Menu Close

Chiếc túi thần kỳ

Có một thứ chôn thì không phân huỷ, đốt thì không cháy, chỉ nhả ra một làn khói độc khét lẹt rồi co rúm lại thành một cục đen đen hình thù gớm ghiếc, là thứ của nợ của thế giới văn minh để lại cho môi trường sống mà loài người chưa tìm được cách dứt bỏ hẳn nó. Thứ gì mà khủng khiếp vậy ta? Xin thưa rằng đó là cái túi ni-lon.

alt

Bảo Huân

Túi ni-lon có thể chứa mọi thứ trên đời, từ thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, văn hoá phẩm… ngoài ra nó còn dùng cho những việc kinh dị khác nữa mà tôi sẽ kể ra sau đây. Lâu nay chúng ta đã quen với sự có mặt của túi ni-lon trong mọi sinh hoạt, hãy tưởng tượng một ngày không có túi ni-lon thì đời sống chúng ta sẽ thay đổi như thế nào!

Ngày còn nhỏ, tôi nghe ông tôi kể mấy câu chuyện bi hài xảy ra vào lúc xứ mình chưa có túi ni-lon. Ở miền quê, dân nghèo đi làm thuê, đến cuối ngày được chủ trả công bằng tiền, nhưng có khi lại bằng gạo. Tình cảnh ấy thường thật khổ, vì cái nghèo luôn đi đôi với sự vụ nhà đông con: “Gạo cứ lệ ăn đong bữa một/vợ quen dạ đẻ cách năm đôi” (Thơ Trần Tế Xương). Có khi cuối ngày không có rá rổ gì để đựng gạo, người làm thuê bèn đổ gạo vào vạt áo, lấy dây chuối buộc túm lại khệ nệ mang về. Túm gạo này là cho bữa cơm chiều mà vợ và bầy con đang ngóng đợi. Có anh đi ngang qua cánh đồng, lớ ngớ vấp phải mô đất, ngã sóng soài, gạo đổ tung toé xuống bùn. Thế là đêm ấy cả nhà nhịn đói đi ngủ. Bi kịch này có lẽ đã không xảy ra nếu ngày ấy có túi ni-lon. Ông tôi lại kể một anh nọ bản tính vụng về, được vợ ưu ái sai đi mua các thứ  về nấu canh cua. Mua mọi thứ xong, hai tay anh bận cầm cua và rau, bà hàng đưa thêm gói mắm tôm được gói vào miếng lá chuối, anh bèn giắt gói mắm vào thắt lưng quần. Đi nửa đường lá chuối rách, mắm chảy rỉ rỉ ra ướt cả quần, và dĩ nhiên ướt cả cái trong ấy! Rửa đi thì sợ vợ mắng, vét lại mà ăn thì… kỳ quá. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Ông đố rằng nếu tôi là anh chàng vụng về ấy thì phải làm như thế nào, câu đố thật “ác”, đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra cách giải. Hài kịch này đã không xảy ra nếu ngày ấy có túi ni-lon.

Với đặc tính kín hơi, không thấm nước, nhẹ và bền, nên khó có thứ vật liệu nào có thể thay thế túi ni-lon. Có ý kiến cho rằng các nhà khoa học nên nghiên cứu một loại túi có đặc tính tự phân hủy để thay cho túi ni-lon. Nếu ý kiến này thực hiện được thì tuyệt vời biết bao. Ngày nay người ta dùng túi giấy, hộp nhựa và hộp xốp dùng để đựng thực phẩm nhưng vẫn chưa hoàn toàn thay thế được nó.

Tùy vào từng địa phương mà túi ni-lon được gọi theo những cách khác nhau: miền Nam thì “bao ni-lon”, miền Trung là “bọc ni-lon”, còn miền Bắc là “túi ni-lon”. Ngày nay túi ni-lon xuất hiện khắp nơi, từ các siêu thị sang trọng dưới cái tên “túi xốp” được in ấn rất mỹ thuật đến những bãi rác. Có khi người ta in lên túi những thông điệp muốn chuyển tải đến mọi người. Mới đây tôi thấy có túi in dòng chữ: “SAY NO TO CHINA PRODUCTS”.

Từ dưới đáy biển đến những ngọn núi cao ngất trời đều có túi ni-lon. Bởi máy bay, tàu thuyền xả rác xuống biển, còn du khách và các nhà thám hiểm thì xả rác tận trên đỉnh Hy-Mã-Lạp-Sơn. Mà hễ nơi nào có người là nơi đó có rác, nơi nào có rác là nơi đó có túi ni-lon. Nếu có dịp bạn đi tàu lửa Nam – Bắc thì sẽ thấy dọc hai bên đường rầy vô số túi ni-lon chưa tiêu hủy mà hành khách vất xuống, nhìn bẩn mắt thấy ghê. Cứ theo đà này, có khi sẽ có ngày túi ni-lon có mặt trên mặt trăng chứ chẳng chơi.

