Menu Close

8-3 ngày cuả ai?

“Mới xong Valentinexong, giờ nộp 8 tháng 3 nữa. Làm sao sống gì nổi?”, tiếng than của một ông chồng khi nhìn tờ lịch trên tường đã vô tình nói hộ nỗi niềm phái “khẻo”. Trong khi đó, bên phái “yếu” tình hình lại hết sức yên tĩnh, chả nghe ai phàn nàn. Như thế, có nghĩa là họ vui sướng. Vì theo lý mà suy thì không phàn nàn là không bất mãn. Không bất mãn, là hài lòng. Mà hài lòng thì vui sướng….

Thực vậy chăng? Thực là tất cả phụ nữ Việt Nam đều vui sướng vì được các ông “phát chẩn” nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 chăng?

Treo logo chào mừng 8-3

Có hay không Tám tháng ba?

“Ngoài tết, rằm lớn rằm nhỏ, kỵ giỗ nội ngọai, bất quá thêm cái Trung Thu. Vậy thôi. Còn ngày thiếu nhi, phụ nữ, thầy thuốc, thầy giáo….gì gì đó là để cho “mấy ổng” với lại “mấy người ở thành”, tụi tui dân ruộng, ở lút dưới này, thiếu gì chuyện mần, đâu ở không mà bầy đặt ….” Chị Năm bỏ ngang câu nói, nhưng trên nét mặt lam lũ, quê mùa của người đàn bà quê An Giang này không thấy nỗi buồn. Những nông dân như chị, từ rất sớm đã biết cam phận nồi nào vung nấy. “Nồi đất” thường có “vung đất” rất sớm. Cả nồi cả vung đều sứt sẹo, méo mó vì ruộng ít, con đông, đói lên đói xuống. Hội hè tân thời “là chuyện của người ta, không phải của mình”.

Cách An Giang vài trăm cây số, là Sài Gòn, thành phố được đánh giá trẻ trung, năng động về kinh tế nhất Việt Nam. Cứ tưởng dân trí ở đây phải cao. Nào ngờ lắm bà lắm cô phát ngôn hệt “nồi đất” An Giang. “Mua ve chai như bọn em, đâu nghĩ tới tám tháng ba” Kẻ viết bài nghe câu này từ miệng một cô nàng bán ve chai xinh gái thì lấy làm động lòng. “Nàng” kể hồi nhỏ đi học, ngày này cũng có tặng hoa cho cô giáo, nhưng lấy chồng có con, quên dần, rồi quên hẳn…Thấy người ta được tặng hoa, tặng quà sung sướng nghĩ cũng tủi thân. Việc gì phải buồn, cô em! Ngày này phụ nữ năm châu biểu dương lực lượng, đè bẹp dí bọn đàn ông rồi! Trong ngày này, ai cấm cô em ngẩng cao đầu nhận mình là phụ nữ con cháu bà Trưng, Bà Triệu. Ai không cho cô và các bạn phụ hồ, đi ở, bán chè cháo, rau quả của cô liên hoan mừng tám tháng ba?

“Cái nồi đất”An Giang và “nàng” mua ve chai tạm coi như “ngoài tầm phủ sóng” của tám tháng ba. Nhưng cô giáo Thơ, người mới nhận lẵng hoa cẩm chướng của học trò cũ tên Ngà đem tặng, xem ra cũng không hào hứng gì. Ngồi nói chuyện với kẻ viết bài, cô thở dài “Những gói, túi, lọ, giỏ, hộp… của mấy bố con nó, của phụ huynh, của học trò cũ- mới đem đến tận nhà thì nhiều lắm. Không nhận họ tưởng mình chê ít hay thành kiến, mà nhận thì không có nhu cầu, để đó nhìn, không biết bán chác hay quẳng đi đâu”. Cùng cảnh với cô Thơ còn một lô một lốc chị em người mẫu, diễn viên, ca sĩ, văn thi sĩ. Ai cũng bảo “Nhiều quá hóa thường! Hồi học trung học chỉ cầm cái kẹp tóc, hay cuốn thơ chép tay, cây viết của bạn trai tặng là vui mấy ngày liền. Chứ không như bây giờ, nhìn đồ đắt tiền lòng vẫn cứ lạnh băng. Có khi thấy bị xúc phạm nữa là khác…

Những lẵng hoa bán trên đường ngày 8-3

Quà mà xúc phạm?

