Menu Close

Bánh Cam nhân lúc lắc

Bánh cam hay còn gọi là bánh rán là một trong những món hàng rong mà mọi người đều biết đến. Một chiếc  bánh cam nóng giòn trong mùa đông lạnh lẽo thì không còn gì bằng. Chiếc bánh cam căng tròn vàng ươm được bao bọc bởi những hạt mè bé xinh xinh, gây cảm giác thèm ăn cho bất cứ ai nhìn thấy nó. Tuần này ThiênNaBep xin chia sẻ cùng độc giả Trẻ món ăn vặt mà nhiều người yêu thích này.


alt

Nguyên liệu :

Vỏ bánh

– 250 gr bột nếp Vĩnh Thuận
– 25 gr bột gạo
– 60 gr đường xay
– 250 ml nước (có thể không dùng hết)

Nhân bánh

– 100 gr đậu xanh cà vỏ khô
– 100 gr đường
– 50 gr dừa bột hoặc nước cốt dừa (không có cũng không sao)

Vật liệu để chiên

– 1 gói mè
– Dầu ăn để chiên

Cách làm :

Muốn cho nhân lúc lắc bí quyết chỉ nằm trong phần nhân, nhân phải được đông đá, do vậy bạn có thể làm trước phần nhân một ngày hoặc vài tiếng cho nhân đủ độ cứng và không dính vào vỏ bánh.

– Đậu xanh ngâm nở, đãi sạch.
– Nếu bạn dùng nước cốt dừa thì cho nước cốt dừa vào nồi nấu chín cùng đậu xanh, lúc này đậu xanh có thể nấu mềm nước một tí không sao, quan trọng là đậu xanh phải chín mềm đều không có hạt bị sượng.
– Khi đậu xanh chín mềm, bỏ vào máy xay tay, xay mịn đậu xanh, nếu bạn dùng máy xay sinh tố có thể thêm nước cốt dừa để xay, hoặc bạn có thể tán nhuyễn qua rây.
– Cho đậu xanh và đường vào chảo, sên cho đậu xanh và đường mịn màng khô ráo. Nếu bạn dùng dừa bột thì lúc này bạn cho dừa bột vào và sên cùng với nhân và đường
– Vo đậu xanh thành từng viên nhỏ kích thước khoảng quả tắc. 100 gr đậu xanh vo được 15 viên.
– Cho đậu xanh đã vo viên vào hộp bỏ vào ngăn đá tủ lạnh từ 4 tiếng trở lên, bạn có thể làm trước, khi nào  muốn ăn mới bắt đầu nhào bột và chiên rất tiện lợi cho việc sắp xếp thời gian.

 Cách nhồi bột

– Khi bạn muốn ăn hãy nhồi bột vì bột này không cần ủ, nhồi xong làm liền.
– Cho bột nếp, bột gạo, đường xay vào thau trộn đều, chế từ từ lượng nước vào nhồi đến khi khối bột mịn màng dẻo, không khô cứng vừa mịn tay là được, nếu bạn dùng bột mới sẽ sử dụng khoảng 220 ml, nếu bột cũ thì 250 ml, bạn nên canh chừng lượng nước vừa đủ để khối bột mềm dẻo là được.
– Khi khối bột đã mềm dẻo thì chia bột thành 15 phần bằng nhau mỗi viên bột là 40 gr, nếu bạn làm nhân nhỏ hơn có thể chia bột vỏ bánh nhỏ hơn.
– Sau khi bột đã chia xong, dùng từng viên bột chỉ cần nhấn dẹp 1 cái rồi cho viên nhân vào giữa bọc lại, lưu ý không đè bột ra mảng rộng, phải bọc nhân thật kín không cho không khí lọt vào bên trong, lúc này nhân đã đông cứng nên bạn tha hồ mà nặn vo không sợ bể viên nhân. Sau khi viên nhân đã được bọc kín thì vo tròn rồi đặt vào đĩa có chứa mè lăn sơ 1 vòng. Cứ làm vậy cho hết nhân và hết bột.
– Sau khi đã bọc xong hết nhân và hết bột, bạn mới vo chặt lại từng viên bánh và áo thật đều mè vào viên bánh, vừa lăn vừa vo cho mè bám đều, bánh tròn đều.

Cách chiên bánh

– Bánh này không dùng bột nổi mà để bánh tự nhiên nổi, nên do đó bạn phải chiên bánh với lửa thật nhỏ, dầu lúc nào cũng chỉ sôi lăn tăn. Để bánh có đủ thời gian nổi đều no tròn.
– Bắc chảo dầu lên bếp, chế dầu vào ngập khoảng 2/3 viên bánh. Cho bánh vào ngay từ khi dầu còn nguội. Lưu ý chảo phải đủ to cho bánh nở, có chỗ cho bánh nhảy múa, để bánh có thể vàng đều đẹp không bị chỗ trắng chỗ vàng nhé.
– Dùng đũa đảo nhè nhẹ viên bánh để viên bánh lăn đều trong dầu. Lửa lúc này phải trung bình, bạn phải canh dầu trên bếp lúc nào cũng chỉ sôi lăn tăn, không sôi mạnh, nếu bếp bạn nóng quá bạn có thể tắt bếp 1 tí cho giảm độ nóng rồi bật lên lại. Lúc nào chảo dầu cũng ở nhiệt độ nóng trung bình. Lăn đều bánh cho đến khi bánh nở đều vàng đẹp.

Lưu ý:

– Nếu khi chiên bánh, bạn thấy cái bánh phồng to căng tròn sắp nổ tung thì bạn dùng đũa đè nhè nhẹ bánh xuống dầu, cứ đè cho không khí trong bánh lọt ra ngoài, không sợ bánh méo mó, vì khi bạn buông đũa ra, bánh sẽ tự động tròn đều trở lại.
– Thành phần bánh gồm bột nếp, bánh nở đều đẹp do bột nếp, bột gạo thì làm cho bánh cứng cáp, khi bánh nguội bánh vẫn tròn đều, thành phần bột gạo phải vừa vặn vì nếu bột gạo ít quá bánh sẽ bị méo mó hoặc xẹp lép khi nguội, nhưng nếu bột gạo nhiều quá bánh sẽ bị cứng, khi nguội sẽ không thể nào cắn nổi cái bánh vì vừa cứng và vừa dai.
– Bánh muốn nhân lúc lắc, nhân phải đủ độ cứng để khi chiên nhân bánh không dính vào bột.

TNB