Ngoài công dụng để đựng đồ, người ta còn dùng túi ni-lon vào những việc khác rất ghê gớm. Tôi nghe kể rằng trong nhà tù, các tù nhân thanh toán nhau bằng cách dùng túi ni-lon trùm đầu cho chết ngạt, hoặc đốt chảy ra rồi chế vào người nhau cho phỏng, đòn ác này được gọi là “hỏa tốc”.

Vào những năm sau 1975, cho đến mãi năm 2000, ở Sài Gòn có những vùng người ta thấy túi ni-lon được phơi đầy dọc theo các con hẻm, đặc biệt là những khu nhà ổ chuột dọc theo các con kênh rạch ở các quận ngoại thành và quận 4, quận 8. Từng đoàn người ở các khu xóm này ngày ngày đi nhặt những thứ phế thải trong các bô rác, bãi rác. Mà trong các thứ hổ lốn ấy, túi ni-lon là món chủ yếu, nên những người sống bằng nghề này được gọi là dân “móc bọc”. Mỗi người tay cầm một chiếc bao tải nhỏ đựng các thứ thu nhặt được, tay kia là một que gắp bằng kim loại, có khi là một thanh sắt được bẻ quặp lại theo hình thể chiếc móc câu để dễ thao tác. Túi ni-lon đã qua sử dụng được giặt rửa lại rồi mang phơi. Sau đó được các vựa ve chai và cơ sở bao bì mua lại mang về tái chế. Những năm sau này, khi đi qua các khu xóm cũ ấy tôi không còn thấy cảnh phơi túi ni-lon tràn lan như xưa, nhiều khu xóm đã bị giải toả và thay bằng các cao ốc chung cư. Lý do là vì ngày nay nguyên liệu chế tạo túi ni-lon không còn khan hiếm như trước nên các chủ vựa ve chai trả rẻ loại túi đã qua sử dụng được dùng để tái chế, không bỏ công cho người đi nhặt. Người nhặt rác không còn xem túi ni-lon là thứ chủ yếu để tìm nhặt nữa mà họ quan tâm đến lon bia, vỏ chai nhựa hơn. Hôm nay không còn cảnh người đi móc bọc kéo nhau thành đoàn trên các đường phố. Nhưng hình ảnh những đứa trẻ gầy còm, đen đúa, vai vắt chiếc bao tải, tay cầm chiếc que móc đang loay hoay kiếm sống trên những bô rác, hay hình ảnh tương phản ghê gớm khi chúng lang thang qua những khách sạn, nhà hàng sang trọng, tráng lệ, rực rỡ ánh đèn màu ở trung tâm thành phố, vẫn còn in đậm trong trí nhớ nhiều người dân, như biểu hiện đặc trưng cho một giai đoạn của đất nước.

Mặc dù đã được giới y tế cảnh báo rằng các hạt polymer khi tiếp xúc với nhiệt độ bất thường, nóng quá hoặc lạnh quá, thì sẽ phát sinh độc tố, nhưng dân ta vẫn hồn nhiên đựng bún, phở, nước lèo, nước đá trong túi ni-lon. Lại vẫn cái lý cũ mèm: giày dép còn có số huống chi người ta, trời kêu ai nấy dạ, ở dơ sống lâu! Nhiều hàng quán vẫn sử dụng túi ni-lon, và không tính thêm tiền. Với những hàng quán cải tiến hơn trước, họ dùng hộp nhựa hoặc hộp xốp để đựng thức ăn cho khách, và khách hàng sẽ bị tính thêm 1 hay 2 ngàn đồng; số tiền tuy nhỏ nhưng với người nghèo thì mất đồng nào là xót đồng đó.

Người yêu của anh bạn tôi vừa lên xe bông, kẹt cái là không phải cùng xe với hắn. Tôi lỡ miệng hỏi một câu cực kỳ vô duyên, “Này, thế cậu có buồn không?”. Hắn ra vẻ tỉnh bơ trả lời, “Buồn sơ sơ, yêu ngoài da nên chỉ buồn ngoài da. Tuy thế, buồn tình thì có cái túi ba gang nào mà  đựng cho hết? Đừng hỏi nhảm nữa, đi làm vài ve thôi!”. Tuy cố nói với giọng đùa cợt nhưng tôi biết hắn đau, đau lắm.

Tôi mơ mộng hảo. Đến bao giờ người ta có thể chế ra cái túi thần kỳ đựng hết khổ đau của con người, rồi chôn vĩnh viễn xuống lòng đất, và nó sẽ tan biến mất rất nhanh? Thôi, trong khi chờ đợi phát minh đó thì có thể làm gì để tiêu sầu hiệu quả hơn là ra đầu hẻm ngồi nhìn dòng đời Sài Gòn trôi chảy và làm một ve.