Chứ sao! Đó là khi cách cho không bằng của cho. Đàn bà con gái coi vậy chứ khó tính vô cùng. Đừng tưởng “thẩy” hay “quăng” cho họ một hộp, một gói gì đó đèm đẹp, sang sang là có quyền lên mặt. Không đâu! Lầm chết mấy anh ơi! Họ thích quà (quà, ai không thích, cứ gì đàn bà con gái) nhưng còn thích lời lẽ âu yếm, vẻ dịu dàng chân thực của bàn tay tặng quà nữa. Không tin cứ làm như ông – tạm gọi là ông “Cho Có – đi rồi biết. Số là ngày 8 tháng 3, trước khi đi làm, vợ còn ngủ, ông “Cho Có đã dằn trên bàn tờ 500,000 đồng và mấy chữ “để mình mua gì tùy thích” Cứ nghĩ thế là xong bổn phận làm chồng với “cái lu biết đi” Không ngờ tối về, bị “cái lu” giảng mô ran xối xả vì “tội” coi thường vợ.

Lại một ông khác, ngày 8 tháng 3 đi đặt tua “Ba ngày Phan Thiết- Biển và Em”. Chừng hỏi ra, em đó là …em vợ. Bà chị đẻ, em gái lên nuôi chị nuôi cháu. Được một tháng, anh rể cứ nằng nặc đòi “nuôi luôn anh với”. Cô em trợn mắt, ú ớ. Anh tưởng “cắn câu”, te te đi mua tua Phan Thiết để “chúng mình thương nhau” mừng 8 tháng 3!

Ông anh rể nọ còn trẻ, không chịu nổi cảnh “cám treo, heo nhịn đói” cũng là thường tình. Mà cái cách “khều” em vợ bằng biển Phan Thiết lãng mạn xét cho cùng, hơi có màu văn hóa. Chứ như ông giáo sư T. của ĐH KHXH&NV này mới hay ho. Hướng dẫn sinh viên Ng. làm luận văn tốt nghiệp nhưng đề cương nào nộp lên thầy cũng gạch nát. Túng thế, Ng. phải khóc năn nỉ. Thầy phán “thầy cũng muốn giúp chị, cho luận văn của chị qua, nhưng chị cũng phải thương thầy”. Chả hiểu ẩn ý trong chữ nghĩa lập lờ nọ, Ng. vâng ngay. Nào ngờ tuần sau bảo vệ luận văn, tuần này thầy đòi “thương với”. Nhìn mặt ông cụ hom hem hơn 65 tuổi, Ng bủn rủn tay chân. Thầy nói lẫy “Khó thì thôi, tôi không ép. Nhưng mai tê mốt nọ, sợ có chi tui không đỡ được mô.Ai bảo “già mà không nên nết”?

Đằng sau quà là…

Phỏng vấn chớp nhóang bạn bè nam giới về chuyện “cống nộp”. Đa số không trốn tránh, nhưng ỉu xìu vì mới tết xong, thì lại Valentine’ s Day. Chưa hoàn hồn, giờ “bồi” thêm cái tám tháng ba. Quí bà luôn nói không cần quà, chỉ cần tình yêu, nhưng lại kể cô này được chồng cho bộ trang sức, chị kia có cái máy nghe nhạc của thằng con trai tặng, cháu trai bà X có hiếu, đặt nguyên bữa tiệc ở Đồng Khánh …Đần mấy cũng hiểu những lời có vẻ “tiện thì kể cho vui” thực ra chẳng tiện gì cả, mà là một lời nhắc nhở. Phải thi hành, nếu không muốn “một mất một còn”.

