh báo, đề nghị trên của người ngành y hoàn toàn đúng, và cần thiết cho khách tiêu dùng bình dân, vốn ít thì giờ, eo hẹp kinh tế và ít để ý chuyện độc hại. Nhưng trong hoàn cảnh đồng tiền mất giá, thất nghiệp “tràn trề” như ở Việt Nam hiện nay, thêm thiên tai, nhân tai dồn dập, người dân tự cứu mình còn khó, tâm trí đâu mà thông minh với “cái sự ăn mì”. Vì vậy, nếu ngồi trước tô mì bốc khói lung linh huyền ảo, thông minh được thì tốt, mà có… thong manh thì cũng chẳng làm sao, vì sống chết tại số, nào phải tại mì. Mà mì đã độc hại bao nhiêu, so với hàng ngàn hàng vạn loại thực phẩm kinh hoàng khác đang từng ngày đưa người Việt Nam từ bàn ăn vào bệnh viện ung bướu ra… nghĩa địa
Bảo tàng mì gói tại Tokyo- Nhật Bản


XH