Chí ít thì cũng ba: Bà mẹ, bà cô giáo, bà vợ (hoặc bà người yêu). Mỗi bà một suất vải may áo dài, hay dầu thơm, đồ trang điểm, hoặc đơn giản là hoa tươi (có thể gửi điện hoa, hoặc nhờ nhân viên giao hàng tận nhà). Thực tế hơn, thì thay bằng một bữa ăn do bố và con trai cùng vào bếp, hoặc một buổi “eat out”, một tối xem văn nghệ miễn phí kèm mua sắm, dự triển lãm ở Nhà Văn Hóa Phụ Nữ…Nói chung, tùy mức độ tình cảm, tính cách người cho kẻ nhận, và quan trọng là tùy túi tiền, mà quà có thể vươn xa khỏi “Tam Tòa Thánh Mẫu” tới với số 4, 5, 6 phất phơ ngoài bờ đê, xó bếp, quán cà phê “nô lai” (no light).

Có khi nào quà cho đi, lại tiếc, muốn đòi lại? Người bị hỏi, đa số lắc đầu “đàn ông mà, cho là thôi, ai mà đòi. Hơn nữa đâu phải ngu, bạ ai cũng cho, phải chiến lược chiến thuật đàng hoàng chứ”. Số khác, thẳng thắn thừa nhận cho quà, nhưng hứng lên thì đòi lại, mà đòi được, thậm chí còn có lãi! Sinh viên, học sinh trẻ người non dạ là chúa đòi kiểu này. “Nữ” của họ là bọn “khờ thấy mẹ. Dịp tám tháng ba, có tí tiền học bổng, hay chôm của bố, mượn của bạn, moi của con em ….các “bố trẻ quèo ngay được các “mẹ ranh”. Quà là cái chi, đưa lúc nào, không thấy, nhưng cái lúc “mẹ ranh” đi “khắc phục hậu quả của “tình cho không biếu không”, “bố trẻ ngồi phát tán đoạn phim hai đứa “vui vẻ lên internet, thì kẻ viết bài có trông thấy. Và bái phục lắm!

Ai cũng hiểu quà cáp là văn hóa, là tình nghĩa, là dầu nhớt bôi trơn quan hệ xã hội, cộng đồng. Cấp độ và cách thức tặng quà nhiều khi thiêng liêng ghê gớm- trường hợp người mẹ, người vợ, người yêu tặng con, tặng chồng, tặng bạn trai sinh mệnh, tuổi thanh xuân, lòng trung thành cho đất nước Việt Nam dài bao nhiêu thế kỷ, là bấy nhiêu dài quà tặng vô hình và vô giá này. Chỉ dùng một ngày tám tháng ba trả nghĩa tượng trưng cho những phụ nữ cao quý nọ liệu có quá nhiều để đến nỗi phải đong đếm, phải trịch thượng, dối lừa  không?

Sinh làm người đã khổ. Sinh làm phụ nữ còn khổ gấp bội (thậm chí nhiều thai nhi gái còn bị hủy bỏ, không được sinh ra). Thời xưa, phụ nữ ở Châu Âu được mệnh danh là “con vật tóc dài”, ở Châu Á là “cái máy đẻ, là “cái chổi đầu hè. Phòng khi mưa nắng đi về chùi chân”. Thời nay, tiếng là đã đựơc giải phóng, được sánh vai cùng nam giới trên mọi mặt trận nhưng trong thực tế, phụ nữ còn “three in one” (làm một bằng ba) còn hơn trước 1975 – làm như trâu ở nhà, chạy như ngựa ngòai xã hội, và như…. trên giường ngủ. Đủ thứ vòng kim cô trói buộc, từ lúc sinh ra tới lúc chết đi!

Nhắc các ngài phái “khẻo” mấy lời như vậy để liệu mà pha trộn nhiều nhiều lương tâm trong quà tặng “cái nồi đất”, “cái lu”, hay “cái chổi đầu hè. Vì cho dù xấu xí, kém cỏi thế nào đi nữa, thì nó cũng là cái an toàn, quen thuộc, “cái của mình”.

XH